Sáng 27/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng, việc xét tặng các danh hiệu thi đua cần bảo đảm sự công bằng, đáp ứng yêu cầu, mục đích của công tác thi đua, khen thưởng là “thành tích đến đâu khen thưởng đến đó”.
Chuẩn đô đốc Đỗ Văn Yên, Phó chính ủy Quân chủng Hải quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Ảnh CHÂU VŨ |
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Lý Tuyết Hạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định quan tâm đến việc bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”. Đại biểu cho rằng, quy định tiêu chuẩn “có thời gian tại ngũ 2 năm trở lên” là chưa phù hợp, bởi thực tế cho thấy, một bộ phận thanh niên xung phong có thành tích, cống hiến nhưng lại không đủ thời gian 2 năm sẽ rất thiệt thòi.
“Tôi đồng tình với quan điểm thành tích đến đâu khen thưởng đến đó. Vì thế, tôi kiến nghị cần thăng hạng trong khen thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang để bảo đảm tính công bằng”, đại biểu kiến nghị.
Còn đại biểu Trần Thị Thu Đông, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu quan tâm đến việc bổ sung xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”. Nhất trí với phương án 1 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu cho rằng, việc sửa đổi lần này khá chặt chẽ, được dư luận đánh giá cao. “Tôi cho rằng việc bổ sung các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các “soạn giả” trong lĩnh vực sân khấu là đối tượng được xét danh hiệu hoàn toàn hợp lý”, đại biểu bày tỏ quan điểm.
Cần quy định rõ “sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan” trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
Thảo luận về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) vào chiều 27/5, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị xem xét bổ sung “Bảo hiểm vi mô là một trong các loại hình Bảo hiểm” tại khoản 1, Điều 7 để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng đối với loại hình Bảo hiểm vi mô. Tại Khoản 3, Điều 19 về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm quy định: "Trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến bên mua bảo hiểm chậm thông báo sự kiện Bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không được áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm Bảo hiểm”. Tuy nhiên, trong dự thảo chưa quy định rõ nội dung “sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan”. Đồng thời, tại Khoản 1, Điều 30 về thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm được dự thảo Luật quy định là thời gian xảy ra “sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan” khác không tính vào thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm. Vì vậy để đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất của các quy định, cũng như dễ áp dụng khi Luật, đại biểu Phúc nghị bổ sung quy định về “sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan” vào phần giải thích từ ngữ của Điều 4 và điều chỉnh theo hướng thống nhất nội dung của khoản 3, Điều 19 và khoản 1, điều 30 của dự thảo Luật kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi). |
Quan tâm đến tiêu chuẩn khen thưởng, Chuẩn đô đốc Đỗ Văn Yên, Phó chính ủy Quân chủng Hải quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng quy định tập thể được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba và Huân chương Quân công hạng Nhất, Nhì, Ba phải có 10 năm trở lên đã được công nhận danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc hoặc Đơn vị Quyết thắng, trong thời gian đó, có từ 3 lần được tặng Cờ Thi đua của Chính phủ và 1 lần được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ hoặc có 3 lần được tặng Cờ Thi đua của Chính phủ và 2 lần được Bộ, ban, ngành, địa phương tặng Cờ Thi đua; tập thể được tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, Nhì và Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba phải có liên tực từ 5 năm trở lên được tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc hoặc Đơn vị Quyết thắng, trong thời gian đó có từ 1 đến 2 lần được tặng Cờ Thi đua của Chính phủ hoặc 2 đến 4 lần được tặng Cờ thi đua của bộ, ban, ngành, địa phương. Quy định tiêu chuẩn như trên là chưa phù hợp. vì trong 5 năm, 10 năm liên tục sẽ có một số năm vừa được công nhận danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc hoặc Đơn vị Quyết thắng, vừa được tặng Cờ Thi đua. Như vậy là trùng khen và chưa phù hợp với nguyên tắc khen thưởng quy định trong dự thảo luật đó là không được khen thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đã đạt được. Mặt khác, về thực tế các tập thể có quy mô lớn sẽ rất khó khăn để đáp ứng tiêu chuẩn 5 năm hoặc 10 năm liên tục trở lên được tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc hoặc Đơn vị Quyết thắng để đạt được khen thưởng.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá cao phần thảo luận của các đại biểu về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Theo Bộ trưởng, dự thảo luật có 88 điều mới, chỉ có 7 điều được sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý và giữ nguyên 7 điều so với luật hiện hành, bảo đảm yêu cầu đổi mới, yêu cầu thực tiễn và thành tích đến đâu khen thưởng đến đó. Vì thế, sau khi được Quốc hội thông qua thì sẽ có tên là Luật Thi đua, khen thưởng.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng trình bày làm rõ 3 nhóm vấn đề mà các đại biểu Quốc hội vẫn còn ý kiến khác. Đó là việc bổ sung danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu; bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”; danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”.
NGỌC NGUYỄN