.
SỐ HÓA HỒ SƠ, GIẤY TỜ

Bước đột phá trong giải quyết thủ tục hành chính

Cập nhật: 19:22, 12/05/2022 (GMT+7)

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 70/KH-UBND về việc thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trong quá trình tiếp nhận giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh trong năm 2022.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là đơn vị đầu tiên thực hiện quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC trong tiếp nhận giải quyết TTHC từ tháng 6. Phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với ông Dương Văn Thơm, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để hiểu rõ hơn về việc này.

Người dân làm thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Người dân làm thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

* Phóng viên: Thưa ông, việc số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC được hiểu như thế nào?

- Ông Dương Văn Thơm: Số hóa có thể tạm hiểu một cách đơn giản đó là tổng hợp các hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm chuyển hồ sơ, kết quả từ bản giấy sang dạng điện tử có giá trị sử dụng như đối với bản giấy để lưu trữ, khai thác, sử dụng cho các giao dịch, trong đó có giao dịch thủ tục hành chính.

Ví dụ khi cơ quan nhà nước cấp Quyết định về chủ trương đầu tư cho DN, đây là kết quả giải quyết thủ tục hành chính và sẽ được số hóa, chuyển vào kho dữ liệu của DN trên hệ thống thông tin. Sau này, nếu DN liên hệ với cơ quan nhà nước để thực hiện các thủ tục hành chính thì sẽ không phải nộp lại Quyết định về chủ trương đầu tư đã cấp trước đó. Đây là một giải pháp nhằm tạo bước đột phá trong công tác cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trên môi trường điện tử.

* Để thực hiện được việc số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC cần những điều kiện gì, thưa ông?

- Có thể đặt ra 4 nhóm điều kiện cơ bản nhất để thực hiện được số hóa: nhóm thứ nhất liên quan đến xác định Danh mục giấy tờ cần số hóa; nhóm thứ hai liên quan đến quy trình các bước số hóa; nhóm thứ ba liên quan đến nhân lực để thực hiện và nhóm thứ 4 là cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác số hóa.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương ban hành hướng dẫn về Quy trình số hóa và hiện đang đẩy nhanh tiến độ tham mưu ban hành Danh mục giấy tờ cần số hóa; rà soát, sắp xếp nhân lực làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và các máy móc, trang thiết bị. Công tác chuẩn bị của Văn phòng UBND tỉnh dự kiến sẽ hoàn thành ngay trong tháng 5/2022, sẵn sàng cho lộ trình số hóa theo chỉ đạo của UBND tỉnh (trừ một số TTHC có yêu cầu các loại giấy tờ đặc thù như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giấy A3, bản vẽ xây dựng giấy A0… sẽ được tiếp tục bổ sung thực hiện).

UBND tỉnh cũng đã giao Sở TT-TT trong tháng 5/2022 phải hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả. Đây được xem là điều kiện quan trọng nhất để có thể thực hiện được việc số hóa theo quy định.

Theo Kế hoạch, việc triển khai thực hiện quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC trong quá trình tiếp nhận giải quyết TTHC bảo đảm 100% hồ được tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh từ ngày 1/6; tại Bộ phận một cửa cấp huyện từ ngày 1/12/2022.
Để thực hiện việc số hóa, từ nay đến hết tháng 5/2022, UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện thực hiện một số nhiệm vụ như: Rà soát, lập danh mục thành phần hồ sơ TTHC cần số hóa; quyết định công bố danh mục hồ sơ TTHC cần số hóa; cấp chữ ký số cho công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công và Bộ phận một cửa cấp huyện để thực hiện số hóa hồ sơ; xây dựng quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại Bộ phận một cửa các cấp; hoàn thiện hệ thống phần mềm CNTT phục vụ việc số hóa.

* Số hóa hồ sơ TTHC sẽ mang lại lợi ích gì, thưa ông?

- Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết sang dạng điện tử sẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch; tăng cường sự kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước; giảm chi phí, thời gian, nhân lực cho công tác in ấn ban hành, lưu trữ văn bản; công tác truy xuất để khai thác sử dụng cũng sẽ nhanh chóng, thuận lợi, chính xác.

Về phía người dân thì có thể hoàn thiện hồ sơ một cách nhanh chóng, thuận lợi, giảm chi phí thông qua việc khai thác kho dữ liệu điện tử; khai thác và sử dụng đầy đủ các tiện ích của dịch vụ công trực tuyến, giao dịch thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Từ đó, giảm chi phí, thời gian, nâng cao sự hài lòng của công dân.

Mục tiêu của việc làm này là dần tiến tới tất cả các TTHC đều được số hóa, tạo tiện ích cho người dân, DN cũng như cơ quan hành chính nhà nước, giúp tiết kiệm chi phí. Đồng thời, nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần hình thành công dân số, DN số trong xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, góp phần bảo đảm điều kiện cơ bản cho xây dựng Chính quyền điện tử tại BR-VT.

Đây được coi là bước đột phá trong việc tiếp nhận, giải quyết TTHC một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính gắn với số hóa. Từ đó, xây dựng được nền hành chính hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và chỉ số cải cách hành chính của tỉnh trong thời gian tới.

CẨM NHUNG
(Thực hiện)

.
.
.