KỲ HỌP THỨ 3, QUỐC HỘI KHÓA XV

Quy định cụ thể hơn quyền hạn của lực lượng Cảnh sát cơ động

Thứ Năm, 26/05/2022, 20:12 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 26/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường, cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát cơ động. Dự án Luật đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 2 và dự kiến được thông qua tại kỳ họp này.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp hình lưu niệm với Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: CHÂU VŨ
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp hình lưu niệm với Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: CHÂU VŨ

Dự thảo Luật quy định cụ thể 7 quyền hạn của Cảnh sát cơ động, trong đó kế thừa 5 quy định về quyền hạn tại Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, bổ sung thêm 2 quyền hạn. Thứ nhất là được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên máy bay dân sự để làm nhiệm vụ trong các trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp đối tượng có hành vi nguy hiểm sử dụng vũ khí; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và sử dụng máy bay do cấp có thẩm quyền huy động riêng cho Cảnh sát cơ động để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.

Quyền hạn thứ hai được bổ sung thêm cho Cảnh sát cơ động là ngăn chặn, vô hiệu hóa máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ động trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Lương, chính sách hỗ trợ phải tương xứng với trình độ, năng lực, công sức của y, bác sĩ
Thảo luận ở tổ chiều 26/5, về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định, Luật Khám, chữa bệnh năm 2009 đã tạo hành lang pháp lý vô cùng quan trọng cho công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khám, chữa bệnh. Song qua thực tiễn 11 năm thực hiện, đã nảy sinh bất cập.
Dự thảo luật lần này đã có sự quan tâm sâu sát của các cơ quan tham mưu soạn thảo và tiếp thu ý kiến qua các lần được đóng góp để có thể giải quyết các vấn đề: nguồn lực y tế, quy định nâng cao chuẩn hóa kỹ năng nghiệp vụ của hành nghề y. Dự thảo luật có thêm điểm mới là kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp phép, bắt buộc phải được cập nhật kiến thức y khoa liên tục để được cấp phép lại theo quy định, thay cho việc ra trường đương nhiên được hành nghề cho đến cuối đời.
Tuy nhiên, để làm rõ các quy định tại Điều 18 Chức danh nghề nghiệp về cấp giấy phép hành nghề, Điều 22 về thực hành nghề khám, chữa bệnh, Điều 23 về cập nhật kiến thức y khoa, Điều 27 về thời hạn giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị dự thảo luật trình phương án về thẩm quyền cấp phép hành nghề cần được nghiên cứu kỹ hơn, rõ hơn, bảo đảm chất lượng, không làm phát sinh các thủ tục hành chính.
Ngoài ra, trong đại dịch COVID-19, các chính sách về tiền lương, hỗ trợ cho đội ngũ y, bác sĩ chưa tương xứng với năng lực, trình độ và công sức. Do đó, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị quan tâm và có chính sách đặc thù, phù hợp với lực lượng y tế.
Còn theo đại biểu Dương Tấn Quân, Trưởng Khoa Nội soi Bệnh viện Bà Rịa, Điều 4 trong Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chưa thể hiện rõ các chính sách, liên quan tới đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo. Đối với xã hội hóa, điều 4 chỉ nêu “đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho hoạt động khám chữa bệnh” chưa thể hiện rõ ràng chính sách của nhà nước như thế nào.
Ngoài ra, hoạt động đầu tư phát triển các dịch vụ khám chữa bệnh, đặc biệt phát triển các cơ sở khám chữa bệnh không vì mục đích lợi nhuận là mô hình cần thiết nhân rộng. Nhưng Khoản 3, Điều 4 chưa thể hiện khuyến khích của Nhà nước hay cơ chế hỗ trợ ưu đãi cho mô hình khám chữa bệnh không vì mục đích lợi nhuận, do đó đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị có cơ chế khuyến khích ưu đãi…

Về quyền hạn của Cảnh sát cơ động, đa số ý kiến nhất trí quy định như Dự thảo Luật. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ hơn, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các đại biểu cũng lưu ý, do việc thực hiện quyền hạn của Cảnh sát cơ động có liên quan tới quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp, quyền về tài sản được pháp luật bảo hộ nên cần tiếp tục được rà soát, bảo đảm tính khả thi, thuận lợi và tránh lạm quyền…

Tại Kỳ họp thứ 3, các đại biểu và cơ quan soạn thảo tiếp tục thảo luận, cho ý kiến và làm rõ vị trí, vai trò của lực lượng Cảnh sát cơ động so với các lực lượng khác trong Công an Nhân dân, từ đó làm nổi bật sự thuyết phục cần thiết phải ban hành đạo luật riêng cho lực lượng này.

XUÂN TÙNG

;
.