Góp ý xây dựng Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi):

Khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán, giám sát

Thứ Bảy, 28/05/2022, 11:45 [GMT+7]
In bài này
.

Chiều 26/5, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phát biểu thảo luận tại tổ góp ý xây dựng Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao đổi với các đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong giờ giải lao kỳ họp.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao đổi với các đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong giờ giải lao kỳ họp. Ảnh: CHÂU VŨ

Đại biểu Nguyễn Thị Yến cho biết, Luật Thanh tra được Quốc hội khóa 12 thông qua ngày 15/11/2010, là một trong những đạo luật quan trọng của Hệ thống pháp luật Việt Nam. Qua thực tiễn tổ chức thi hành pháp luật, bà nhận thấy Luật Thanh tra đã phát huy tốt hiệu quả điều chỉnh các hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách pháp luật, để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục, phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định pháp luật, phát huy nhân tố tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, góp phần ổn định, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phòng chống tham nhũng.

Bà Nguyễn Thị Yến cơ bản thống nhất với một số nội dung của dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi gồm 08 chương 116 điều (tăng 01 chương và 38 điều so với Luật Thanh tra hiện hành). Ban soạn thảo đã chuẩn bị dự Luật và dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành luật chu đáo, công phu; Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra dự án luật kỹ lưỡng, thấu đáo, tiếp thu nhiều ý kiến chất lượng.

Về một số nội dung cụ thể, qua nghiên cứu, bà Nguyễn Thị Yến đề nghị Quốc hội và Ban soạn thảo cân nhắc xem xét một số nội dung sau:

1. Về việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ  và Thanh tra Sở

Qua nghiên cứu các Điều 19 đến Điều 22 và Điều 27 đến Điều 30, quy định về thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục và Thanh tra Sở, nhận thấy tại Khoản 2, Điều 19 Dự thảo luật quy định: Ở các Bộ, ngoài Thanh tra Bộ còn có Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập theo yêu cầu quản lý, theo quy định của pháp luật chuyên ngành và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Và tại Khoản 3, Điều 27 quy định: UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra Sở căn cứ vào quy định của luật chuyên ngành, yêu cầu quản lý trên từng lĩnh vực và biên chế được giao tại địa phương.

Bà Nguyễn Thị Yến đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc làm rõ: Tất cả các Tổng cục, Cục thuộc Bộ và tất cả các Sở thuộc UBND tỉnh đều thành lập tổ chức Thanh tra hay chỉ một số Tổng cục, Cục và một số Sở mới thành lập tổ chức Thanh tra. Việc ở Bộ, Tổng cục, Cục đều có tổ chức Thanh tra thì có chồng chéo khi thực hiện chức năng nhiệm vụ không, vì cùng một Bộ mà có nhiều tổ chức Thanh tra. Vấn đề này cũng liên quan đến tổ chức biên chế - phát sinh tổ chức thì phát sinh thêm biên chế. Ở địa phương, nếu quy định cho UBND tỉnh quyết định thành lập mà không có quy định thống nhất ở Sở nào cần thành lập tổ chức Thanh tra thì mỗi địa phương sẽ thực hiện khác nhau, xảy ra tình trạng không đồng bộ tại các tỉnh, thành phố - đó là cùng một sở giống nhau nhưng ở tình này thành lập tổ chức thanh tra sở, tỉnh khác lại không thành lập, nên phải có thiết chế hoặc có hướng dẫn thống nhất. Mặc khác, nếu các Sở thành lập tổ chức Thanh tra Sở thì có bổ sung biên chế không, vấn đề này cần phải cân nhắc, xác định cụ thể.

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tổ góp ý xây dựng Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), chiều 26/5. Ảnh: CHÂU VŨ
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tổ góp ý xây dựng Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), chiều 26/5. Ảnh: CHÂU VŨ

2. Về các hình thức và trình tự, thủ tục thanh tra

* Về hình thức thanh tra

Qua nghiên cứu Luật Thanh tra hiện hành có 03 hình thức thanh tra là (1) thanh tra theo kế hoạch, (2) thanh tra thường xuyên và (3) thanh tra đột xuất. Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này đã bỏ hình thức thanh tra thường xuyên.

Bà Nguyễn Thị Yến thống nhất cao với quan điểm giảm bớt hình thức thanh tra thường xuyên, chỉ còn hình thức thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất như Điều 46 dự thảo Luật quy định, vì xuất phát từ thực tiễn thanh tra hơn 10 năm qua, nhận thấy hình thức thanh tra thường xuyên có những điểm tương tự với kiểm tra thực hiện nhiệm vụ, nên dễ trùng lắp, dẫn đến lạm dụng, khó phân biệt giữa thanh tra và kiểm tra.

* Về trình tự, thủ tục thanh tra

Điều 43 của dự thảo Luật quy định hoạt động thanh tra được thực hiện theo quy định của Luật này; đồng thời, trình tự, thủ tục thanh tra, gồm thành lập Đoàn thanh tra, chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra và kết thúc cuộc thanh tra,… quy định tại Chương IV được áp dụng chung cho cả thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị cần quy định trình tự, thủ tục thanh tra chuyên ngành và thanh tra hành chính riêng biệt, không gộp chung trình tự, thủ tục chung như Điều 43 của dự luật vì tính chất 02 loại thanh tra này là khác nhau.

Việc quy định riêng về trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành trong Luật này để vừa bảo đảm hoạt động thanh tra được thực hiện đồng bộ, chuyên nghiệp, đúng mục đích, vừa phù hợp với đặc thù của từng loại hình hoạt động thanh tra.

Mặt khác, để tránh phát sinh vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật, đề nghị nghiên cứu quy định thống nhất nguyên tắc áp dụng pháp luật theo hướng làm rõ những nội dung phải thực hiện theo Luật Thanh tra, những nội dung các luật chuyên ngành có thể quy định khác để phù hợp với tính chất của Luật Thanh tra là đạo luật “gốc” về thanh tra. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ lưỡng, đề xuất sửa đổi, bổ sung đồng bộ các quy định không còn phù hợp tại các luật khác có liên quan để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

3. Về việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán, giám sát

Thực tiễn phát sinh từ cơ sở thời gian qua cho thấy, hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của các ngành (cơ quan Kiểm tra của Đảng, Giám sát của Quốc hội, HĐND, Thanh tra, Kiểm toán nhà nước của Trung ương và địa phương) lên kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát hàng năm tại địa phương dày đặc. Có những vụ việc cùng một nội dung vấn đề nhưng có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cấp có thẩm quyền thực hiện thanh tra, kiểm tra.

Để khắc phục tình trạng này, bà Nguyễn Thị Yến đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung cụ thể các quy định nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán, giám sát của các cơ quan Đảng, Nhà nước; quy định rõ trách nhiệm phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kiểm toán, giám sát với cơ quan thanh tra trong quá trình xây dựng định hướng chương trình, kế hoạch thanh tra; chỉnh lý quy định của dự thảo Luật về xử lý chồng chéo với các hoạt động trên cho phù hợp. Theo đó, cần có nội dung quy định phân cấp rõ ràng nếu cùng một nội dung vụ việc đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cao hơn thực hiện thì các cấp thấp hơn không thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát nữa để giảm bớt áp lực cho đối tượng thanh tra, kiểm tra.

Bên cạnh đó, cần có quy định, hướng dẫn đối với kết luận thanh tra phải rõ ràng, chặt chẽ, làm rõ được trách nhiệm, kiến nghị xử lý cụ thể, không chung chung, đùn đẩy trách nhiệm. Khắc phục được tình trạng đang thực hiện Thanh tra, chưa có kết luận cụ thể, chưa họp bàn thống nhất phương án xử lý, chưa rõ dấu hiệu vi phạm đến mức phải xử lý hình sự đã chuyển sang cơ quan điều tra để thực hiện theo thủ tục tố tụng hình sự - thực tiễn thời gian qua đã xảy ra vấn đề này.

CHÂU VŨ

(Ghi)

 

;
.