.

Đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt quy hoạch mang tính cấp thiết

Cập nhật: 15:55, 30/05/2022 (GMT+7)

 

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao đổi với các đại biểu Quốc hội về công tác quy hoạch trong giờ giải lao sáng 30/5. Ảnh: CHÂU VŨ
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao đổi với các đại biểu Quốc hội về công tác quy hoạch trong giờ giải lao sáng 30/5. Ảnh: CHÂU VŨ

Sáng 30/5, phát biểu thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề cập 2 nội dung: Công tác quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh; Cân nhắc hạn chế việc một đơn vị tham gia tư vấn nhiều quy hoạch trong cùng thời điểm.

TIẾN ĐỘ LẬP, PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CÒN CHẬM

Thống nhất cao với Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” của Đoàn giám sát Quốc hội và của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, đại biểu Nguyễn Thị Yến nhận định: Hệ thống Báo cáo được xây dựng công phu, đánh giá sâu sắc, như bức tranh tổng thể, bao quát, bảo đảm tiến độ và mục tiêu giám sát đề ra.

Để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh: Theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, có tổng số 111 quy hoạch được lập gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch không gian biển, quy hoạch 6 vùng, quy hoạch 63 tỉnh/thành phố, quy hoạch 39 ngành.

Mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho phép lập đồng thời các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia tại Nghị quyết số 751 ngày 16/8/2019, để khắc phục tình trạng quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch quốc gia chưa lập, phê duyệt xong, nên không có căn cứ để lập các quy hoạch cấp dưới. Đồng thời khi các quy hoạch thời kỳ 2011-2020 hết hiệu lực, thì không còn cơ sở để thực hiện các dự án đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay mới có 7 quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt. Còn 104 quy hoạch chưa hoàn thành: lập, phê duyệt, cho thấy tiến độ còn chậm so với yêu cầu.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch sáng 30/5. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch sáng 30/5. Ảnh: CHÂU VŨ

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, việc chậm tiến độ có nhiều nguyên nhân, Song nguyên nhân khách quan chính là do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. Trong thời điểm gay go ác liệt này, cả hệ thống chính trị cả nước phải gồng mình tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Và nguyên nhân chủ quan quan trọng nhất là, do Luật Quy hoạch, các luật và các văn bản hướng dẫn thi hành còn chồng chéo, nhiều bất cập. Đã phát hiện có 318 nội dung vướng mắc từ các quy định pháp luật phát sinh trong thực tiễn cần kiến nghị sửa đổi bổ sung. (Phụ lục 4 của Đoàn giám sát).

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Yến thống nhất cao với các kiến nghị của Đoàn giám sát Quốc hội về nội dung: Cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện 8 nội dung mà Luật Quy hoạch và các luật hiện hành chưa quy định hoặc đã quy định nhưng có bất cập, vướng mắc thì được thực hiện khác với các Luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch.

“Tôi kính đề nghị Quốc hội cân nhắc, ngoài việc cho phép kéo dài thời gian, cần quy định mốc thời gian hoàn thành 104 quy hoạch còn lại theo hướng: Cho phép điều chỉnh tiến độ lập quy hoạch, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt trong năm 2022 đối với các quy hoạch cấp quốc gia mang tính cấp thiết, tạo thuận lợi cho việc điều hành, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cơ bản hoàn thành các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, trong năm 2023 đồng thời cũng kính đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sớm có kế hoạch, chương trình phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện với lộ trình cụ thể, để đảm bảo tiến độ hoàn thành các quy hoạch trên” - đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị.

Đối với các vấn đề vướng mắc, chưa được luật quy định, hoặc chồng chéo, xung đột giữa các Luật như: Về thời kỳ và tầm nhìn quy hoạch có sự khác biệt giữa Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị; Mối quan hệ giữa quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị với quy hoạch sử dụng đất, cái nào lập trước, cái nào quyết định - Đây là câu chuyện con gà và quả trứng; Sự thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng; thời hạn quy hoạch, ký hiệu, chức năng sử dụng đất của các quy hoạch…, cần sớm có văn bản hướng dẫn áp dụng, tập huấn thực hiện thống nhất trên toàn quốc, để khắc phục tình trạng mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi địa phương hiểu và áp dụng khác nhau - thực tiễn thời gian qua đã có tình trạng này, khi Quốc hội cho phép thí điểm một số chính sách chưa được pháp luật quy định.

Mặc khác cần quan tâm chỉ đạo sâu sát công tác phối hợp giữa bộ, ngành trung ương với địa phương trong triển khai lập đồng thời các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, để khắc phục tình trạng phải điều chỉnh quy hoạch cấp thấp hơn được phê duyệt trước cho phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn được phê duyệt sau.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến cũng đề nghị sớm tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung. Nâng cấp hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia, thống nhất công nghệ, định dạng dữ liệu về quy hoạch để cập nhật, chia sẻ thông tin.

HẠN CHẾ ĐƠN VỊ THAM GIA TƯ VẤN NHIỀU QUY HOẠCH CÙNG LÚC

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, qua báo cáo cho thấy, có đơn vị tư vấn tham gia nhiều quy hoạch cùng thời điểm. Có những đơn vị, tư vấn đối với 5, 6, 7, 13 và thậm chí là 21 quy hoạch, nên thiếu sự đầu tư về tư duy, tầm nhìn; dẫn đến chất và lượng của các quy hoạch dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả tư vấn không cao, kéo dài thời gian thực hiện.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Quốc hội và Chính phủ cân nhắc việc cho phép đơn vị tư vấn cùng lúc tham gia nhiều quy hoạch và có giải pháp giải quyết hiệu quả vấn đề này, để nâng cao chất lượng và khắc phục tình trạng quy hoạch thiếu tính ổn định, mới được thông qua chưa bao lâu lại phải điều chỉnh, bổ sung làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân

PHÚC LƯU - CHÂU VŨ

 

.
.
.