.
PHIÊN HỌP THỨ 9 ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở

Cập nhật: 18:14, 23/03/2022 (GMT+7)

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 9, sáng 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền cơ sở

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết mục đích xây dựng dự án Luật nhằm hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Ngoài ra, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và DN; đồng thời cụ thể hóa đầy đủ các chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Luật này quy định chung về thực hiện dân chủ ở cơ sở; nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, trong nội bộ cơ quan nhà nước, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập (trừ một số cơ quan, tổ chức đặc thù); trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân. Dự thảo Luật gồm 6 chương, 49 điều.

Thực hiện dân chủ ở cơ sở thực chất, hiệu quả

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng một số văn bản pháp luật liên quan đến dân chủ cơ sở còn xem nhẹ ý kiến của nhân dân, giải quyết chưa kịp thời các quyền lợi hợp pháp chính đáng của nhân dân; thực hiện dân chủ chưa thực sự đi đôi với giữ gìn trật tự kỷ cương; có tình trạng lợi dụng chống đối xuyên tạc, gây mất an ninh trật tự, gây mất đoàn kết chia rẽ nội bộ; còn tình trạng dân chủ hình thức, ý kiến nhân dân chưa thực sự lắng nghe, quyền làm chủ của nhân dân còn bị vi phạm...

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, quan tâm sâu sắc các vấn đề này để đưa vào Tờ trình để có đủ căn cứ để xây dựng Luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ đây là dự án Luật có phạm vi điều chỉnh rộng, rất nhiều loại hình, chủ thể. Do đó, Ban soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra cần nghiên cứu đầu tư kỹ lưỡng, tiếp thu giải trình, hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến.

Dự án Luật này cần được kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương, quan điểm lớn của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng;” đồng thời, xử lý tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, để thực hiện dân chủ ở cơ sở một cách thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, phô trương.

Theo Chủ tịch Quốc hội, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này cần điều chỉnh đầy đủ, toàn diện việc thực hiện dân chủ ở cơ sở bao gồm xã, phường, thị trấn, các cộng đồng dân cư ở tổ, thôn, làng bản, ấp; các tổ chức, cơ quan, đơn vị; DN và các tổ chức kinh tế.

Vì vậy, dự án luật cần quy định đầy đủ các mối quan hệ trong từng loại đơn vị cơ sở, nhưng không quy định lại những nội dung đã được các luật chuyên ngành khác quy định. Bên cạnh đó, các chính sách của dự án luật cần làm rõ các yếu tố cơ bản trong quan hệ thực hiện dân chủ ở cơ sở để làm căn cứ cho việc quy định các hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm tính chính xác, phù hợp, khả thi.

PHAN PHƯƠNG

.
.
.