PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN - PHIÊN HỌP THỨ 9 ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

"Nóng" về giá xăng dầu, thiết bị y tế

Thứ Tư, 16/03/2022, 19:18 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 16/3, tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 9, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã điều hành phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà. Phiên chất vấn được tổ chức trực tiếp, kết nối trực tuyến với 62 tỉnh, thành phố và được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri, nhân dân cả nước theo dõi, giám sát.

Các đại biểu tham dự Phiên chất vấn tại điểm cầu Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.
Các đại biểu tham dự Phiên chất vấn tại điểm cầu Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.

Tại điểm cầu BR-VT, ông Mai Ngọc Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cùng các thành viên trong Đoàn ĐBQH tỉnh và đại điện các sở, ngành tham dự phiên chất vấn.

Làm chủ nguồn xăng dầu sản xuất trong nước

Trong phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, nhiều câu hỏi đặt ra liên quan đến cơ cấu thuế, phí trong tính giá xăng dầu.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (tỉnh Trà Vinh) và đại biểu Nguyễn Đại Thắng (tỉnh Hưng Yên) chất vấn về tình hình nguồn cung xăng dầu, giá dầu thế giới tăng cao khiến DN, đại lý không có chiết khấu dẫn đến tình trạng găm hàng, treo biển hết xăng. Đặc biệt giá xăng tăng cao nhất lịch sử làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Người đứng đầu ngành công thương cho biết giá xăng dầu thế giới tăng đột biến do đứt gãy nguồn cung ở các nước có sản lượng dầu thô lớn. Điều này làm thị trường xăng dầu thế giới đảo lộn trong thời gian qua. “Trong khi đó nước ta cũng đang gặp khó khăn do nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất đột ngột xuống 80%, thậm chí có lúc chỉ 55%. Ngay từ tháng 1, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ, các DN đầu mối nhập đủ sản lượng do nhà máy Nghi Sơn thiếu hụt để đảm bảo nguồn cung”, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nói.

Theo đó, đến giữa tháng 2, Việt Nam bảo đảm đủ nguồn cung hết tháng 3 nhờ lượng hàng tồn và nhập khẩu bổ sung từ 15/3 với khoảng 3 triệu m3 xăng. Hiện tại, bình quân nhu cầu xăng dầu trong nước chỉ khoảng 1,3 triệu m3/tháng. Bộ cũng chỉ đạo các DN nhập khẩu tháng 3 gấp 2 lần bình thường từ 1 triệu m3 trở lên. Do đó, ông Nguyễn Hồng Diên cam kết nguồn cung không lúc nào thiếu.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Huỳnh Thanh Phương (tỉnh Tây Ninh) về việc xăng dầu có giảm giá được hay không, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng việc giảm giá xăng dầu hay không phụ thuộc vào thị trường thế giới. Nhưng với biên độ giá xăng dầu tăng cao thì cố gắng điều hành biên độ tăng trong nước ở mức có thể chấp nhận được, với công cụ là quỹ bình ổn, thuế, phí, các chính sách an sinh.

Bổ sung thêm thông tin, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, với giá dầu thô 130 USD thì giá cơ sở là 30.800 đồng/lít, tỉ lệ thuế/giá xăng dầu là 33,5%. Do đó, ông Phớc cho rằng phương án mà ta giảm thuế cũng chỉ là một giải pháp. Bởi khi giá xăng 130 USD/thùng, ta giảm 2.000 đồng/lít xăng và 1.000 đồng/lít dầu, giảm thu ngân sách là 31.938 tỉ đồng. “Khi dầu thô tăng lên với giá dầu 130 USD/thùng, nền kinh tế của ta rất thiệt hại, càng tăng thì sản xuất càng bị đình trệ, nên sắp tới các bộ sẽ phải tham mưu Chính phủ giải pháp bảo đảm nguồn cung, chống buôn lậu xăng dầu, giảm thuế bảo vệ môi trường, linh hoạt hơn để giá giảm” - ông Phớc nói.

Giải trình thêm vấn đề bảo đảm nguồn cung xăng dầu tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho hay với các nhà máy lọc hóa dầu hiện có là Dung Quất, Nghi Sơn đáp ứng được 70% nhu cầu thị trường, so với nhu cầu xăng dầu cả nước là 20 - 21 triệu m3. Đáng chú ý, nguồn xăng dầu sản xuất tại nhà máy Nghi Sơn và Dung Quất đều phải nhập khẩu, khai thác dầu thô trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu. Về giải pháp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định Chính phủ, các bộ ngành đã tập trung chỉ đạo các khâu sản xuất, nhập khẩu và phân phối.  Chính phủ đã chỉ đạo Bình Sơn sản xuất tăng 105%, Nghi Sơn cam kết sản xuất trở lại, nhập khẩu cho quý 2/2022 tăng thêm là 2,4 triệu m3. Chính phủ cũng có giải pháp sử dụng quỹ bình ổn giá, giảm phí, thuế, có cơ chế chính sách hỗ trợ các đối tượng nếu giá tiếp tục tăng…

Về dài hơi, Phó Thủ tướng khẳng định tinh thần dứt khoát phải làm chủ sản xuất xăng dầu trong nước và theo quy hoạch sẽ có nhà máy lọc dầu có quy mô sản xuất 10 triệu m3 tại BR-VT. “Hiện PVN đã triển khai, cố gắng trong 10 tháng sẽ xong thủ tục đầu tư. Nếu có thêm 10 triệu, cộng 13 triệu hiện nay chúng ta có 23 triệu tấn, đủ nhu cầu trong nước. Đồng thời sẽ tăng thêm khoan dầu, khai thác dầu thô khi hiện mới đáp ứng 50% dầu thô phục vụ sản xuất xăng dầu”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thông tin thêm.

Kiểm soát chặt chẽ thị trường trang thiết bị y tế

Đại biểu Lưu Bá Mạc (tỉnh Lạng Sơn) nêu thực tế: Hiện nay, có tình trạng khan hiếm nguồn cung thiết bị y tế, phòng, chống dịch COVID-19. Hơn nữa đã có tình trạng đầu cơ, găm hàng, hoặc tăng giá bán các thiết bị y tế. Bên cạnh đó, có tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc các mặt hàng nêu trên. Bộ Công Thương có giải pháp khả thi gì để xử lý vi phạm, bảo đảm cân đối cung cầu cũng như bình ổn thị trường thiết bị y tế.

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, thời gian qua, trong lúc nhu cầu về thuốc, vật tư y tế tăng cao, đã xảy ra những vi phạm như đại biểu nêu. Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường, đơn vị chủ lực trong giám sát, tập trung kiểm tra, kiểm soát các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Bộ cũng ban hành công điện từ đầu tháng 3 về việc tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thu giữ và xử phạt.

Kết quả, lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ được 500.000 bộ sinh phẩm xét nghiệm trên các địa bàn của TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Quảng Bình, An Giang, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế. Gần đây nhất, ngày 15/3, lực lượng đã thu giữ 60.000 bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh COVID-19, 3.000 sản phẩm thuốc tân dược và hàng trăm sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc với giá trị hàng chục tỷ đồng trở lên. Đây là vi phạm lớn nhất từ đầu năm đến nay.

Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng để ngăn ngừa từ sớm những hàng hóa, thiết bị, vật tư y tế nhập lậu vào thị trường nội địa; tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các địa phương ưu tiên rất cao cho việc kiểm tra, giám sát và xử lý đối với những mặt hàng người dân đang có nhu cầu tăng cao.

Ngăn chặn trục lợi đấu giá đất

Chiều 16/3, Ủy ban Thường vụ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà về các vấn đề liên quan đến bất động sản, đấu giá đất còn bất cập. Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhìn nhận có cả hiện tượng dìm giá, gây biến động thị trường, tạo nên giá ảo, rút ruột tiền ngân hàng và nhiều hệ lụy khác liên quan vì đất đai là đầu vào mọi dự án đầu tư, nếu nâng lên cao thì hiệu quả đầu tư sẽ không cao. Xác định điều kiện các nhà đấu giá, trình tự thủ tục đấu giá, ông Hà cho rằng nếu thay đổi được thì việc đấu giá với quy trình cần chặt chẽ hơn, áp dụng công nghệ thông tin, tránh tình trạng gây sức ép, đe dọa, hay tình trạng móc ngoặc giữa nhà quản lý và người đấu giá. Vì vậy cần phải có chế tài răn đe hơn, kể cả hình sự, bảo đảm làm sao khi thẩm định phải căn cứ qua ngân hàng. Liên quan đến đầu cơ đất đai, theo ông Hà là có thực, nhiều DN gửi tài sản của mình bằng đất, nhưng đất lên “giá như ngựa phi”.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ cần xây dựng kịch bản bảo đảm an toàn an ninh năng lượng, bảo đảm cung cầu về giá và về xăng dầu trong bất kỳ tình huống và hoàn cảnh nào. Chính phủ sớm trình các cơ quan của Quốc hội để thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết về giảm thuế môi trường của xăng dầu trong phiên họp thứ 9 đợt 2 trong tháng 3 để có thể thực hiện trong tháng 4. Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao thì kết hợp quỹ bình ổn xăng dầu và điều hành về thuế và  các công cụ khác để bình ổn thị trường, có chính sách hỗ trợ các đối tượng ngư dân, người nghèo, người có thu nhập thấp.

Với thổi giá, theo ông Trần Hồng Hà, phải kiểm soát được dự án đầu tư khả thi, lộ trình dự án cho phát triển kinh tế xã hội, phân biệt phân khúc thị trường, nhu cầu bất động sản nhà ở làm phân khúc đầu tư, chứ không phải mục tiêu thu được nhiều tiền trong nhiệm kỳ này, nhiệm kỳ khác. Về quy hoạch sử dụng đất đai, cùng quy hoạch đô thị là rất quan trọng, nên việc làm đẩy giá là hình sự hóa còn khi đang có cơ sở thì không thể hình sự được, muốn làm phải bổ sung chế tài, xem xét hành vi nào.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

;
.