Đối với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Châu Văn Mẫn, ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3) luôn có ý nghĩa đặc biệt. Đúng ngày này 50 năm trước, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại trại giam 6B, nhà tù Côn Đảo đã được thành lập, ghi dấu những năm tháng hoạt động sôi nổi, hào hùng của ông và đồng đội trong những ngày tháng bị giam cầm.
Trung tướng Châu Văn Mẫn chụp ảnh cùng các cựu tù chính trị trại 6B trong một lần trở lại thăm nhà tù Côn Đảo. (Ảnh tư liệu) |
THÀNH LẬP TỔ CHỨC ĐOÀN TRONG NHÀ TÙ
Trung tướng Châu Văn Mẫn kể, trước ngày 30/4/1975, Côn Đảo là một trại tù khổng lồ. Chế độ Mỹ - ngụy giam giữ nơi đây hàng vạn tù chính trị và chia thành nhiều trại, khu. Trại tù giam giữ những người tù biệt lập là Trại 7 (chuồng cọp Mỹ). Trại giam giữ những người tù câu lưu, cấm cố mang tên Trại 6 khu B (6B), là những người tù chính trị đã nhiều năm chống đối địch.
Ngày 3/2/1972, các đảng viên cộng sản của Trại 6B đã thành lập Đảng bộ lấy tên Đảng bộ Lưu Chí Hiếu để lãnh đạo các hoạt động chính trị, nhất là lãnh đạo đoàn viên giữ vững khí tiết của người cộng sản, bảo vệ lực lượng cách mạng trong tù và chuẩn bị mọi điều kiện khi thời cơ đến để tự giải phóng.
Một tháng sau, ngày 26/3/1972, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Lưu Chí Hiếu, Đoàn cơ sở Trại 6B cũng được thành lập, với tên gọi là Đoàn Nguyễn Văn Trỗi. Số lượng tù chính trị Trại 6B khoảng 800 người, được chia ra giam giữ ở 10 phòng. Mỗi phòng có chi bộ, chi ủy, số lượng thanh niên có nhiều nhưng Đảng ủy chỉ đạo chỉ tập hợp khoảng 40 đoàn viên là những thanh niên ưu tú nhất vào hoạt động bí mật trong từng phân đoàn, chi đoàn.
Năm 1983, ông Châu Văn Mẫn cùng mẹ chụp hình lưu niệm tại Chuồng Cọp - nơi ông đã từng bị giam giữ. (Ảnh tư liệu) |
Trung tướng Châu Văn Mẫn lúc ấy được phân công nhiệm vụ Phân đoàn trưởng của phòng 9, Trại 6B và là Ủy viên Ban Sinh hoạt trẻ của Trại, kiêm Trưởng Ban Sinh hoạt trẻ của Phòng (Ban Sinh hoạt trẻ là tập hợp những thanh niên ngoài tổ chức Đoàn).
Toàn bộ các hoạt động trong Trại 6B đều đặt dưới sự lãnh đạo của đảng bộ và chi bộ các phòng.
LỰC LƯỢNG XUNG KÍCH CỦA TRẠI 6B
Từ khi có hoạt động của Đoàn, các mặt công tác trong Trại 6B và các phòng sôi nổi hơn, đặc biệt là vai trò xung kích của đoàn viên, thanh niên như công tác bảo vệ, chống khủng bố đàn áp, chống đóng cửa sổ, bít không khí phòng giam… Đặc biệt, các đoàn viên, thanh niên còn sẵn sàng xông lên phía trước để chịu đòn thay cho người lớn tuổi khi bọn cai ngục phá cửa tràn vào phòng khủng bố, đánh đập tù nhân.
“Điển hình là cuộc đàn áp đêm 19/12/1972. Đêm đó, các phòng đều tổ chức bàn thờ Tổ quốc và tổ chức biểu diễn văn nghệ. Tên Trưởng trại và đám trật tự yêu cầu dỡ bỏ các thứ đem nộp cho chúng. Anh em cương quyết không chấp nhận. Thế là cuộc đàn áp diễn ra, từng phòng bị ném lựu đạn hơi cay. Bị đàn áp là vậy nhưng sáng hôm sau, cuộc mít tinh kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12) vẫn diễn ra long trọng, trang nghiêm”, Trung tướng Châu Văn Mẫn nhớ lại.
Song song đó, lực lượng Đoàn thanh niên còn thực hiện các nhiệm vụ quan trọng như truyền thông tin liên lạc giữa các phòng và giữa các dãy phòng với nhau. Các đoàn viên thanh niên còn phát thanh, hô la tố cáo chế độ giam giữ của chính quyền Mỹ-ngụy tại Côn Đảo, hoặc nêu những yêu sách của người tù với chính quyền sở tại và chính quyền Sài Gòn.
Đáng kể là hoạt động làm báo, biên chép tài liệu học tập, phục vụ văn hóa, văn nghệ trong phòng, trong trại cũng do đoàn viên, thanh niên đảm nhiệm.
Qua đấu tranh, rèn luyện và thử thách, những thanh niên tiêu biểu, tiến bộ được xét chọn, kết nạp vào Đoàn. Những cán bộ đoàn viên, thanh niên tiêu biểu, gương mẫu được xét kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.
Trung tướng Châu Văn Mẫn hồi tưởng: “Đó là lớp thanh niên được rèn luyện qua thử thách, gan dạ, dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu, hăng say học tập lao động xây dựng cuộc sống tập thể, hết lòng yêu thương đùm bọc nhau. Quá trình đấu tranh, rèn luyện, các đoàn viên, thanh niên được đảng ủy, chi ủy giáo dục, bồi dưỡng về chính trị, đào tạo trở thành cán bộ của Đảng. Nhiều đồng chí sau ngày 30/4/1975 trở về đất liền được bổ sung về các đơn vị và đã phát huy được phẩm chất, trở thành những cán bộ cốt cán tại địa phương, đơn vị”.
Với Trung tướng Châu Văn Mẫn sau khi ra khỏi nhà tù Côn Đảo, ông tiếp tục ở lại công tác tại Ban An ninh Côn Đảo. Vì có quá trình công tác Đoàn trong nhà tù, nên ông tiếp tục được Đảng bộ Công an giao nhiệm vụ phụ trách công tác Đoàn tại Côn Đảo. Tiếp đó, ông lần lượt giữ những vị trí quan trọng trong ngành công an (Giám đốc Công an tỉnh BR-VT, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân). Năm 2011, ông được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Châu Văn Mẫn bày tỏ: “Tôi mong rằng, những hy sinh, gian khổ của thế hệ đi trước như chúng tôi sẽ là tấm gương cho các đoàn viên, thanh niên trong thời bình noi theo trong việc rèn luyện ý chí xây dựng, học tập tiến bộ để cùng nhau bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự cho xã hội và phát triển quê hương, đất nước. Tôi tin rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ở đâu có vai trò nòng cốt xung kích của đoàn viên, thanh niên, ở đó ắt có thắng lợi...”.
HOÀNG BÁCH