Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 4/2022
Tháng 4/2022, nhiều chính sách pháp luật mới có hiệu lực thi hành, có thể kể đến như: Bổ nhiệm, xếp lương giảng viên chỉ cần 1 chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp; Lao động ngành du lịch được hỗ trợ học nghề; Chế độ dành cho công nhân, viên chức quốc phòng thôi việc; Giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu...
Từ tháng 4/2022, công nhân, viên chức quốc phòng khi thôi việc sẽ được hưởng trợ cấp 1 lần. Trong ảnh: Quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng duyệt binh trong lễ ra quân huấn luyện năm 2022. Ảnh: MINH NHÂN |
Từ 1/4, giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu
Tại Phiên họp thứ 9 diễn ra chiều 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn. Trong đó: Xăng (trừ etanol) giảm 2.000 đồng/lít, từ 4.000 đồng/lít xuống 2.000 đồng/lít; Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; Mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.000 đồng/kg; Dầu hỏa giảm 700 đồng/lít, từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít. Riêng nhiên liệu bay giữ như mức hiện hành đang được giảm là 1.500 đồng/lít theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thời gian áp dụng từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12. Từ ngày 1/1/2023, mức thuế này sẽ quay về mức cũ theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14.
Chế độ dành cho công nhân, viên chức quốc phòng thôi việc
Ngày 15/4, Nghị định 19/2022/NĐ-CP hướng dẫn chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành, công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc, sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, công nhân, viên chức quốc phòng khi thôi việc sẽ được hưởng các quyền lợi sau: Được hưởng chế độ BHXH và các chế độ khác (nếu có); Được hưởng trợ cấp 1 lần, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi thôi việc.
Trường hợp công nhân, viên chức quốc phòng đã thôi việc về địa phương trong thời gian không quá 1 năm kể từ ngày quyết định thôi việc có hiệu lực thì giải quyết quyền lợi như sau: Nếu được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước: Được thực hiện chế độ chuyển ngành; hoàn trả khoản trợ cấp 1 lần và trợ cấp BHXH 1 lần (đã nhận). Nếu được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị không hưởng lương từ ngân sách nhà nước mà có nguyện vọng được bảo lưu thời gian đóng BHXH: Hoàn trả khoản trợ cấp BHXH 1 lần (đã nhận).
Lao động ngành du lịch được hỗ trợ học nghề 1,5 triệu đồng/tháng
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được đề cập tại Thông tư 12/2022/TT-BTC, sẽ chính thức được áp dụng từ ngày 9/4. Theo Thông tư 12, DN, tổ chức về du lịch sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động nghề du lịch với số tiền như sau:
Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.
Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa không quá 6 tháng.
Nới điều kiện để trở thành giảng viên ĐH, CĐ sư phạm
Thông tư 4/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực kể từ ngày 19/4, đã sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến bổ nhiệm giảng viên tại các trường CĐ, ĐH sư phạm của Thông tư 35/2020/TT-BGDĐT và Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT.
Theo đó, thay vì yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên riêng theo từng hạng (I, II, III) như trước, Thông tư 04/2022/TT-BGDĐT đã cho phép áp dụng tiêu chuẩn chung là có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên CĐ sư phạm hoặc theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên ĐH.
Ngoài ra, Thông tư mới cũng nêu rõ, viên chức đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng viên chức giảng dạy trước ngày 30/6 được xác định là đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên. Đồng thời, còn được sử dụng chứng chỉ này khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng và không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên.
PHƯƠNG ANH (Tổng hợp)