Chiều 10/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì lễ công bố Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025. Dự buổi lễ còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ VHTT-DL Nguyễn Văn Hùng… cùng đại diện các bộ, ngành, các cơ quan Trung ương, DN đồng hành trong triển khai Chương trình; lãnh đạo các địa phương tại 63 điểm cầu trên cả nước. Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT chủ trì điểm cầu tỉnh BR-VT.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức công bố Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025. |
Thông tin về chương trình sức khỏe học đường Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cho biết, ngày 2/10/2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025. Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025 xác định 5 nhóm nội dung và 7 nhóm giải pháp về chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe, trẻ em, HS; giáo dục thể chất và hoạt động thể thao học đường; tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giám sát, thống kê, báo cáo; tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học. Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi tích cực cho trường học, để chăm sóc và nuôi dưỡng một thế hệ Việt Nam khoẻ mạnh, năng động, trưởng thành.
Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT chủ trì điểm cầu tỉnh BR-VT. |
Tại buổi lễ đã diễn ra nghi thức công bố Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025; Lễ ký kết Chương trình Phối hợp giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế về công tác y tế trường học và chăm sóc sức khỏe HS, SV giai đoạn 2022-2026; Lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ VHTT-DL về công tác giáo dục thể chất, thể thao trường học giai đoạn 2022-2026.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc chăm lo sức khỏe cho trẻ em là trách nhiệm của gia đình, cộng đồng, toàn xã hội và cả hệ thống chính trị.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương và bộ ngành liên quan triển khai chương trình theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn dành cho thế hệ tương lai của đất nước. Trong đó ngành GD-ĐT, y tế đóng vai trò nòng cốt, các bộ, ngành, cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, hiệu quả về chuyên môn, coi sức khỏe HS là đối tượng phục vụ đặc biệt, coi chăm sóc sức khỏe tinh thần ngang bằng với sức khỏe thể chất.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan có liên quan có các chương trình nghiên cứu, khảo sát, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng về ảnh hưởng tâm sinh lý, sức khỏe tinh thần của trẻ em, nhất là những tác động từ đại dịch để có giải pháp phù hợp chăm lo cho thế hệ tương lai của đất nước, sao cho phù hợp vùng miền, lứa tuổi. Nhiệm vụ trước mắt là cải thiện điều kiện vật chất, cơ sở trường học, tăng cường xây dựng quy hoạch các điểm trường bảo đảm hợp lý, chất lượng, khoa học nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tiếp tục cải thiện hệ thống nhà vệ sinh, bếp ăn và cơ sở vật chất để trẻ có không gian rèn luyện sức khỏe, chú trọng dạy kỹ năng sinh tồn cho trẻ, có giải pháp giảm tỷ lệ đuối nước ở trẻ em. Đặc biệt cần thực hiện công tác phòng, chống dịch hợp lý, an toàn, khoa học, hiệu quả, hợp lý theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhất là khi mở cửa trường học trở lại.
Thủ tướng lưu ý ngành GD-ĐT, y tế, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông, thay đổi nhận thức, tư duy, hành động trong việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe học đường cho HS; chú trọng phát triển mạnh các phong trào rèn luyện thân thể trong nhà trường. Đồng thời, có giải pháp kiểm soát dịch bệnh, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát chặt chẽ; tập trung cao độ cho chiến lược tiêm chủng vắc xin cho trẻ em. Cần quy hoạch trường lớp, tính toán các công trình trong trường học, bảo đảm tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện thực tế trong giai đoạn hiện nay...
Tin, ảnh: KHÁNH CHI