.
KỶ NIỆM 92 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2022)

"Lúa, cỏ dại" và tư tưởng "quét sạch chủ nghĩa cá nhân" của Hồ Chủ tịch

Cập nhật: 20:26, 04/02/2022 (GMT+7)

Từ “Đường kách mệnh” viết năm 1927, đến những lời di huấn cuối cùng trong “Di chúc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có gần 200 tác phẩm viết về công tác xây dựng Đảng, về rèn luyện, giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu trí thức dự Hội nghị Chính trị đặc biệt tháng 3/1964.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu trí thức dự Hội nghị Chính trị đặc biệt tháng 3/1964.

LÚA VÀ CỎ DẠI

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người luôn nhắc nhở, căn dặn chúng ta: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Chủ nghĩa cá nhân được biểu hiện đa dạng và luôn biến hóa dưới nhiều hình thức khác nhau. Cách đây 53 năm, trước khi về cõi vĩnh hằng, trong tác phẩm  “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (3-2-1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra 10 loại bệnh nảy sinh từ chủ nghĩa cá nhân cần nhận diện và phòng chống. Đó là: Bệnh quan liêu; bệnh tham lam; bệnh lười biếng; bệnh kiêu ngạo; bệnh háo danh; bệnh “hữu danh vô thực”; bệnh cận thị (biểu hiện là chỉ để ý đến cái nhỏ, vụn vặt, không thấy cái lớn, cái quan trọng); bệnh tỵ nạnh; bệnh xu nịnh, a dua; và bệnh kéo bè, kéo cánh.

Do tính chất đặc biệt nguy hại của chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra nhiều biện pháp kiên quyết phòng trừ “thứ cỏ dại” và cần “phải diệt tận gốc” thứ cỏ dại này. Người nêu lên hình ảnh: “Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo: “Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng này là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân. Điều đó dẫn đến những hệ lụy vô cùng nguy hại: Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, dẫn tới “tự diễn biến, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường.

“Mọi thứ  xấu xa, hư hỏng đều sinh ra từ căn bệnh này. Nếu không đánh bại, không quét sạch chủ nghĩa cá nhân thì Đảng ta không thể trong sạch, vững mạnh được, không thể là một Đảng cách mạng chân chính hết lòng vì nước, vì dân được”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

QUÉT SẠCH CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt, lâu dài và gian khổ. Bởi chủ nghĩa cá nhân đặt lợi ích của riêng mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của dân tộc, là kẻ thù của cách mạng, là nguồn gốc của những “căn bệnh” làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm tha hóa Đảng. Đây là sự nguy hiểm tiềm tàng làm cho Đảng mất dần tính cách mạng, tính trí tuệ, tính đạo đức, tính nhân dân. Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa cá nhân là “địch nội xâm” – một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng. “Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra” đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải kiên quyết  đấu tranh “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.

Người căn dặn, muốn quét sạch chủ nghĩa cá nhân, “trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”. Ở đâu có dân chủ rộng rãi, ở đó chủ nghĩa cá nhân không có điều kiện để tồn tại. Chỉ có thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng thì mới phát huy được vai trò của mỗi cán bộ, đảng viên trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Hơn nữa, thực hành dân chủ trong Đảng là cơ sở để thực hành dân chủ rộng rãi trong toàn xã hội, phát huy được sức mạnh của quần chúng nhân dân, của các tổ chức chính trị - xã hội trong cuộc đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân.

Hiện nay, đất nước ta đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với bạn bè thế giới, bên cạnh những thuận lợi và những cơ hội mở mang tầm vóc, chúng ta cũng đang phải đối diện với những mặt trái của cơ chế thị trường. Do những cám dỗ vật chất chi phối, chủ nghĩa cá nhân có điều kiện để nảy sinh với những thủ đoạn tinh vi, phức tạp và khó lường. Chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đang trở thành vấn đề bức xúc của xã hội.

Thực hiện di huấn của Hồ Chủ tịch, tại ba kỳ Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII Đảng ta đã ban hành các nghị quyết quan trọng về những vấn đề có tính sống còn đối với Đảng. Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, xây dựng và chỉnh đốn Đảng là những nhiệm vụ then chốt của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay. Nghị quyết Đại hội XIII cũng chỉ rõ: “Kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình; coi trọng việc kiểm tra sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng; nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên”.

Trong niềm vui đón chào Xuân mới Nhâm Dần 2022, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang ra sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tích cực đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm tăng cường xây dựng Đảng ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ mới. Việc nâng cao nhận thức và thực hiện tư tưởng của Người về chống chủ nghĩa cá nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Và, là cơ sở để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của quần chúng nhân dân trước thời cơ và vận hội mới của đất nước.

HOÀNG LÊ

 

 

 

 

.
.
.