CHỦ TỊCH NƯỚC NGUYỄN XUÂN PHÚC: Văn hóa các dân tộc là một phần không thể tách rời của văn hóa Việt Nam

Chủ Nhật, 13/02/2022, 17:42 [GMT+7]
In bài này
.

(BR-VT) Ngày 12/2, tại làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” và Lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm 2022. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, TP. Hà Nội, một số địa phương và 200 người dân của 22 cộng đồng dân tộc của 15 tỉnh đại diện cho các dân tộc, vùng miền.

Đoàn nghệ nhân dân tộc Châu Ro tỉnh BR-VT đón chào Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Đoàn nghệ nhân dân tộc Châu Ro tỉnh BR-VT đón chào Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Hơn 40 đồng bào nghệ nhân dân tộc Châu Ro (huyện Châu Đức) đại diện cho cộng đồng Châu Ro tỉnh BR-VT đã tham gia Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2022.

Tại buổi lễ, đại diện Đoàn nghệ nhân dân tộc Châu Ro tỉnh cũng đã tặng quà lưu niệm cho Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Ban Quản lý Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam. Đoàn cũng đã tham gia biểu diễn 3 chương trình với 9 tiết mục ca múa, nội dung ca ngợi về Đảng, về Bác, về mùa xuân. Các tiết mục văn nghệ do các nghệ nhân dân tộc Châu Ro tỉnh thể hiện được Chủ tịch nước và Ban Tổ chức đánh giá cao, đồng thời mang đến sự thích thú cho khán giả và các cộng đồng các dân tộc anh em khác.

Phát biểu tại Ngày hội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch nước gửi tới các đại biểu, đồng bào dự Ngày hội và toàn thể đồng bào 54 dân tộc anh em, đồng bào ta ở nước ngoài những tình cảm thân thương, lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất.

Chủ tịch nước khẳng định, tất cả chúng ta dù ở đồng bằng hay miền núi, biên giới hay hải đảo, trong nước hay nước ngoài, dù khác nhau về tín ngưỡng, tôn giáo đều một lòng hướng về nguồn cội, quê hương, đất nước, cùng nhau nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3. Nền văn hiến kỳ vĩ của dân tộc Việt Nam được tạo nên bởi 54 dân tộc anh em đoàn kết, gắn bó với nhau. Đó là một nền văn hóa đa dạng, phong phú, có sự thống nhất cao về ngôn ngữ, là một tài sản vô cùng quý giá của dân tộc ta.

Chủ tịch nước nêu rõ, sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, tinh thần đại đoàn kết của 54 dân tộc Việt Nam tiếp tục được tăng cường và củng cố. Công tác chăm lo, cải thiện về đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm và cải thiện rõ rệt thông qua thực hiện các chính sách ưu tiên, các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo và các dự án, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc anh em, coi văn hóa các dân tộc là một phần không thể tách rời của văn hóa Việt Nam.

Chủ tịch nước đề nghị các cấp, các ngành và các tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến địa phương có những giải pháp việc làm cụ thể, thiết thực hỗ trợ đồng bào các dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo giáo dục, văn hóa, y tế, phúc lợi xã hội để tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào. Đặc biệt chính quyền địa phương cần có kế hoạch cụ thể hơn nữa để thúc đẩy sự phát triển của những nhóm dân tộc ít người nhất Việt Nam.

Khẳng định văn hóa luôn là bước tiến đầu tiên và là chốt chặn sau cùng cho sự tồn vong của mỗi dân tộc, Chủ tịch nước cho rằng, việc tổ chức Ngày hội văn hóa hàng năm cần một cách làm sáng tạo để giúp tìm hiểu, bảo tồn và tương tác một cách có chiều sâu những nét văn hóa riêng của từng dân tộc, tạo ra sự giao lưu, sự tương tác làm nổi bật và làm phong phú thêm vẻ đẹp văn hóa Việt Nam, gìn giữ bản sắc của từng dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế.

Sau khi đánh cồng báo hiệu Ngày hội xuân, tặng quà đại diện cộng đồng các dân tộc và trồng cây tại làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội), Chủ tịch nước tới tham quan và chung vui với bà con tại không gian làng dân tộc Mường tại làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Tin, ảnh: THÁI BÌNH

;
.