Đại diện lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam huyện Côn Đảo thực hiện nghi thức thỉnh chuông tại Lễ giỗ. |
Trưa 23/1, tại Đền thờ Côn Đảo, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam huyện Côn Đảo trang trọng tổ chức Lễ giỗ lần thứ 70 của nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND) Võ Thị Sáu (23/01/1952 - 23/01/2022).
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (hàng đầu thứ nhất từ trái qua) cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, cán bộ, chiến sĩ, các tầng lớp nhân dân huyện Côn Đảo tham dự Lễ giỗ. |
Đại diện các cơ quan Trung ương và vụ địa phương tham dự lễ giỗ. |
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, cán bộ, chiến sĩ, các tầng lớp nhân dân huyện Côn Đảo đã tham dự Lễ giỗ.
Trong không khí trang nghiêm, xúc động, thành kính và biết ơn vô hạn, các đại biểu đã thực hiện nghi thức thỉnh chuông, dâng hương, mặc niệm tưởng nhớ và ôn lại thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng của nữ Anh hùng LLVTND Võ Thị Sáu.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dâng hương tưởng nhớ nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân - Liệt sĩ Võ Thị Sáu tại Đền thờ Côn Đảo. |
Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: ông Trần Văn Tuấn và ông Lê Ngọc Khánh dâng hương tưởng nhớ nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân - Liệt sĩ Võ Thị Sáu tại Đền thờ Côn Đảo. |
Chị Võ Thị Sáu sinh năm 1933 ở huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa (nay là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Năm 14 tuổi, chị đã đi theo anh trai tham gia hoạt động cách mạng ở chiến khu. Năm 1949, chị tham gia đội Công an xung phong Đất Đỏ, làm nhiệm vụ liên lạc, tiếp tế, diệt tề trừ gian. Từ đây, cái tên Võ Thị Sáu gắn với nhiều chiến công vang dội.
Tháng 2/1950, chị Võ Thị Sáu nhận nhiệm vụ tiêu diệt 2 chỉ điểm viên của Pháp là Cả Suốt và Cả Đay ở chợ Đất Đỏ. Lần thực hiện nhiệm vụ này, chị bị lộ và bị bắt. Không khai thác được gì từ người nữ chiến sĩ cách mạng kiên cuờng, địch chuyển chị từ Đất Đỏ đến khám đường Bà Rịa rồi lên khám Chí Hòa và cuối cùng mở phiên tòa kết án tử, khi chị mới 17 tuổi; đồng thời chuyển chị ra nhà tù Côn Đảo.
Ngày 23/1/1952, trên mảnh đất Côn Đảo, chị Võ Thị Sáu bước ra pháp trường với với nét mặt ung dung, bước đi vững chắc, ngẩng cao đầu. Trước họng súng quân thù, chị vẫn say sưa hát những bài ca cách mạng, thể hiện tinh thần bất khuất của người chiến sĩ cộng sản.
70 mùa xuân trôi qua, nhưng cuộc đời và những huyền thoại về người nữ anh hùng vẫn luôn in đậm trong trái tim của bao thế hệ người dân Việt Nam về lòng quả cảm và tinh thần cách mạng kiên trung; về tấm gương chiến đấu, hy sinh anh dũng đến hơi thở cuối cùng.
Ghi nhận những công lao và sự hy sinh anh dũng của chị Võ Thị Sáu, ngày 2/8/1993, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho liệt sĩ Võ Thị Sáu.
Lễ giỗ nữ Anh hùng LLVTND Võ Thị Sáu là dịp để các thế hệ ghi nhớ công ơn, bồi đắp thêm niềm tự hào, thể hiện lòng tôn kính đối với nữ Anh hùng.
Trong nhiều năm qua, Lễ giỗ Anh hùng LLVTND Võ Thị Sáu đã trở thành lễ hội truyền thống của vùng quê Đất Đỏ, cũng như tại nơi chị đã hy sinh - Côn Đảo.
Tin, ảnh: BẢO KHÁNH