.

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG: Tập trung hoàn thiện thể chế để "không thể tham nhũng"

Cập nhật: 18:15, 20/01/2022 (GMT+7)

Ngày 20/1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (BCĐ) đã họp Phiên thứ 21, kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động năm 2021 và cho ý kiến về Chương trình công tác năm 2022. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng BCĐ chủ trì Phiên họp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận Phiên họp. Ảnh: TRÍ DŨNG
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận Phiên họp. Ảnh: TRÍ DŨNG

Hầu hết các công việc hoàn thành đúng kế hoạch

Phát biểu kết luận Phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong năm 2021, mặc dù trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng hầu hết các công việc theo Chương trình công tác của Ban đã được triển khai thực hiện nghiêm túc và hoàn thành theo kế hoạch.

Ban đã chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; gắn phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả rõ rệt, có mặt cao hơn năm trước, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, không vì chống dịch mà “chùng xuống, không xử lý” của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, củng cố thêm niềm tin của nhân dân.

Nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện quyết liệt, tạo khí thế mới ngay từ năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng đã tích cực, khẩn trương cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Chỉ đạo xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quyết liệt nhiều văn bản quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Đầu tư; Luật Đấu thầu và Luật Thi hành án dân sự;... Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 144 nghị định, 40 quyết định; các bộ, ngành ban hành hơn 700 thông tư, thông tư liên tịch...

Xử lý nghiêm nhiều cán bộ, đảng viên 

 Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả; thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng BCĐ về cơ chế phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; xử lý nghiêm minh nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm, tạo bước đột phá mới trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tăng cường kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đối với 618 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 132 đảng viên so với năm 2020). Trong đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xử lý kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao vi phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm 2020).

Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi 81.290 tỷ đồng và 811 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 2.286 tập thể và 6.132 cá nhân. Công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra, kiểm toán được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng thực hiện nghiêm cơ chế phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; qua kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đã chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý hơn 330 vụ việc có dấu hiệu tội phạm (tăng hơn 3 lần so với năm 2020). Cơ quan tố tụng cũng đã kịp thời cung cấp thông tin, chuyển tài liệu sai phạm của nhiều cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, kiểm tra, xử lý theo quy định của Đảng. 

Xét xử kịp thời các vụ án trọng điểm

Công tác điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục được đẩy mạnh; xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Các cơ quan chức năng đã phối hợp chặt chẽ, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xác minh, xử lý các vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng, tiêu cực thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo.

Trong năm 2021, cả nước đã khởi tố, điều tra 390 vụ án/1.011 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ. Các vụ án thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo, từ sau Phiên họp thứ 19 đến nay, đã khởi tố 10 vụ án/40 bị can; kết thúc điều tra 15 vụ án/150 bị can; truy tố 16 vụ án/164 bị can; xét xử sơ thẩm 21 vụ án/179 bị cáo, xét xử phúc thẩm 13 vụ án/74 bị cáo.

Đặc biệt, đã khởi tố mới nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp; tiếp tục mở rộng điều tra, kiên quyết, kiên trì đi sâu làm rõ bản chất tham nhũng, tiêu cực trong nhiều vụ án, khởi tố thêm nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, trong đó 10 trường hợp cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; đã kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm vụ án đưa, nhận hối lộ liên quan đến Phan Văn Anh Vũ; một số vụ án xảy ra trong lĩnh vực y tế, lợi dụng phòng, chống dịch COVID-19 để trục lợi; các vụ án xảy ra tại Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa, TP.Hồ Chí Minh, An Giang,...

Công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án chuyển biến tích cực, các cơ quan chức năng đã thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 15 ngàn tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị lớn. Riêng các vụ án thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo từ năm 2013 đến nay đã thu hồi được hơn 31 ngàn tỷ đồng (đạt 33,33%); trong đó, năm 2021 đã thu hồi được trên 9.000 ngàn tỷ đồng (tăng hơn 7.100 tỷ đồng so với năm 2020). Nhất là, đã thu hồi được số tiền gần 2,7 triệu USD và 127 ngàn đô la Singapore của Phan Sào Nam ở nước ngoài.

Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Về nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2022, BCĐ yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng không được chủ quan, thỏa mãn, bằng lòng với những kết quả đạt được; phải kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm, đồng bộ giữa kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự đối với những trường hợp vi phạm, bất kể người đó là ai; kịp thời biểu dương, khen thưởng, động viên các tổ chức, cá nhân có thành tích trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế để “không thể tham nhũng”. Trọng tâm là hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập, đảm bảo thực chất, hiệu quả; rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, tài sản công,…; sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, Luật Đất đai, Luật Thực hành dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các dự án luật liên quan trực tiếp đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra 16 vụ án, kết thúc xác minh, xử lý 40 vụ việc; truy tố 20 vụ án; xét xử sơ thẩm 22 vụ án, xét xử phúc thẩm 1 vụ án theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. 

Cũng tại Phiên họp, BCĐ đã thảo luận, cho ý kiến để hoàn thiện dự thảo Chương trình công tác năm 2022; kết thúc chỉ đạo xử lý đối với 9 vụ án, 4 vụ việc thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo do đã kết thúc việc giải quyết theo quy định của pháp luật.

HỒNG ĐIỆP

.
.
.