Người cộng sản với trái tim nóng, tinh thần thép
Từ một trí thức, ông Nguyễn Phong Sắc (1902-1931) trở thành một trong những chiến sĩ cộng sản đầu tiên, góp phần tích cực vào sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông là một trong những Ủy viên Ban chấp hành Trung ương đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông Nguyễn Phong Sắc - Người trực tiếp phụ trách Xứ ủy Trung Kỳ và lãnh đạo phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh tư liệu |
TRÍ THỨC GIÀU NHIỆT HUYẾT, SỚM GIÁC NGỘ CÁCH MẠNG
Ông Nguyễn Phong Sắc tên khai sinh là Nguyễn Đình Sắc sinh ngày 1/2/1902 trong một gia đình nhà nho yêu nước, ở làng Bạch Mai, ngoại thành Hà Nội - nay là số nhà 152 phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội. Thân phụ là cụ Nguyễn Đình Phúc, một người đã tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục và thân mẫu là cụ Thành Thị Tửu.
Từ năm 1920, Nguyễn Phong Sắc học Trường Bưởi và tốt nghiệp thủ khoa kỳ thi thành chung năm 1924. Sau đó, ông làm việc ở Sở Tài chính Đông Dương với mức lương khá, được đề bạt là “tham biện tài chính”. Trong thời gian làm việc tại đây, qua hoạt động tài chính và nghiên cứu chính sách tài chính, tiền tệ của nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương, Nguyễn Phong Sắc đã thấy bản chất của chế độ đô hộ, bóc lột của thực dân Pháp ở Đông Dương. Không chỉ người nông dân mà toàn thể nhân dân lao động Việt Nam bị bóc lột.
Nguyễn Phong Sắc say mê tìm tòi kinh điển Mác - Lênin, nghiên cứu sách, báo, đặc biệt là những tài liệu, bài báo của Nguyễn Ái Quốc đã giúp ông từng bước giác ngộ về lý luận chính trị, hiểu biết về giai cấp và tầng lớp xã hội Việt Nam.
Cuối năm 1926, Nguyễn Phong Sắc gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đây là bước ngoặc quan trọng về tư tưởng trong cuộc đời cách mạng của ông. Từ đây, ông được đứng trong một tổ chức cách mạng, cùng đồng chí của mình và nhân dân đánh đuổi thực dân, giành độc lập cho đất nước, giải phóng đồng bào khỏi ách nô lệ.
Từ năm 1927, Nguyễn Phong Sắc hoạt động cách mạng rất tích cực như đi vào các xóm thợ, ra vùng ngoại ô để tìm hiểu đời sống của thợ thuyền và dân cày; ra các chợ của Hà Nội, bí mật gặp gỡ một số tiểu thương để tìm hiểu tình hình thị trường; tuyên truyền tinh thần yêu nước cho học sinh.
Từ cuối năm 1928, thực hiện chủ trương của Đại hội lần thứ nhất Kỳ bộ Bắc Kỳ, Nguyễn Phong Sắc đã tổ chức, chỉ đạo, lãnh đạo Tỉnh bộ Hà Nội tích cực thực hiện phong trào “vô sản hóa” để tuyên truyền giác ngộ chủ nghĩa cộng sản trong công nhân, nông dân và thợ thủ công nhằm mở rộng cơ sở Thanh niên. Phong trào “vô sản hóa” bắt đầu từ Hà Nội phát triển khắp Bắc Kỳ và cả nước.
LINH HỒN CỦA CAO TRÀO XÔ VIẾT-NGHỆ TĨNH
Ngày 7/3/1929, Chi bộ cộng sản đầu tiên trong nước đã được thành lập, Nguyễn Phong Sắc là một trong 8 thành viên sáng lập ra chi bộ này và trở thành một trong những người cộng sản đầu tiên của Hà Nội. Từ một trí thức yêu nước, hoạt động cách mạng ông đã trở thành người chiến sĩ cộng sản.
Sau khi thành lập, Chi bộ cộng sản đầu tiên đã xúc tiến cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản. Ngày 17/6/1929, Nguyễn Phong sắc cùng 19 đại biểu đã họp và thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng để đáp ứng đòi hỏi của cách mạng Việt Nam lúc đó. Ông đã được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng và được phân công vào miền Trung để xây dựng hệ thống tổ chức đảng và lãnh đạo phong trào cách mạng ở Trung Kỳ và các tỉnh Nam Trung Kỳ.
Sau khi thành lập Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Trung Kỳ và trực tiếp làm Bí thư Kỳ bộ, ông thấy rằng cần phải phát triển cơ sở trong vùng phía bắc Trung Kỳ. Chỉ trong một thời gian ngắn, các chi bộ của Thanh niên đã chuyển thành chi bộ của Đông Dương Cộng sản Đảng. Đồng thời, ông trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các tổ chức quần chúng rộng khắp từ tỉnh tới huyện, xã, thôn, hình thành lực lượng cách mạng rộng lớn mà hạt nhân là liên mình giai cấp công nhân và nông dân ở Trung Kỳ.
Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, ông Nguyễn Phong Sắc là ủy viên Trung ương lâm thời. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông, tháng 3/1930, Phân cục Trung ương ở Trung Kỳ đã lãnh đạo thống nhất các tổ chức cộng sản ở Trung Kỳ về một mối là tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, hình thành hệ thống tổ chức của Đảng từ Phân cục Trung ương tới các tỉnh bộ, thành bộ, huyện bộ, thị bộ, xã bộ.
Tại Hội nghị lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam họp tại Hương Cảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, tiếp tục phụ trách Trung Kỳ, phát triển các phong trào cách mạng ở Trung Kỳ lên cao trào, trở thành đỉnh cao của cách mạng cả nước.
Ngày 3/5/1931, sau khi phổ biến Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ hai của Đảng cho Xứ ủy Bắc Kỳ tại Hải Phòng trở về Hà Nội, ông Nguyễn Phong Sắc đã bị địch bắt. Dù bị địch dùng hết mọi thủ đoạn từ dụ dỗ đến tra tấn, nhưng bằng ý chí sắt đá và tinh thần yêu nước nồng nàn của một trí thức giác ngộ cách mạng, ông không hề bị lung lay tinh thần. Hoảng sợ trước khí thế của phong trào cách mạng Xô Viết Nghệ - Tĩnh, thực dân Pháp đã hèn hạ bí mật thủ tiêu ông vào ngày 25/5/1931.
Nhân dân ta đánh giá, Bí thư Xử ủy Trung Kỳ Nguyễn Phong Sắc là linh hồn của cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh. Sự cống hiến lớn lao của ông cho dân tộc và sự nghiệp cách mạng nước ta được nhân dân Nghệ - Tĩnh, nhân dân Trung Kỳ và cả dân tộc trân trọng, ghi nhận.
MINH THIÊN
(nguồn tham khảo: Tư liệu do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cung cấp)