Ưu tiên đầu tư hạ tầng, thúc đẩy kinh tế phát triển

Thứ Bảy, 18/12/2021, 15:08 [GMT+7]
In bài này
.

Ngay sau khi tỉnh BR-VT được thành lập vào tháng 8/1991, Đảng bộ tỉnh đã tiến hành tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 1992-1996. Tại Đại hội này, nhiều quyết sách về kinh tế đã được đề ra.

Ông Nguyễn Minh Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra bản đồ quy hoạch tổng thể toàn tỉnh lần thứ I (1991-2000).
Ông Nguyễn Minh Ninh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra bản đồ quy hoạch tổng thể toàn tỉnh lần thứ I (1991-2000).

Đại hội Đảng bộ tỉnh BR-VT lần thứ I đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế đến năm 1995 là “Phấn đấu xây dựng tỉnh BR-VT có nền kinh tế phát triển theo cơ cấu công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp; tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới kinh tế, phát triển sản xuất hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN, mở rộng kinh tế đối ngoại…”.

Trước đó, báo cáo số 04/BC-TU ngày 21/11/1991 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nhận định: BR-VT nằm trong vùng kinh tế Nam Bộ đang phát triển, gần trung tâm kinh tế lớn là TP. Hồ Chí Minh và gần KCN Biên Hòa, lại là cửa ngõ thông thương ra biển của vùng kinh tế Đông Nam Bộ; với thềm lục địa có nhiều khoáng sản quý như dầu mỏ, khí đốt… Hai lợi thế trên giúp tỉnh có điều kiện và cơ hội để hình thành và phát triển kinh tế công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất hàng tiêu dùng… Những lĩnh vực chủ yếu như khai thác dầu khí, cảng biển, vận tải biển, khai thác và chế biến hải sản, dịch vụ du lịch khẳng định thế mạnh của BR-VT về công nghiệp, dịch vụ. Thực tiễn chứng minh đây là quyết định hoàn toàn đúng đắn và có cơ sở vững chắc từ tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Việc xác lập cơ cấu kinh tế đúng đắn, điều chỉnh tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp theo hướng tích cực, khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế, là một trong những tiền đề quan trọng nhất để kinh tế của tỉnh liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tiềm lực kinh tế ngày càng gia tăng vững chắc. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) giai đoạn 1992-2010 không tính dầu khí, tăng bình quân 19,85%/năm. Nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn của cả nước đã có mặt ở BR-VT như năng lượng, luyện kim, hoá chất, phân NPK, nhựa PVC...

Tuy nhiên, trong thời kỳ đầu thành lập tỉnh, điều kiện cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, hệ thống cấp thoát nước, trường học, bệnh viện… chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của một tỉnh trực thuộc Trung ương. Ngoài tuyến Quốc lộ 51 đã xuống cấp và một số đường nhánh trong khu vực Lam Sơn, TP. Vũng Tàu là đường nhựa, còn lại các tuyến đường quan trọng như Tỉnh lộ 2, Liên tỉnh lộ 23 (nay là Quốc lộ 55, 56) đường 328, 329 chỉ là đường đất. Giao thông giữa các vùng, khu vực bị chia cắt bởi chưa có cầu, hoặc cầu trọng tải thấp…

Yêu cầu phát triển nhanh của ngành dầu khí trên địa bàn và yêu cầu quy hoạch tổng thể xây dựng TP. Vũng Tàu “sớm trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, có sắc thái và vẻ đẹp truyền thống Việt Nam và châu Á, xứng đáng là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp, thương mại và du lịch, một khu vực kinh tế mở của cả nước và khu vực”. Bên cạnh đó, mục tiêu Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I đề ra là “giải quyết tốt hơn nhu cầu về nhà ở, đi lại, học tập, chữa bệnh, hưởng thụ văn hóa và phúc lợi xã hội của nhân dân”. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra là phải nhanh chóng nâng cấp hạ tầng kinh tế kỹ thuật, cụ thể là hệ thống giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và hiện đại hóa mạng lưới thông tin. Với việc đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể nói trên, Đảng bộ tỉnh đã sớm nhận thấy cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời trực tiếp cải thiện điều kiện, chất lượng cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên, việc xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, hiện đại hóa mạng lưới thông tin đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn xây dựng cơ bản do ngân sách Nhà nước phân bổ còn eo hẹp là bài toán nan giải đặt ra cho toàn Đảng bộ tỉnh. Với tư duy năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và từ thực tế tài nguyên quỹ đất khá dồi dào, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề xuất phương án táo bạo sử dụng quỹ đất làm nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng, hay còn gọi là phương thức “đổi đất lấy công trình”. Chủ trương này được thể hiện trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ III (tháng 1/1993) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đổi đất lấy hạ tầng là tư duy hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ. Tư duy trên đã trực tiếp tháo gỡ một lực cản lớn, trở thành một nguồn lực, trực tiếp và kịp thời phục vụ yêu cầu phát triển.

Ngay sau khi có Thông báo số 26/TB ngày 12/2/1993 của Văn phòng Chính phủ đồng ý cho tỉnh BR-VT đổi đất lấy cơ sở hạ tầng, tỉnh đã khởi công và hoàn thành, đưa vào sử dụng một số công trình như đường Trần Phú - Quang Trung - Hạ Long; đường Láng Cát - Long Sơn; xây dựng hệ thống thoát nước… Nhiều hộ dân sống ven đường lộ đã xây dựng nhà mới, mở cửa hàng buôn bán, điện thắp sáng các tuyến đường. Hàng hóa lưu thông nhanh, thuận lợi, mở ra cơ hội mua bán thông thương giữa các vùng trong tỉnh, giữa tỉnh BR-VT với các tỉnh, thành trong khu vực. Với 69 công trình được xây dựng theo phương thức đổi đất lấy cơ sở hạ tầng, tỉnh đã huy động được 1.283 tỷ đồng từ các chủ đầu tư. Nếu so với con số 30 tỷ đồng ngân sách Nhà nước đầu tư mỗi năm thì BR-VT đã đi sớm được 40 năm trên con đường phát triển.

Tỉnh lộ 52 - Đoạn qua trung tâm huyện Đất Đỏ.
Tỉnh lộ 52 - Đoạn qua trung tâm huyện Đất Đỏ.

Lúc đầu, khái niệm “hạ tầng” chỉ dừng lại hệ thống đường giao thông. Sau một thời gian thực hiện, khái niệm cơ sở hạ tầng đã mở rộng và trở thành tầm nhìn mang tính chiến lược rõ rệt. Đến giai đoạn 2 (1994-1998), khái niệm “hạ tầng” xây dựng từ quỹ đất không chỉ dừng lại ở đường giao thông mà đã được mở rộng, bao gồm các công trình kinh tế - kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế và văn hóa xã hội, phục vụ dân sinh. Về chủ trương đầu tư, để phục vụ phát triển kinh tế, tỉnh tập trung đầu tư những ngành, địa phương đem lại hiệu quả kinh tế nhanh và cao nhất. Về văn hóa xã hội, tập trung đầu tư vào vùng bị chiến tranh tàn phá nặng nề, còn nghèo nàn lạc hậu. Với chủ trương nhất quán đó, đến năm 2000, tỉnh đã hoàn thành 62 công trình, trong đó có những công trình giá trị lớn, để lại dấu ấn sâu sắc trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình là hệ thống đường giao thông liên tỉnh, liên huyện, nội thị, giao thông nông thôn; san nền KCN Phước Thắng, KCN Đông Xuyên, Trung tâm thương mại Bà Rịa; Trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn; hơn 40 trung tâm văn hóa; 45 trạm y tế xã; 5 bệnh viện cấp huyện…

Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện chủ trương “đổi đất lấy công trình”. Đây là bước đột phá, đồng thời là cú hích để tỉnh phát triển nhanh và khá toàn diện. Điểm sáng tạo của chủ trương đổi đất lấy công trình là ở chỗ, Đảng bộ tỉnh xác định đất đai không chỉ là mặt bằng để xây dựng và phát triển các công trình trên đó, mà còn là tài nguyên, là “nguồn lực” cần phải được khai thác hiệu quả. Cách nghĩ, cách làm này đã thể hiện thay đổi tư duy của một thời bao cấp, chủ động phát huy nội lực, không chỉ trông chờ nguồn lực từ Trung ương. Từ kinh nghiệm của Bà Rịa – Vũng Tàu, các tỉnh tiếp theo là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Khánh Hòa, Đà Nẵng và các tỉnh phía Bắc cũng đã triển khai phương thức này. Sau 10 năm triển khai, từ kết quả của Bà Rịa - Vũng Tàu và các địa phương đã đủ cơ sở để “luật hóa” chủ trương thành quy định của Luật Đất đai năm 2003 về vấn đề góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Thiếu tướng NGUYỄN MINH NINH

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh

;
.