Nhìn lại những thành tựu và khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội

Thứ Bảy, 18/12/2021, 21:07 [GMT+7]
In bài này
.

Những bãi biển thơ mộng. Những cung đường đẹp. Những nhịp cầu nối đảo với đất liền. Những ngôi trường cao tầng rợp bóng cây. Công viên với thảm cỏ trải dài. Cảng biển đón tàu trọng tải 220 ngàn tấn. Những khu công nghiệp thu hút hàng trăm ngàn lao động trẻ. Nước sạch về tận nhà, tưới mát cánh đồng lúa. Điện sáng cả vùng nông thôn. Hoa trái, rau xanh đủ đầy quanh năm…

Ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Trung ương thực hiện nghi thức cam kết chung tay bảo vệ môi trường tại Lễ phát động “Tháng hành động vì môi trường”, năm 2017.
Ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Trung ương thực hiện nghi thức cam kết chung tay bảo vệ môi trường tại Lễ phát động “Tháng hành động vì môi trường”, năm 2017.

Đó là tất cả những gì mà chúng ta đang có trong ngôi nhà chung Bà Rịa-Vũng Tàu sau 30 năm xây dựng và phát triển.

Trong 30 năm qua, nếu phân kỳ một cách tương đối về sự phát triển của Bà Rịa - Vũng Tàu theo tôi, có thể khái quát thành 2 giai đoạn chính: Giai đoạn từ 1991-2005 và từ 2005 đến nay.

Giai đoạn đầu, là giai đoạn Bà Rịa - Vũng Tàu vượt qua những trở ngại khó khăn khi mới thành lập và có nhiều đột phá trong xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện căn bản để tỉnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong giai đoạn này, tỉnh có nhiều những thành tựu nổi bật về xây dựng hạ tầng giao thông, điện, trường học, y tế. Rất nhiều công trình được xây dựng với tốc độ nhanh, mở ra giai đoạn phát triển sôi động. Giai đoạn này, tỉnh đã mạnh dạn thí điểm thực hiện chính sách “đổi đất lấy hạ tầng” dưới sự đồng ý của Chính phủ. Chính sách “đổi đất lấy hạ tầng” bây giờ nhìn lại, có thể coi là một sáng tạo của các thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong điều kiện nguồn vốn phát triển kinh tế - xã hội eo hẹp. Nếu không có quãng thời gian tỉnh thực hiện “quỹ đất phát triển” thì làm gì hôm nay chúng ta có một đường Hạ Long - Trần Phú, đường 3/2… cùng nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội quan trọng khác, và nhất là công trình cầu Bà Nanh bắc qua Long Sơn, phá bỏ thế cô lập về giao thông, tạo điều kiện để hôm nay, trên xã đảo có dự án hóa dầu lớn nhất cả nước.

Nếu không có “đổi đất lấy hạ tầng” làm sao Bà Rịa - Vũng Tàu có thể vượt qua những khó khăn ban đầu về cơ sở vật chất, trở thành tỉnh đi đầu, tiên phong trong thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp; thực hiện thành công các chương trình mục tiêu về điện khí hóa nông thôn, phổ cập giáo dục, xóa đói giảm nghèo.

Giai đoạn thứ hai (2005-nay), là giai đoạn Bà Rịa - Vũng Tàu từng bước hoàn thiện cơ cấu kinh tế hiện đại, xác định rõ những ngành lĩnh vực mũi nhọn để thực hiện một bước chuyển căn bản về kinh tế. Trong đó, kinh tế cảng biển được đặc biệt chú trọng. Quy hoạch cảng biển được xây dựng dựa trên đánh giá toàn diện về tiềm năng, lợi thế so sánh. Hàng loạt dự án đầu tư trong lĩnh vực cảng được xây dựng ở khu vực Cái Mép - Thị Vải, từng bước đưa lĩnh vực cảng biển vươn lên, trở thành ngành kinh tế “xương sống” của Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ đây, những ưu tiên về cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối, định hướng phát triển công nghiệp, quy hoạch phát triển đô thị của địa phương cũng được định hình rõ ràng hơn, xoay quanh trục kinh tế cảng biển - công nghiệp dọc theo sông Thị Vải.

Tôi vinh dự được Đảng, Nhà nước phân công các vị trí lãnh đạo ở TP.Bà Rịa và UBND tỉnh, được cùng với Đảng bộ, Chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn thứ 2 của tỉnh; được thừa hưởng những thành quả phát triển của các thế hệ tiền nhiệm, được cộng tác, chia sẻ và làm việc với các đồng chí trong BCH Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo các địa phương; được tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của tỉnh trong bước phát triển mới.

Đó là niềm vinh dự, tự hào, là thời gian có nhiều thử thách, gian nan, trăn trở với nhiều kỷ niệm không thể quên được. Trong quá trình công tác, có rất nhiều vấn đề, nhiều suy nghĩ, trăn trở muốn được chia sẻ. Nhưng trong khuôn khổ của một bài viết, khó có thể nói hết được những suy nghĩ, trăn trở đó. Ở đây, tôi muốn chắt lọc ra những kỷ niệm đáng nhớ, một vài điều từ thực tiễn công tác có liên quan đến quá trình phát triển, đi lên của Bà Rịa - Vũng Tàu trong tương lai.

“THƯA THỦ TƯỚNG, TÔI XIN ĐƯỢC TRÌNH BÀY 20 PHÚT!”

Tôi nhớ như in khi tham dự Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh (năm 2019). Thời gian của hội nghị là hạn hẹp. Thủ tướng ấn định cho lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham gia phát biểu 10 phút. Tại hội nghị, tôi đặt vấn đề liên quan đến những bất cập trong việc liên kết kinh tế vùng trọng điểm phía Nam, đặc biệt là giữa TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu; về kết nối hạ tầng kỹ thuật giao thông và vấn đề cảng biển để phát triển hệ thống cảng trung chuyển quốc tế phía Nam. Đó là những nội dung lớn, có nhiều vấn đề cần giải quyết.

Ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, năm 2016.
Ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, năm 2016.

- Thưa Thủ tướng, tôi xin được trình bày 20 phút!

Tôi mở đầu phần phát biểu với một đề nghị làm cả hội trường cười lên. Xin thêm thời gian phát biểu trước một hội nghị quan trọng dưới sự chủ trì của Thủ tướng có lẽ là điều ít có trong tiền lệ. Nhưng tôi muốn có đủ thời gian để làm rõ một cách toàn diện những bất cập trong liên kết vùng phát triển cảng biển.

Lần đó, tôi hoàn thành bài phát biểu với tổng thời gian… 20 phút. Giờ giải lao, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành chia sẻ, đồng cảm với những gì tôi đã nêu ra tại hội nghị. Đó đều là những vấn đề lớn, những vấn đề đúng, nhưng chưa được giải quyết thấu đáo. Và nhiều địa phương cũng đang gặp những vướng mắc tương tự.    

Trở lại với câu chuyện phát triển cảng biển ở tỉnh ta hiện nay. Cần phải nhấn mạnh rằng, khu vực Cái Mép - Thị Vải là vết nứt của trái đất không bị bồi lắng, lợi thế thiên nhiên ban tặng cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhưng trong thời gian qua, tốc độ phát triển của cảng biển là chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế so sánh.

Hiện nay, đa số hàng hóa vào cảng Cái Mép - Thị Vải đều được trung chuyển về thông quan hàng hóa tại các cảng ở TP.Hồ Chí Minh. Tỷ lệ hàng hóa thông quan tại Cái Mép - Thị Vải chỉ ở mức trên dưới 10%. Điều này làm phát sinh bất cập: Cái Mép - Thị Vải là hệ thống cảng đã được quy hoạch là cảng trung chuyển quốc tế. Lợi thế so sánh là rất lớn, là cảng nước sâu được nhìn nhận về tiềm năng ngang tầm quốc tế. Chỉ 19 cảng trên thế giới có được.

Nhưng Cái Mép - Thị Vải lại đang trong vai trò như một cảng trung gian, trung chuyển cho cảng Cát Lái. Hàng nhập khẩu thông quan trực tiếp tại Cái Mép - Thị Vải rất ít, do thiếu trung tâm kiểm định hàng hóa, kiểm dịch. Hàng hóa sau khi vào Cái Mép - Thị Vải không được thông quan và nộp thuế tại đây mà vận chuyển bằng sà lan lên thông quan, nộp thuế ở TP.Hồ Chí Minh. Kéo theo dịch vụ vận tải và các dịch vụ khác trong khu vực Cái Mép - Thị Vải bị kìm hãm, không có điều kiện phát triển. Trong khi đó, giao thông khu vực TP.Hồ Chí Minh lại gánh chịu rất nhiều áp lực, cảng ở TP.Hồ Chí Minh thì quá tải. Đối với hàng xuất khẩu, hiện nay, tại Cái Mép - Thị Vải đã có những tuyến vận tải trực tiếp với châu Âu, Bắc Mỹ, sử dụng các tàu vận tải hàng trăm ngàn tấn. Nhưng thời gian qua, hàng hóa lại đang được trung chuyển bằng các tàu 40 ngàn tấn từ Cát Lái sang Singapore để vận chuyển đi các nước. Vì ở khu vực Cái Mép - Thị Vải còn thiếu kho bãi chứa container rỗng, dịch vụ đóng gói, kiểm hàng… Đây là điều rất bất cập, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của Cái Mép - Thị Vải.  

Tôi cho rằng, để phát huy hết tiềm năng của hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải phải có một sự điều phối phù hợp hơn, đặt dưới sự chỉ huy của Chính phủ. Lấy ví dụ ở Thái Lan, khi hệ thống cảng container ở Laem Chaban (thuộc thành phố Laem Chabang, tỉnh Chonburi) được đẩy mạnh phát triển, trong khi hệ thống cảng ở Bangkok quá tải, giao thông ở thủ đô gánh chịu nhiều áp lực, Chính phủ nước này đã nhanh chóng có những điều chỉnh chiến lược. Họ chủ động chuyển đổi công năng cảng ở Bangkok và điều phối hàng hóa sang hệ thống cảng ở Laem Chaban. Từ định hướng trên, Chính phủ Thái Lan ấn định thời gian cụ thể. Nhờ đó, chỉ trong khoảng 2 năm, Thái Lan đã hoàn thành việc điều chỉnh sự phát triển giữa cảng ở Bangkok và Laem Chaban. Câu chuyện Laem Chaban và Bangkok cũng có nét tương đồng với hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải và TP.Hồ Chí Minh; là một gợi ý, kinh nghiệm phát triển cho hệ thống cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tuy nhiên, để có thể giải quyết được bài toán phát triển của cảng Cái Mép - Thị Vải trong tương lai, song hành với việc hoàn thiện chính sách phát triển, liên kết vùng, thì phải giải quyết được những vấn đề nội tại trong quy hoạch và dịch vụ logictis tại các cảng ở địa phương.

Khu vực Cái Mép - Thị Vải có nhiều cảng nhưng còn manh mún, nhỏ lẻ đòi hỏi phải được tổ chức lại, liên kết, sáp nhập để có những cầu cảng lớn đủ sức đón cùng lúc tàu mẹ trọng tải lớn. Vấn đề này, trong chuyến làm việc gần đây nhất của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc khi còn làm Thủ tướng Chính phủ đã được kết luận. Đồng thời, phải thúc đẩy nhanh hơn nữa việc xây dựng Dự án trung tâm logistics và Cảng nước sâu Cái Mép Hạ…

Đây là dự án đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển của hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải và hoạt động logistics của khu vực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Một vấn đề khác trong phát triển cảng biển chính là giao thông. Trong vòng 5 năm qua, nhiều dự án đường bộ quan trọng kết nối cảng biển đã được đầu tư hoàn thành như: đường 991B, đường Phước Hòa - Cái Mép. Hiện nay, các dự án quan trọng khác như đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án cầu Phước An nối cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng đã được Chính phủ chỉ đạo Bộ GT-VT và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lập hồ sơ đầu tư. Đây là những chuyển động tích cực trong thúc đẩy liên kết vùng. Tuy nhiên, để phục vụ phát triển cảng biển, 2 huyết mạch giao thông quan trọng cần được đầu tư bài bản đó là thúc đẩy xây dựng hệ thống giao thông đường sắt chuyên dụng để vận chuyển hàng hóa và hoàn thiện mạng lưới giao thông đường thủy nội địa. Thậm chí, trong tương lai có thể nghĩ đến một tuyến đường sắt kết nối với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Đây là 2 loại hình giao thông kết nối cảng hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất và có khả năng giải phóng hàng hóa nhanh nhất mà các nước mạnh về cảng biển trên thế giới đều đang thực hiện. Nếu có đường sắt, kết hợp với đường thủy và đường bộ, thì bài toán giao thông kết nối cảng biển của Bà Rịa - Vũng Tàu mới được giải quyết một cách trọn vẹn.

DỰA VÀO LỢI ÍCH CỦA NGƯỜI DÂN, MẠNH DẠN ĐỀ XUẤT NHỮNG CHÍNH SÁCH MỚI

Tiếp nối phương châm cơ sở hạ tầng phải đi trước, quyết định sự phát triển lâu dài, trong giai đoạn từ 2005 - 2020, Bà Rịa -Vũng Tàu thực hiện đầu tư nhiều dự án quan trọng cả về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Trong quá trình thực hiện, không ít dự án gặp khó khăn về vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng. Có những dự án vướng mắc kéo dài nhiều năm. Nhưng cũng trong giai đoạn này, nhiều dự án đầu tư đã được triển khai dứt điểm với sự đồng thuận cao từ nhân dân.

Có thể nói, khó khăn lớn nhất khi tiến hành công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng là mâu thuẫn giữa chính sách và nguyện vọng của người dân. Không ít chính sách chậm được sửa đổi và có nhiều bất cập so với thực tế. Trong mối quan hệ đó, chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện đứng giữa lợi ích của người dân và hệ thống quy định pháp luật. Không thể vì lợi ích, mong muốn của nhân dân mà làm trái với quy định của pháp luật. Nhưng cũng không thể cứng nhắc đối chiếu, so sánh với các quy định của pháp luật để rồi án binh, bất động, không tìm ra giải pháp để tháo gỡ khó khăn.

Từ thực tiễn cho thấy, nếu các cấp chính quyền năng động, quyết tâm và theo đuổi đến cùng thì khó khăn sẽ được tháo gỡ. Trong xây dựng hạ tầng, triển khai các dự án, yếu tố quan trọng nhất của các cấp chính quyền là tranh thủ các yếu tố thuận lợi để triển khai hiệu quả công tác dân vận, vận động quần chúng. Phải làm cho dân hiểu, dân đồng thuận thì mọi khó khăn mới được giải quyết. Và khi đã tranh thủ được sự đồng thuận của nhân dân, thì phải tích cực giải quyết trên tinh thần tuân thủ pháp luật, minh bạch, công bằng.

Tôi còn nhớ khi thực hiện dự án di dời các nghĩa địa ở Bà Rịa. Công việc vô cùng gian nan. Gần 20 ngàn ngôi mộ trên diện tích 20 ha, liên quan trực tiếp đến đồng bào có đạo, trong đó có nhiều nghĩa địa đất thánh của những người tử về đạo. Dự án này là vô cùng cấp thiết để tạo không gian đô thị cho Bà Rịa. Vì tính chất phức tạp, nhạy cảm của dự án, liên quan nhiều đến đời sống văn hóa tâm linh của người dân nên dự án phải kéo dài nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ. Tuy nhiên, các thế hệ lãnh đạo ở các nhiệm kỳ đều quan tâm giải quyết. Nhờ đó, đến thời điểm năm 2001 là thời gian chính muồi để tiến hành công tác giải tỏa.

Phải nói, thời điểm đó, đội ngũ cán bộ ở Bà Rịa rất năng động, xông xáo và làm rất tốt công tác vận động quần chúng. Vai trò chỉ đạo của cấp ủy ở TP.Bà Rịa rất lớn trong chỉ đạo, điều hành. Nhờ đó tranh thủ được mọi mối quan hệ với đồng bào, chức sắc tôn giáo; kiên trì, nhẫn nại vận động để đạt được kết quả tốt đẹp cuối cùng. Và dự án đã hoàn thành theo đúng ý chí của chính quyền, với sự đồng thuận cao của nhân dân. Việc di dời các nghĩa địa nội ô TP.Bà Rịa vô cùng thuận lợi, Nhà nước không phải chi trả tiền đền bù, chỉ hỗ trợ cho người dân có phần mộ phải di dời 500 ngàn đồng, tổ chức hỏa táng và cấp đất lại cho dân để chôn cất. Nhờ đó, tiết kiệm cho ngân sách khoảng 40 tỷ đồng. Lúc đó, 40 tỷ đồng là một con số rất lớn. Phải ở trong cuộc vào thời điểm thực hiện dự án mới thấy hết công việc khó khăn đến mức nào, công tác vận động quần chúng quan trọng đến mức nào.

Sau khi di dời các nghĩa địa ở nội ô, Chính quyền TP.Bà Rịa đã thực hiện đúng lời hứa với người dân: toàn bộ phần đất trong khu vực di dời đều được đầu tư dành cho công viên, trường học. Và sự thật, từ quỹ đất đó, Bà Rịa đã xây dựng công viên, Trường THPT Bà Rịa, Trường quốc tế UK…

Nhưng giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án không phải chỉ dựa vào công tác vận động quần chúng. Sự kiên định, kiên quyết gắn liền với việc đề xuất các chính sách phù hợp cũng là yếu tố vô cùng quan trọng. Khi thực hiện Dự án khu tái định cư H20 Bà Rịa khó khăn cũng rất nhiều. Thậm chí, có những lúc các thế lực xấu ở nước ngoài lợi dụng tình hình để xuyên tạc, lên mạng kích động, tố cáo... Hoàn cảnh như vậy nếu các cấp chính quyền ở Bà Rịa lúc đó chùn bước, ngại gian nan, ngại đối mặt thì làm sao có thể thực hiện thành công của dự án. Có lần, tôi nhận cuộc điện thoại từ một nhân vật ở nước ngoài hỏi về dự án, tôi nói thẳng: “Nếu muốn biết, muốn hiểu rõ tình hình, các anh phải về đây, phải xem đời sống nhân dân ở dự án thế nào, xem quê hương Bà Rịa chúng tôi thay đổi ra sao. Chứ không phải ngồi một chỗ, dựa vào những thông tin mơ hồ để phán đoán và xuyên tạc!”

Một điểm tôi thấy rằng, trong quá trình tiến hành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án hạ tầng, việc xem xét thấu đáo quyền lợi của người dân để mạnh dạn đưa ra phương án phù hợp là rất cần thiết. Phải đặt lợi ích của nhân dân như lợi ích của chính bản thân mình, gia đình mình thì mới chọn được giải pháp phù hợp. Chẳng hạn, muốn di dời người dân ra khỏi khu vực dự án thì phải lựa chọn được một giải pháp thỏa đáng về khu vực tái định cư. Tái định cư tối thiểu phải bằng hoặc tốt hơn khu vực người dân sinh sống trước đó thì nhân dân mới đồng thuận. Trong quá trình bố trí tái định cư phải tính đến sinh kế của người dân lâu dài, đặc biệt là công ăn việc làm. Đối với người dân không đủ điều kiện tái định cư, nhưng đã định cư lâu năm, hoặc trong gia đình có nhiều thế hệ sống trên đất bị thu hồi thì phải xem xét thấu đáo để có thể giao đất ở cho họ. Tôi tin rằng, nếu các dự án lớn, có đủ quỹ đất, đủ điều kiện thì việc bố trí tái định cư tại chỗ cho người dân là phương án phù hợp nhất khi tiến hành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Hiện nay, cảng Cái Mép - Thị Vải đã có những tuyến vận tải trực tiếp với châu Âu, Bắc Mỹ, sử dụng các tàu vận tải hàng trăm ngàn tấn.
Hiện nay, cảng Cái Mép - Thị Vải đã có những tuyến vận tải trực tiếp với châu Âu, Bắc Mỹ, sử dụng các tàu vận tải hàng trăm ngàn tấn.

Hôm nay, đứng tại Quảng trường công viên Bà Rịa, bên thảm cỏ xanh của công viên nhìn về thênh thang những con đường người xe xuôi ngược, tôi vẫn cứ nhớ về những ngày đầu thành lập tỉnh nhiều gian khó như một hoài niệm đẹp về quê hương. BR-VT trong lòng “miền Đông gian lao mà anh dũng”, kế thừa những truyền thống tốt đẹp của các bậc cha anh, thế hệ chúng tôi cũng đã góp một phần tuổi xuân, với những khát khao cống hiến.

30 năm chặng đường hình thành và phát triển, tỉnh BR-VT không chỉ là những nốt nhạc vui của ca khúc khải hoàn hôm nay, mà còn có cả những bàn tay thô ráp, chai sần trong khúc “dô hò” của những ngày đầu tìm lối đi. Một ký ức hào hùng, sôi nổi của BR-VT luôn gắn với những gương mặt thân quen, những nét tính cách mạnh mẽ, cương trực, quyết liệt trong hành động, nhưng hết sức gần gũi, giản dị trong lối sống của các thế hệ cha chú gầy dựng lối đi ban đầu dường như không hề phai trong tôi.

30 năm qua, Bà Rịa - Vũng Tàu đã không ngừng vươn lên với ý chí, quyết tâm với nhiều sáng tạo, đột phá với nhiều thế hệ lãnh đạo dám làm, dám chịu trách nhiệm. Con đường phía trước đối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với những nền tảng kinh tế - xã hội hiện nay là rất rộng mở. Trong bước đường phát triển đó, chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề nội tại phát sinh, sẽ có nhiều gian nan, nhiều lực cản, nhưng tôi tin rằng, với tinh thần đoàn kết thống nhất cao, với ý chí không lùi bước và luôn hướng về phía trước, BCH Đảng bộ tỉnh và hệ thống các cấp chính quyền sẽ kế thừa những thành quả phát triển, tiếp tục lãnh đạo, điều hành thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị, đưa Bà Rịa – Vũng Tàu tiến nhanh hơn, mạnh hơn.

Bà Rịa, 19/11/2021

Ông NGUYỄN VĂN TRÌNH
Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh

;
.