.

Cùng ngư dân vươn khơi, bám biển

Cập nhật: 20:33, 12/12/2021 (GMT+7)

Thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam giai đoạn 2019-2023” và chương trình công tác Dân vận “CSB đồng hành với ngư dân” giai đoạn 2019-2021, Bộ Tư lệnh Vùng CSB 3 đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo và mô hình thiết thực. Qua đó giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, đồng thời đưa Luật CSB đến gần hơn với các tầng lớp nhân dân.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng CSB 3 tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng CSB 3 tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân.

Đa dạng, linh hoạt  trong tuyên truyền pháp luật

Bộ Tư lệnh Vùng CSB 3 là lực lượng chuyên trách của Nhà nước về thực thi pháp luật trên vùng biển từ Cù Lao Xanh (tỉnh Bình Định) đến bờ bắc cửa Định An (tỉnh Trà Vinh), bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 và thềm lục địa phía Nam. Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến Luật CSB là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm củng cố và nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân, đặc biệt là ngư dân trong bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc, 3 năm qua, Bộ Tư lệnh Vùng CSB 3 đã chú trọng triển khai thực hiện Đề án số 8692 ngày 12/8/2019 của Bộ Quốc phòng về “Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019-2023”.

Theo Thiếu tướng Đỗ Hồng Đó, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng CSB 3, để Luật CSB lan tỏa sâu rộng vào cuộc sống của bà con nhân dân, ngư dân và trong từng cán bộ, chiến sĩ, công tác tuyên truyền Luật CSB Việt Nam luôn được Bộ Tư lệnh Vùng CSB 3 đã chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp. Theo đó, nội dung tuyên truyền tập trung vào Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; Luật Biển Việt Nam 2012; Luật Phòng, chống tội phạm ma túy… Hình thức tuyên truyền cũng đã được tiến hành đa dạng, sinh động, sát thực tế như tuyên truyền trực tiếp qua hoạt động của đội ngũ báo cáo viên; phát tờ rơi, tờ gấp; băng rôn, khẩu hiệu; phát loa tuyên truyền trên các tàu thực hiện nhiệm vụ trên biển… Đặc biệt, bằng hình thức các trò chơi, hỏi đáp về biển, đảo và lồng ghép tuyên truyền Luật CSB Việt Nam, các cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” dành cho HS khối THCS đã trở thành một trong những hoạt động để lại dấu ấn đẹp trong chuỗi hoạt động mô hình công tác dân vận “CSB đồng hành với ngư dân”.

“Sau cuộc thi, em có thêm rất nhiều hiểu biết về các chú cảnh sát biển, về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Em mong muốn sẽ được đóng góp công sức nhỏ bé của mình trong việc chia sẻ những thông tin biển, đảo đến với mọi người”, em Khổng Thị Yến Nhi (lớp 8/10, Trường THCS Phước Thắng, TP. Vũng Tàu) chia sẻ.

Ngoài ra, với vai trò thực thi pháp luật và đồng hành với ngư dân trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc, Bộ Tư lệnh Vùng CSB 3 cũng đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Chính phủ về “Một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định”. “Được các anh CSB và chính quyền địa phương tuyên truyền, chúng tôi đã hiểu về tác hại của việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Do vậy, không chỉ tàu của gia đình tôi mà các tàu khác ở bến này cũng đều tự giác chấp hành”, ông Nguyễn Văn Tứ (phường 11, TP. Vũng Tàu) cho biết.

Trong 3 năm thực hiện đề án “Tuyên truyền, phổ biến luật CSB Việt Nam” và 2 năm thực hiện chương trình “CSB đồng hành với ngư dân”, Bộ Tư lệnh Vùng CSB 3 đã tổ chức 14 hội nghị tuyên truyền về Luật CSB cho gần 68.000 lượt cán bộ, đảng viên, nhân dân, ngư dân; phát 1.500 cuốn sổ tay tuyên truyền cho ngư dân; đăng hơn 565 tin bài, phóng sự tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức 8 cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” cho HS khối THCS, THPT; trao tặng 1.200 cờ Tổ quốc, 200 phao áo cứu sinh, 100 tủ thuốc, túi thuốc cho nhân dân, ngư dân có hoàn cảnh khó khăn; tặng 30 xe đạp, 100 suất học bổng (trị giá 1 triệu đồng/suất) cho các em HS nghèo; tặng 1.040 phần quà, 10.000 khẩu trang y tế, 2.000 chai nước rửa tay sát khuẩn cho nhân dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Sát cánh cùng ngư dân

Nhận thức rõ việc tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ, giúp đỡ nhân dân làm ăn, sinh sống trên biển là nhiệm vụ “chiến đấu” trong thời bình, mệnh lệnh từ trái tim người chiến sĩ CSB, bất kể điều kiện khó khăn, phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, hoặc ở vùng biển xa, hễ nhận được thông tin về ngư dân hoặc tàu thuyền bị nạn trên biển, cán bộ, chiến sĩ của Bộ Tư lệnh Vùng CSB 3 luôn dũng cảm đi đầu, có mặt kịp thời để giúp đỡ. Riêng từ năm 2015 đến nay, Bộ Tư lệnh Vùng CSB 3 đã tiếp nhận, xử lý 270 thông tin tìm kiếm, cứu nạn và an ninh hàng hải trên biển; cứu 25 phương tiện/358 thuyền viên và ngư dân bị nạn trên biển.

Là một trong số những ngư dân bị nạn trên biển được lực lượng CSB cứu giúp hồi tháng 5/2021, anh Tô Văn Mến (SN 1989, lao động trên tàu cá BL 91567 TS, tỉnh Bạc Liêu) xúc động kể lại. Do bất cẩn trong quá trình đánh bắt hải sản nên tôi đã bị thương ở cánh tay phải và vùng cổ, vết thương sâu, mất máu nhiều và bị choáng. Rất may là sau khi nhận được tín hiệu cấp cứu, Tàu 4034  của Vùng CSB 3 đã khẩn trương tiếp cận và cấp cứu kịp thời. “Giữa cơn cuồng nộ của biển khơi, sự xuất hiện kịp thời của lực lượng CSB đã giúp ngư dân chúng tôi bảo toàn tính mạng. Tôi rất cảm kích, cảm ơn về sự tận tâm giúp đỡ và chữa trị cho tôi của các cán bộ, chiến sĩ CSB”, anh Mến nói.

Nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đồng thời giúp đỡ, đồng hành với ngư dân vươn khơi, bám biển, từ năm 2017 đến nay, Bộ Tư lệnh Vùng CSB 3 cũng đã tích cực triển khai chương trình công tác dân vận “CSB đồng hành với ngư dân” bằng cách phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, DN tổ chức các hoạt động như: thăm, tặng quà, tư vấn sức khỏe, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách, người nghèo; giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường biển, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trên các xã đảo, huyện đảo và ven biển về bảo vệ môi trường, thay đổi thói quen không xả rác bừa bãi đặc biệt là rác thải nhựa, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển.

“Thời gian tới cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để Luật CSB và các chương trình, đề án có sức lan tỏa sâu rộng trong thực tiễn, nâng cao nhận thức cho mọi người dân tuân thủ pháp luật, nhất là chấp hành các quy định khi tham gia các hoạt động trên biển để mỗi ngư dân hoạt động trên biển thực sự là một chiến sĩ, góp phần cùng các lực lượng chức năng bảo vệ chủ quyền an ninh biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”, Thiếu tướng Đỗ Hồng Đó nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MINH NHÂN

.
.
.