Bà Rịa - Vũng Tàu 30 năm nhìn lại

Thứ Năm, 16/12/2021, 20:59 [GMT+7]
In bài này
.

Chúng tôi may mắn chứng kiến trọn vẹn sự phát triển của tỉnh kể từ ngày thành lập, những đổi thay của quê hương, cũng như đã trải nghiệm những vui buồn, thăng trầm trong quá trình phát triển của vùng đất “địa đầu Nam Bộ”. Nếu không hiểu được những khó khăn ban đầu thì khó có thể đánh giá đúng những thành tựu có được hôm nay và những kinh nghiệm đã trải qua. Do vậy, tôi muốn nhân dịp này ôn lại quá khứ, hy vọng qua đây các thế hệ nối tiếp có thể tiếp tục suy nghĩ và rút ra được điều gì bổ ích chăng?

Ông Nguyễn Trọng Minh, Chủ tịch UBND tỉnh bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa II, nhiệm kỳ 1996-2001.
Ông Nguyễn Trọng Minh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa II, nhiệm kỳ 1996-2001.

Trước hết, cần khẳng định Bà Rịa - Vũng Tàu khi thành lập đã thừa hưởng những thành quả của Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, đặc biệt là ngành dầu khí, một ngành công nghiệp non trẻ nhưng vô cùng quan trọng đối với quốc gia. Nhờ có ngành dầu khí mà nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn trong giai đoạn từ năm 1979 đến nay. Không có dầu khí, sẽ không có cụm công nghiệp Điện Phú Mỹ với tổng công suất lớn nhất cả nước, đồng nghĩa với Bà Rịa - Vũng Tàu không thể “công nghiệp hóa” như hiện nay. Nhưng dầu khí là ngành kinh tế trực thuộc Trung ương, ngân sách do Trung ương quản lý. Bà Rịa - Vũng Tàu thời mới thành lập đứng trước vô vàn khó khăn. Công nghiệp địa phương èo uột, một vài nhà máy nước đá, một vài cơ sở chế biến hải sản, đóng sửa tàu thuyền nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, xuống cấp trầm trọng. Ngoài cảng dầu khí, Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ có một cầu cảng nổi (ponton) tại Cát Lở được xây dựng thời Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, còn lại là các cơ sở tiểu thủ công nghiệp trong dân cư, chủ yếu phục vụ dân sinh. Ngành hải sản và du lịch lúc đó gọi là “thế mạnh” của Bà Rịa - Vũng Tàu thực chất cũng không phát triển vì cơ sở vật chất nghèo nàn, đa số doanh nghiệp nhà nước kinh doanh không hiệu quả, làm ăn thua lỗ triền miên…

Đời sống nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu vô cùng cơ cực, đặc biệt là vùng nông thôn thuộc các huyện mới sáp nhập vào (trước đó thuộc tỉnh Đồng Nai) như TX. Bà Rịa (chưa tới 90.000 dân), Long Đất, Xuyên Mộc… cơ sở hạ tầng nói chung khá “bi đát”. Các Quốc lộ 51, 55, 56 chật hẹp, xuống cấp nghiêm trọng, giao thông nông thôn đi lại khó khăn. Trên 50% các xã trong thời đó không có “điện, đường, trường, trạm” hoặc nếu có thì chắp vá, tạm bợ… Các đảo như Côn Đảo, Long Sơn thì tình trạng cơ sở hạ tầng còn khó khăn hơn. Riêng Côn Đảo khi thời tiết xấu, có lúc 3 tháng không có tàu từ đất liền ra vì không có tàu lớn đủ sức đi biển. Nói chung là do không có tiền để đầu tư.

Tình hình thu ngân sách địa phương lúc mới thành lập cũng căng thẳng không kém, chủ yếu là “ăn đong”. Có thời điểm UBND tỉnh phải vay tiền từ kho bạc vào đầu tháng để trả lương cho cán bộ, công nhân viên, đến cuối tháng có nguồn thu mới hoàn trả lại cho kho bạc. Vay như vậy không phải trả lãi! Đúng như nhà thơ Tú Xương trong bài thơ “Than nghèo” đã viết: “Chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi!”. Đó là một thực tế mà không phải ai cũng biết. Nhiều người nói Bà Rịa - Vũng Tàu “giàu” là nhờ dầu khí, nhưng thực tế không hoàn toàn đúng như vậy.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng văn hóa - xã hội cũng vô cùng thiếu thốn. Trường học, bệnh viện, trạm xá đều không đáp ứng được yêu cầu của người dân. Nước sạch cũng không đủ cung cấp vì chỉ có 1 nhà máy nhỏ ở sông Dinh (Bà Rịa), thậm chí phải xây nhà máy nước ngầm tại Bà Rịa để cấp nước cho Vũng Tàu. Trừ thành phố Vũng Tàu và Trung tâm thị xã Bà Rịa, còn lại cư dân hầu hết ở các xã chủ yếu sử dụng nước giếng. Đa số chợ búa trong tỉnh thì lôi thôi, nhếch nhác và cũng chưa ai biết “siêu thị” là gì! Đời sống của nhân dân đa số còn rất khó khăn, tỷ lệ nghèo đói lên tới 40-45%.

Ông Nguyễn Trọng Minh và các đại biểu tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh BR-VT khóa II.
Ông Nguyễn Trọng Minh và các đại biểu tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh BR-VT khóa II.

Tóm lại, thời điểm thành lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nếu ai có mặt ở đó từ đầu thì mới hiểu được tình hình khó khăn thế nào, người mới đến sau này không thể hình dung được!

Tuy nhiên, Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ có khó khăn như đã nói. Tỉnh được thành lập mới, không gian địa lý mở rộng, tạo ra quy mô phù hợp về mặt địa - kinh tế để phát triển lâu dài. Tiềm năng và lợi thế so sánh của Bà Rịa - Vũng Tàu là to lớn, vì có núi, có rừng, có đồng bằng, có biển cả, có vùng sông nước thông trực tiếp với biển như Thị Vải, là điều kiện tốt để xây dựng hệ thống cảng lớn gắn với hàng ngàn ha đất hoang hóa rừng ngập mặn, có thể biến thành những khu công nghiệp lớn. Cơ bản nhất để Bà Rịa - Vũng Tàu “công nghiệp hóa” là có điện và có hệ thống trục giao thông đi qua tỉnh, thuận lợi cho chiến lược “kinh tế vùng”. Nói chung, tiềm năng và lợi thế so sánh rất tốt, nếu biết phát huy thì sẽ phát triển mạnh. Tuy nhiên, như người ta giễu cợt: “Ăn truyền thống, sống tiềm năng”. Có tiềm năng, thế mạnh mà sao mãi vẫn nghèo?. Đó là câu hỏi buộc Đảng bộ Bà Rịa - Vũng Tàu phải suy nghĩ và trả lời những câu hỏi sau đây:

- Bà Rịa - Vũng Tàu làm gì để “công nghiệp hóa”?

- Bà Rịa - Vũng Tàu làm gì để xóa đói giảm nghèo? xóa đói giảm nghèo bắt đầu từ đâu?

- Làm gì để có tiền xây dựng và phát triển?

- “Nút thắt” của vấn đề nằm ở đâu?

Đồng chí Võ Văn Kiệt khi còn làm Thủ tướng đã nói: “Bà Rịa - Vũng Tàu là một Việt Nam thu nhỏ”, nghĩa là cái gì cũng có mà vẫn nghèo!

Bao nhiêu trăn trở đó của toàn Đảng và toàn dân trong tỉnh đã dần được giải quyết. Mấu chốt là ở vấn đề “cơ sở hạ tầng”. Đó là câu trả lời cho tất cả “hạ tầng - hạ tầng và hạ tầng”. Nghị quyết Đại hội Đảng của tỉnh lần I và II, III tiếp sau đó đều đã xác định nhiệm vụ phải phát huy thế mạnh hiện có để phát triển kinh tế - xã hội, huy động mọi nguồn lực, trong đó việc xây dựng cơ sở hạ tầng là khâu đột phá. Muốn thực hiện điều này, phải bắt đầu từ khâu: xây dựng quy hoạch chiến lược phát triển tổng thể và phát triển ngành. Việc này được tiến hành ráo riết và kết quả là “quy hoạch kinh tế - xã hội Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2000” đã được Chính phủ phê duyệt, tạo tiền đề để tiếp tục phát triển bền vững. Đây là một thành công có tính chất cơ bản ban đầu thể hiện tầm nhìn chiến lược của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Kỹ sư điều khiển máy móc tại Nhà máy khí Dinh Cố.
Kỹ sư vận hành hoạt động Nhà máy khí Dinh Cố.

Đến đây, một vấn đề được đặt ra: có quy hoạch rồi, làm sao để quy hoạch đó thành hiện thực? Tiền đâu để thực hiện quy hoạch? Giả sử nếu có tiền thì đầu tư vào đâu, cái gì làm trước, cái gì làm sau? Hàng loạt câu hỏi được đặt ra, đòi hỏi phải suy nghĩ để tìm câu trả lời. Trả lời được tức là “BIẾT LÀM”. Có ý chí, “dám làm” nhưng không “biết làm” thì cũng không thể thành công.

Muốn công nghiệp hóa nhanh trong điều kiện nội lực còn hạn chế, cần thu hút đầu tư nước ngoài để tranh thủ nguồn vốn, công nghệ, giải quyết công ăn, việc làm cho người lao động. Trong các hội nghị về thu hút đầu tư do Chính phủ tổ chức, các nhà đầu tư nước ngoài đều than phiền về sự yếu kém của cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Đây là điểm nghẽn cần tháo gỡ, không chỉ cho đầu tư nước ngoài mà còn cho cả đầu tư và phát triển trong nước. Đối với Bà Rịa - Vũng Tàu, áp lực từ việc thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là từ khi Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam vào năm 1995 càng gay gắt, nhưng tiền đâu để đầu tư cơ sở hạ tầng? Không bó tay ngồi nhìn hoặc chạy vạy, xin xỏ Trung ương hỗ trợ, Bà Rịa - Vũng Tàu đã mạnh dạn tìm câu trả lời. Phải phát huy tiềm năng sẵn có để có nguồn đầu tư. Đất đai còn hoang hóa nhiều nhưng không thể sử dụng, trong khi nhiều doanh nghiệp có vốn nhưng không có đất để sản xuất. Luật pháp thời đó không cho phép bán đất công, đành phải xin cơ chế “Đổi đất lấy công trình”. Được Chính phủ chấp thuận cho làm “thí điểm”, tỉnh “chớp thời cơ” triển khai ngay. Nhiều doanh nghiệp nhạy bén nhìn ra thời cơ để phát triển sản xuất kinh doanh đã nhiệt tình tham gia đầu tư để được trả lại bằng đất. Nhờ vậy, chỉ trong 5-10 năm đầu, hàng loạt công trình đường sá, điện nước, trường học, bệnh viện cả đô thị và nông thôn đồng loạt khởi công. Từ năm 1996 đến năm 2000, tổng giá trị công trình đã trên 2.000 tỷ đồng, tất cả từ đất. Cách đây 25 năm, đó là số tiền không hề nhỏ. Kết quả là chỉ sau 10-15 năm, toàn tỉnh đã “lột xác”! Từ đó, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đổ về Bà Rịa - Vũng Tàu để đầu tư. Chỉ trong mấy năm, bộ mặt Bà Rịa - Vũng Tàu đã thay đổi. Từ đô thị đến nông thôn, từ đất liền đến Côn Đảo, Long Sơn, hệ thống điện, đường, trường, trạm, nước sạch nông thôn… đã cơ bản đáp ứng yêu cầu cho sản xuất và đời sống. Hàng loạt cảng từ Vũng Tàu - Thị Vải đã hình thành, hàng chục khu công nghiệp được xây dựng. Những năm sau năm 2000, lần lượt nhiều công trình hạ tầng lớn như cảng biển, cầu, đường, khu công nghiệp, khu du lịch, thương mại hiện đại tiếp tục được xây dựng. Ngày nay, Bà Rịa - Vũng Tàu đã trở thành trung tâm công nghiệp - năng lượng lớn nhất cả nước, có hệ thống cảng biển hiện đại tầm cỡ quốc gia và quốc tế, đáp ứng cho việc phát triển sản xuất và xuất khẩu thông qua dịch vụ hàng hải. Đặc điểm nổi bật của Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay là hệ thống giao thông, nhất là giao thông nông thôn phát triển mạnh mẽ và rộng khắp, tạo điều kiện cho dân cư phát triển sản xuất, kinh doanh, nhờ có đường, điện mà đã thành công trong xóa đói, giảm nghèo nhanh chóng. Đến nay, theo chuẩn quốc gia, Bà Rịa - Vũng Tàu gần như không còn hộ nghèo. Rõ ràng, tiềm năng và thế mạnh đã được khai thác. “Điểm nút” đã được tháo gỡ, làm bật lên toàn bộ tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Đây là một bài học lớn.

Tất nhiên, để phát triển và giàu mạnh không chỉ có việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở. Còn nhiều yếu tố khác tác động thúc đẩy quá trình phát triển như hệ thống cơ chế, chính sách và pháp luật…, nhưng yếu tố tác động nhanh và cơ bản nhất là “hạ tầng”. Mở cửa nhưng hạ tầng yếu kém thì cũng không ai đầu tư và “công nghiệp hóa” chỉ là mơ ước.

Để Bà Rịa - Vũng Tàu có hình vóc, cơ đồ như hôm nay, sau 30 năm nhìn lại, yếu tố cơ bản nhất có thể đúc kết được:

1. Tầm nhìn chiến lược, ý chí và nghị lực của đội ngũ lãnh đạo các cấp, nhất là Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

2. Sự đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân (đồng thuận xã hội).

3. Đội ngũ cán bộ các cấp có quyết tâm khắc phục khó khăn, dám nghĩ dám làm, biết làm và dám chịu trách nhiệm, đặc biệt là sự đoàn kết vì sự nghiệp chung.

4. Sự thông cảm, hiểu biết thực tế và ủng hộ cái mới của lãnh đạo Chính phủ cũng như sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương trong việc thực hiện những cơ chế mới do Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất.

Tóm lại, chúng ta đã trải qua một chặng đường đầy gian nan, thử thách từ những ngày đầu thành lập tỉnh. Chúng ta đã có câu trả lời cho các câu hỏi đã đặt ra. Bà Rịa - Vũng Tàu hoàn toàn có thể công nghiệp hóa, muốn công nghiệp hóa thì phải dựa vào chính sách mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài; muốn có đầu tư nước ngoài thì phải có chính sách, cơ chế, cơ sở pháp lý phù hợp để thu hút; phải có cơ sở hạ tầng ban đầu đáp ứng yêu cầu. Muốn có cơ sở hạ tầng phải có chính sách khai thác tài nguyên, sử dụng đất đai làm nguồn lực để phát triển trong lúc ban đầu còn nghèo khó… Bài học này không chỉ Bà Rịa - Vũng Tàu làm, các tỉnh thành khác trên cả nước cũng làm như: Đà Nẵng, Buôn Mê Thuột, Hải Phòng, Quảng Ninh… nhưng Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương đi đầu thí điểm. Bây giờ người ta cho “bán đất” với hình thức “đấu giá”. Ngày xưa mà “bán đất” là vi phạm pháp luật mà không “bán đất” thì lấy tiền đâu xây dựng cơ sở hạ tầng? Thuật ngữ “dùng quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng” thay cho “đổi đất lấy công trình” cũng chỉ là một cách nói khác đi mà thôi, bản chất vấn đề không hề thay đổi. Không có cơ sở hạ tầng thì đừng nói đến “phát triển”. Cái vòng luẩn quẩn đó đã dần được giải quyết. Giờ đây đã có “vốn liếng” rồi, có điều kiện để tiếp tục phát triển, chứ không phải chạy vạy, xin xỏ tiền bạc, cơ chế như xưa! Đây là một bước tiến mới.

Thành quả 30 năm xây dựng và phát triển là công lao to lớn của toàn thể Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Quá trình đó không hề đơn giản, không thể tránh khỏi thiếu sót, vấp ngã ban đầu do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Những vấn đề nêu trên bây giờ nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng cách đây vài chục năm, không đơn giản chút nào. Luật Đất đai - Xây dựng - Luật Đầu tư trong nước – Luật đầu tư nước ngoài... đã phải thay đổi rất nhiều lần, không ổn định, làm “điên đầu” mọi người… Việc thay đổi chứng tỏ khi ấy các luật đó đều không phù hợp với tình hình thực tiễn, thậm chí có lúc trở thành “lực cản” cho sự phát triển. Vượt qua “lực cản” đó để đi đến ngày nay, phải trải qua rất nhiều mất mát, hy sinh, “lên bờ xuống ruộng”! Đó là cái giá phải trả cho những thành quả hôm nay.

Cầu Bà Nanh - cây cầu đầu tiên kết nối xã đảo Long Sơn với đất liền.
Cầu Bà Nanh - cây cầu đầu tiên kết nối xã đảo Long Sơn với đất liền.

Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay là một trong 3 tỉnh đóng góp ngân sách lớn nhất trong cả nước, chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, là tỉnh có công nghiệp hiện đại, có ngành dầu khí, có hệ thống giao thông đô thị, nông thôn và hệ thống trường học, bệnh viện, trạm xá… thuộc top đầu cả nước, có hệ thống cảng biển, trung tâm năng lượng điện tầm cỡ quốc gia, quốc tế…, là địa phương có ngành du lịch đa dạng với phong cảnh xinh đẹp, môi trường rừng, biển trong lành… Tiếp tục khai thác các tiềm năng và “cơ ngơi” sẵn có, chắc chắn tương lai kinh tế Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phát triển hơn, đời sống nhân dân sẽ hạnh phúc hơn.

Chúng ta hoàn toàn tin tưởng và hy vọng vào tiền đồ tươi sáng đó của Bà Rịa - Vũng Tàu. Bước vào giai đoạn mới, từ nay đến 2030-2045, chúng ta phải làm gì để đưa đất nước đi lên như kỳ vọng trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa qua? Lại trở về câu hỏi: “Bắt đầu từ đâu?” và Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chắc chắn sẽ biết cách trả lời cho câu hỏi đó! Tôi tin như vậy!

Ông NGUYỄN TRỌNG MINH,

Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh

;
.