Ngày 9/11, tiếp tục Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV đã thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước và công tác phòng, chống dịch COVID-19. Một số đại biểu Quốc hội nhấn mạnh tới vị trí, vai trò của nguồn nhân lực, năng suất lao động trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: CHÂU VŨ |
“Bung” năng suất lao động để thúc đẩy tăng trưởng
Nhấn mạnh rằng trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 rất phức tạp mà GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng, trong năm 2020 đạt 2,9% và năm nay ước đạt khoảng 3,5%, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đánh giá, đây là những kết quả rất ấn tượng, thể hiện nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ.
Đề cập mục tiêu chiến lược đến năm 2030 mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra là Việt Nam sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm đạt khoảng 6,5-7%, đại biểu bày tỏ băn khoăn rằng nếu năm nay nền kinh tế đạt khoảng 3,5% thì những năm sau sẽ cần phải đạt tới 7-8% mới có thể bù đắp cho những năm đầu của chiến lược này. Do đó, đại biểu đồng tình với kiến nghị nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đề nghị Chính phủ cân nhắc chỉ tiêu GDP là 6,5% trong năm 2022.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ cần có giải pháp tập trung tăng năng suất lao động. Theo đại biểu, Việt Nam có dư địa về năng suất lao động rất lớn. Ví dụ, năm 1990, năng suất lao động của Trung Quốc với Việt Nam tương đương nhau, nhưng sau 27 năm, Trung Quốc đã tăng liên tục năng suất lao động và đến nay đã tăng lên 9,4 lần, trong khi Việt Nam chỉ tăng 3,74 lần. “Như vậy rõ ràng năng suất lao động của chúng ta giống như mô hình của Hàn Quốc và Nhật Bản đang bị nén lò xo. Đây là dịp có thể tung ra (lò xo tăng năng suất lao động) nếu chúng ta tập trung vào việc nâng cao kỹ năng và đổi mới công nghệ”, đại biểu so sánh.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhấn mạnh, điều quan trọng nhất lúc này là cần phải nỗ lực thích ứng với dịch bệnh để phát triển kinh tế-xã hội và một trong những giải pháp để chủ động ứng phó với dịch bệnh là chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng, tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, theo đại biểu, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế. Đại biểu đề nghị, để khôi phục kinh tế xã hội sau đại dịch, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đầu tư đào tạo, bồi dưỡng xây dựng và phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng; cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực để phát triển nguồn nhân lực theo 2 nhánh, cả trong khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước, cả lao động trong nước và lao động xuất khẩu.
Đại biểu đề xuất các nhóm giải pháp như: chú trọng giai đoạn đào tạo tiền lao động, chuẩn bị nguồn nhân lực kế cận từ xa; tăng cường công tác bồi dưỡng cho nguồn nhân lực hiện có. Một trong những giải pháp quan trọng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào khối Nhà nước là các chính sách cải cách tiền lương. Tuy nhiên, theo đại biểu, việc cải cách tiền lương trong những năm qua vẫn tương đối rụt rè. “Tôi cho rằng cải cách tiền lương không phải là việc chúng ta chi thêm từ nguồn ngân sách ít ỏi ra để tăng thêm lương cho người lao động mà phải coi đó là sự đầu tư quan trọng vào nhân tố quan trọng nhất, bảo đảm cho một nền kinh tế phát triển nhanh, lành mạnh và bền vững, là nhân tố con người”, đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu, thách thức cạnh tranh nguồn nhân lực luôn là tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội và giải pháp có tính quyết định để giữ gìn và thu hút nguồn nhân lực chính là trả cho sức lao động một mức thu nhập xứng đáng. Bên cạnh đó, khối đơn vị công cần xây dựng môi trường lao động văn minh, tiến bộ, công bằng. Đó là sự minh bạch trong đánh giá và tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, tinh giản bộ máy và biên chế, tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng để thanh lọc nguồn nhân lực làm tiền đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Còn đối với khu vực kinh tế ngoài Nhà nước thì đó là việc xây dựng một nền kinh tế hội nhập năng động, có tính toàn cầu, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tích cực đầu tư sản xuất công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cần có cơ chế ngăn ngừa vi phạm mua sắm trang thiết bị Tham gia thảo luận tại hội trường, đề cập đến nội dung tổ chức tín dụng, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, nguyên nhân vướng mắc trong cơ cấu lại các tổ chức tín dụng tập trung chính ở cơ sở pháp lý với sự chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập, thiếu đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. “Tôi đề nghị cần khẩn trương rà soát lại một cách tổng thể và toàn diện, tập trung xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý để thực hiện đồng bộ việc sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả các tổ chức tín dụng, góp phần ổn định chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, ổn định kinh tế vĩ mô”, đại biểu Nguyễn Thị Yến nói. Về phát triển giáo dục, năm học 2021-2022 vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu giáo viên do không có nguồn để tuyển dụng hoặc hợp đồng theo quy định chuẩn của Luật Giáo dục năm 2019. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị các bộ, ngành liên quan có giải pháp tạm thời cho địa phương được ký hợp đồng với giáo viên thỉnh giảng theo chuẩn cũ để đáp ứng yêu cầu hiện tại, nhằm khắc phục tình trạng có học sinh nhưng thiếu giáo viên, đồng thời, sớm có hướng dẫn lộ trình thỉnh giảng giáo viên theo chuẩn mới. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, tình hình vi phạm quy định pháp luật trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế và giáo dục đã xảy ra, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân bất cập về cơ chế quản lý. Nhằm khắc phục, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét, có cơ chế bảo đảm cho việc này, để đội ngũ GV, y bác sĩ yên tâm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Về tỷ lệ điều tiết ngân sách Trung ương và địa phương, theo báo cáo của Chính phủ, năm 2022 cả nước có 18 tỉnh, thành phố, nộp ngân sách về trung ương và được phân chia tỷ lệ điều tiết ngân sách, tăng 2 địa phương so với năm 2021, là tín hiệu rất đáng mừng. Trong đó, tỉnh BR-VT tăng 8% tỷ lệ nộp về ngân sách trung ương. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các tỉnh, thành phố này phải ưu tiên ngân sách chi cho công tác phòng, chống dịch; triển khai nguồn vốn theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vì vậy, đại biểu đề nghị Trung ương cân nhắc tỷ lệ điều tiết ngân sách cho phù hợp trong thời gian tới. |
Tận dụng nguồn lao động địa phương
Đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) nêu kinh nghiệm thực tiễn phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua, việc thực hiện phong tỏa, giãn cách kéo dài ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, các khu công nghiệp tập trung trọng điểm phía Bắc đã tác động tiêu cực đến chỉ số tăng trưởng kinh tế của cả nước và hệ lụy của làn sóng di cư, dịch chuyển người lao động về quê. Đại biểu đề nghị Chính phủ, ngành chức năng và các địa phương cần tính đến giải pháp giãn cách các khu công nghiệp, nhà máy gia công, lắp ráp, sử dụng lao động thủ công về các tỉnh vệ tinh để tận dụng lao động địa phương, giảm áp lực cho các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các khu công nghiệp lớn.
Bên cạnh đó, các đô thị có lợi thế đặc biệt nên chuyển hướng quy hoạch xây dựng trung tâm kinh tế tài chính với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, có tính đột phá và có khả năng cạnh tranh quốc tế cao, sử dụng lao động tay nghề cao, chất lượng cao, thực hiện đô thị hóa theo như mô hình trung tâm đô thị tài chính công nghệ cao của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Đại biểu Lý Thị Lan cũng đề nghị Chính phủ tập trung và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm đúng mục tiêu, hiệu quả và tính cấp bách của Chương trình để người dân và đồng bào dân tộc thiểu số đào tạo sinh kế có việc làm ổn định, yên tâm sinh sống và sản xuất tại quê hương mình, nhất là đối với những lao động di chuyển từ các khu công nghiệp trở về quê hương do dịch bệnh.
VIỆT ĐỨC