Bình tĩnh ứng phó với dịch bệnh

Thứ Ba, 23/11/2021, 22:16 [GMT+7]
In bài này
.

Đó là yêu cầu của ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đối với các đơn vị, địa phương trong cuộc họp bàn về các giải pháp phòng, chống dịch diễn ra chiều 23/11. 

Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Mở rộng cơ sở điều trị 

Bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế cho biết, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh. Mỗi ngày, số ca mắc mới nói chung và số ca mắc trong cộng đồng nói riêng tăng lên đáng kể. Chỉ tính từ 12 giờ ngày 22 đến 12 giờ ngày 23/11, toàn tỉnh ghi nhận 709 ca mắc mới, trong đó có 412 ca trong cộng đồng.

Số ca mắc mới ngày càng tăng đã khiến các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 quá tải. Do vậy, bên cạnh thực hiện chỉ đạo của tỉnh từ ngày 25/11 sẽ thực hiện theo dõi, điều trị F0 không có triệu chứng, bệnh nhẹ tại nhà và nơi làm việc, Sở Y tế đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tiếp tục khảo sát, chuẩn bị bổ sung một số cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19.

Bác sĩ Phạm Minh An thông tin thêm, Sở đã khảo sát thêm 3 cơ sở tại TP. Vũng Tàu, TX. Phú Mỹ và huyện Châu Đức, dự kiến bố trí được khoảng 4.000 giường bệnh. Ngoài ra, toàn tỉnh có 73 cơ sở cách ly F1 tập trung, với sức chứa hơn 9.900 giường, trong đó số giường chưa sử dụng khoảng 5.900 giường. “Tỉnh đang thực hiện cách ly F1 tại nhà. Chủ trương này đã giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung. Do đó, Sở Y tế kiến nghị BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cho ngành được chuyển đổi công năng sử dụng, chuyển các cơ sở cách ly F1 tập trung thành cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19”, bác sĩ An đề xuất.

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố cho rằng, các địa phương đã thành lập các trạm y tế lưu động, sẵn sàng vận hành, phục vụ công tác theo dõi, điều trị F0 tại nhà. Tuy nhiên, các trạm lưu động này mới có các loại thuốc thông thường dùng để hạ sốt, giảm đau, chưa có thuốc kháng virus SARS-CoV-2. Điều này sẽ khiến các địa phương gặp khó khăn trong vận động, thuyết phục F0 điều trị tại nhà. Vì vậy, các đơn vị kiến nghị tỉnh cần nhanh chóng bổ sung thuốc kháng virus cho các trạm y tế lưu động ở xã phường, thị trấn.

Bác sĩ Phạm Minh An cho biết thêm: “Tỉnh còn khoảng 30 ngàn viên thuốc kháng virus. Trước mắt, ngành y tế tạm thời chuyển về cho các trạm y tế lưu động, trong đó ưu tiên cấp cho TP. Vũng Tàu, TX. Phú Mỹ 2.000 viên/đơn vị. Tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế cấp thêm loại thuốc này cho tỉnh”.

Về tình trạng TP. Vũng Tàu và TX. Phú Mỹ có số ca nhiễm COVID-19 tăng cao trong thời gian gần đây đã khiến công tác phòng, chống dịch gặp khó khăn, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh sẽ thành lập 2 tổ y tế đặc biệt, đến hỗ trợ 2 địa phương này trong thời gian sớm nhất.

Tính đến ngày 23/11, toàn tỉnh có 98,66% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin, tương đương hơn 942 ngàn người, trong đó có hơn 812 ngàn người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, đạt 84,89%. Bên cạnh đó, tỉnh có hơn 49 ngàn trẻ từ 12 đến 17 tuổi đã tiêm vắc xin, đạt 41,37% số trẻ trong độ tuổi. Dự kiến, từ ngày 29/11, ngành y tế tổ chức tiêm vắc xin cho 40 ngàn trẻ từ 13 đến 14 tuổi.

 

 

Chuẩn bị chu đáo để điều trị F0 tại nhà

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh đã nhắc lại tinh thần chống dịch hiện nay là chuyển từ trạng thái “không COVID-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Do đó, công việc cần phải làm giai đoạn này là vừa kiểm soát, giảm thiểu F0, vừa có phương án phục hồi kinh tế - xã hội. Bí thư Tỉnh ủy dẫn chứng, việc xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu) phải phong tỏa toàn xã trong 14 ngày bắt đầu từ ngày 23/11 là bài học đắt giá. Do đó, các địa phương cần hành động ngay, không được chậm trễ, khi có ổ dịch phải khoanh vùng, dập dịch sớm, không được để xảy ra tình trạng tương tự như xã Long Sơn.

Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh, các địa phương cần làm tốt hơn nữa hơn công tác tuyên truyền để người dân nhận thức, cảnh giác trong phòng dịch bệnh. Đối với các địa phương có số ca mắc cao như TP. Vũng Tàu, TX. Phú Mỹ, địa phương cần chuẩn bị phương án ứng phó với tình hình dịch bệnh còn diễn biến xấu hơn nữa. Ngoài 2 tổ y tế đặc biệt đến hỗ trợ, TP. Vũng Tàu và TX. Phú Mỹ cần huy động lực lượng y tế tư nhân, nhân viên y tế đã nghỉ hưu nhưng vẫn bảo đảm sức khỏe, sinh viên đang học các ngành đào tạo về chăm sóc sức khỏe… tham gia phòng, chống dịch. Các đơn vị tập trung xử lý sớm, triệt để ngay từ các khu phong tỏa hẹp, tránh để dịch bệnh lan rộng, ảnh hưởng cuộc sống của người dân. 

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương chuẩn bị chu đáo và hoàn chỉnh phương án điều trị F0 tại nhà từ ngày 25/11, trong đó phải tuyên truyền, vận động, làm công tác tâm lý, chăm sóc để người dân là F0 đồng thuận điều trị tại nhà. Về công tác cách ly F1 tại nhà hiện nay, ông Phạm Viết Thanh yêu cầu Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch bệnh tỉnh có sự đánh giá để tiến tới sau ngày 25/12 sẽ không thực hiện cách ly tập trung đối với F1.

“Dịch bệnh đã ngấm vào cộng đồng. Thời gian tới, các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục tuyên truyền và gương mẫu thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch mà ngành y tế đã khuyến cáo. Tinh thần là không hoang mang mà phải bình tĩnh. Các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với nhau để công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đạt hiệu quả cao”, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh nhấn mạnh.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

;
.