.
THI TUYỂN CHỨC DANH LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ

Tạo cạnh tranh công bằng, công khai trong công tác cán bộ

Cập nhật: 18:39, 17/10/2021 (GMT+7)

Ngày 16 và 17/10, 18 thí sinh đã tham dự phần thi thuyết trình Đề án tại Kỳ thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý các sở, ban, ngành thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Kỳ thi đã đổi mới việc tuyển chọn lãnh đạo, quản lý bằng hình thức thi tuyển, tạo sự cạnh tranh công bằng, minh bạch trong đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC).

Các thí sinh nghe Hội đồng thi hướng dẫn thi trình bày Đề án ngày 16/10.
Các thí sinh nghe Hội đồng thi hướng dẫn thi trình bày Đề án ngày 16/10.

Đổi mới công tác tuyển chọn cán bộ

Kỳ thi tuyển được tổ chức trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt, khi toàn hệ thống chính trị trong tỉnh tập trung công tác phòng, chống dịch COVID-19. Nhưng với quyết tâm cao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng thi, các cơ quan liên quan nỗ lực tổ chức kỳ thi đúng kế hoạch, với mong muốn sớm lựa chọn những cán bộ có năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành có trình độ chuyên môn vào vị trí lãnh đạo chủ chốt các sở, ban, ngành. Hội đồng thi đã tích cực chuẩn bị rất kỹ, chặt chẽ, xem xét nhiều mặt, cân nhắc kỹ lưỡng, bảo đảm công tâm, khách quan, đầy đủ các điều kiện, đúng quy trình, quy định.

Từ 35 hồ sơ đăng ký dự thi, Hội đồng thi đã lựa chọn ra 24 thí sinh đủ điều kiện tham gia thi tuyển vào 12 chức danh lãnh đạo gồm: Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Tổng Biên tập Báo Bà Rịa - Vũng Tàu và Phó Giám đốc các sở: Nội vụ, LĐ-TBXH, Công thương, GT-VT, KH-ĐT, NN-PTNT, TN-MT, Xây dựng, KH-CN. Ngày 25/9, 24 thí sinh đã trải phần thi viết kiến thức chung. Việc khách quan, kỹ lưỡng của Hội đồng thi được thể hiện bằng việc sàng lọc những thí sinh trong phần thi. Thực tế, đã có 6 thí sinh không đạt trên 50 điểm (thang điểm 100) trong phần thi kiến thức chung. 18 thí sinh còn lại bước vào phần thi quyết định bằng việc trình bày Đề án với chủ đề “Đồng chí sẽ làm gì khi được bổ nhiệm vào chức danh thi tuyển?” vào ngày 16 và 17/10.

Các Đề án của thí sinh được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng và trách nhiệm, đánh giá được hiện trạng, phân tích những ưu điểm, hạn chế, chỉ ra được những nguyên nhân, dự báo xu hướng phát triển, đề xuất kế hoạch, giải pháp phát triển đơn vị và giải pháp của người dự tuyển nếu được bổ nhiệm vào chức danh thi tuyển.

Cạnh tranh công bằng, công khai

Các thí sinh thi tuyển vào 12 chức danh lãnh đạo các sở, ban, ngành thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đã nỗ lực học hỏi kiến thức chuyên môn, trau dồi kinh nghiệm, khả năng thuyết trình để hoàn thành kỳ thi. Ông Lê Anh Tú, Chánh Văn phòng Sở TN-MT dự tuyển vào chức danh Phó Giám đốc Sở TN-MT. Thời gian qua, ông Tú đã tìm tòi, nghiên cứu xây dựng Đề án tập trung vào nội dung nâng cao năng lực của ngành TN-MT, đẩy mạnh cải cách hành chính với các vấn đề: Phân tích sự hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Sở TN-MT; công tác chuyên môn; công tác tuyên truyền triển khai các quy định của pháp luật đến người dân và DN... Trong đó, ông Tú đề ra giải pháp kiện toàn, tinh gọn bộ máy nhân sự bằng việc sắp xếp, sáp nhập các 8 cơ quan, đơn vị thuộc Sở. Theo ông Tú, quan trọng nhất vẫn là con người, vì vậy, ông đề ra kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo để nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ CBCC.

Đặc biệt, tại kỳ thi này, nhiều sở, ban, ngành có nhiều thí sinh cùng dự tuyển vào 1 chức danh lãnh đạo thì tính cạnh tranh lại càng cao, đòi hỏi thí sinh phải quyết tâm, nỗ lực rất nhiều. Như các chức danh: Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Giám đốc Sở GT-VT, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, Phó Giám đốc Sở Công Thương có 2 thí sinh dự thi; Phó Giám đốc Sở NN-PTNT có 3 thí sinh dự thi. Bà Phạm Thị Na, Phó Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT là 1 trong 3 thí sinh thi tuyển vào chức danh Phó Giám đốc Sở NN-PTNT. Bà Na cho biết, bà đã cố gắng tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, phóng sự về ngành nông nghiệp của tỉnh, trong nước và các nước trên thế giới để hoàn thiện đề án với nội dung: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuyển đổi số. Bà đề ra các giải pháp như: Thay đổi cách thức sản xuất sang nền nông nghiệp hàng hóa; kêu gọi nông dân tham gia vào hợp tác xã để liên kết sản xuất; thu hút DN đầu tư để bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đặc biệt là các DN phải chế biến được nhiều sản phẩm không chỉ “nông” mà phải “tinh” và “sâu” để nâng cao giá trị sản phẩm, đủ sức cạnh tranh với thị trường trong nước và vươn ra nước ngoài. “Tham gia kì thi giúp tôi học hỏi thêm nhiều kiến thức bổ ích, cũng để giúp ích cho quá trình công tác sau này. Đây cũng là cơ hội để tôi rèn luyện, phấn đấu hoàn thiện bản thân mình hơn”, bà Na chia sẻ.

Ông Lưu Tài Đoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, việc thi tuyển lãnh đạo cấp phòng đã được tỉnh thực hiện từ năm 2018. Tuy nhiên, thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, ban, ngành thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý thì đây là đợt thi đầu tiên. Các cơ quan, đơn vị đã rất trách nhiệm, tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy để tổ chức kỳ thi một cách tốt nhất. Các thí sinh dự tuyển cũng rất nghiêm túc, trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng Đề án. Ông Lưu Tài Đoàn đánh giá, tâm trạng chung là rất hồi hộp, nhưng nhìn chung các thí sinh đều có bản lĩnh, tự tin, cách trình bày đề án lưu loát, nắm vững các quy định, cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực dự thi. Nhiều thí sinh đã tự tin trả lời những câu hỏi chất vấn của Hội đồng thi. Tuy nhiên, cũng có một số thí sinh đưa ra các giải pháp chưa thực sự thuyết phục. Vì vậy, Hội đồng thi thật sự cân nhắc, kỹ lưỡng để chọn ra những thí sinh xứng đáng.

CẨM NHUNG

.
.
.