.

Thận trọng mở cửa sản xuất

Cập nhật: 21:05, 07/10/2021 (GMT+7)

“Chúng ta không thể thụ động ngồi chờ mà sẽ thận trọng mở cửa sản xuất trong an toàn. Vì thế, các ngành, các cấp phải tăng cường kiểm tra, giám sát về tình hình đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Các DN sẵn sàng cho mọi tình huống phát sinh theo phương châm 4 tại chỗ và 5K + vắc xin và công nghệ”, đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ, tại  phiên họp thường kỳ 9 tháng năm 2021 diễn ra ngày 7/10.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

5/13 Chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng

Báo cáo tại cuộc họp, ông Phạm Quang Nhật, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, trong 9 tháng năm 2021, diễn biến dịch bệnh phức tạp. Tỉnh đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg trong thời gian hơn 2 tháng. Trong bối cảnh đó các cấp, các ngành đã chủ động triển khai phương án ứng phó, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân…

Trong 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, có 5 chỉ tiêu tăng trưởng so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp (trừ dầu khí) đạt hơn 228.000 tỷ đồng, tăng hơn 4%; tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt hơn 37.000 tỷ đồng, tăng 1,22%; doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải 13.836 tỷ đồng, tăng gần 20%; kim ngạch xuất khẩu (trừ dầu khí) 3.989 triệu USD, tăng 8,65% (NQ 6,95%); giá trị sản xuất nông nghiệp 6.530 tỷ đồng, tăng 3,57%...

Bên cạnh những kết quả đạt được, các ngành kinh tế - văn hóa xã hội gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng BQL các KCN tỉnh, dịch bệnh đã ảnh hưởng rõ nét đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong KCN. Bên cạnh việc  phải duy trì “3 tại chỗ” trong thời gian dịch bệnh, các DN gặp khó khăn về tài chính như: trả lãi vay ngân hàng, duy trì tiền lương ổn định cho công nhân, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao; việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước về nguồn vốn, nhân lực, thuế còn bị hạn chế.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh còn hơn 300 DN trong KCN đang hoạt động với khoảng 50% công suất. Nhưng giá trị sản xuất công nghiệp trong 9 tháng qua vẫn tăng trưởng. Theo ông Triết, để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, không có cách nào khác là phải tiêm vắc xin cho người lao động. Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ tiêm vắc xin cho người lao động mới đạt khoảng 20% khiến DN đang dè dặt, thận trọng từng bước để mở cửa sản xuất.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã tập trung đánh giá các vấn đề khó khăn trong phát triển kinh tế 9 tháng qua như: Tình hình thu hút đầu tư của DN đạt thấp, do việc hạn chế đi lại, xuất nhập cảnh, các hoạt động xúc tiến đầu tư hầu như không triển khai được. Các nhà đầu tư cũng không thể trực tiếp đến tỉnh để tìm hiểu cơ hội đầu tư như thời kỳ trước khi bùng phát dịch COVID-19…Tỷ lệ giải ngân đầu tư công còn thấp do một số dự án đang triển khai thi công bị vướng mặt bằng, chính sách về giá bồi thường, tái định cư chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân; các công trình thi công xây dựng phải tạm ngừng để phòng chống dịch.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh phân tích, tác động của dịch bệnh COVID-19, thực hiện giãn cách xã hội kéo dài hơn 2 tháng, đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Năm 2021, tổng kế hoạch vốn đầu tư công phân bổ cho các dự án tỉnh quyết định đầu tư sau điều chỉnh là hơn 7.700 tỷ đồng. Theo kế hoạch năm 2021, tỉnh sẽ bố trí khởi công xây dựng mới 60 dự án. Nhưng tính đến cuối tháng 9, mới có 47/60 dự án đã tổ chức đấu thầu và khởi công xây dựng. Còn lại 13/60 dự án đang hoàn chỉnh thủ tục đầu tư. Giá trị giải ngân vốn tỉnh quản lý đến ngày 30/9 là gần 3.600 tỷ đồng, đạt 43,08% kế hoạch.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của 3 tháng cuối năm là đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân hết số vốn đầu tư công nguồn vốn ngân sách tỉnh năm 2021 (bao gồm vốn năm 2020 chuyển sang). Khẩn trương hoàn thành các thủ tục để tổ chức đấu thầu và khởi công xây dựng 13/60 dự án còn lại chưa khởi công mới trong năm 2021. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, muốn làm được điều này, các chủ đầu tư phải xây dựng lại kế hoạch tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các dự án gắn với kế hoạch thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới; xây dựng phương án thi công bảo đảm tiến độ dự án và điều kiện phòng, chống dịch; không để dồn vốn vào cuối năm mới thanh toán. Đối với các dự án được bố trí vốn để thu hồi tạm ứng ngân sách tỉnh trong các năm trước phải khẩn trương lập thủ tục hoàn ứng ngay.

9 tháng năm 2021, tổng thu ngân sách trên địa bàn 61.905 tỷ đồng, đạt 93,93% dự toán, tăng 5,34% so cùng kỳ. Trong đó, thu từ dầu khí 16.585 tỷ đồng, tăng 1,81% so cùng kỳ; thu thuế xuất, nhập khẩu 17.692 tỷ đồng, tăng 39,54% so cùng kỳ; thu ngân sách nội địa 27.629 tỷ đồng,  bằng 92,72% so cùng kỳ.

Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm, 3 tháng cuối năm sẽ là giai đoạn nước rút để các cấp, các ngành, địa phương tăng tốc hoàn thành các mục tiêu đề ra. Vừa kiểm soát, phòng chống dịch, vừa ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh… Nhiệm vụ này trong thời điểm hiện nay chưa bao giờ là dễ dàng. Nhưng BR-VT không thể thụ động ngồi chờ mà sẽ thận trọng mở cửa sản xuất trong an toàn. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu DN bảo đảm hài hòa lợi ích tăng trưởng kinh tế với công tác phòng, chống dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống phát sinh theo phương châm “4 tại chỗ” và “5K + vắc xin và công nghệ”. Các cấp, các ngành phải tăng cường kiểm tra, giám sát về tình hình đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại các KCN-CCN; đánh giá đầy đủ khả năng của DN, HTX, hộ kinh doanh trong việc áp dụng các phương án sản xuất “một cung đường, hai điểm đến”, “ba tại chỗ”, “ba cùng”… và các mô hình phù hợp khi đáp ứng điều kiện an toàn phòng chống dịch; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch để giúp DN duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất trong điều kiện bình thường mới.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.