Cần có đánh giá tác động toàn diện của dịch COVID-19 đối với kinh tế - xã hội
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 21/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
ĐBQH Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận Tổ đại biểu số 10 về tình hình kinh tế - Xã hội năm 2021, kế hoạch năm 2022. Ảnh: MINH THIÊN |
Dự toán ngân sách cần bám sát tình hình thực tế
Thảo luận về việc thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lưu ý, trong bối cảnh năm 2021 rất khó khăn Chính phủ đã có những điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt. Tuy nhiên, theo đại biểu cũng còn rất nhiều điểm cần phải có giải pháp căn cơ trong thời gian tới.
Đại biểu dẫn trong báo cáo của Chính phủ nêu thu nội địa về thuế, phí trong 4 tháng đầu năm tăng 17,5%, nhưng đến hết tháng 6 chỉ còn tăng 9,1% và đến tháng tháng 9 giảm 26,5 % so với cùng kỳ. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 8 tháng giảm rất mạnh nhưng trong khi đó ước dự toán cả năm lại tăng 1,7%, tăng vượt 22.000 tỷ đồng. “Tôi cho rằng việc dự toán của năm 2021 chúng ta chưa sát, chưa đánh giá hết được tình hình thực tế”, đại biểu Giang nói.
Trong năm 2022, tình hình dịch bệnh có thể còn tiếp tục diễn biến phức tạp và việc mà một số ngành nghề như du lịch, hàng không, logistics cũng có thể tiếp tục bị ảnh hưởng, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có những dự báo chính xác, tính toán khả năng giảm thu.
Đề nghị đưa công chức cấp xã vào phạm vi điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức
Sáng 21/10, Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT đã tham gia thảo luận tổ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024. Các đại biểu đã tập trung thảo luận, kiến nghị các vấn đề như: Tiếp tục đầu tư hơn nữa để phát triển hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; đẩy nhanh tiến độ sản xuất vắc xin trong nước; nâng cao chất lượng dạy - học online; giải pháp khắc phục tình trạng thiếu GV; phương án, kịch bản phục hồi kinh tế cho phù hợp với thời kỳ hậu COVID-19; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Các đại biểu cũng kiến nghị QH, các bộ ngành quan tâm đến các chính sách hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, hỗ trợ trẻ em mồ côi do COVID-19; triển khai tiêm vắc xin cho HS, SV. Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Yến đã đề xuất QH, Chính phủ 3 vấn đề đang được cử tri đặc biệt quan tâm. Đó là, để bảo đảm nhân lực bổ sung cho ngành y tế. Đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng, cần có chính sách ưu đãi cho sinh viên y khoa về học phí giống như chính sách ưu đãi đang áp dụng cho sinh viên ngành sư phạm. “Đại dịch COVID-19 cho thấy lực lượng y tế, nhất là y tế cơ sở có vai trò như thế nào trong bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân”, đại biểu Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh. Vấn đề thứ 2, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng Nhà nước cần quan tâm chế độ đãi ngộ, bồi dưỡng cho lực lượng cơ sở, cấp xã, phường thị trấn, khu phố, thôn ấp. Đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị đưa cán bộ, công chức cấp xã vào phạm vi điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức. “Theo Hiến pháp, hệ thống hành chính có 4 cấp: trung ương, tỉnh, huyện, xã. Tuy nhiên, Luật Cán bộ, công chức chỉ điều chỉnh đối với công chức cấp: trung ương, tỉnh, huyện. Còn cấp xã, hiện đang thực hiện theo Nghị định 34, như vậy là chưa phù hợp, chưa bảo đảm tính thống nhất. Lực lượng công chức cấp xã chịu nhiều thiệt thòi khi thụ hưởng các chính sách. Tôi đề nghị, phải xem công chức cấp xã nằm trong hệ thống hành chính 4 cấp về mặt pháp luật, để bảo đảm đồng bộ và các chế độ, chính sách phải được hưởng như nhau”. Vấn đề thứ 3 là trong việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 của Chính phủ ban hành ngày 11/10/2021, đề nghị các bộ, ngành của trung ương được chính phủ phân công phải có hướng dẫn kịp thời để các địa phương triển khai thực hiện bảo đảm tính thống nhất từ trung ương đến địa phương. Chiều cùng ngày, các đại biểu tiếp tục tham gia thảo luận ở tổ về Dự án Luật Cảnh sát cơ động và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. |
Hai vấn đề nóng cử tri đang mong đợi
Tham gia thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, báo cáo của Chính phủ chuẩn bị rất kỹ, rất công phu; các báo cáo thẩm tra rất sâu sắc, thẳng thắn, mang tính phản biện cao, nhưng cũng mang tính xây dựng.
Theo Chủ tịch Quốc hội, điều nhân dân, cử tri cả nước đang mong đợi nhất lúc này với những quyết sách của Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội đó là: tới đây công tác phòng, chống dịch thế nào? Phục hồi, phát triển kinh tế xã hội ra sao? “Đây là những vấn đề rất quan trọng mà cử tri rất mong muốn. Chắc chắn Quốc hội sẽ có ban hành nghị quyết và nói rõ hai vấn đề này”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, trước khi tiến hành Kỳ họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức nhiều hoạt động trao đổi, tọa đàm, lắng nghe các doanh nghiệp trong, ngoài nước, các nhà khoa học, chuyên gia ở rất nhiều cấp độ khác nhau. Mục tiêu là để tìm lời giải tốt nhất cho 2 vấn đề lớn trên. Đa số các ý kiến bày tỏ mong muốn trong mọi tình huống, hết sức tránh nóng vội, chủ quan và cũng phải đề phòng khắc phục việc chuyển trạng thái từ cực này sang cực khác quá nhanh.
Đồng tình với một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần có những đánh giá tác động toàn diện của dịch COVID-19 đối với kinh tế - xã hội để làm căn cứ cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch tổng thể phòng, chống và thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19, cũng như ban hành các chính sách kinh tế-xã hội cho sát đúng với yêu cầu của thực tiễn.
VIỆT ĐỨC