.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động chương trình "sóng và máy tính cho em"

Cập nhật: 23:06, 12/09/2021 (GMT+7)

Tối 12/9, tại thủ đô Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Lễ phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em" kêu gọi toàn xã hội hỗ trợ học sinh, sinh viên (HS, SV) có hoàn cảnh khó khăn, thiếu phương tiện học trực tuyến.

Các đại biểu tham dự Lễ phát động tại điểm cầu tỉnh BR-VT.
Các đại biểu tham dự Lễ phát động tại điểm cầu tỉnh BR-VT.

Lễ phát động được kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự chương trình tại điểm cầu tỉnh BR-VT.

Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp chỉ đạo phát động, được xây dựng và triển khai với mục đích hỗ trợ HS, SV đặc biệt là các em đang ở vùng có dịch COVID-19 (thực hiện Chỉ thị 16), có điều kiện để học tập trực tuyến hiệu quả. Chương trình ưu tiên hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông cho những HS, SV có hoàn cảnh khó khăn, do Bộ TT-TT chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT thực hiện.

Chương trình gồm 3 nội dung: Thứ nhất, bảo đảm việc phủ sóng di động. Chương trình hướng tới phủ sóng 100% toàn bộ 283 điểm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 vào tháng 9/2021; phủ sóng toàn bộ 1.910 điểm chưa kết nối Internet di động trên toàn quốc dự kiến hoàn thành trong năm 2021. Kinh phí ước tính khoảng 3.500 tỷ đồng.

Thứ hai, dự kiến huy động 1 triệu máy tính cho HS, SV thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc; trước mắt ưu tiên cho các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 và thực hiện học trực tuyến. Giai đoạn 2, từ năm 2022 - 2023 tiếp tục huy động mọi nguồn lực trong xã hội, hướng tới mục tiêu 100% HS, SV thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc được trang bị máy tính để học trực tuyến.

Thứ ba, Chương trình sẽ hỗ trợ các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 và tổ chức dạy và học trực tuyến. Cụ thể, sẽ miễn phí 100% việc sử dụng các nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam đã được công bố; miễn phí 100% cước Internet di động khi sử dụng các nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam đã được công bố; hỗ trợ các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học trực tuyến bao gồm: máy chủ, chỗ đặt máy chủ, đường truyền Internet bảo đảm việc dạy, học trực tuyến.   

Chương trình huy động nguồn lực tổng thể của các ban, bộ, ngành và các tổ chức, DN, cá nhân để hỗ trợ HS, SV trên cả nước đủ điều kiện học trực tuyến, thúc đẩy phát triển xã hội số bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả. Chương trình cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố để hỗ trợ nguồn lực, điều kiện bảo đảm và thực hiện một số mô hình hỗ trợ điểm từ đó nhân rộng tại địa phương, bảo đảm không để HS, SV nào “bị bỏ lại phía sau”, không hoàn thành chương trình học tập do ảnh hưởng của đại dịch COVID- 19.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là giải pháp tình thế phù hợp ở thời điểm hiện nay, góp phần tiến tới phủ sóng Internet, thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, mở mang tri thức xã hội, phát triển xã hội số.

 Tuy nhiên, vì là phương thức mới nên đòi hỏi thầy cô, chuyên gia, HS phải điều chỉnh nội dung, khối lượng, để các em tiếp thu tốt, nhất là với lớp 1. Thủ tướng lưu ý muốn thực hiện hiệu quả cần đánh giá tác động nhiều mặt để thực hiện được căn cơ, lâu dài, hạn chế ảnh hưởng đến việc tiếp cận công bằng và chất lượng trong giáo dục. Nhắc lại mong muốn của Bác Hồ là "ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành", Thủ tướng yêu cầu: “Chúng ta phải thực hiện tâm nguyện này của Người trong mọi hoàn cảnh”.

Để không phải dạy và học trực tuyến kéo dài, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng kịch bản để các em trở lại trường, nhưng "phải an toàn an mới học tập". Cùng với đó, ngành y tế cần nghiên cứu phương án sớm tiêm vắc xin cho HS.

Bài, ảnh: PHÚ XUÂN

 

.
.
.