Chiều 6/9, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh chủ trì cuộc họp giao ban Phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh phát biểu kết luận cuộc họp. |
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận, bàn sâu các giải pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới. Đặc biệt, một số xã, phường, thị trấn đã hoặc đang là “vùng đỏ” được yêu cầu báo cáo về diễn biến dịch bệnh, giải pháp đã thực hiện và những kinh nghiệm rút ra từ công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Ngô Thanh Phúc, Bí thư Đảng ủy TT. Long Hải, (huyện Long Điền) thông tin, từ 0 giờ ngày 23 tháng 8, địa phương thực hiện giãn cách xã hôi nâng cao. Tỉnh, huyện đã hỗ trợ gần 500 người cho TT. Long Hải để bảo đảm “ai ở đâu ở đấy”. Cụ thể, công an, quân đội, các tổ tự quản đã chốt trực và tuần tra 24/24 giờ, bảo đảm mọi người dân đều ở nhà. Nhờ đó, việc giãn cách xã hội nâng cao ngày càng tốt hơn. Cùng với đó, địa phương cũng phối hợp với các lực lượng tuyến trên thực hiện bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ lương thực cho từng hộ gia đình để họ yên tâm ở trong nhà. “Từ khi giãn cách xã hội nâng cao đến nay, TT. Long Hải thực hiện 3 chu kỳ lấy mẫu. Số ca F0 càng ngày càng giảm. Chúng tôi đang thực hiện lấy mẫu chu kỳ 4 dựa trên mức độ nguy cơ của từng khu vực để có phương án phòng, chống dịch thích hợp trong thời gian tới” - ông Ngô Thanh Phúc cho biết.
SV Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho người dân tổ 3, KP Hải Hòa, TT. Long Hải (huyện Long Điền). Ảnh: ĐINH HÙNG |
Còn tại phường 11, TP. Vũng Tàu, bà Đoàn Thị Thu Giang, Bí thư Đảng ủy phường cho biết, trên địa bàn có tổng cộng 23 khu phong tỏa. Tính đến nay, đã có 21 khu được gỡ phong tỏa. Còn 2 khu phong tỏa, sau nhiều lần xét nghiệm PCR, 100% người dân (gần 150 người ở một phần của hẻm 780/11 và 780/37 đường Bình Giã, phường 11) đều có kết quả âm tính, UBND TP. Vũng Tàu đã gửi tờ trình đề nghị UBND tỉnh xem xét, quyết định gỡ phong tỏa 2 khu dân cư này.
Chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch, bà Đoàn Thị Thu Giang cho biết, phường đã phân công các thành viên BCĐ phụ trách từng công việc, khu vực cụ thể, đồng thời, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin từ người dân; thực hiện song song nhiệm vụ bảo đảm giãn cách xã hội với tầm soát diện rộng để phát hiện F0 trong cộng đồng. Phường 11 cũng vận động được nguồn lực của các nhà hảo tâm tại địa phương để hỗ trợ các phần lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân.
Chỉ ra nguyên nhân về việc khu vực hẻm 1013 đường 30/4 có thời gian phong tỏa kéo dài lên đến 49 ngày, bà Đoàn Thị Thu Giang cho biết, khi dịch bệnh mới xuất hiện, người dân vẫn còn chủ quan và chưa bảo đảm giãn cách xã hội nên có tình trạng lây nhiễm chéo. Phường đã chấn chỉnh, đưa lực lượng vào làm chặt chẽ, quyết liệt hơn nên tình trạng này đã được khắc phục. Đến nay, khu vực này đã được gỡ phong tỏa.
Đối với trường hợp một người dân đi xe máy từ TP. Hồ Chí Minh về trú tại một hộ dân ở phường 11, địa phương đã phát hiện nhanh nhưng trong khâu xử lý vẫn còn lúng túng. Từ sự việc này, ông Trần Đình Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu cho biết, thành phố đã rút kinh nghiệm và xây dựng quy trình xử lý cụ thể nếu phát hiện ra các trường hợp tương tự trong thời gian tới.
Sau khi nghe thêm một số địa phương khác báo cáo, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh nhấn mạnh, để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, 82 xã, phường, thị trấn cần rút được kinh nghiệm và có những giải pháp khắc phục những thiếu sót trong công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương phòng, chống dịch đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “Mỗi xã, phường, thị trấn là một “pháo đài”, với 5 nhiệm vụ chính: Thực hiện nghiêm ngặt các quy định về giãn cách, cách ly, "ai ở đâu ở đó"; bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại xã, phường, thị trấn, khi người dân có yêu cầu phải đáp ứng kịp thời; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an dân trên địa bàn; tuyên truyền, vận động để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm, cùng với hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch tích cực, hiệu quả.
Tiếp tục cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận, bàn sâu một số nội dung, giải pháp về công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đề nghị quản lý chặt chẽ các tài xế và phụ xe vì đây là nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao. |
Ông Nguyễn Văn Xinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, trong thời gian tới, ngoài tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống dịch cho toàn bộ người dân, tỉnh sẽ tập trung vào một số nhóm đối tượng cụ thể, như tuyên truyền cho các tài xế, phụ xe bởi đây là những người có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19. |
Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh yêu cầu chính quyền các cấp cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc đánh giá công tác phòng, chống dịch đến ngày 8/9 và đưa ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian sau đó. Việc này phải được thực hiện chắc chắn, bài bản, chặt chẽ. Phải bảo vệ được các “vùng xanh” đồng thời bảo đảm công tác sàng lọc, truy vết được thực hiện hiệu quả, thần tốc. Các huyện, thị, xã, thành phố cũng nhanh chóng đóng góp ý kiến cho phương án phòng, chống dịch sau mốc thời gian 8/9, đang được Trung tâm chỉ huy Phòng, chống dịch COVID-19 xây dựng.
PHÚ XUÂN - NHẬT LINH