.

Cụ thể hóa Công điện 1409 của Bộ Y tế để triển khai hiệu quả

Cập nhật: 21:05, 15/09/2021 (GMT+7)

Đó là yêu cầu của ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh tại cuộc họp giao ban sơ kết 7 ngày (từ ngày 8-14/9) công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh phát biểu tại cuộc họp.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Cuộc họp được kết nối trực tuyến với các điểm cầu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố và 82 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Số ca nhiễm bình quân giảm từ 42,6 xuống 24,7 ca/ngày

Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cho biết, từ ngày 8-14/9, toàn tỉnh ghi nhận 173 ca nhiễm COVID-19, giảm 125 ca so với 7 ngày trước đó. Số ca nhiễm bình quân giảm từ 42,6 ca/ngày xuống 24,7 ca/ ngày. Trong các trường hợp F0 mới, số ca nhiễm tại khu vực phong tỏa giảm mạnh. Tuy nhiên, số ca cộng động còn chiếm tỷ lệ cao, xuất hiện rải rác ở một số địa phương. Toàn tỉnh có 408 ca nhiễm COVID-19 được xuất viện, hiện đang điều trị 649 ca.

Ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đề nghị, cần quản lý chặt chẽ, thường xuyên sàng lọc một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
Ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đề nghị, cần quản lý chặt chẽ, thường xuyên sàng lọc một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

Tính đến ngày 14/9, BR-VT đã nhận 290.440 liều vắc xin phòng COVID-19. Tỉnh đã tiến hành tiêm 243.435 liều, đạt tỷ lệ 18,6% tổng dân số. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa có Quyết định phân bổ thêm cho tỉnh 30.000 liều vắc xin AstraZeneca và Sở Y tế đang lên kế hoạch phân bổ cho các đơn vị, địa phương.

Tỉnh hiện còn 4 địa phương cấp xã là “vùng đỏ”, 5 “vùng cam”, 9 “vùng vàng” và 64 “vùng xanh”. Tỉnh xác định 3 địa phương đang ở mức nguy cơ cao gồm: TP. Vũng Tàu, TX. Phú Mỹ và huyện Long Điền; 1 địa phương ở mức nguy cơ là TP. Bà Rịa; 4 huyện vùng xanh là Côn Đảo, Châu Đức, Đất Đỏ và Xuyên Mộc. Mục tiêu của tỉnh trong thời gian tới là ưu tiên kiểm soát dịch bệnh thành công, bảo vệ vững chắc “vùng xanh”, xanh hóa “vùng vàng” và thu hẹp “vùng cam”, “vùng đỏ”.

Từ ngày 15/9, 4 huyện vùng xanh đã bắt đầu mở cửa trở lại một số loại hình hoạt động kinh tế theo từng cấp độ nhưng vẫn bảo đảm công tác phòng, chống dịch.

Cần có phương án cụ thể khi cho phép mở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh 

Tại cuộc họp, các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thành viên BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, sở, ngành, địa phương đã báo cáo, thảo luận một số nội dung như: Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động và thông tin để người dân nắm rõ các chính sách, quy định trong phòng, chống dịch; Quản lý chặt, thường xuyên tầm soát một số trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao; Đánh giá nguy cơ của các khu vực giãn cách để có giải pháp phù hợp.

Quang cảnh cuộc họp.
Quang cảnh cuộc họp.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh đề nghị, đối với 4 huyện “vùng xanh”, cần có phương án cụ thể khi cho phép một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hoạt động trở lại; tiếp tục quản lý chặt chẽ “đầu vào” vùng xanh. Các địa phương cũng cần tích cực thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn để người dân tuân thủ quy định và thực hiện đúng những hoạt động mà tỉnh cho phép mở lại.

“Chính quyền, BCĐ Phòng, chống dịch các địa phương phải tập trung giải quyết nhanh chóng các vấn đề nảy sinh. Nếu có vướng mắc gì cần báo cáo ngay lên cấp trên để kịp thời tháo gỡ”, ông Phạm Viết Thanh yêu cầu.         

Bí Thư Tỉnh ủy cũng thông tin, vừa qua, Bộ Y tế ban hành Công điện 1409 về việc xét nghiệm và một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội. Công điện đưa ra 5 nội dung trọng tâm, gồm: Xác định được phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể (thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố...); Thần tốc xét nghiệm là then chốt, quan trọng nhằm sớm kiểm soát dịch; Tập trung lực lượng lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; Thành lập và triển khai ngay các trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; Thực hiện liên tục việc đánh giá nguy cơ để quyết định việc giãn cách và nới lỏng giãn cách. Từ Công điện trên, Trung tâm Chỉ huy Phòng chống, dịch tỉnh cần nhanh chóng cụ thể hóa nội dung để ra văn bản hướng dẫn thực hiện, trong đó, làm rõ từng quy định về giãn cách, phong tỏa, truy vết, xét nghiệm.

Ông Phạm Viết Thanh cũng đề ra một số nhiệm vụ, công việc mà các địa phương cần thực hiện thời gian tới, như: Nắm rõ địa bàn, cơ sở dữ liệu dân cư để quản lý và phục vụ công tác phòng, chống dịch; Cảnh giác, quản lý chặt chẽ với các tài xế và phương tiện ra vào tỉnh; Kết hợp giữa việc bảo đảm an ninh trật tự, an sinh xã hội với thông tin, tuyên truyền, nắm bắt dư luận xã hội và tình hình người dân, nhất là tại các “vùng đỏ”; Rà soát, thực hiện công tác an sinh xã hội với cả những người nước ngoài đang sống trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: PHÚ XUÂN - NHẬT LINH

 

.
.
.