.

Bóc tách, xác định bằng được nguyên nhân có ca nhiễm mới trong cộng đồng

Cập nhật: 19:05, 02/09/2021 (GMT+7)

Đó là quan điểm chống dịch được ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh quán triệt tại cuộc họp giao ban công tác phòng, chống dịch được tổ chức sáng 2/9.

Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh phát biểu tại cuộc họp.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Với đại dịch COVID-19, chúng ta không thỏa hiệp, không dừng bước. Do đó, nếu chúng ta không truy vết, không phát hiện, không xử lý, không điều trị kịp thời thì chúng ta sẽ thất bại. Chúng ta phải cố gắng bằng mọi cách tìm ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp để công tác phòng chống dịch được thực hiện tốt hơn nữa”.

SAU 7 NGÀY GIÃN CÁCH XÃ HỘI ĐỢT 3, SỐ CA NHIỄM GIẢM MẠNH

Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cho biết, từ ngày 26/8 đến ngày 1/9/2021, toàn tỉnh ghi nhận 298 ca F0, trong đó 61 ca cộng đồng. Tổng số ca mắc từ ngày 28/6 đến nay là 3.410 ca. So với 7 ngày trước đó, số ca F0 của tỉnh giảm 187 ca. Trong tuần qua, đã có 588 ca F0 xuất viện, và không có người tử vong. Hiện còn 920 người đang điều trị tại các bệnh viên trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh báo cáo về diễn biến và công tác phòng, chống dịch của tỉnh trong thời gian qua.
Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh báo cáo về diễn biến và công tác phòng, chống dịch của tỉnh trong thời gian qua.

Theo bản đồ dịch tễ, tỉnh đang có 6 vùng đỏ, 8 vùng cam, 17 vùng vàng và 51 vùng xanh. Như vậy, BR-VT đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh, nhưng vẫn đang ở mức độ “nguy cơ cao” chứ chưa trở về trạng thái “nguy cơ” như mục tiêu đã đề ra trước đó. Dự kiến, đến hết ngày 8/9, (thời gian kết thúc giãn cách xã hội lần 3), trên địa bàn tỉnh chỉ còn huyện Long Điền ở mức nguy cơ cao; thành phố Vũng Tàu ở mức nguy cơ; 6/8 huyện, thị xã, thành phố còn lại là “vùng xanh”.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp đã đề ra theo Kế hoạch số 446/KH-UBND ngày 25/8/2021, với phương châm mỗi xã, phường, thị trấn thật sự là “pháo đài”, người dân thật sự là “chiến sĩ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch.

Cụ thể, các địa phương triển khai các phương án, biện pháp giãn cách đến từng khu phố; phân bổ lực lượng phù hợp bảo đảm thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không có ngoại lệ, không có vùng cấm; truy vết triệt để khi có F0 mới, để kịp thời đưa F1 đi cách ly, nhất là trong các khu phong toả, đồng thời giám sát chặt chẽ F2 đang theo dõi sức khoẻ tại nhà. Ngành y tế xác định nguyên nhân các ca tái dương tính để triển khai các giải pháp quản lý chặc chẽ, phù hợp; tăng cường năng lực lấy mẫu, xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng để kịp thời bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho giáo viên huyện Châu Đức.
Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho giáo viên huyện Châu Đức.

Ngoài ra, tỉnh sẽ thực hiện công bố điểm tập trung, tập kết phương tiện tại địa phương để kiểm soát chặt đội ngũ lái xe, phụ xe; bố trí các điểm lưu trú tạm thời, không để tài xế đi từ vùng dịch lưu trú tại nhà; tăng cường kiểm tra thực tế công tác phòng chống dịch tại các cơ sở để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm các hành vi vi phạm; đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời cho người dân, không bỏ sót các đối tượng được hưởng theo quy định; tăng cường lực lượng đi chợ hộ; kiểm tra thường xuyên các đường dây nóng hỗ trợ phòng chống dịch cho người dân…

GIÃN CÁCH, SÀNG LỌC, TRUY VẾT HIỆU QUẢ VẪN LÀ “CHÌA KHÓA” TRONG PHÒNG, CHỐNG DỊCH

TS. Huỳnh Hồng Quang, Phó Viện Trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế) nhận định tình hình và đề xuất một số giải pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
TS. Huỳnh Hồng Quang, Phó Viện Trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế) nhận định tình hình và đề xuất một số giải pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

TS. Huỳnh Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viên Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, Trưởng Đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ tỉnh trong phòng chống dịch nhận định, trong một vài ngày qua, công tác lấy mẫu ở các “điểm nóng” đã thực hiện tốt hơn. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục xuất hiện các chuỗi lây nhiễm mới và không xác định được nguồn lây khi truy vết đầu - cuối. Do đó, trong thời gian tới, khi truy vết các chuỗi ca bệnh mới cần phải rà soát và thay đổi phương thức, không xem các trường hợp liên quan đến các ca nhiễm mới là F1 mà phải xem là F0. Và từ các F0 này sẽ truy vết các F1-F2. Cùng với đó, việc truy vết phải song hành với việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc để tìm ra các ca nhiễm mới trong cộng đồng. Trong đó, phải bảo đảm lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân trong một khu vực dân cư, không để xảy ra tình trạng có người dân không lấy mẫu xét nghiệm.

Ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đề nghị, cần tiến hành sàng lọc có trọng tâm, trọng điểm trong thời gian tới.
Ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đề nghị, cần tiến hành sàng lọc có trọng tâm, trọng điểm trong thời gian tới.

Còn theo ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, trong những ngày tới, ngành y tế và các địa phương cần tiếp tục thực hiện công tác lấy mẫu có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, tập trung vào các “vùng đỏ” và các khu có mật độ dân cư cao, các xóm trọ tập trung đông công nhân, người lao động. “Trong quá trình phong tỏa, giãn cách, cần yêu cầu đóng cửa tuyệt đối các cửa hàng tạp hóa còn xen kẽ trong các ngõ, hẻm vì đây cũng là nguy cơ trở thành nơi lây nhiễm cao. Phải tăng cường công tác thu gom rác, bảo đảm vệ sinh môi trường và phòng chống dịch, nhất là tại các khu phong tỏa”, ông Mai Ngọc Thuận đề nghị.

Tại cuộc họp, đại diện một số sở, ngành, địa phương cũng đã báo cáo về các nhiệm vụ đã thực hiện và đề xuất một số nội dung trong phòng, chống dịch; đồng thời, đều khẳng định, sẽ quyết liệt, tập trung thực hiện theo phương án, kế hoạch phòng, chống dịch với các giải pháp trọng tâm là: Bảo đảm giãn cách xã hội trong và ngoài khu phong tỏa; tập trung sàng lọc, truy vết kịp thời khi có ca nhiễm mới; bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo cho đời sống người dân…

HUY ĐỘNG SỰ ĐỒNG THUẬN CỦA NHÂN DÂN VÀ NÊU CAO TRÁCH NHIỆM CỦA ĐẢNG VIÊN, CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đề nghị, cần tăng cường công tác thông tin, báo cáo, kiểm tra, giám sát trong phòng, chống dịch COVID-19.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đề nghị, cần tăng cường công tác thông tin, báo cáo, kiểm tra, giám sát trong phòng, chống dịch COVID-19.

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhận định, trong thời gian qua, tỉnh phần nào kiểm soát được dịch bệnh nhờ thực hiện tốt công tác dân vận, huy động sự đồng thuận của nhân dân. Cùng với đó, lực lượng tuyến đầu cũng đã nỗ lực hết sức và đóng góp vai trò quan trọng. Trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị, cần chú trọng thực hiện các công tác trọng tâm trong phòng, chống dịch, như: Phân tích nguyên nhân của các ca tái dương tính và xây dựng phương án xử lý thống nhất, đồng bộ giữa các địa phương; rà soát, tiêm chủng nhanh chóng mũi 1 và mũi 2 cho người dân khi đạt điều kiện; thực hiện nhanh, kịp thời việc hỗ trợ người dân khó khăn theo quy định, văn bản của Chính phủ và HĐND tỉnh; tăng cường công tác thông tin, báo cáo, kiểm tra, giám sát trong công tác phòng, chống dịch…

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh cho biết, đến thời điểm này, tỉnh vẫn chưa đạt được mục tiêu đã đề ra. Do đó, cần xác định được các nguyên nhân để đề ra các phương án khắc phục, giải quyết trong thời gian tới, trong đó, tập trung giải quyết dứt điểm 2 khâu lớn nhất là thực hiện giãn cách chưa nghiêm và lấy mẫu xét nghiệm chưa triệt để.

Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh phát biểu tại cuộc họp.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh phát biểu kết luận cuộc họp.

Về một số giải pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới, ông Phạm Viết Thanh yêu cầu, các cơ quan, ban, ngành tiếp thu các ý kiến của lãnh đạo tỉnh, Đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y tế để có phương hướng và các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Bí thư Tỉnh ủy cũng đề ra một số công việc cần thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể, Văn phòng Tỉnh ủy cần có văn bản triển khai đối với đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức phải trách nhiệm, gương mẫu tham gia công tác phòng, chống dịch ngay tại khu dân cư. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý chặt chẽ hơn và yêu cầu cán bộ, công chức chỉ ra đường khi thực hiện công vụ.

“Trong thời gian tới, UBND tỉnh phối hợp với UBMTTQ tỉnh có lời cảm ơn với những chủ trọ đã hưởng ứng và tiếp tục kêu gọi các chủ trọ tiếp tục hỗ trợ miễn, giảm hoặc lùi thời gian đóng tiền trọ cho các người dân, người lao động vẫn đang gặp khó khăn do COVID-19. Đồng thời, các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động để các chủ trọ hưởng ứng, đồng thuận với chủ trương của tỉnh”, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh đề nghị.

PHÚ XUÂN - NHẬT LINH

 

.
.
.