Xây dựng Chính phủ đổi mới, vì nhân dân phục vụ

Thứ Tư, 11/08/2021, 23:33 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 11/8, Chính phủ khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 đã họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và chỉ đạo phiên họp. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự phiên họp.

Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và  ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự phiên họp tại điểm cầu BR-VT.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự phiên họp tại điểm cầu BR-VT.

Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến với các tỉnh, thành cả nước. Tại điểm cầu tỉnh BR-VT, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành dự họp.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đây là phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhằm thống nhất những vấn đề then chốt, quan trọng nhất để thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; quyết tâm xây dựng Chính phủ khóa XV đổi mới, liêm chính, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ.

Với tinh thần trên, Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 là: Bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch COVID-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế; kiên quyết không để xảy ra khủng hoảng y tế và khủng hoảng kinh tế-xã hội.

Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ khóa XV nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; tập trung đánh giá nhận định về bối cảnh, tình hình; quan điểm, mục tiêu; thảo luận về 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chủ yếu giai đoạn 2021-2025 với hơn 400 chương trình, đề án, nhiệm vụ cụ thể nhằm triển khai thực hiện 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp này.

Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, BR-VT đặt mục tiêu phát triển thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; bảo đảm an sinh xã hội; chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc… Tỉnh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) không tính dầu thô và khí đốt bình quân từ 7,6%/năm.

Báo cáo trình phiên họp của UBND tỉnh BR-VT cho rằng, Nghị quyết của Chính phủ đã được nghiên cứu xây dựng trên cơ sở cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, sự giám sát của Quốc hội và yêu cầu quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các nhiệm vụ, chương trình, đề án cụ thể gắn với chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ và phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện thực tế, bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, khả thi cao nhất khi đưa vào tổ chức thực hiện.

Về công tác phòng dịch COVID-19, lãnh đạo tỉnh BR-VT kiến nghị Chính phủ giao Bộ Y tế có hướng dẫn về tần suất xét nghiệm COVID-19 đối với người lao động trong trường hợp DN áp dụng “3 tại chỗ” để tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN; áp dụng giờ làm thêm cho DN; đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP theo hướng hỗ trợ thêm cho các trường hợp tạm hoãn lao động, nghỉ không hưởng lương… do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngoài ra, tỉnh BR-VT cũng kiến nghị Chính phủ cho phép địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương của tỉnh còn dôi dư cả giai đoạn 2021-2025 để bảo đảm cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.