Tuyên ngôn độc lập - ý chí và khát vọng độc lập, tự do
Áng văn lập quốc vĩ đại, lập luận chặt chẽ, lời lẽ đanh thép nhưng truyền cảm và thuyết phục, Tuyên ngôn Độc lập đã kết tinh, hội tụ ý chí và khát vọng độc lập, tự do - giá trị lớn nhất của dân tộc Việt Nam và của nhân loại cần lao.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945. Ảnh: TƯ LIỆU |
Độc lập, tự do - tất cả những gì tôi muốn, tôi hiểu
Mang nặng lòng yêu nước, thương nòi, thương dân và khi bắt gặp giá trị văn hóa phương Tây: “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” đã thôi thúc thanh niên Nguyễn Tất Thành: “Tìm cách ra nước ngoài”, “xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”. Người trải qua nhiều nghề để sống, sống để quan sát, học hỏi, suy nghĩ, đúc kết, hoạt động nhằm thực hiện khát vọng: “Tìm ra con đường đúng đắn đem lại độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân”.
Năm 1919, Người gửi bản yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị Hòa bình ở Versailles (Paris), đến Tổng thống Mỹ, đến những Việt kiều và người Pháp tiến bộ; bí mật gửi về Đông Dương. Sự kiện chưa từng thấy: “Một thanh niên Việt Nam ngang nhiên đứng ra đòi quyền lợi cho dân tộc mình”, “Một quả bom làm chấn động dư luận nước Pháp”. Thế giới bắt đầu biết đến Nguyễn Ái Quốc - một cái tên mà “bản thân nó có sức hấp dẫn kỳ lạ”- một thanh niên Á Đông “đã gieo hạt giống cách mạng khắp bốn phương trời”.
Người gia nhập Đảng xã hội Pháp - một “tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, theo đuổi lý tưởng cao cả của Đảng cách mạng Pháp: Tự do, bình đẳng, bác ái”. Người trở thành đảng viên Đảng xã hội Pháp, dấn thân vào con đường hoạt động chính trị chuyên nghiệp. Người bỏ phiếu tán thành Quốc tế III, Quốc tế do Lênin sáng lập và tán thành thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Trả lời nữ đồng chí Rose, Thư ký tốc hành Đại hội: “Tôi chưa hiểu khi đồng chí nói đến chiến lược, sách lược, duy chỉ có “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”, đấy là tất cả những gì tôi muốn, là tất cả những gì tôi hiểu”.
Khát vọng độc lập, tự do đi theo suốt cuộc đời Người, tạo niềm tin, sức mạnh nội sinh giúp Người tự lực, tự cường vượt qua mọi gian khổ, hiểm nguy. “Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo là vì mục đích đó”. Dù qua 3 châu lục, 4 đại dương với thời gian 30 năm, nhưng khát vọng độc lập, tự do luôn canh cánh trong lòng, để câu trả lời của Người vẫn là: “Trở về nước đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập”.
Khát vọng độc lập, tự do thành hiện thực
Chiều 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay” thì “Dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”; Người trịnh trọng tuyên bố với quốc dân đồng bào, với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và thật sự đã trở thành nước tự do, độc lập”!
Tuyên ngôn Độc lập “là hoa là quả của bao nhiêu máu đã đổ, bao nhiêu tính mệnh đã hy sinh của những con người anh dũng Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường”. Tuyên ngôn tiếp nối dòng chảy văn hóa hàng ngàn năm, hội tụ ý chí và khát vọng ngàn đời và khẳng định độc lập tự do, chủ quyền quốc gia, quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của con người Việt Nam.
30 năm tìm đường cứu nước, hàng ngàn năm mà trực tiếp là 15 năm dân tộc đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng mới có bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử - khai sinh chế độ Dân chủ Cộng hòa - khởi đầu nền độc lập tự do thật sự vững bền và biến khát vọng “không có gì quý hơn độc lập tự do” thành hiện thực.
Tuyên ngôn Độc lập đã chính thức đòi lại “những lẽ phải không ai chối cãi được”, “những quyền không ai có thể xâm phạm” cho dân tộc ta. Ngày 12/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 49/SL, qua đó 6 chữ vàng được chắt lọc từ mồ hôi, nước mắt, xương máu của những người cộng sản và đồng bào yêu nước: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc được ghi dưới Quốc hiệu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là biểu tượng của ý chí, khát vọng “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tô quốc tôi” mà Người từng khát khao, suốt đời tận tâm, tận lực, hy sinh phấn đấu.
Dưới ánh sáng soi đường của Tuyên ngôn Độc lập, không chỉ: “Toàn thể nhân dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”, mà còn một lòng tin Đảng, theo Đảng, đồng sức, đồng trí, đồng tâm, nhất tề: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”.
Tinh thần Tuyên ngôn Độc lập tiếp tục tỏa sáng, hòa cùng dân tộc vào thời kỳ mới với thế, lực và khí thế, khát vọng mới: Bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, đưa nước ta vào nhóm nước phát triển, thu nhập cao, vươn tới bến bờ phồn vinh, hạnh phúc vào giữa thế kỷ XXI.
NGUYỄN QUANG PHI