Tuân thủ nghiêm nguyên tắc "3 tại chỗ" tại doanh nghiệp
Sáng 2/8, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các chuyên gia của Bộ Y tế đã chủ trì cuộc họp hướng dẫn phương án phòng, chống dịch COVID-19 tại các DN trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp. |
Lập tổ công tác hỗ trợ phòng, chống dịch
Cho rằng BR-VT là một trong những tỉnh có nguy cơ cao, ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) đề nghị tỉnh cần triển khai các biện pháp quyết liệt hơn, nhất là tránh để dịch xâm nhập vào các KCN. Qua kinh nghiệm phòng chống dịch, Bộ Y tế đã triển khai tại một số KCN ở Bắc Giang cho thấy, nếu các DN không bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch, khi xuất hiện F0 sẽ khiến dịch lây lan, DN buộc phải tạm ngừng hoạt động và ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất. "Bộ Y tế sẽ thành lập tổ công tác thường trực tại BR-VT để hỗ trợ phòng, chống dịch. Trong quá trình triển khai nếu có vướng mắc, khó khăn, DN, cơ quan có thể liên hệ với tỉnh và tổ công tác thông qua nhóm kết nối để kịp thời xử lý. Mặt khác, chúng tôi cũng đề nghị tỉnh thành lập 50 tổ kiểm tra, giám sát trong KCN; 1 tổ phản ứng nhanh xử lý ca F0 trong DN, để nhanh chóng phát hiện, khoanh vùng và bóc tách F0. Đồng thời, DN cũng phải lập các tổ an toàn COVID-19 để nhắc nhở người lao động thực hiện 5K. Khi phát hiện F0, DN phải báo cáo ngay đến cơ quan chức năng để nhanh chóng được hướng dẫn và dập dịch”, ông Nam thông tin.
Tại cuộc họp, các chuyên gia Bộ Y tế cũng phân tích, chỉ ra những lỗ hổng khiến dịch xâm nhập vào KCN ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương… dù DN đã thực hiện “3 tại chỗ”. TS Nguyễn Đình Trung, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) cho rằng, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn DN thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch trong nhà máy, DN. Tuy nhiên, thực tế vẫn xảy ra tình trạng dịch xâm nhập vào một số DN trong KCN là do DN chưa tuân thủ nghiêm các quy định, hướng dẫn này. Qua kiểm tra một số DN cho thấy, việc lập danh sách chưa tuân thủ quy định. Chẳng hạn số lượng thực tế cao hơn số lượng trong danh sách báo cáo hay tên người này nhưng thực tế làm việc lại là người khác. Trong khi đó, việc lập danh sách và quản lý người lao động là một trong những bước quan trọng để truy vết nếu có ca mắc xảy ra. “Đề nghị UBND tỉnh, BQL các KCN tỉnh tổ chức các đoàn giám sát DN trong KCN để tránh gây ra hậu quả nặng nề như một số tỉnh. Địa phương cần đánh giá kỹ nguy cơ lây lan dịch trong KCN, các phương án "3 tại chỗ", tránh dịch xâm nhập nhà máy, DN. Đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm DN để xảy ra dịch”, ông Trung đề xuất.
Chủ động "bắt F0"
Nêu ý kiến tại cuộc họp, đại diện một số DN cho rằng, việc phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 trong 72 giờ đối với lãnh đạo, người lao động... đang gây khó và lãng phí, trong khi DN đang thực hiện “3 tại chỗ”. Các DN kiến nghị chỉ nên xét nghiệm cho những người quay lại DN làm việc sau khi đã rời DN trước đó. Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Trung cho biết, dù việc xét nghiệm định kỳ trong thời gian 3 ngày sẽ khiến chi phí tăng nhưng vẫn buộc phải tổ chức xét nghiệm, nhất là các đối tượng nguy cơ cao. Nếu không thực hiện xét nghiệm định kỳ thì nguy cơ bùng dịch sẽ lớn, vì chủng Delta lây lan nhanh. Ngành y tế khuyến khích DN test đầu vào bằng PCR, 3 ngày sau có thể test nhanh 100% lao động hoặc test ngẫu nhiên 20% để “bắt” F0 nếu có. Bên cạnh đó, khi thực hiện test nhanh, nếu phát hiện ca dương tính cũng cần báo ngay cho cơ quan chức năng để test PCR.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Công Vinh cho biết, tỉnh đang nỗ lực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Do vậy, tỉnh mong sự chia sẻ, đồng hành của DN bằng cách thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch và bảo đảm sản xuất. Liên quan đến công tác xét nghiệm, ngoài việc tập trung thực hiện trong cộng đồng, tỉnh đang triển khai và thống kê nhu cầu của DN để tổ chức xét nghiệm, qua đó tầm soát, kịp thời xử lý và bóc tách được các F0, F1 nhằm ngăn chặn sự lây lan. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các DN tùy điều kiện cố gắng kiểm soát đầu vào, tự đánh giá nguy cơ, không chủ quan, lơ là để bảo vệ thành quả chống dịch. Về tiêm vắc xin, đây là mối quan tâm lớn của tỉnh, của DN và người dân. Mới đây, Chính phủ cũng cho biết sẽ dồn lực để các tỉnh phía Nam triển khai tiêm vắc xin và tỉnh cũng đang rà soát, chuẩn bị để triển khai khi điều kiện cho phép.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU