BÁO CÁO VỀ VIỆC THẨM TRA HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ XÉT, CÔNG NHẬN HUYỆN XUYÊN MỘC, TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI NĂM 2021
Căn cứ Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Tiêu chí huyện nông thôn mới và Quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới;
Căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTG ngày 16/08/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 1760/QĐ-TTg ngày 10/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/08/2016;
Căn cứ Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 2540/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới; địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 69/QĐ-BNN-VPĐP ngày 09/01/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Sổ tay hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Thông tư số 05/2017/TT-BNNPTNT ngày 01/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn một số nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; Thông tư số 04/2019/TT-BNNPTNT ngày 01/4/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2017/TT-BNNPTNT ngày 01/3/2017;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc tại Tờ trình số 150/TTr-UBND ngày 28/6/2021 về việc thẩm tra, đề nghị xét, công nhận huyện Xuyên Mộc đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021. Trên cơ sở kết quả thẩm tra, đánh giá cụ thể thực tế mức độ đạt 19 tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới đối với 12 xã trên địa bàn huyện Xuyên Mộc và 9 tiêu chí huyện nông thôn mới, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu báo cáo kết quả thẩm tra hồ sơ đề nghị xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho huyện Xuyên Mộc năm 2021, cụ thể như sau:
I. KẾT QUẢ THẨM TRA
Thời gian thẩm tra: Từ ngày 05/7/2020 đến ngày 06/7/2021.
1. Về Hồ sơ
1.1. Hồ sơ đề nghị thẩm tra, xét, công nhận huyện Xuyên Mộc đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021 đã được Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc hoàn thiện đầy đủ, đúng yêu cầu về trình tự, thủ tục, hồ sơ và gửi về Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh theo quy định tại Điều 13, Quyết định số 2540/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ, hồ sơ gồm:
- Tờ trình số 150/TTr-UBND ngày 28/6/2021 của Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc về việc thẩm tra, đề nghị xét, công nhận huyện Xuyên Mộc đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021;
- Bảng tổng hợp danh sách 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới (thuộc huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu);
- Báo cáo số 265/BC-UBND ngày 25/6/2021 của Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2010-2021;
- Báo cáo số 264/BC-UBND ngày 25/6/2021 của Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc về Tổng hợp ý kiến tham gia về kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;
- Báo cáo số 259/BC-UBND ngày 24/6/2021 của Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc về tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2010 - 2020;
- Biên bản cuộc họp ngày 25/6/2021 của Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc về họp đề nghị, xét công nhận huyện Xuyên Mộc đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021;
- Các phụ lục, biểu đồ, hình ảnh minh họa kết quả xây dựng nông thôn mới tại 12 xã trên địa bàn huyện Xuyên Mộc.
1.2. Công tác tổ chức tự đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch, đúng trình tự, đủ thủ tục và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức và nhân dân trên địa bàn huyện; Các tài liệu minh chứng đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và lấy ý kiến tổ chức và nhân dân được tập hợp, phân loại, lưu trữ đầy đủ theo quy định.
2. Về Kết quả công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới
- Tổng số xã trên địa bàn huyện Xuyên Mộc là 12 xã;
- Số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là 12 xã;
- Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới là 12/12 xã, đạt 100%.
- Số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao: 02/12 xã (xã Bưng Riềng, xã Xuyên Mộc), đạt 16,6%.
3. Kết quả chỉ đạo, điều hành xây dựng huyện Xuyên Mộc đạt chuẩn nông thôn mới
3.1. Công tác chỉ đạo, điều hành
a) Công tác thành lập, kiện toàn Bộ máy chỉ đạo thực hiện Chương trình
- Ngay sau khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện nhằm thực hiện chức năng chỉ đạo, điều hành công tác xây dựng nông thôn mới tại 12 xã (Quyết định số 1827/QĐ-UBND ngày 3/6/2010 của UBND huyện về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới huyện Xuyên Mộc). Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc đã thành lập Văn phòng Điều phối Nông thôn mới giúp việc cho Ban Chỉ đạo huyện theo Quyết định số 2424/QĐ-UBND ngày 11/9/2017.
- Giai đoạn 2016 - 2020: Ngày 07/9/2017, Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc đã ban hành Quyết định số 2376/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện Xuyên Mộc giai đoạn 2016 - 2020 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện làm Trưởng ban, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện làm Phó Trưởng ban, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, đơn vị thuộc huyện là thành viên. Ngày 14/05/2021, UBND huyện Xuyên Mộc đã ban hành Quyết định số 2028/QĐ-UBND về việc kiện toàn Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Xuyên Mộc với 12 thành viên, trong đó Phó Chủ tịch UBND huyện là Chánh Văn phòng.
- 12 xã trên địa bàn huyện Xuyên Mộc đã thành lập Ban Quản lý các Chương trình mục tiêu quốc gia do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã làm Trưởng ban; từng thành viên trong Ban Quản lý xã đều được phân công phụ trách cụ thể từng tiêu chí trong Bộ tiêu chí nông thôn mới; phân công công chức Địa chính - Nông nghiệp - Môi trường làm đầu mối trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Các ấp đã thành lập các ban như: Ban giám sát, Ban Tuyên truyền vận động, Ban phát triển ấp do Trưởng ấp làm Trưởng ban.
b) Công tác ban hành các cơ chế chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình
Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ các cấp về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong phát triển kinh tế xã hội, những năm qua, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện và Ủy ban nhân dân 12 xã xây dựng kế hoạch lộ trình để triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình. Huyện ủy Xuyên Mộc đã ban hành Kế hoạch số 47-KH/HU ngày 25/12/2008 về việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; Nghị quyết chuyên đề số 08-NQ/HU ngày 9/4/2013 về thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới huyện Xuyên Mộc đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 23/4/2021 về xây dựng nông thôn mới huyện Xuyên Mộc giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Quyết định số 1198/QĐ-UBND ngày 05/5/2011 về việc phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới xã Bưng Riềng năm 2011 - 2012; Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 25/5/2016 về việc thực hiện 6 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn huyện Xuyên Mộc; Kế hoạch số 133/KH-UBND ngày 18/9/2017 về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của 7 xã trên địa bàn huyện Xuyên Mộc giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 16/7/2018 về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Xuyên Mộc giai đoạn 2018 - 2020; Kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 02/6/2021 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 23/4/2021 của Ban Chấp hành huyện ủy về xây dựng nông thôn mới huyện Xuyên Mộc giai đoạn 2021 - 2025.
c) Công tác triển khai thực hiện của các cơ quan chuyên môn thuộc huyện
Căn cứ vào các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Trung ương, tỉnh, các phòng, ban, đơn vị huyện đã tích cực tham mưu Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc trong công tác triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc 12 xã thực hiện rà soát đánh giá hiện trạng theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới để thực hiện Chương trình trên địa bàn huyện và đề ra những giải pháp cụ thể để khắc phục khó khăn, hạn chế nhằm hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
3.2. Công tác truyền thông, đào tạo, tập huấn
a) Công tác truyền thông
Lấy phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ” làm mục tiêu định hướng cho các nội dung tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới. Huyện Xuyên Mộc đã thực hiện công tác tuyên truyền vận động gắn liền với việc phát động phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và “Huyện Xuyên Mộc cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”. UBND huyện ban hành Kế hoạch số 551/KH-UBND-NV ngày 26/3/2012 về tổ chức thực hiện phong trào thi đua "Huyện Xuyên Mộc cùng cả nước chung sức xây dựng xây dựng Nông thôn mới“. Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 15/2/2017 về tổ chức thực hiện phong trào thi đua "Huyện Xuyên Mộc cùng cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới" giai đoạn 2016-2020.
Huyện ủy Xuyên Mộc đã ban hành Kế hoạch số 135-KH/HU ngày 02/7/2018 của huyện ủy Xuyên Mộc về phát động phong trào "Đảng viên tình nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" để vận động thành viên, hội viên tham gia thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và UBND huyện đã ký kết Chương trình phối hợp số 28/CTPH-MTTQ-UBND ngày 30/05/2017 về thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và giảm nghèo bền vững; Chương trình phối hợp số 29/CTPH-MTTQ-ĐTNCSHCM-LĐLĐ-HND-HLHPN-HCCB ngày 30/05/2017 giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn TNCSHCM, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Cựu chiến binh huyện về thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Công tác tuyên truyền về Chương trình được đẩy mạnh và ngày càng sâu rộng đến người dân, công tác vận động ở cơ sở được thực hiện gắn với việc bàn bạc công khai, dân chủ nên đã tạo được niềm tin và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, từ đó chủ động tham gia vào công cuộc xây dựng nông thôn mới với nhiều cách làm sáng tạo. Giai đoạn 2010 - 2020, huyện Xuyên Mộc đã vận động được 437,599 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của nhân dân và 684,297 tỷ đồng từ các doanh nghiệp cho thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong 06 tháng đầu năm 2021, đã vận động được 6,5 tỷ đồng từ nhân dân và 72 tỷ đồng từ các doanh nghiệp đóng góp cho thực hiện Chương trình. Người dân đã hiến 1.342 ngày công lao động; 480.200m2 đất cùng với một số hoa màu, vật tư kiến trúc.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần làm chuyển biến nhận thức trong toàn thể cán bộ, đảng viên, đặc biệt là nhân dân trên địa bàn các xã đã hiểu rõ hơn về vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới là của nhân dân, do nhân dân quyết định, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
b) Công tác đào tạo, tập huấn
Trong hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo huyện đã phối hợp Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh tổ chức đào tạo, tập huấn cho hơn 1.150 lượt cán bộ cấp huyện, cấp xã tham mưu thực hiện Chương trình.
Chương trình tập huấn, tuyên truyền tập trung vào những nội dung chủ yếu là tổng quan về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nội dung Chương trình giai đoạn 2016 - 2020; phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường nông thôn; hướng dẫn triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... Nhìn chung, đến nay hầu hết cán bộ chủ chốt và cán bộ công chức làm công tác xây dựng nông thôn mới từ huyện, xã đến tổ địa bàn dân cư đã được đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về xây dựng nông thôn mới; luôn được cập nhật các quy định mới của Bộ tiêu chí nông thôn mới theo từng giai đoạn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp, các ngành trong quá trình triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể của huyện phối hợp với Uỷ ban nhân dân 12 xã, các ban ngành đoàn thể xã thông qua các cuộc họp dân, các buổi sinh hoạt của các chi tổ, hội thuộc các đoàn thể đã lồng ghép tuyên truyền đến người dân về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
3.3. Kết quả huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới
* Tổng vốn đầu tư trên địa bàn huyện giai đoạn 2010 - 2020 là: 4.646.461 triệu đồng, trong đó bao gồm:
- Vốn ngân sách: 953.835 triệu đồng, chiếm 20,5% trong đó:
+ Ngân sách tỉnh: 854.752 triệu đồng.
+ Ngân sách huyện: 99.083 triệu đồng.
- Vốn lồng ghép: 370.502 triệu đồng, chiếm 7,9%.
- Vốn tín dụng: 2.200.228 triệu đồng, chiếm 47,3%.
- Vốn doanh nghiệp: 684.297 triệu đồng, chiếm 14,7%.
- Vốn nhân dân: 437.599 triệu đồng, chiếm 9,6%.
* Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng nguồn vốn huy động trong xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện đạt 659.057 triệu đồng, trong đó:
- Vốn ngân sách: 245.901 triệu đồng.
- Vốn lồng ghép: 24.656 triệu đồng.
- Vốn tín dụng: 310.000 triệu đồng.
- Vốn doanh nghiệp: 72.000 triệu động.
- Vốn huy động nhân dân: 6.500 triệu đồng.
3.4. Kết quả thực hiện tiêu chí xã nông thôn mới (theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 452/QĐ-UBND ngày 06/3/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
3.4.1. Công tác lập Quy hoạch và tổ chức thực hiện Quy hoạch
a) Yêu cầu tiêu chí:
- Có quy hoạch chung xây dựng xã được phê duyệt và được công bố công khai đúng thời hạn.
- Ban hành quy định quản lý quy hoạch chung xây dựng xã và tổ chức thực hiện theo quy hoạch.
b) Kết quả thực hiện:
Xác định công tác lập quy hoạch là cơ sở ban đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: Lập quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển nông nghiệp; quy hoạch hệ thống giao thông; thủy lợi; hệ thống cấp nước sạch; quy hoạch dân cư (quy định tại Thông tư liên tịch số 13/201l/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTN&MT ngày 28/10/2011 của liên Bộ: Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Đến nay, 12/12 xã đã được Uỷ ban nhân dân huyện phê duyệt Đồ án quy hoạch nông thôn mới; các xã đã tổ chức công bố, công khai quy hoạch theo quy định tại trung tâm xã, các ấp và cụm dân cư để người dân được biết và thực hiện; cắm mốc chỉ giới công trình hạ tầng theo quy hoạch được duyệt. Hàng năm, các xã đều tổ chức rà soát, bổ sung điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Nhìn chung, công tác lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý và rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo chất lượng, đúng quy định, nhận được sự đồng thuận cao của cộng đồng dân cư nông thôn, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới ở cơ sở.
c) Đánh giá: 12/12 xã đã đạt chuẩn tiêu chí số 01 về Quy hoạch theo quy định, đạt 100%.
3.4.2. Xây dựng Cơ sở hạ tầng thiết yếu
Trên cơ sở chủ trương, chính sách của Trung ương về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cụ thể hóa bằng hệ thống các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện như Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 29/3/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phân giao chỉ tiêu phấn đấu, nhiệm vụ cụ thể và phân bổ vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018 - 2020; Nghi quyết số 57/NQ-HĐND ngày 18/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về điều chỉnh, bổ sung Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018 - 2020; Nghị quyết số 116/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2021. Triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huy động tối đa nguồn lực tham gia xây dựng công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu khu vực nông thôn của huyện, làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn khang trang, hiện đại và sạch, đẹp hơn. Kết quả thực hiện các tiêu chí cụ thể như sau:
3.4.2.1. Về Giao thông
a) Yêu cầu tiêu chí:
- Đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiên quanh năm đạt 100%.
- Đường trục ấp và đường liên ấp được nhựa hóa, bê tông hóa hoặc cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm đạt 100%.
- Đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa đạt 100%.
- Đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm đạt 100%.
b) Kết quả thực hiện:
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ” phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, giao thông nông thôn trên địa bàn huyện đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Qua hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn các xã đã làm mới, nâng cấp, cải tạo được 707,96 km đường giao thông nông thôn các loại và 77,8 km mương thoát nước đảm bảo đạt yêu cầu tiêu chí, phục vụ vận chuyển hàng hóa và đi lại cho nhân dân. Đến tháng 06 năm 2021, tổng số km đường giao thông trên địa bàn 12 xã được nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa là 1.298,93/1.298,93km, đạt 100%, trong đó:
- Các tuyến đường xã và đường trung tâm xã đến đường huyện có tổng chiều dài 220,5 km; đã được nhựa hóa, bê tông hóa đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm là 220,5/220,5 km, đạt 100% (tăng 16,7% so với năm 2010).
- Các tuyến đường trục ấp và liên ấp có tổng chiều dài là 479,95 km, đã được đầu tư nhựa hóa, cứng hóa đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm là 479,95/479,95 km, đạt 100% (tăng 47,5% so với năm 2010).
- Các tuyến đường ngõ, xóm của các xã có tổng chiều dài là 252,08 km, đảm bảo sạch và không lầy lội vào mùa mưa; đã được cứng hóa là 252,08/252,08 km, đạt 100% (tăng 67,19 % so với năm 2010).
- Các tuyến đường trục chính nội đồng có tổng chiều dài là 362,49 km, đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm là 362,49/362,49 km, đạt 100% (tăng 52,43% so với năm 2010).
c) Đánh giá: 12/12 xã đã đạt chuẩn tiêu chí số 02 về Giao thông theo quy định, đạt 100%.
3.4.2.2. Về Thủy lợi
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động đạt từ 80% trở lên.
- Đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ.
b) Kết quả thực hiện:
- Công tác thủy lợi trên địa bàn 12 xã luôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp và xây mới tạo nên sự đồng bộ của hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện, phát huy tối đa năng lực tưới tiêu của từng công trình.
- Sau 10 năm, hệ thống kênh mương của huyện đã kiên cố hóa tổng chiều dài 75.800m, gồm 39.560m kênh tưới và 36.240m kênh tiêu nước, thoát úng, thoát lũ, trong đó đã làm mới được 43.683m.
- Đến nay, tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới chủ động tại 12 xã là 13.430/15.700 ha, đạt 86%; tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp được tiêu chủ động tại 12 xã là 44.821/45.728 ha, đạt 98%. Diện tích đất nông nghiệp còn lại là đất hoang hóa, bạc màu đã được người dân chuyển đổi sang trồng cây không cần sử dụng nước tưới như cây tràm, cao su….
- Bộ máy quản lý thủy lợi thủy nông nội đồng cấp xã được kiện toàn theo quy định, đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh. Hàng năm, UBND huyện và UBND của 12 xã đều đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, xây dựng phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”; công tác phòng chống thiên tai được triển khai tại các hội nghị tập huấn cho tất cả thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các xã trên địa bàn; cơ sở hạ tầng, các trang thiết bị của các địa phương được trang bị đầy đủ, đáp ứng yêu cầu về phòng chống thiên tai tại chỗ.
c) Đánh giá: Đến nay, tiêu chí số 03 về Thủy lợi có 12/12 xã đã đạt chuẩn theo quy định, đạt 100%.
3.4.2.3. Về Điện
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Hệ thống điện đạt chuẩn.
- Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn ≥99%.
b) Kết quả thực hiện:
- Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn 12 xã đã nâng cấp, đầu tư 165,2 km đường dây trung thế; 309,8 km đường dây hạ thế và các trạm biến áp với tổng dung lượng 16.980 KVA. Đến nay, trên địa bàn 12 xã hiện có 547,3 km đường dây trung thế; 617,3 km đường dây hạ thế và 1.301 trạm biến áp với tổng dung lượng 206.530 KVA. Việc đầu tư lưới điện trung, hạ thế trên địa bàn các xã đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất ngày càng phát triển của người dân.
- Đến nay, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn trên địa bàn 12 xã đạt 99,82 % (35.025/35.087 hộ), tăng 6,12% so với năm 2010 (93,7%).
c) Đánh giá: Đến nay, tiêu chí số 04 về Điện có 12/12 xã đã đạt chuẩn theo quy định, đạt 100%.
3.4.2.4. Về Trường học
a) Yêu cầu của tiêu chí: Tỷ lệ trường học các cấp Mầm non, mẫu giáo, tiểu học và THCS có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia đạt 100%.
b) Kết quả thực hiện
- Trên địa bàn huyện hiện có 59 trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở công lập (20 trường mầm non, 25 trường tiểu học, 14 trường trung học cơ sở), trong đó có 36/59 trường đạt chuẩn quốc gia (cấp mầm non 14/20 trường, cấp tiểu học có 14/25 trường, cấp trung học cơ sở có 08/14 trường), đạt tỉ lệ 61,0%. Riêng trên địa bàn 12 xã có 52/52 trường có cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia theo quy định.
- Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 06 trường mầm non tư thục; 25 nhóm trẻ độc lập; 05 trường trung học phổ thông (Trường THPT Hòa Bình, Trường THPT Hòa Hội, Trường THPT Hòa Bình và Trường THPT Bưng Riềng); 01 Trung tâm Giáo dục thường xuyên, các cơ sở trên đều có cơ sở vật chất và trang thiết bị được đầu tư theo hướng chuẩn hóa và từng bước đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy và học tập cho học sinh.
- Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn 12 xã đã xây mới 29 trường học các cấp, cụ thể: 11 trường Mầm non, 10 trường Tiểu học, 05 trường THCS và 03 trường THPT. Đến nay, trên địa bàn 12 xã hiện có 52 trường học các cấp do huyện quản lý (trong đó: 17 trường mầm non, 22 trường tiểu học và 13 trường trung học cơ sở); về cơ bản 52/52 trường có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt tiêu chuẩn, đủ điều kiện để thực hiện các nhiệm vụ giáo dục. Có 32/52 trường đã được công nhận trường chuẩn Quốc gia mức độ 1, tăng thêm 23 trường so với năm 2010 (năm 2010 chỉ có 9 trường đạt chuẩn ), cụ thể:
+ Cấp mầm non: Có 12/17 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 70,6%.
+ Cấp tiểu học: Có 12/22 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 54,5 %.
+ Cấp trung học cơ sở: Có 8/13 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 61,5%.
- Các trường thường xuyên duy trì đạt chuẩn quốc gia, thực hiện tốt việc dạy và học, bảo quản cơ sở vật chất, giữ gìn vệ sinh trường lớp, trồng cây xanh, tạo bóng mát nhằm thực hiện tốt cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Chất lượng giáo dục hàng năm tiếp tục được nâng lên. Các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn 12 xã thực hiện nghiêm chương trình theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo. Có hệ thống công nghệ thông tin kết nối Internet đáp ứng yêu cầu quản lý và dạy học; có website thông tin trên mạng Internet hoạt động thường xuyên hỗ trợ có hiệu quả cho công tác dạy học và quản lý nhà trường.
c) Đánh giá: Đến nay, tiêu chí số 05 về trường học có 12/12 xã đã đạt chuẩn theo quy định, đạt 100%.
3.4.2.5. Về Cơ sở vật chất văn hóa
a) Yêu cầu tiêu chí:
- Xã có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của toàn xã.
- Xã có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi theo quy định.
- Tỷ lệ ấp có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng đạt 100%.
b) Kết quả thực hiện:
- Từ năm 2010, trên địa bàn huyện đã thực hiện nâng cấp, sửa chữa các Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Học tập cộng đồng (Trung tâm VH,TT-HTCĐ) xã, trong đó xây dựng mới Trung tâm VH, TT-HTCĐ xã Hòa Bình; xã Hòa Hội; xã Xuyên Mộc; xã Bông Trang và xã Phước Thuận; Các TTVHTT- HTCĐ Bàu Lâm và thị trấn Phước Bửu được duy tu, sửa chữa; TTVHTT- HTCĐ các xã Hòa Hiệp, Bình Châu, Hòa Hưng và xã Phước Tân UBND huyện đã có phương án đầu tư xây dựng và đang trong quá trình khởi công xây dựng mới do trụ sở cũ đã xuống cấp nghiêm trọng. Đến nay, 12/12 xã trên địa bàn huyện đã có trung tâm VH, TT-HTCĐ xã với diện tích, quy mô xây dựng đạt chuẩn, có đủ các phòng chức năng, hội trường văn hóa đa năng, các công trình phụ và cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo theo quy định.
- Việc bố trí điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi hiện nay đang được 12 xã sử dụng chung trong thiết chế Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Học tập cộng đồng. Mật độ dân số trên địa bàn từng xã không cao, các hoạt động sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao không có tách biệt rạch ròi từng độ tuổi. Vì vậy, để đảm bảo được tiêu chí này, các xã đã bố trí lắp đặt các thiết bị trò chơi, dụng cụ tập luyện thể dục thể thao ngoài trời dành cho thiếu nhi cũng như tổ chức các lớp năng khiếu dành cho các em và các lớp thể dục dưỡng sinh, yoga dành cho người cao tuổi cũng tại trung tâm này. Các hoạt động trên cũng thu hút được khá đông người dân đến vui chơi, tham gia luyện tập, và rèn luyện sức khỏe.
- Về tỷ lệ thôn, ấp có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng: UBND huyện đã phê duyệt dự án và cho xây mới, đồng thời nâng cấp 45 nhà sinh hoạt ấp trên địa bàn các xã. Trong giai đoạn tới, UBND huyện đã đưa vào kế hoach đầu tư nâng cấp, xây mới thêm 42 nhà sinh hoạt ấp với tổng mức đầu tư khoảng 114 tỷ đồng.
Năm 2020, UBND huyện sáp nhập 101 thôn, ấp, khu phố lại còn 92 thôn, ấp, khu phố, trong đó có 85 ấp thuộc các xã Nông thôn mới. Tính đến thời điểm thẩm định, 85/85 ấp có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng đạt chuẩn theo Hướng dẫn số 4688/HD-BVHTTDL ngày 14/11/2016 của Bộ Văn hòa Thể thao và Du lịch.
c) Đánh giá: Đến nay, tiêu chí số 06 về Cơ sở vật chất văn hóa có 12/12 xã đã đạt chuẩn theo quy định, đạt 100%.
3.4.2.6. Về Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn
a) Yêu cầu tiêu chí: Xã có chợ nông thôn hoặc chợ liên xã theo quy hoạch, nơi mua bán, trao đổi hàng hóa.
b) Kết quả thực hiện:
Từ năm 2010 đến nay, chợ trên địa bàn các xã đã được đầu tư sửa chữa, xây dựng mới đạt chuẩn theo đúng quy hoạch; các chợ xã đều là chợ hạng 3. Các chợ xã đều đáp ứng được yêu cầu theo quy định: Có ban quản lý chợ; có nội quy; có trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy; có bãi gửi xe; có cân đối chứng; không kinh doanh các mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật; các điểm kinh doanh được bố trí, sắp xếp riêng theo từng mặt hàng thuận lợi cho người bán và người mua; có đầy đủ hệ thống điện, cấp nước sạch, thoát nước, rác thải được thu gom hàng ngày đảm bảo vệ sinh. Các điểm kinh doanh đều có đầy đủ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và bố trí sắp xếp riêng theo từng ngành hàng, tạo thuận lợi cho việc trao đổi, mua bán của người dân nông thôn.
c) Đánh giá: Đến nay, tiêu chí số 07 về Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn có 12/12 xã đã đạt chuẩn theo quy định, đạt 100%.
3.4.2.7. Về Thông tin - Truyền thông
a) Yêu cầu tiêu chí:
- Xã có điểm phục vụ bưu chính.
- Xã có dịch vụ viễn thông, internet băng rộng.
- Xã có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn, ấp.
- Xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành.
b) Kết quả thực hiện:
- Mạng lưới bưu chính viễn thông phát triển rộng khắp trên địa bàn các xã. Đến tháng 6 năm 2021, 12/12 xã có các điểm phục vụ bưu chính: các xã Xuyên Mộc, Phước Thuận, Hòa Hội, Bưng Riềng, Phước Tân, Bông Trang và Hòa Hưng có Bưu điện Văn hóa xã; xã Bàu Lâm, Hòa Bình, Hòa Hiệp, Bình Châu có Bưu cục cấp 3; xã Tân Lâm có Đại lý Bưu điện. Các điểm này đáp ứng tiêu chuẩn về mặt bằng, trang thiết bị phục vụ nhu cầu sử dụng dịch vụ bưu chính của người dân.
- 12/12 xã có các điểm giao dịch viễn thông và internet: đại lý internet, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng,…; các điểm đảm bảo cung cấp đầy đủ các dịch vụ điện thoại cố định, di động mặt đất, 3 internet băng rộng, đồng thời có phủ sóng thông tin di động 2G, 3G, 4G đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông của người dân. Hạ tầng kỹ thuật viễn thông đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ truy nhập internet cho tổ chức cá nhân trên địa bàn đạt tiêu chuẩn theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập internet băng rộng cố định mặt đất (đạt tỷ lệ 100%), đường truyền cáp quang được kết nối về tới 3 trục đường chính và đường truyền ADSL đã được kết nối tất cả các trục đường trong xã.
- 12/12 xã có đài truyền thanh xã và hệ thống loa, cụm loa truyền thanh hoạt động thường xuyên và hiệu quả, đảm bảo nhân dân trên địa bàn thường xuyên được cập nhật chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các tin tức trên phương tiện thông tin đại chúng, đạt 100%.
- 12/12 xã có trang bị máy vi tính kết nối mạng internet cho Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, UBND xã, các bộ phận chuyên môn để phục vụ công tác quản lý, điều hành; đồng thời các xã này đều có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành (sử dụng phần mềm một cửa, phần mềm quản lý điều hành văn bản) góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý điều hành, xử lý trao đổi văn bản; thực hiện trao đổi, khai thác thông tin một cách thuận lợi và nhanh chóng).
c) Đánh giá: Đến nay, tiêu chí số 08 về Thông tin và Truyền thông có 12/12 xã đã đạt chuẩn theo quy định, đạt 100%.
3.4.2.8. Về Nhà ở dân cư:
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Nhà tạm, dột nát (không có).
- Tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định lớn hơn 90%.
b) Kết quả thực hiện:
Từ năm 2010 đến nay, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã xây dựng được 373 căn nhà với tổng kinh phí thực hiện 8,43 tỷ đồng cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng.
Tính đến cuối tháng 6 năm 2021, trên địa bàn huyện không còn nhà tạm, nhà dột nát; số hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định trên địa bàn 12 xã là 33.962/35.087 hộ, đạt 96,8%.
c) Đánh giá: Đến nay, tiêu chí số 09 về Nhà ở dân cư có 12/12 xã đã đạt chuẩn theo quy định, đạt 100%.
3.4.3. Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân
3.4.3.1. Về Thu nhập
a) Yêu cầu của tiêu chí: Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 ≥ 59 triệu đồng/người/năm.
b) Kết quả thực hiện:
Xác định việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Xuyên Mộc đã triển khai nhiều giải pháp để tăng năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản chủ lực của huyện.
- Nông, lâm nghiệp, thủy sản:
+ Trồng trọt:
++ Với tổng diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện là 50.346 ha, trong giai đoạn 2010 - 2020, nhờ việc đầu tư thâm canh tăng vụ, áp dụng cơ giới hóa và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên sản lượng lúa tăng từ 10.469 tấn (năm 2010) lên 14.359 tấn (năm 2020), tăng thêm 3.890 tấn; năng suất lúa bình quân tăng thêm 1,54 tấn/ha từ 3,49 tấn/ha (năm 2010) lên 5,03 tấn/ha (năm 2020). Từng bước hình thành các vùng chuyên canh (hồ tiêu, thanh long ruột đỏ, nhãn xuồng cơm vàng…); kết hợp trồng cây ngắn ngày gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
++ Các loại hình dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện phát triển tương đối đa dạng bao gồm dịch vụ sản xuất và cung ứng; dịch vụ cơ khí, vận tải; dịch vụ khuyến nông, thú y; dịch vụ về thị trường và tiêu thụ sản phẩm…
++ Về nông nghiệp công nghệ cao: Công nghệ cao áp dụng trong sản xuất như trồng trọt bằng phương pháp thủy canh, nhà lưới, trồng phủ bạt, tưới phun tự động, nhỏ giọt... các loại cây trồng được áp dụng các kỹ thuật tiên tiến bao gồm 24,1ha cây ăn trái (Nhãn Xuồng và Thanh long sản xuất áp dụng VietGap); 476 ha Hồ tiêu áp dụng tiêu chuẩn SAN; 1.250 ha cây ăn trái các loại và Hồ tiêu ứng dụng công nghệ tưới bán tự động và dùng giống từ cây đầu dòng được đưa vào sản xuất và quản lý dịch hại tổng hợp; 10.000m2 sản xuất dưa lưới trong nhà lưới; 1,5ha sản xuất nấm Bào ngư ứng dụng công nghệ cấy mô, tưới chủ động, 15 ha sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn GlobalGAP; 50 ha cây Nhàu theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao như tưới tiêu chủ động, áp dụng sản xuất nông sản sạch với mục đích chế biến nước cốt nhàu xuất khẩu ...
Năm 2020, giá trị sản xuất trên 01 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 52,95 triệu đồng/ha, tăng 133,8% so với năm 2010 (năm 2010 là 39,55 triệu đồng/ha).
+ Chăn nuôi:
++ Đến nay, toàn huyện hiện có 3.024 hộ chăn nuôi trâu, bò (tổng đàn 12.060 con) tăng 142,5% so với năm 2010; 823 hộ chăn nuôi heo (tổng đàn 144.500 con) tăng 147,4%% so với năm 2010; 3.511 hộ chăn nuôi dê, cừu (tổng đàn 36.070 con); 104 hộ chăn nuôi thủy cầm (tổng đàn 237.900 con); 22.535 hộ chăn nuôi gà (tổng đàn 712.100 con). Toàn huyện có 60 trang trại chăn nuôi (29 trang trại Heo với tổng đàn là 115.000 con và có 31 trại chăn nuôi Gia cầm với tổng đàn là 667.000 con), trong đó có 46 trang trại áp dụng công nghệ cao như: chuồng lạnh, hệ thống máng ăn, máng uống tự động (26 trại heo với tổng đàn 112.600 con và 20 trại gia cầm với tổng đàn 612.500 con). Trong giai đoạn tới, huyện đã đưa vào kế hoạch xây dựng vùng chăn nuôi với quy mô 100.000 con heo và 1.000.000 con gà/lứa.
++ Hiện nay trên địa bàn huyện ngành chăn nuôi phát triển hướng công nghiệp và tập trung có kiểm soát, áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, an toàn sinh học, giảm thiểu ô nhiểm môi trường; số lượng chất lượng đàn vật nuôi ngày càng nâng lên; tổng đàn heo nuôi trong trang trại, gia trại là 75%; tổng đàn gia cầm nuôi trong trang trại, gia trại là 51,50%.
+ Thủy sản: Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị ngành thủy sản đạt trên 1,39%/năm, sản lượng khai thác thủy sản tăng trưởng bình quân 2%/năm; sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng trưởng bình quân trên 7,2%/năm.
++ Trên địa bàn huyện 03 xã ven biển có nghề khai thác hải sản là xã Phước Thuận, Bưng Riềng và Bình Châu, trong đó ngành đánh bắt hải sản xa bờ tập trung chủ yếu trên địa bàn xã Bình Châu. Tổng tàu thuyền toàn huyện là 693 chiếc, trong đó: các tàu đánh bắt có đăng ký thuộc xã Bình Châu là 519 chiếc với tổng công suất 113.110 CV, với trên 200 chiếc công suất trên 90 CV đánh bắt xa bờ. Các phương tiện đánh bắt ven bờ như xổng nan tre tại các xã Phước Thuận và Bưng Riềng là 174 chiếc với tổng công suất 1.380 CV. Tổng sản lượng khai thác năm 2020 đạt 15.156 tấn, tăng 157,8% so với năm 2010. Tốc độ tăng trưởng bình quân sản lượng khai thác trong giai đoạn 2010 - 2020 là 4,97%/ năm, trong đó sản luợng khai thác xa bờ chiếm trên 90% trong tổng sản lượng khai thác thủy sản.
++ Trong nuôi trồng thủy sản: Nuôi tôm nước lợ tâp trung chủ yếu tại vùng nuôi tôm công nghiệp xã Phước Thuận, tại vùng nuôi hiện đang áp dụng sản xuất theo các quy trình sản xuất như VietGAP, nuôi vi sinh tuần hoàn khép kín, sử dụng con giống sạch bệnh, chống chịu môi trường biến động.... Nuôi thủy sản nước ngọt hiện nay chỉ tập trung tại các xã Hòa Hội và Hòa Hiệp với hình thức nuôi bán công nghiệp.
+ Lâm nghiệp: Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp 16.275,15 ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 21,2%. Tỷ lệ che phủ cây xanh đạt 61,4 % diện tích tự nhiên. Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp năm 2020 ước đạt 71,5 tỷ đồng (theo giá hiện hành).
- Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ:
+ Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Tổng giá trị sản xuất Công nghiệp - TTCN năm 2020 đạt 1.347,44 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 9,38%/năm. Sản xuất Công nghiệp - TTCN trên địa bàn huyện trong những năm qua đạt được kết quả tích cực góp phần vào việc tăng trưởng kinh tế của huyện, ổn định và nâng cao đời sống của người dân nông thôn, làm cho bộ mặt nông thôn huyện ngày càng khởi sắc hơn.
+ Về Thương mại - Dịch vụ: Tổng doanh thu Thương mại - Dịch vụ năm 2020 đạt 6.317,2 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,14%/năm. Kinh doanh thương mại phát triển nhanh, đáp ứng lưu thông hàng hóa trong và ngoài huyện. Mạng lưới chợ trên địa bàn huyện có kế hoạch đầu tư nâng cấp nhằm đáp ứng tốt yêu cầu lưu thông hàng hóa. Các ngành dịch vụ phát triển mạnh như: Ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn pháp lý, bất động sản, dịch vụ giao thông vận tải, dịch vụ nông nghiệp ... bảo đảm phục vụ kịp thời nhu cầu cuộc sống và sản xuất kinh doanh.
+ Về du lịch: Ngành du lịch tiếp tục duy trì được sự tăng trưởng cả về lượng du khách, doanh thu; chất lượng dịch vụ được tăng lên, sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, phong phú. Năm 2010, lĩnh vực du lịch có 05 dự án đưa vào khai thác. Đến nay, toàn huyện hiện có 19 dự án du lịch đi vào khai thác kinh doanh, trong đó có nhiều dự án lớn, mang lại doanh thu cao, tạo nhiều việc làm, có tính lan tỏa, góp phần quảng bá, định vị thương hiệu du lịch của huyện Xuyên Mộc.
Trong những năm gần đây, các xã trên địa bàn huyện Xuyên Mộc đã triển khai thực các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn như: Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng phục vụ phát triển sản xuất tại các xã xây dựng nông thôn mới, từ năm 2018 đến 2020 huyện Xuyện Mộc đã hỗ trợ lãi suất tín dụng phục vụ phát triển sản xuất cho 2.183 hộ dân với tổng số tiền giải ngân là hơn 6,2 tỷ đồng. Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hộ trong nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2018 - 2020, huyện đã phê duyệt hỗ trợ cho 209 dự án với tổng số tiền thực hiện hơn 30,4 tỷ đồng, từ đó thu nhập của người dân nông thôn liên tục tăng cao.
Đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn 12 xã xây dựng nông thôn mới là 60,99 triệu đồng/người/năm, tăng 3,66 lần so với năm 2010 là 16,62 triệu đồng/người/năm.
c) Đánh giá: Đến nay, tiêu chí số 10 về Thu nhập có 12/12 xã đã đạt chuẩn theo quy định, đạt 100%.
3.4.3.2. Về Hộ nghèo
a) Yêu cầu của tiêu chí: Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 ≤1%.
b) Kết quả thực hiện:
Công tác giảm nghèo được thực hiện hiệu quả, trở thành phong trào hành động của toàn xã hội với nhiều hoạt động thiết thực như: cho vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, cấp bảo hiểm y tế cho người nghèo, miễn, giảm học phí cho học sinh... Người nghèo được cải thiện về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng để vươn lên thoát nghèo. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải ngân cho số hộ nghèo chuẩn tỉnh, chuẩn quốc gia, cận nghèo và thoát nghèo trên địa bàn huyện trong giai đoạn 2010-2020 là 10.305 hộ với tổng số tiền giải ngân là 219,5 tỷ đồng.
Thực hiện Đề án phát triển KT- XH cho đồng bào dân tộc thiểu số năm 2020, tổng kinh phí được phân bổ là 18,45 tỷ đồng trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 15 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 04 công trình giao thông với chiều dài 10,7 km tại các xã Hòa Bình, Bình Châu, Hòa Hiệp, Tân Lâm. Ngân sách huyện đã bố trí 3,45 tỷ đồng thực hiện các dự án như hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ nhà vệ sinh, hỗ trợ tập vở, hỗ trợ học phí cho các gia và học sinh, sinh viên các cấp thuộc đối tượng là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Đến ngày 30/6 năm 2021, trên địa bàn 12 xã số hộ nghèo theo đa chiều hiện nay còn 122/35.087 hộ, chiếm tỷ lệ 0,35%.
c) Đánh giá: Tiêu chí số 11 về Hộ nghèo có 12/12 xã đã đạt chuẩn theo quy định, đạt 100%.
3.4.3.3. Về Lao động có việc làm
a) Yêu cầu của tiêu chí: Tỷ lệ người có việc làm trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động ≥90%.
b) Kết quả thực hiện:
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo trên địa bàn 12 xã của huyện Xuyên Mộc được triển khai thường xuyên, hiệu quả. Trong giai đoạn 2010-2020, trên địa bàn huyện đã giải quyết việc làm cho 49.744 lượt lao động. Đến tháng 6 năm 2021, tổng số lao động có việc làm trên địa bàn 12 xã là 74.245/78.566 lao động, đạt 94,5% cao hơn 4,5% so với yêu cầu Bộ tiêu chí.
c) Đánh giá: Đến nay, 12/12 xã trên địa huyện Xuyên Mộc đạt chuẩn Tiêu chí số 12 về Lao động có việc làm, đạt 100%.
3.4.3.4. Về Tổ chức sản xuất
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Xã có hợp tác xã hoạt động theo đúng quy định của Luật hợp tác xã năm 2012.
- Xã có mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững.
b) Kết quả thực hiện:
- Về hợp tác xã: Trên địa bàn huyện Xuyên Mộc hiện nay có 30 Hợp tác xã (tăng 22 Hợp tác xã so với năm 2010) hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm: 20 Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ nông nghiệp; 02 Hợp tác xã nuôi trồng, khai thác Thủy sản; 03 Quỹ TDND; 01 Hợp tác xã vận tải; 01 Hợp tác xã xây dựng và 03 Hợp tác xã đầu tư và phát triển chợ, với tổng số thành viên tham gia Hợp tác xã là 3.765 và 476 lao động, vốn điều lệ là 41.597,112 triệu đồng; có 39 tổ hợp tác, với 1.017 thành viên.
Nhìn chung, các Hợp tác xã được thành lập và đi vào hoạt động đúng với quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012, hoạt động kinh doanh các Hợp tác xã đều có lãi, nâng cao thu nhập cho thành viên. Một số hợp tác xã đang hoạt động, kinh doanh có hiệu quả, điển hình như:
+ Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ Nhân Tâm, xã Hòa Hiệp: Thành lập ngày 13/3/2008, có 14 hộ thành viên và 28 lao động; tổng vốn đều lệ 30 triệu đồng. Ngành nghề kinh doanh là trồng cây ăn quả. Tổng diện tích đất sản xuất của xã viên là 13 ha trồng chuyên canh cây nhãn xuồng cơm vàng đã đạt chuẩn VietGAP. Sản lượng hàng năm đạt khoảng 45 tấn/năm. Hợp tác xã đã có được những hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định trong nước như Saigon COOP Mart, MM.Mega Market và các Co.op nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mang vể doanh thu bán hàng cao. Thu nhập bình quân từ 250 triệu đồng/ha/năm, doanh thu của Hợp tác xã hàng năm bình quân đạt khoảng 1,3 tỷ đến 1,6 tỷ đồng.
+ Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây, xã Hòa Hiệp: Thành lập ngày 08/10/2015, với 12 xã viên; tổng vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính của hợp tác xã là sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu (theo tiêu chuẩn GlobalGAP) với tổng diện tích 15ha. Ngoài ra, Hợp tác xã còn sản xuất, chế biến tiêu thụ củ hoài sơn cung cấp cho thị trường. Hiện nay, Hợp tác xã có liên kết tiêu thụ sản phẩm với công ty TNHH Quốc tế Ấn Nam; công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu HNT. Các sản phẩm của Hợp tác xã đã được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh trong đó 1 sản phẩm được công nhận 4 sao (củ Hoài sơn) và 5 sản phẩm tiềm năng 5 sao (Tiêu các loại).
+ Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao VGP, xã Bình Châu: Thành lập ngày 10/7/2018, với 7 xã viên, tổng vốn điều lệ 400 triệu đồng. Sản phẩm chủ lực của hợp tác xã là Dưa lưới, hiện đang liên kết với Công ty cổ phần Đầu tư Nông nghiệp Xây dựng Thép Tiên Phong làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị lớn như Co-op Mart, Á Châu, Lotte Mart..., với sản lượng 150 tấn/năm.
+ Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Gò Cát, xã Phước Thuận: Thành lập ngày 11/9/2007, có 49 thành viên và 41 lao động; tổng vốn điều lệ 69,112 triệu đồng. Ngành nghề kinh doanh chính là trồng lúa và các dịch vụ sau thu hoạch. Hiện nay, Hợp tác xã đang ký kết họp đồng mua bán sản phẩm lúa, gạo với Công ty Cổ phần Sản xuất Dịch vụ Ngô Đức.
+ Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Hưng Thịnh, xã Bưng Riềng: Thành lập ngày 22/4/2014, có 26 thành viên, tổng vốn điều lệ 26 triệu đồng. Ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là trồng cây Thanh long, Hợp tác xã HTX đã hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Minh Dũng (thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Ủy ban nhân dân các xã trên địa bàn huyện thường xuyên phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền đến nhân dân trên địa bàn nhận thức kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Hàng năm, các thành viên hợp tác xã và tổ hợp tác đều được tham gia tập huấn kỹ năng quản lý điều hành, tham quan mô hình tiên tiến về kinh tế hợp tác.
- Về mô hình liên kết:
+ Xã Hòa Hội và Hòa Hiệp: Mô hình liên kết sản phẩm cây hồ tiêu giữa Công ty TNHH Gia vị XNK VinaHarris với các hộ dân trên địa bàn 2 xã, Công ty triển khai dự án phát triển hồ tiêu bền vững (theo tiêu chuẩn SAN) và đã thực hiện liên kết với các hộ dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu, với quy mô 476 ha/419 hộ đạt chuẩn. Trong giai đoạn tới, Công ty sẽ tiếp tục triển khai chứng nhận thêm diện tích đạt tiêu chuẩn đế kết nối tiêu thụ với người dân trên địa bàn các xã Hòa Bình, Bàu Lâm, Tân Lâm và Hòa Hưng với diện tích khoảng 500ha, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân trên địa bàn huyện.
Ngoài ra, các Hợp tác xã trên địa bàn xã Hòa Hiệp như: Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây liên kết với Công ty TNHH quốc tế Ân Nam; Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu HNT tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ hồ tiêu, củ hoài sơn do Hợp tác xã sản xuất; Hợp tác xã Nông nghiệp - Du lịch Nhân Tâm liên kết với Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon CO.OP) tiêu thụ các sản phẩm trái cây (nhãn, mãng cầu,…) do Hợp tác xã sản xuất.
+ Xã Hòa Bình: Mô hình liên kết giữa Công ty Cổ phần CP với các hộ dân trên địa bàn xã trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm Bắp giống do công ty cung cấp hạt giống, kỹ thuật, phân bón và sẽ bao tiêu sản phẩm vào cuối vụ cho nông dân, với diện tích 43 ha.
+ Xã Bình Châu: Mô hình liên kết giữa Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao VGP với Công ty Cổ phần Đầu tư Nông nghiệp xây dựng thép Tiên Phong tiêu thụ sản phẩm dưa lưới của hợp tác xã, với sản lượng 150 tấn/năm. Ngoài ra, các tổ hợp tác đánh bắt hải đang liên kết với Công ty TNHH Thanh Loan trong việc thu mua hải sản đánh bắt cho ngư dân, Công ty hỗ trợ vốn để ngư dân chuẩn bị cho chuyến biển và sẽ được thu mua lại hải sản đánh bắt của ngư dân với giá thị trường.
+ Xã Bông Trang: Mô hình liên kết giữa Hợp tác xã Thanh long Bông Trang với cơ sở thu mua nông sản Tuần Bích trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái thanh long ruột đỏ và ruột trắng do Hợp tác xã trồng.
+ Xã Hòa Hội: Mô hình liên kết giữa Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ Thắng Lợi với cơ sở thu mua Hưng Thịnh (Thành phố Hồ Chí Minh) tiêu thụ sản phẩm cá Rô phi, cá Rô đồng do Hợp tác xã sản xuất.
+ Xã Phước Tân: Mô hình liên kết giữa người nông dân xã với Công ty TNHH hạt giống C.P Việt Nam (KCN Định quán, tỉnh Đồng Nai) gia công sản xuất và tiêu thụ cây giống bắp lai, trên diện tích 20ha.
+ Ngoài ra, Hợp tác xã Nông nghiệp - Đan lát Phước Tân có liên kết với Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Khang Việt Tiến (Thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) gia công sản phẩm giỏ lục bình, giải quyết tạo việc làm và tăng thu nhập cho thành viên Hợp tác xã.
+ Xã Xuyên Mộc: Mô hình liên kết giữa Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp với Hợp tác xã Thanh long sạch Hòa Lệ (Thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trái Thanh long của Hợp tác xã.
+ Xã Bưng Riềng: Mô hình liên kết giữa Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Thịnh với Công ty TNHH Minh Dũng (thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái Thanh long (theo tiêu chuẩn Vietgap).
Nhìn chung, kinh tế tập thể đã góp phần tích cực vào việc cung ứng dịch vụ kịp thời đến thành viên và nhân dân, giúp các thành viên và nhân dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm ở nông thôn, hướng dẫn phát triển kinh tế và làm giàu cho kinh tế hộ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới của huyện.
Các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản đã đảm bảo cho hoạt động sản xuất, chế biến ổn định, đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân sản xuất nông nghiệp tại các xã; đồng thời, giúp ổn định giá cả thị trường, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, thực hiện tiêu thụ sản phẩm cho người sản xuất theo chuỗi, đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
c) Đánh giá: Đến nay, 12/12 xã trên địa bàn huyện Xuyên Mộc đạt chuẩn Tiêu chí số 13 về Tổ chức sản xuất.
3.4.4. Phát triể Giáo dục, Y tế, Văn hóa và Bảo vệ môi trường
3.4.4.1. Về Giáo dục
a) Yêu cầu tiêu chí:
- Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
- Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, trung cấp) ≥ 90%.
- Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo ≥ 45%.
b) Kết quả thực hiện:
- Đến nay, 12/12 xã trên địa bàn huyện được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ 05 tuổi, trong đó huy động được 2.398/2.418 trẻ mầm non 5 tuổi ra lớp, đạt tỷ lệ 99,17%; tỷ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình GDMN đạt 99,33% (2.382/2.398); 12/12 xã trên địa bàn huyện đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và huyện được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 theo Quyết định số 115/QĐ-UBND ngày 15/01/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong đó, số trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt tỷ lệ 100% (2.611/2.611), số trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 94,84% (2.518/2.655); huyện Xuyên Mộc đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 năm 2020; 12/12 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS trong đó 05 xã đạt chuẩn mức độ 2; và 07 xã đạt chuẩn mức độ 3. Huyện Xuyên Mộc đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 năm 2020; Số người trong độ tuổi từ 15 đến 18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS đạt 94,76% (9297/9831); 12/12 xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Huyện Xuyên Mộc được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2
- Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, trung cấp) năm 2020 đạt 94,11% (2015/2141), cao hơn 4,11% so với chỉ tiêu yêu cầu là 90%.
- Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo trên địa bàn 12 xã tính đến 30/6/2021 là 35.810/78.566, đạt: 45,5%.
c) Đánh giá: Đến nay, 12/12 xã trên địa bàn huyện Xuyên Mộc đạt chuẩn Tiêu chí số 14 về Giáo dục và Đào tạo.
3.4.4.2. Về Y tế
a) Yêu cầu tiêu chí:
- Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ≥85%.
- Xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế.
- Tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) ≤14,3%.
b) Kết quả thực hiện:
- Công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia Bảo hiểm y tế được các xã quan tâm triển khai thường xuyên, nhờ đó tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế toàn huyện đến cuối tháng 6 năm 2021 đạt tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế của 12 xã xây dựng nông thôn mới đạt 92,8% (141.590/153.164 người), so với năm 2010 là 55,44% (76.129/137.318 người), tăng 37,36% so với năm 2010.
- Đến cuối năm 2020, 12/12 xã trên địa bàn huyện Xuyên Mộc đều được Uỷ ban nhân dân tỉnh công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế, cụ thể: cụ thể: xã Hòa Hưng, Phước Tân, Phước Thuận, Bàu Lâm, Hòa Hiệp và Hòa Bình đạt theo Quyết định số 2245/QĐ-UBND ngày 14/8/2018; xã Tân Lâm và Bông Trang đạt theo Quyết định số 2203/QĐ-UBND ngày 27/8/2019; xã Bình Châu, Bưng Riềng, Hòa Hội và Xuyên Mộc đạt theo Quyết định số 2966/QĐ-UBND ngày 29/9/2020 của UBND tỉnh Bả Rịa - Vũng Tàu.
- Tính đến cuối tháng 6 năm 2021, tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) của 12 xã là 12,3% (1.515 trẻ/12.317 trẻ), giảm 3,9% so với năm 2010 (Năm 2010 là 1.989 trẻ/12.281 trẻ, 16,2 %)
c) Đánh giá: Đến nay, 12/12 xã trên địa bàn huyện Xuyên Mộc đạt chuẩn Tiêu chí số 15 về Y tế, đạt 100%.
3.4.4.3. Về Văn hóa
a) Yêu cầu của tiêu chí: Tỷ lệ ấp đạt tiêu chuẩn văn hóa theo quy định ≥70%.
b) Kết quả thực hiện:
Huyện Xuyên Mộc cũng đã triển khai xây dựng nhiều chương trình, đề án nhằm nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhất là các danh hiệu văn hóa; Triển khai thực hiện Đề án xây dựng xã văn hóa nông thôn mới. Huyện cũng đã chỉ đạo các xã trên địa bàn thực hiện tốt việc xây dựng quy ước tại cộng đồng. Thường xuyên củng cố và nâng cao chất lượng các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ cũng như không ngừng nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa.
Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Học tập cộng đồng các xã thường xuyên duy trì, nâng cao số lượng và chất lượng thực hiện các hoạt động chuyên môn như: Xây dựng và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng; các tổ, đội văn nghệ; bồi dưỡng các hạt nhân văn nghệ làm nòng cốt cho phong trào; tổ chức biểu diễn văn nghệ, các cuộc liên hoan, giao lưu hội diễn văn nghệ quần chúng hàng năm; tổ chức đón các đoàn văn công chuyên nghiệp về biểu diễn tại địa phương; khai thác, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, các diễn xướng dân gian, truyền thống ở địa phương. Tổ chức các hình thức tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực quan, tuyên truyền bằng văn nghệ cổ động tại trung tâm và lưu động ở các khu dân cư trên địa bàn, phục vụ các ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, các sự kiện trọng đại của đất nước và các nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội của địa phương.
Trong công tác truyền thông, Trung tâm văn hóa huyện đã triển khai: Phát thanh lưu động 1.905 giờ/năm; phát thanh tại chổ 3.217 giờ/năm; băng rôn 14.095 mét/năm; pano 2.860m2. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội, ngày giỗ, ngày tết và các hình thức sinh hoạt văn hóa - xã hội ở địa phương; xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng, giao tiếp, ứng xử văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng; bảo vệ cảnh quan, thiên nhiên, môi trường và giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống các tệ nạn xã hội.
Xây dựng và phát triển phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", tăng số lượng người, gia đình tập luyện thể dục thể thao thường xuyên; đến nay tỷ lệ hộ gia đình thể thao đạt 15%, tỷ lệ người tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 35%; khai thác, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian ở địa phương, đưa vào hoạt động của các lễ hội truyền thống, ngày Hội văn hoá thể thao ở các cấp; tổ chức các giải và đại hội thể dục thể thao định kỳ. Phát triển các loại hình câu lạc bộ sở thích, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thường xuyên (hiện nay có khoảng 120 câu lạc bộ đang hoạt động, bao gồm: bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, võ thuật, aerobic, tennis, đờn ca tài tử, tiếng hát mãi xanh...).
Hoạt động thư viện - phòng đọc thường xuyên tuyên truyền, giới thiệu, trưng bày sách, báo với chủ đề các ngày lễ lớn trong năm, hưởng ứng “tuần lễ học tập suốt đời”, tổ chức kể chuyện theo sách, ngày hội đọc sách; thường xuyên bổ sung sách, báo, tạo chí phục vụ nhân dân nhằm phát triển văn hóa đọc, nâng cao dân trí và phục vụ việc học tập, nghiên cứu của người dân. Phối hợp với các ngành, đoàn thể triển khai các chương trình khuyến công, khuyến nông và các dự án, chương trình tại địa phương; các buổi sinh hoạt, sự kiện và tập huấn cho các ban ngành, đoàn thể của phường và các cơ quan, công ty, xí nghiệp đóng trên địa bàn.
Tính đến nay, kết quả thực hiện tiêu chí số 16 trên địa bàn huyện Xuyên Mộc với từng chỉ tiêu cụ thể như sau:
- Có 85/85 ấp đạt danh hiệu ấp văn hóa nhiều năm liền. Đạt 100%.
- Tỷ lệ người dân luyện tập thể dục thường xuyên đạt 35%.
- Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 95,2%.
c) Đánh giá: Đến nay, 12/12 xã trên địa bàn huyện Xuyên Mộc đạt chuẩn Tiêu chí số 16 về Văn hóa, đạt 100%.
3.4.4.3. Về Môi trường
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định (≥98%, trong đó nước sạch ≥65%).
- Tỷ lệ cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường 100%.
- Xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn.
- Mai táng phù hợp với quy định và theo quy hoạch.
- Chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất-kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định.
- Tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch ≥90%.
- Tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường ≥80%.
- Tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm 100%.
b) Kết quả thực hiện:
Công tác bảo vệ, cải tạo môi trường luôn được cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân nhiệt tình hưởng ứng; hoạt động tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng được đẩy mạnh qua các phong trào như: “Tết trồng cây 19/5”; “Ngày môi trường thế giới”; “Tuần lễ biển và hải đảo”; “Ngày chủ nhật xanh”…do UBND các xã phối hợp UBMTTQ VN xã, Hội Phụ nữ xã, Đoàn Thanh niên xã phát động. Qua đó, việc trồng cây gây rừng, trồng cây xanh tại các khu vực công cộng, làm cỏ, dọn dẹp vệ sinh nhằm tạo cảnh quan môi trường Xanh - Sạch - Đẹp đã được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình.
- Chỉ tiêu về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã được quan tâm đầu tư trên địa bàn 12 xã. Năm 2010, trên địa bàn huyện 10/12 xã có trạm cấp nước, 98% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh. Đến nay, 02 đơn vị cấp nước phục vụ nhu cầu nước sạch cho nhân dân địa bàn 12 xã bao gồm: Chi nhánh cấp nước Xuyên Mộc với tổng công suất hoạt động là 11.400m3/ngày đêm và Công ty Cổ phần cấp nước Bà Rịa Vũng Tàu với tổng công suất hoạt động là 10.000m3/ngày đêm.
Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn Quốc gia đạt 100% (35.087/35.087 hộ). Trong đó, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch là 75.1% (26.363/35.087 hộ), tăng 20% so với năm 2010.
- Chỉ tiêu tỷ lệ cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường 100%: Các hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện trước khi hoạt động đều phải thực hiện cam kết bảo vệ môi trường. Đối với thực hiện nội dung cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường: Hiện nay 12 xã có 321 cơ sở sản xuất kinh doanh đã lập thủ tục môi trường, trong đó: 42 cơ sở đăng ký Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường; 67 dự án được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; UBND huyện đã xác nhận 71 Bản cam kết môi trường, 98 Đề án bảo vệ môi trường đơn giản, 38 bản Kế hoạch bảo vệ môi trường; các cơ sở còn lại có quy mô nhỏ, không thuộc đối tượng bắt buộc phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường. Trên địa bàn các xã tại các khu dân cư đều có hương ước, quy ước đối với với sự tham gia của tất cả các hộ, cơ sở cam kết thực hiện đúng các quy định của địa phương đối với chất thải rắn, nước thải.
- Xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn: Hệ thống cây xanh được trồng trên tất cả các tuyến đường trục chính, đặc biệt tại các trụ sở làm việc, trường học… đảm bảo cảnh quan môi trường. Trên các tuyến đường trung tâm, trục giao thông chính đã trồng 13.382 cây xanh tạo cảnh quan; 4,27 ha thảm cỏ; đường viền, hoa văn từ hoa, cây kiểng tổng cộng 1,4 ha. Đường làng ngõ xóm được vệ sinh sạch sẽ, hành lang giao thông được thu gom rác. Các tuyến đường làng, ngõ xóm và các khu vực công cộng được vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt dọc các tuyến đường giao thông nông thôn đã hình thành nên những tuyến đường hoa, tạo mỹ quan cho xã nông thôn mới; 100% số xã đạt tiêu chí “xây dựng cảnh quan, môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn”.
- Trên địa bàn huyện Xuyên Mộc hiện có tổng cộng 30 nghĩa trang phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; có 4 nghĩa trang (nghĩa trang Phước Tân, nghĩa trang Bàu Lâm - Tân Lâm; nghĩa trang Uỷ ban nhân dân huyện và nghĩa trang ấp Nhân Trung thuộc xã Xuyên Mộc) đảm bảo đúng theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 07-10:2016/BXD về hạ tầng kỹ thuật, kích thước mộ phần và các công trình phụ khác. Các nghĩa trang còn lại do được hình thành từ lâu, nên việc chôn cất các mộ phần không theo kích thước, hàng lối theo quy định; các nghĩa trang này hầu hết đã đóng cửa từ lâu, cũng như không còn nhiều diện tích để chôn cất. Uỷ ban nhân dân huyện Xuyên Mộc đang trong quá trình lập quy hoạch và đầu tư xây dựng nghĩa trang liên xã phục vụ việc chôn cất, cụ thể: Nghĩa trang liên xã Bình Châu - Bưng Riềng - Bông Trang - Hòa Hội - Hòa Hiệp với diện tích 44,07 ha. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục lập quy hoạch và đầu tư xây dựng nghĩa trang liên xã Bàu Lâm - Hòa Hưng - Hòa Bình địa điểm tại xã Hòa Bình nhằm phục vụ việc an táng người dân các xã Bàu Lâm, Hòa Hưng, Hòa Bình. Việc mai táng hiện nay được thực hiện theo đúng quy chế quản lý nghĩa trang đã được phê duyệt cũng như tập quán, phong tục của địa phương, đảm bảo vệ sinh môi trường, nếp sống văn minh trong việc tang lễ.
- Chất thải rắn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất - kinh doanh được thu gom xử lý theo quy định:
+ Đối với chất thải rắn sinh hoạt: Trên địa bàn 12 xã có 34 tổ thực hiện nhiệm vụ thu gom rác thải và tổng số 40 xe thu gom rác với 85 công nhân vệ sinh. Tổng khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh của 12 xã trên địa bàn huyện khoảng 50 tấn/ngày. Số hộ còn lại do nằm xa khu dân cư, diện tích đất rộng đã được hướng dẫn xử lý chôn lấp hợp vệ sinh tại chổ, không phát tán ra môi trường xung quanh hoặc tận dụng làm thức ăn chăn nuôi, chế biến thành phân hữu cơ hoặc bán cho các cơ sở thu mua phụ phẩm thức ăn. Rác thải sinh hoạt sau khi được thu gom tại địa bàn các xã được vận chuyển về 03 bãi trung chuyển (Bình Châu, Phước Tân và Phước Thuận), sau đó tiếp tục được vận chuyển trong ngày về khu xử lý rác tập trung Tóc Tiên - Phú Mỹ để xử lý.
+ Đối với chất thải rắn y tế: Khối lượng chất thải lây nhiễm tại 12 Trạm Y tế xã khoản 311 kg/năm (trong đó bao gồm chất thải lây nhiễm sắc nhọn và không sắc nhọn), chất thải nguy hại không lây nhiễm trung bình 20 kg/năm. Từng loại chất thải y tế được phân loại riêng và được Trung tâm Y tế huyện ký hợp đồng với Công ty TNHH môi trường Quý Tiến thu gom, xử lý; Chất thải thông thường được Trung tâm Y tế huyện ký hợp đồng với Công ty TNHH DV-TM-XD Hùng Tấn thu gom, xử lý 01 ngày/lần. Đến nay, 100% chất thải rắn y tế trên địa bàn được thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định.
+ Đối với bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng: Tổng lượng phát sinh trên địa bàn 12 xã khoảng 11,75 tấn/năm. UBND huyện Xuyên Mộc đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện phối hợp với UBND các xã lắp đặt 397 bể để chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật qua sử dụng. Đồng thời giao Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại, định kỳ vận chuyển xử lý toàn bộ lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật qua sử dụng tại các bể chứa đến khu xử theo quy định.
+ Đối với chất thải nguy hại phát sinh: Các cơ sở thu gom, phân loại, lưu giữ đảm bảo môi trường trước khi hợp đồng với các đơn vị có chức năng tại khu xử lý chất thải tập trung của tỉnh tại thị xã Phú Mỹ để vận chuyển và xử lý.
+ Về xử lý nước thải: Các điểm dân cư tập trung đều có hệ thống mương bê tông thoát nước mưa, nước thải và không có hiện tượng tắc nghẽn, tù đọng gây ngập úng. Các cơ sở sản xuất kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn các xã đã xây dựng công trình xử lý nước thải đảm bảo quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.
- 31.639/35.087 hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch, đạt 90,17%. Nhà tiêu được xây dựng khép kín, chất thải nhà vệ sinh được xử lý trong các bể tự hoại, không thể tiếp xúc với người và động vật, tiêu diệt được các tác nhân gây bệnh có trong phân (virut, vi khuẩn), không tạo môi trường cho ruồi, muỗi và các côn trùng khác sinh nở; không gây mùi hôi, khó chịu...Nhà tắm kín đáo có sàn cứng, tường bao, có mái che; nước thải nhà tắm được thu gom và xả vào hệ thống thoát nước chung của khu vực; không để chảy tràn ra môi trường. Nhà tiêu được xây dựng khép kín, đảm bảo về diện tích, chất thải nhà vệ sinh được thu gom trong các bể tự hoại. Nước sinh hoạt được người dân chứa trong bồn nhựa, INox có nắp đậy kín.
- Trên địa bàn 12 xã có 29.997 hộ chăn nuôi, trong đó: Có 3.024 hộ chăn nuôi trâu, bò (tổng đàn 12.060 con); 3.511 hộ chăn nuôi dê, cừu (tổng đàn 36.070 con); 104 hộ chăn nuôi thủy cầm (tổng đàn 237.900 con); 22.535 hộ chăn nuôi gà (tổng đàn 712.100 con) và 823 hộ chăn nuôi heo (tổng đàn 144.500 con). Các hộ chăn nuôi trên không thuộc đối tượng thực hiện các thủ tục môi trường, 100% hộ chăn nuôi có xây dựng hầm biogas hoặc hầm ủ, xử lý nước thải hoạt động theo mô hình VAC. Cơ bản chuồng trại đều nằm cách biệt với nhà ở và đường đi chung tối thiểu 05m, không phát sinh mùi khó chịu gây ảnh hưởng đến dân cư xung quanh. Chuồng trại được vệ sinh định kỳ đảm bảo phòng ngừa, ứng phó với dịch bệnh, đạt 100%.
- Hộ gia đình và cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm: Trên địa bàn 12 xã, các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản thực hiện thống kê và ký cam kết theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 30/112/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT là 23.716/23.716 cơ sở, đạt 100%; tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm là 730 cơ sở/hộ gia đình, 100% tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. Các cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) thực phẩm đã ký cam kết và tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm, các chợ trên địa bàn được quy hoạch và kiểm soát tốt an toàn thực phẩm, qua kiểm tra chưa phát hiện vi phạm. Qua đánh giá, tỷ lệ hộ gia đình, cơ sở SXKD thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm ở các xã đều đạt 100%.
c) Đánh giá: Đến nay, 12/12 xã trên địa bàn huyện Xuyên Mộc đạt chuẩn Tiêu chí số 17 về Môi trường và An toàn thực phẩm, đạt 100%.
3.4.5. Xây dựng hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và giữ gìn an ninh trật tự xã hội
3.4.5.1. Về Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật
a) Yêu cầu tiêu chí:
- Cán bộ, công chức xã đạt chuẩn.
- Có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định.
- Đảng bộ, chính quyền xã đạt tiêu chuẩn "trong sạch, vững mạnh".
- Tổ chức chính trị - xã hội của xã đạt loại khá trở lên 100%.
- Xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định.
- Đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội.
b) Kết quả thực hiện:
- Hàng năm, trên cơ sở Kế hoạch đào tạo - bồi dưỡng cán bộ công chức, huyện đã thực hiện đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm chuẩn hóa trình độ chuyên môn, chính trị, củng cố nguồn nhân lực và hoàn thiện bộ máy các cơ quan, đơn vị, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ thực tế tại địa phương.
- Đến cuối tháng 6 năm 2021, tổng số cán bộ, công chức của 12/12 xã là 239 người. Về trình độ chuyên môn: Thạc sỹ có 1/239 người chiếm tỷ lệ 0,42%; Đại học có 197/239 người chiếm tỷ lệ 82,43%; Cao đẳng có 4/239 người chiếm tỷ lệ 1,67%; Trung cấp có 28/239 người chiếm tỷ lệ 11,72%; Sơ cấp có 3/239 người chiếm tỷ lệ 1,26%; Chưa qua đào tạo có 6/239 người chiếm tỷ lệ 2,51% (những trường hợp chưa qua đào tạo thuộc chức danh Hội Cựu chiến binh). Về trình độ 3 chính trị: Cao cấp có 16/239 người chiếm tỷ lệ 6,69%; Trung cấp có 142/239 người chiếm tỷ lệ 59,41%; Sơ cấp có 53/239 người chiếm tỷ lệ 22,18%.
- 12/12 xã có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định từ xã đến ấp gồm: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
- Căn cứ Thông báo kết luận số 231-TB/HU ngày 08/01/2021 của Huyện ủy Xuyên Mộc về đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo, quản lý năm 2020; theo đó Đảng bộ xã Bàu Lâm được đánh giá Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Đảng bộ các xã: Hòa Hưng, Hòa Bình, Tân Lâm, Bưng Riềng, Phước Thuận, Hòa Hiệp, Xuyên Mộc, Phước Tân, Hòa Hội, Bình Châu được đánh giá Hoàn thành tốt nhiệm vụ; Đảng bộ xã Bông Trang được đánh giá Hoàn thành nhiệm vụ.
- 12/12 xã có Tổ chức chính trị - xã hội hàng năm đều đạt loại khá trở lên, đạt 100%.
- 12/12 xã được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và được Sở Tư pháp xác nhận, đạt 100%.
- Công tác bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình được huyện Xuyên Mộc quan tâm, đảm bảo và có 12/12 xã có tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đều đạt trên 15%. Có 12/12 xã số phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ các chương trình. Không phát hiện trường hợp tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, bạo lực gia đình. Có 12/12 xã (đạt 100%) có bố trí ít nhất 01 nhà tạm lánh cho các nạn nhân bị bạo lực giới và bạo lực gia đình (toàn huyện có 71 mô hình nhà tạm lánh/12 xã).
c) Đánh giá: Đến nay, 12/12 xã trên địa bàn huyện Xuyên Mộc đạt chuẩn Tiêu chí số 18 về Hệ thống chính trị và Tiếp cận pháp luật, đạt 100%.
3.4.5.2. Về Quốc phòng, an ninh trật tự xã hội
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Xây dựng lực lượng dân quân “vững mạnh, rộng khắp” và hoàn thành các chỉ tiêu quốc phòng.
- Xã đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội và đảm bảo bình yên: không có khiếu kiện đông người kéo dài; không để xảy ra trọng án; tội phạm và tệ nạn xã hội (ma túy, trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút) được kiềm chế, giảm liên tục so với các năm trước.
b) Kết quả thực hiện:
- Công tác quân sự, quốc phòng địa phương được quán triệt, triển khai thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu hàng năm . 12/12 xã có Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã là thành viên của Ủy ban Nhân dân xã; Chính trị viên, Chính trị viên phó là cán bộ kiêm nhiệm (Chính trị viên là Bí thư Đảng ủy xã. Chính trị viên phó là Bí thư Đoàn thanh niên). 12/12 xã có cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự xã được đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở. Hàng năm đều được tập huấn, bồi dưỡng về chính trị, quân sự, pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ. Tỷ lệ đảng viên trong dân quân nòng cốt đạt 26,3%. Thôn, ấp đội trưởng là đảng viên đạt 88,2%.Tiểu đội trưởng dân quân thường trực, Trung đội trưởng dân quân cơ động đều là đảng viên.
- Tổ chức, biên chế đơn vị dân quân tự vệ theo đúng quy định tại Thông tư số 77/2020/TT-BQP ngày 23 tháng 6 năm 2020 của Bộ Quốc phòng; 100% Ban CHQS xã được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ theo đúng quy định. Hàng năm các đối tượng dân quân của huyện được giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự theo nội dung, thời gian, chương trình.
- 12/12 xã đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động và triển khai thực hiện tốt công tác tuyển sinh quân sự, hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ hằng năm theo chỉ tiêu UBND tỉnh giao, bảo đảm chất lượng cao; 100% quân nhân hoàn thành nhiệm vụ ở đơn vị thường trực về địa phương được đăng ký quân dự bị và được quản lý chặt chẽ; 100% quân nhân dự bị động viên và phương tiện kỹ thuật được đăng ký, quản lý chặt chẽ; Hàng năm tổ chức tốt trình tự, thủ tục công tác đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, công dân nam trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ, đăng ký nghĩa vụ quân sự và lập danh sách báo cáo Bộ CHQS tỉnh theo quy định của Pháp luật.
- Công an trên địa bàn 12 xã đã tham mưu với cấp ủy, UBND kế hoạch công tác giữ gìn an ninh trật tự gắn với xây dựng nông thôn mới; tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của Nhân dân về trách nhiệm và quyền lợi trong việc chủ động phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn xã luôn được quan tâm chú trọng. Công an các xã đã chủ động phối hợp với lực lượng Công an huyện nắm tình hình, phát hiện đấu tranh và ngăn chặn có hiệu quả các vấn đề phức tạp nổi lên về an ninh, trật tự. Không để hình thành các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội; các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật được kiềm chế, kéo giảm so với năm trước. Trên địa bàn các xã không có trọng án, tội phạm ma túy xảy ra trên địa bàn; không để xảy ra các vụ trọng án nguy hiểm. Các loại tội phạm, tệ nạn xã hội (ma túy, trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút...) và các vi phạm pháp luật khác được kiềm chế. 12/12 xã thuộc huyện Xuyên Mộc đều được Chủ tịch UBND huyện công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”. Bộ Công an đưa 12 xã trên ra khỏi danh sách xã trọng điểm phức tạp về ANTT.
Lực lượng Công an xã đã tham mưu với cấp ủy chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch biện pháp xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở địa bàn với các hình thức phong phú, nội dung sáng tạo, phù hợp, tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia công tác giữ gìn ANTT. Trong công tác xây dựng các tổ chức quần chúng nòng cốt tham gia giữ gìn ANTT ở địa bàn nông thôn. Công an xã đã chủ động đề xuất xây dựng các mô hình trong đó có nhiều mô hình đã thực sự mang hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm đã góp phần quan trọng đảm bảo ANTT ở cơ sở, như mô hình Tổ liên gia tự quản về ANTT: 650 tổ - 18.287 thành viên; Mô hình Camera an ninh: 166 cụm - 359 camera; Mô hình “An ninh Xuyên Mộc”: 1.509 thành viên; Mô hình Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm: 100 CLB - 4.118 thành viên; Tổ hòa giải: 111 tổ - 660 thành viên; Mô hình “Thắp sáng đường ngõ, hẻm” 90 % đường, ngõ, hẻm các xã.
c) Đánh giá: Đến nay, 12/12 xã trên địa bàn huyện Xuyên Mộc đạt chuẩn Tiêu chí số 19 về Quốc phòng và An ninh, đạt 100%.
4. Kết quả thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới (theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ)
4.1. Tiêu chí số 01: Quy hoạch
a) Yêu cầu tiêu chí: Có quy hoạch xây dựng trên địa bàn huyện được phê duyệt (Đạt)
b) Kết quả thực hiện:
- Tình hình tổ chức triển khai thực hiện: Thực hiện Quyết định số 558/QÐ-TTg ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí huyện nông thôn mới. Huyện Xuyên Mộc đã phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan xây dựng quy hoạch vùng huyện.
- Các nội dung đã thực hiện và khối lượng thực hiện:
+ Ngày 19/02/2021, nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 349/QĐ-UBND. Ngày 12/4/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 991/QĐ-UBND về việc điều chỉnh nhiệm vụ Quy hoạch.
+ Trên cơ sở các Quyết định phê duyệt nhiệm vụ cảu UBND tỉnh, hiện nay UBND huyện đang lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nội dung đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện. Dự kiến Quy hoạch vùng huyện Xuyên Mộc sẽ được phê duyệt trong năm 2021.
+ Sau khi các quy hoạch xây dựng được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, huyện sẽ tổ chức công khai quy hoạch và công bố rộng rãi trong nhân dân về nội dung đồ án quy hoạch, quy định quản lý xây dựng theo quy hoạch, niêm yết công khai bản đồ quy hoạch tại Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn.
c) Đánh giá tiêu chí: Đạt
4.2. Tiêu chí số 02: Giao thông
a) Yêu cầu tiêu chí:
- Chỉ tiêu 2.1. Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đảm bảo kết nối tới các xã.
- Chỉ tiêu 2.2. 100% km đường huyện đạt chuẩn theo quy hoạch.
b) Kết quả thực hiện:
- Tình hình tổ chức triển khai thực hiện: Từ năm 2010 đến nay, huyện đã tập trung đầu tư mới, nâng cấp và sửa chữa các tuyến đường giao thông, hệ thống cầu trên địa bàn huyện theo quy hoạch, đạt tiêu chuẩn theo cấp kỹ thuật, đảm bảm việc đi lại và kết nối đến trung tâm hành chính của các xã. Hàng năm, huyện thực hiện rà soát, bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường, cầu tuyến huyện nối với các xã; đầu tư xây dựng lộ, cầu liên ấp; lộ cầu tuyến ngõ xóm, phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân; có kế hoạch phát quang, dọn cỏ các tuyến đường nhằm đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
- Các nội dung đã thực hiện và khối lượng thực hiện:
+ Trên địa bàn huyện có 43 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 151,57km đã đầu tư nhựa hóa, bê tông hóa đạt tỷ lệ 100%. Các tuyến đường đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện và kết nối tới trung tâm hành chính các xã trên địa bàn, cấp kỹ thuật đường huyện đạt tiêu chuẩn theo TCVN 4054:2005, cấp đường huyện phù hợp với quy hoạch được duyệt. Các tuyến đường huyện quản lý đều được thực hiện duy tu, sửa chữa hàng năm đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và đảm bảo xe ô tô đi lại thuận tiện quanh năm.
+ Toàn huyện có 19 cây cầu giao thông được xây dựng kiên cố phù hợp với quy hoạch được duyệt.
+ Bến xe liên tỉnh Xuyên Mộc tại thị trấn Phước Bửu đạt loại V, phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa các tuyến nội tỉnh và liên tỉnh; dọc theo quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện có tuyến vận tải hành khách công cộng theo quy hoạch.
+ Khu neo đậu tránh trú bão Bến Lội (Bình Châu): Chủ yếu phục vụ các hoạt động neo đậu đánh bắt thủy hải sản và tránh trú bão, được đầu tư với năng lực thiết kế phục vụ cho hơn 300 tàu cá neo đậu và bốc dở hàng với khối lượng trên 1.500 tấn/tháng.
c) Đánh giá tiêu chí: Đạt
4.3. Tiêu chí số 03: Thủy lợi
a) Yêu cầu tiêu chí: Hệ thống thủy lợi liên xã đồng bộ với hệ thống thủy lợi các xã đạt theo quy hoạch.
b) Kết quả thực hiện:
- Tình hình tổ chức triển khai thực hiện: Hàng năm, hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng được huyện quan tâm đầu tư kiên cố hóa, tạo thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp; thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi; thành lập, củng cố và phát triển tổ hợp tác dùng nước; tuyên truyền phổ biến các quy định về Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi để người dân hiểu, tham gia thực hiện. Bên cạnh đó, Uỷ ban nhân dân 12 xã đã phối hợp với Ban quản lý dự án huyện, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện trong việc thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp, kiên cố hóa, bảo vệ các tuyến kênh mương, hồ, đập phục vụ sản xuất nông nghiệp; thực hiện phân cấp quản lý các công trình thủy lợi, chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, vận hành hệ thống các công trình thủy lợi tại địa phương.
- Các nội dung đã thực hiện và khối lượng thực hiện:
Trong thời gian qua huyện đã kiên cố hóa 34 công trình, tương đương 43,7 km trên tổng số 75,8 km kênh mương nội đồng (đạt 57,5%); đầu tư sửa chữa, xây dựng mới các đập thủy lợi kết nối vào hệ thống kênh tưới đảm bảo phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp cho các xã Hòa Hiệp, Hòa Hội, Hòa Bình, Phước Tân, Phước Thuận, Bình Châu, Bông Trang và Xuyên Mộc. Nhằm phát huy tác dụng các công trình thủy lợi, nâng cao hiệu suất và giảm thất thoát nước trong công tác tưới tiêu, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã xây dựng nông thôn mới phối hợp Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi xây dựng kế hoạch cung cấp nước cụ thể cho các xã để đảm bảo tốt nguồn nước cho nhân dân sản xuất nông nghiệp. Trạm Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi cùng với 07 tổ thủy nông cơ sở tại các xã đang hoạt động hiệu quả, theo quy chế và phân cấp quản lý. Các công trình thủy lợi nội đồng sau đầu tư đã bàn giao cho địa phương quản lý và tổ chức thực hiện theo phương án bảo vệ công trình đã được phê duyệt. Việc phân cấp và chuyển giao quản lý, khai thác công trình thủy lợi cho các đơn vị trên địa bàn huyện đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức khai thác, bảo vệ, sửa chữa và phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi. Nhờ có các tổ thủy nông cơ sở hoạt động thường xuyên nên đã giúp được các hộ nông dân gieo sạ đúng thời vụ, đảm bảo sử dụng hợp lý và tiết kiệm nước theo kế hoạch tưới chung, đáp ứng đủ nước theo nhu cầu tưới của cây trồng, phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp địa phương.
Đến nay, trên 86% diện tích đất sản xuất nông nghiệp huyện được tưới, tiêu chủ động theo quy định và đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu về phòng, chống thiên tai tại chỗ. Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi (Đơn vị chủ sở hữu hồ, đập trên địa bàn huyện) đã xây dựng phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước thủy lợi (theo Quy định tại điều 23, Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ) và phương án ứng phó thiên tai (theo Quy định tại điều 25 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ); xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp của các hồ, đập; thường xuyên tuyên truyền phổ biến các quy định về Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi để người dân hiểu, tham gia thực hiện.
c) Đánh giá tiêu chí: Đạt
4.4. Tiêu chí số 04: Điện
a) Yêu cầu tiêu chí: Hệ thống điện liên xã đồng bộ với hệ thống điện các xã theo quy hoạch, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của cả hệ thống.
b) Kết quả thực hiện:
- Tình hình tổ chức triển khai thực hiện: Hệ thống điện đầu tư giai đoạn 2010 - 2020 và năm 2021 phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; đảm bảo nguồn cung cấp điện đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và phát triển kinh tế xã hội của huyện giai đoạn 2016 - 2020.
- Các nội dung đã thực hiện và khối lượng thực hiện:
+ Năm 2010, toàn huyện có: 323,4 km đường dây trung thế; 305 km đường dây hạ thế và hệ thống các trạm biến áp có tổng dung lượng 33.163 KVA. Tổng số hộ dùng điện trên địa bàn huyện đạt tỷ lệ 97,5%. Đến nay, hệ thống lưới điện toàn huyện đã được tập trung đầu tư, nâng cấp đồng bộ với 01 trạm biến áp 110kV và đường dây 110kV chiều dài khoảng 31,5km (lưới điện đi qua các địa phương: Phước Thuận - Thị trấn Phước Bửu - Xuyên Mộc - Bông Trang- Bưng Riềng - Bình Châu), trong đó: tổng đường dây trung thế là 579,162km; tổng đường dây hạ thế là 662,427 km; tổng số trạm biến áp (TBA) là 1.403 trạm với tổng dung lượng 220.180 kVA. Đến nay, hệ thống chiếu sáng công cộng đã được đầu tư hoàn thiện tại các trục đường chính trên địa bàn huyện với hơn 100 trạm chiếu sáng tại các trục đường; 3.437 trụ đèn chiếu sáng với tổng số bóng đèn là 4.259 bóng.
+ Với hệ thống điện khép kín toàn huyện, cuộc sống của người dân trên địa bàn huyện đã thay đổi rõ rệt: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư các loại cây trồng có giá trị cao như Thanh long, Bơ, Nhãn xuồng cơm vàng, Hồ tiêu... đầu tư cơ sở chế biến nông sản, nhờ đó cải thiện rõ rệt thu nhập, xóa đói, giảm nghèo; nhu cầu sinh hoạt của người dân được nâng cao, mua sắm các thiết bị điện, điện tử phục vụ nhu cầu sinh hoạt.
c) Đánh giá tiêu chí: Đạt
4.5. Tiêu chí số 05: Y tế - Văn hóa - Giáo dục
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Chỉ tiêu 5.1. Bệnh viện huyện đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng 3; trung tâm y tế huyện đạt chuẩn quốc gia.
- Chỉ tiêu 5.2. Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao huyện đạt chuẩn có nhiều hoạt động văn hóa - thể thao kết nối với các xã có hiệu quả.
- Chỉ tiêu 5.3. Tỷ lệ trường Trung học phổ thông đạt chuẩn ≥60%.
b) Kết quả thực hiện:
- Về Y tế: Trung tâm Y tế huyện được xây dựng với đầy đủ các khoa, phòng chức năng, vừa thực hiện chức năng khám, chữa bệnh, vừa thực hiện chức năng y tế dự phòng. Số giường bệnh/vạn dân đạt 15,3 giường, tăng 8 giường so với năm 2010 (7,3 giường bệnh/vạn dân). Số bác sỹ/vạn dân đạt 2,6 bác sỹ, tăng 0,4 bác sỹ so với năm 2010 (2,2 bác sỹ), gồm 12 khoa, 05 phòng chức năng với tổng số 204 cán bộ, viên chức; Trang thiết bị y tế cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân; mở thêm 02 phòng khám tăng huyết áp và đái tháo đường; đưa vào hoạt động hiệu quả máy lọc thận nhân tạo; phát triển Trung tâm Y tế huyện theo hướng “Bệnh viện thân thiện, an toàn” và “Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp”. Trung tâm Y tế huyện được UBND tỉnh công nhận đạt Bệnh viện hạng II (Quyết định số 1278/QĐ-UBND ngày 20/5/2020 của UBND tỉnh). Ngày 4/8/2020 được UBND tỉnh nâng quy mô giường bệnh lên 220 giường (Quyết định số 2235/QĐ-UBND ngày 04/8/2020 của UBND tỉnh). Mạng lưới y tế cơ sở ngày càng được củng cố, hoàn thiện và nâng cao.
+ Trung tâm Y tế huyện vừa thực hiện chức năng khám, chữa bệnh vừa thực hiện chức năng y tế dự phòng. Mạng lưới y tế cơ sở không ngừng được củng cố và hoàn thiện. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực đảm bảo theo quy định.
- Về Văn hóa:
+ Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao huyện Xuyên Mộc nằm trên địa bàn thị trấn Phước Bửu, diện tích đất 48.353 m2. Trụ sở làm việc có diện tích 2.303 m2. Hiện nay, Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao huyện đang được UBND huyện cải tạo và xây mới đảm bảo các phòng chức năng đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trung tâm có Hội trường đa năng, các công trình thể dục thể thao như sân vận động, nhà tập luyện thể thao, sân khấu ... đáp ứng nhu cầu tập luyện thể dục thể thao cho nhân dân địa phương và tổ chức các sự kiện lớn của huyện.
+ Các hoạt động chính: Hàng năm, Trung tâm đều tổ chức tốt các chương trình văn hóa văn nghệ, phục vụ trang trí, âm thanh, tuyên truyền, phối hợp các ngành chức năng tổ chức tốt các giải thể thao quần chúng nhân dịp các sự kiện chính trị trọng đại, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương, cụ thể: duy trì và tổ chức từ 21 đến 23 lần hội thi, hội diễn, liên hoan về văn hóa văn nghệ trong năm; thực hiện treo hàng ngàn lá cờ các loại, băng rôn, pa nô tuyên truyền các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước; tổ chức từ 05 đến 07 giải hội thao thể thao cấp huyện và tham dự từ 10 đến 12 giải hội thi thể dục thể thao cấp tỉnh; hiện các câu lạc bộ võ thuật: Võ Teawondo, võ cổ truyền, võ vo vi nam, bóng đá, quần vợt, bóng bàn đang hoạt động thường xuyên. Các hoạt động trên đã góp phần nâng mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân lên 35,5 lần/người, tăng tỷ lệ người dân tập luyện thể dục thể thao đạt 35% (năm 2020).
- Về Giáo dục: Trên địa bàn huyện Xuyên Mộc hiện có 05 trường THPT công lập, bao gồm: Trường THPT Xuyên Mộc, THPT Phước Bửu, THPT Bưng Riềng, THPT Hòa Hội và THPT Hòa Bình. Đến nay, đã có 3/5 trường THPT công lập đạt chuẩn quốc gia (THPT Xuyên Mộc, THPT Hòa Hội và THPT Hòa Bình), đạt tỷ lệ 60% so với yêu cầu của chỉ tiêu, cụ thể như sau: Trường THPT Xuyên Mộc được công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2020-2025 theo Quyết định số 533/QĐ-UBND ngày 12/3/2020 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Trường THPT Hòa Hội đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2014 - 2019 theo Quyết định số 2803/QĐ-UBND ngày 22/12/2014 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Trường THPT Hòa Bình: Xây dựng trên địa bàn xã Hòa Bình với diện tích đất 16.000 m2 (diện tích đất bình quân trên học sinh là 17.30 m2), tổng số phòng phục vụ học tập: 39 phòng (trong đó có 32 phòng học, 07 phòng học bộ môn), thư viện đạt chuẩn theo quy định, tổng số phòng hành chính quản trị: 11 phòng. Ngày 12/4/2021 Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh BR-VT ban hành Quyết định số 271/QĐ-SGDĐT về việc thành lập đoàn đánh giá ngoài trường THPT Hòa Bình huyện Xuyên Mộc. Trường THPT Hòa Bình đã hoàn thiện đầy đủ các hồ sơ đánh giá ngoài về Sở Giáo dục và Đào tạo để chờ UBND tỉnh ban hành Quyết định công nhận trường chuẩn quốc gia.
Được sự quan tâm của UBND tỉnh cơ sở vật chất các trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn huyện trong những năm qua đã được đầu tư xây dựng và sửa chữa. Khuôn viên các trường được xây dựng riêng biệt, có tường rào, cổng trường, biển tên trường; các khu vực trong nhà trường được bố trí hợp lý, luôn sạch đẹp. Đủ diện tích sử dụng để đảm bảo tổ chức các hoạt động quản lý, dạy học và sinh hoạt. Diện tích phòng học, bàn ghế học sinh, bàn ghế giáo viên đúng quy cách; phòng học thoáng mát, đủ ánh sáng, an toàn; khu sân chơi sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh và có cây bóng mát; khu vệ sinh được bố trí hợp lý; có khu để xe dành riêng cho giáo viên và học sinh; có đủ nước sạch để phục vụ cho các hoạt động dạy và học; có hệ thống thoát nước hợp vệ sinh; có hệ thống công nghệ thông tin kết nối Internet đáp ứng yêu cầu quản lý và dạy học; có website thông tin trên mạng Internet hoạt động thường xuyên hỗ trợ có hiệu quả cho công tác dạy học và quản lý nhà trường.
c) Đánh giá tiêu chí: Đạt
4.6. Tiêu chí số 06: Sản xuất
a) Yêu cầu tiêu chí: Hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; hoặc có mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của huyện.
Huyện xác định nội dung tiêu chí: Hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung.
- Có quy mô đất đai, mặt nước tại xã hoặc liên xã có một trong các vùng sản xuất tập trung đạt diện tích tối thiểu sau:
+ Vùng trồng Lúa: 02 vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung/huyện, diện tích 50ha/vùng;
+ Vùng trồng rau: Sản xuất tập trung 20ha/vùng;
+ Vùng trồng cây công nghiệp: Sản xuất tập trung 20ha/vùng;
+ Vùng trồng cây ăn quả: Sản xuất tập trung 300ha/vùng;
+ Vùng trồng cây lâm nghiệp: Trồng tập trung 500ha/vùng;
+ Vùng nuôi trồng thủy sản: Mặt nước nuôi trồng thủy sản tập trung 30ha/vùng.
- Áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững.
- Các khâu sản xuất trồng trọt được cơ giới hóa đồng bộ. Các khâu sản xuất chăn nuôi được áp dụng cơ giới hóa khâu cung cấp thức ăn, nước uống tự động. Nuôi trồng thủy sản được áp dụng cơ giới hóa các khâu quạt nước, máy nén khí, máy phun mưa cho ao nuôi.
b) Kết quả thực hiện:
Trên cơ sở quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, quy hoạch thủy sản của huyện. Trên địa bàn huyện đã hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế của huyện, mang lại hiêu quả kinh tế cao, cụ thể như sau:
* Có quy mô đất đai, mặt nước lớn liên xã phù hợp với điều kiện thực tế của huyện:
Giai đoạn 2011-2021, huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị, hiệu quả, chất lượng sản phẩm, sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; nâng cao lợi thế cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp. Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tổ chức sản xuất như hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại…. Trên cơ sở quy hoạch sản xuất nông nghiệp của tỉnh và của huyện, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất tập trung có lợi thế của huyện, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
- Lĩnh vực trồng trọt:
Vùng trồng lúa tập trung 820 ha (canh tác từ 2-3 vụ), nhãn xuồng cơm vàng 425,5 ha, thanh long 518 ha, hồ tiêu 4.250 ha, điều 2.490 ha, cao su 10.000 ha. Trong trồng trọt đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên cây lúa, hồ tiêu, nhãn xuồng. Một số sản phẩm của huyện đã có chứng nhận nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý như hồ tiêu, nhãn xuồng cơm vàng, thanh long. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 11 cơ sở áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với các loại cây trồng như: Hồ tiêu, nhàu, rau các loại, nấm, khoai mài, cây ăn trái. Công nghệ ứng dụng bao gồm: Nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước kết hợp điều tiết dinh dưỡng tự động trong sản xuất trồng trọt, công nghệ thủy canh.
- Lĩnh vực chăn nuôi:
+ Quy mô đàn bò với tổng đàn 12.060 con/năm.
+ Quy mô đàn gà, vịt với tổng đàn 959.950 con/năm (trong đó có 31 trang trại), trong đó: Đối với gà, vịt thịt là 854.250 con/năm; đối với gà, vịt đẻ trứng là 105.700 con/năm.
+ Quy mô đàn heo với tổng đàn 259.500 con/năm (trong đó có 29 trang trại).
+ Có 46/60 trang trại chăn nuôi áp dụng công nghệ cao trong sản xuất như: Chuồng lạnh, hệ thống máng ăn, máng uống tự động (26 trại heo và 20 trại gia cầm). Trong chăn nuôi đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm như các trang trại chăn nuôi ký hợp đồng gia công cho các công ty liên doanh (Công ty Jappa, CP, Emivet…).
- Lĩnh vực thủy sản: Vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ tập trung chủ yếu tại xã Phước Thuận có 120 ha được đầu tư phát triển theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp; đối tượng nuôi chính là tôm nước lợ (tôm thẻ chân trắng, tôm sú). Hiện nay, Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Hạnh cũng đang thực hiện chuỗi liên kết với các hộ nuôi tôm với diện tích khoảng 07 ha, thực hiện theo dự án mô hình chuỗi an toàn thực phẩm đối với tôm nuôi.
* Áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững:
- Số các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản thực hiện thống kê và ký cam kết theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 30/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 15.343/15.343 hộ, đạt 100%.
- Trong lĩnh vực trồng trọt: Có 476 ha hồ tiêu đạt chứng nhận tiêu chuẩn SAN; có 17,3 ha nhãn xuồng cơm vàng đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP; có 15 ha hồ tiêu và 20 ha cây nhàu đạt chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP.
- Trong lĩnh vực chăn nuôi: Có 60/60 trang trại trên địa bàn huyện được chứng nhận an toàn dịch bệnh.
- Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản (không thuộc đối tượng nhỏ lẻ): Trên địa bàn huyện hiện có 42 cơ sở sơ chế, chế biến, thu mua hải sản được quản lý, kiểm soát về an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
* Thực hiện cơ giới hóa đồng bộ:
Tính đến nay, toàn huyện hiện có 21 các loại máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp với số lượng trên 37.200 chiếc; trong đó, tập trung chủ yếu ở các khâu như: Bơm nước tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật, làm đất, tách hạt, vận chuyển, thiết bị cho ăn bán tự động, động cơ nổ và phương tiện khai thác hải sản.
- Về trồng trọt: Các khâu trong trồng trọt đã được cơ giới hóa như làm đất (lúa, bắp, cây ăn trái, cà phê, hồ tiêu, điều và cao su đạt 100%); bơm nước (cây ăn trái, cà phê, hồ tiêu đạt 100%); phun thuốc bảo vệ thực vật (cây ăn trái, cà phê, hồ tiêu, điều và cao su đạt 90%); tuốt đập/tách hạt (bắp, lúa đạt 100%); xay xát gạo (100%); vận chuyển nông sản (lúa, bắp, cây ăn trái, cà phê, hồ tiêu, điều và cao su đạt 100%).
- Về chăn nuôi: Hầu hết các trang trại, gia trại áp dụng cơ giới hóa trong sử dụng hệ thống chuồng trại bán tự động, áp dụng cơ giới hóa vào các khâu như: Vệ sinh, làm mát chuồng trại; chế biến, phối trộn thức ăn; vận chuyển thức ăn và sản phẩm chăn nuôi; xử lý vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật, chất thải trong chăn nuôi; xây dựng hầm biogas chạy máy phát điện, đun nấu…
- Về thủy sản: Trong nuôi trồng thủy sản đã áp dụng cơ giới hóa trong các khâu vệ sinh ao đầm, sục khí ao nuôi, cung cấp nước, có 50% số hộ nuôi trồng thủy sản sử dụng máy cho ăn tự động.
c) Đánh giá tiêu chí: Đạt
4.7. Tiêu chí số 07: Môi trường
a) Yêu cầu của tiêu chí
- Chỉ tiêu 7.1. Hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện đạt tiêu chuẩn.
- Chỉ tiêu 7.2. 100% các cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ (công nghiệp, làng nghề, chăn nuôi, chế biến lương thực - thực phẩm) thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường.
b) Kết quả thực hiện:
- Tình hình tổ chức triển khai thực hiện: Tổ chức thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện được xử lý đúng quy định, đảm nhận công việc thu gom vận chuyển rác thải.
- Các nội dung và khối lượng đã thực hiện:
+ Hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện:
++ Về chất thải rắn sinh hoạt: Tổng lượng rác phát sinh mỗi ngày trên địa bàn huyện khoảng 90 tấn/ngày, vào các ngày lễ, tết do khách du lịch đông lượng rác phát sinh trên địa bàn huyện rất lớn có thể lên tới 160 tấn/ngày. Khối lượng rác thu gom 65 tấn/ngày. Rác thải sinh hoạt sau khi được thu gom tại địa bàn các xã, thị trấn được vận chuyển đổ về 03 bãi trung chuyển (Bình Châu, Phước Tân, Phước Thuận), sau đó được Công ty TNHH DV-TM-XD Hùng Tấn vận chuyển trong ngày về khu xử lý rác tập trung Tóc Tiên - Phú Mỹ để xử lý (thuộc dự án “Bãi chôn lấp hợp vệ sinh chất thải công nghiệp không nguy hại công suất 1.000 tấn/ngày và chất thải thải rắn sinh hoạt công suất 700 tấn/ngày” trong Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên của Công ty TNHH KBEC Vina, đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận hoàn thành công tác bảo vệ môi trường). Số hộ còn lại do nằm xa khu dân cư, diện tích đất rộng đã được hướng dẫn xử lý chôn lấp hợp vệ sinh tại chổ, xử lý làm phân bón phục vụ trồng trọt, không phát tán ra môi trường xung quanh, với tổng lượng rác khoảng 25 tấn/ngày. Hàng năm, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện được UBND huyện ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thực hiện thông qua hình thức đấu thầu công khai.
++ Về chất thải rắn công nghiệp: Tổng lượng chất thải phát sinh trên địa bàn huyện khoảng 15 tấn/năm, chủ yếu phát sinh từ các cơ sở dệt may, may mặc, gia công giày các loại và nguyên phụ liệu giày. Các cơ sở có phát thải thực hiện thu gom và chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý theo quy định. Một số chất thải có thể tái sử dụng, các cơ sở thực hiện tái sử dụng để giảm phát sinh ra môi trường.
++ Về chất thải nguy hại (không bao gồm lượng chất thải rắn y tế nguy hại): Khối lượng chất thải nguy hại tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn phát sinh không nhiều. Qua các đợt kiểm tra, hướng dẫn, chủ các cơ sở đã bố trí nơi lưu giữ đúng quy cách và hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý.
++ Về bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng: Tổng lượng phát sinh trên địa bàn huyện khoảng 12 tấn/năm. UBND huyện Xuyên Mộc đã chỉ đạo phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các xã, thị trấn lắp đặt 402 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Đồng thời giao phòng Tài nguyên - Môi trường hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại, định kỳ vận chuyển xử lý toàn bộ lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại các bể chứa.
++ Về chất thải rắn y tế: Khối lượng chất thải lây nhiễm tại Trung tâm Y tế huyện, 13 Trạm Y tế, 70 phòng khám tư nhân và 02 phòng khám đa khoa là 14.311 kg/năm (trong đó bao gồm chất thải lây nhiễm sắc nhọn và không sắc nhọn, chất thải nguy hại không lây nhiễm), chất thải nguy hại không lây nhiễm trung bình 20 kg/năm, rác thải thông thường khối lượng trung bình 91.250 kg/năm. Từng loại chất thải y tế được phân loại riêng và được Trung tâm Y tế huyện ký hợp đồng với Công ty TNHH môi trường Quý Tiến để thu gom, xử lý; chất thải thông thường được Trung tâm Y tế huyện ký hợp đồng với Công ty TNHH DV-TM-XD Hùng Tấn để thu gom, xử lý 01 ngày/lần. Đến nay, 100% chất thải rắn y tế trên địa bàn huyện được thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định.
++ Về khu xử lý chất thải rắn: Trên địa bàn huyện có 01 bãi chôn lấp tại xã Bưng Riềng hoạt động từ năm 2012. Ngày 22/8/2017, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động tập kết rác thải tại đây. Đến nay, toàn bộ khối lượng rác tồn đọng tại bãi rác Bưng Riềng đã được vận chuyển về khu xử lý rác tập trung Tóc Tiên - Phú Mỹ để xử lý.
++ Về nước thải: Nước thải y tế phát sinh tại Trung tâm Y tế huyện khoảng 22.500m3/năm, được xử lý qua hệ thống xử lý nước thải của Trung tâm Y tế huyện. Các điểm dân cư tập trung đều có hệ thống rãnh thoát nước mưa, nước thải và không có hiện tượng tắc nghẽn, tù đọng gây ngập úng. Các cơ sở sản xuất kinh doanh đã xây dựng công trình xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường.
+ Cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ (công nghiệp, làng nghề, chăn nuôi, chế biến lương thực - thực phẩm) thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường.
++ Về hồ sơ, thủ tục bảo vệ môi trường: Hiện có 321 cơ sở sản xuất kinh doanh đã lập thủ tục môi trường, trong đó: 42 cơ sở đăng ký Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường; 67 dự án được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; UBND huyện Xuyên Mộc xác nhận 71 Bản cam kết môi trường, 98 Đề án bảo vệ môi trường đơn giản, 38 bản Kế hoạch bảo vệ môi trường; Các cơ sở còn lại có quy mô nhỏ, không thuộc đối tượng bắt buộc phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường. Có hương ước, quy ước đối với từng khu dân cư với sự tham gia của tất cả các hộ, cơ sở cam kết thực hiện đúng các quy định của địa phương đối với chất thải rắn, nước thải.
++ Về cơ sở nuôi trồng thủy sản: Trong quá trình nuôi, các cơ sở không sử dụng thuốc thú y thủy sản, hóa chất hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép trong nuôi trồng thủy sản. Bao bì đựng thuốc thú y thủy sản, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản sau khi sử dụng, bùn đất và thức ăn lắng đọng khi làm vệ sinh trong ao nuôi thủy sản được thu gom, xử lý theo quy định về quản lý chất thải.
++ Về chất thải chăn nuôi: Các trang trại chăn nuôi đã thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường như: xây dựng hầm biogas, hầm chứa có nắp đậy, hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn theo quy định. Chuồng trại chăn nuôi của hộ gia đình nằm cách biệt với nhà ở, cách đường đi chung tối thiểu 5m, các hộ chăn nuôi có hầm chứa và các hộ còn lại chăn nuôi quy mô hộ gia đình nhỏ, lẻ không thuộc đối tượng lập thủ tục môi trường đã áp dụng biện pháp xử lý chất thải bằng hầm biogas, có công trình chuồng trại hợp vệ sinh, lắp quạt thông gió, trồng cây xanh xung quanh chuồng trại, không thải chất thải chưa qua xử lý ra môi trường xung quanh.
++ Về Cụm công nghiệp: Trên địa bàn huyện đã hình thành khu chế biến hải sản tập trung tại xã Bình Châu; UBND huyện và Công ty IZICO đã thực hiện các thủ tục bàn giao tài sản công, đang bố trí di dời và tiếp nhận các cơ sở, hộ chế biến hải sản vào hoạt động; ngoài ra cụm các cơ sở chế biến tinh bột mì tại xã Hòa Hưng (gồm 03 cở sở Hữu Mình, Hương Nhung, Duy Phát) hoạt động theo mùa vụ, các cơ sở đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải, chất thải. Hiện các cơ sở đang tiến hành lập các thủ tục pháp lý để được hoạt động chính thức.
++ Về Khu công nghiệp, làng nghề: Trên địa bàn huyện không có khu công nghiệp, làng nghề.
c) Đánh giá tiêu chí: Đạt
4.8. Tiêu chí số 08: An ninh, trật tự xã hội
a) Yêu cầu tiêu chí: Đảm bảo an toàn an ninh, trật tự xã hội.
b) Kết quả thực hiện:
- Tình hình tổ chức triển khai thực hiện: Hàng năm, Huyện ủy xây dựng Nghị quyết, UBND ban hành kế hoạch về công tác đảm bảo an ninh trật tự. Công an huyện đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm tình hình, thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu hoạt động của các thế lực thù địch, đấu tranh trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Cụ thể: Xây dựng Kế hoạch số 47-KH/HU ngày 25/12/2008 về thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 30/12/2019 của huyện ủy về lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) và xây dựng lực lượng Công an; Nghị quyết số 192-NQ/ĐU ngày 06/01/2020 của Đảng ủy Công an huyện về nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự. Lực lượng Công an từ huyện đến cơ sở đã phát huy vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo tổ chức huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh, trật tự. Công an huyện đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo 138 huyện xây dựng và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch liên quan đến công tác đảm bảo ANTT; Chương trình phòng, chống tội phạm và mua bán người; Công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Kế hoạch số 03/KH-BCĐ-CAH ngày 08/1/2020; Số 02/KH-BCĐ-CAH ngày 08/1/2020; Số 04/KH-BCĐ-CH ngày 08/1/2020). Các xã đều xây dựng mô hình trong công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở, đã tạo khí thế phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm góp phần tạo nên thế trận an ninh Nhân dân vững chắc. Qua đó, tạo hiệu ứng lan tỏa, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ ANTT.
- Các nội dung và khối lượng đã thực hiện:
+ Công an huyện đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm tình hình, thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu hoạt động của các thế lực thù địch, đấu tranh trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; thường xuyên xây dựng củng cố phát triển lực lượng Dân phòng, Tổ an ninh nhân dân...Lực lượng Công an từ huyện đến xã đã phát huy vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo tổ chức huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự. Công tác xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ luôn được quan tâm. Hầu hết các xã đều xây dựng mô hình trong công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở, đã xuất hiện nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả như mô hình “An ninh Xuyên Mộc” trên nền tảng mạng xã hội Zalo đã có gần 1.500 thành viên tham gia đăng ký để phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới; Tham gia tố giác tội phạm, giải quyết những mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở.
+ Trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền luôn tập trung chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội làm tốt công tác nắm tình hình, tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không để các thế lực thù địch lôi kéo, chống phá gây rối an ninh trật tự; thực hiện tốt công tác hòa giải, giải quyết hiệu quả các vụ mâu thuẫn, tranh chấp không để xảy ra khiếu kiện đông người kéo dài.
+ Tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững ổn định, không có tụ điểm phức tạp về tệ nạn và trật tự xã hội; số vụ vi phạm pháp luật khác được kiềm chế.
++ Năm 2019 xảy ra 77 vụ so với năm 2018 giảm 04 vụ (77/81 vụ)
++ Năm 2020 xảy ra 77 vụ so với năm 2019 không tăng, không giảm; Tỷ lệ điều tra đạt 84,4% (Vượt 09% so với chỉ tiêu điều tra khám phá án phạm tội TTXH năm 2020).
++ Sáu tháng đầu năm 2021 (Tính đến 15/6/2021) xảy ra 46 vụ so với cùng kỳ năm 2020 giảm 10 vụ (46/56 vụ).
+ Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được giữ vững, ổn định. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư (khóa XI) “Về tăng cưởng sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; Thông tư số 23/2012/TT-BCA ngày 27/4/2012 của Bộ Công an quy định “Khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh, trật tự” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được đông đảo Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Trong những năm qua, lực lượng Công an đã kịp thời tham mưu cho Đảng ủy, UBND, Ban Chỉ đạo các cấp chỉ đạo thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, khu dân cư triển khai các biện pháp công tác, không để xảy ra vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự. Cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân đồng tình ủng hộ và chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
c) Đánh giá tiêu chí: Đạt
4.9. Tiêu chí số 09: Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới
a) Yêu cầu của tiêu chí:
- Chỉ tiêu 9.1. Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp huyện được kiện toàn tổ chức và hoạt động đúng quy định.
- Chỉ tiêu 9.2. Văn phòng Điều phối Chương trình nông thôn mới cấp huyện được tổ chức và hoạt động đúng quy định.
b) Kết quả thực hiện:
- Tình hình tổ chức triển khai thực hiện: Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới huyện để đảm bảo chỉ đạo và hoạt động có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
- Các nội dung và khối lượng đã thực hiện
+ Ủy ban nhân dân huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 1827/QĐ-UBND ngày 3/6/2010 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện làm Trưởng ban. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc đã ban hành Quyết định số 2376/QĐ-UBND ngày 07/9/2017 về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện Xuyên Mộc giai đoạn 2016 - 2020 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện làm Trưởng ban, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện làm Phó Trưởng ban, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, đơn vị thuộc huyện là thành viên; đồng thời ban hành Quyết định số 2398/QĐ-UBND ngày 30/07/2018 của UBND huyện về Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG huyện Xuyên Mộc giai đoạn 2016-2020. Ngày 07/05/2021, UBND huyện Xuyên Mộc đã ban hành Quyết định số 1920/QĐ-UBND về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện Xuyên Mộc.
+ Ban Chỉ đạo huyện thường xuyên được củng cố kiện toàn; có quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm cụ thể đối với các thành viên Ban Chỉ đạo huyện. Trong các năm qua, Ban Chỉ đạo huyện đã làm tốt công tác tham mưu UBND huyện trong chỉ đạo, quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các nội dung của Chương trình trên địa bàn huyện, đảm bảo kịp thời, hiệu quả; chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục duy trì, giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, phấn đấu sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới sẽ tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn nâng cao và kiểu mẫu.
+ Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới huyện Xuyên Mộc được thành lập tại Quyết định số 2424/QĐ-UBND ngày 11/9/2017 với 12 thành viên. Ngày 14/05/2021, UBND huyện Xuyên Mộc ban hành Quyết định số 2028/QĐ-UBND về việc kiện toàn Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới huyện Xuyên Mộc. Trong đó, Phó Chủ tịch UBND huyện làm Chánh Văn phòng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó Chánh Văn phòng, công chức các cơ quan chuyên môn thuộc huyện làm thành viên. Từ khi thành lập đến nay, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới huyện đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ giúp việc cho Ban Chỉ đạo quản lý và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình trên địa bàn theo quy định tại Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 05/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và biên chế của Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp.
c) Đánh giá tiêu chí: Đạt
5. Về tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới
Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Xuyên Mộc hàng năm xây dựng kế hoạch cụ thể, cân đối nguồn vốn và các điều kiện để thực hiện, không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
II. KẾT LUẬN
1. Về hồ sơ
Hồ sơ đề nghị xét, công nhận huyện Xuyên Mộc đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021 đã được Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc hoàn thành đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục. Hồ sơ đã được Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh tiếp nhận, thẩm tra, đánh giá đảm bảo theo đúng quy định tại Quyết định số 2540/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.
2. Về kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới: Huyện Xuyên Mộc có 12/12 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% và thực hiện đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới.
3. Tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới
Tính đến cuối tháng 6 năm 2021, huyện Xuyên Mộc không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
III. KIẾN NGHỊ
Trên cơ sở kết quả thực hiện, đối chiếu với Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan. Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kính đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xét, công nhận huyện Xuyên Mộc đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021./.
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Công Vinh
----------------
Kính mời bạn đọc xem toàn văn nội dung theo đường link sau:
>>> Báo cáo Về việc thẩm tra hồ sơ đề nghị xét, công nhận huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021.
Trân trọng!