Thực thi mục tiêu phát triển trong trạng thái bình thường mới

Thứ Ba, 13/07/2021, 22:49 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 13/7, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Đại học Indiana (Hoa Kỳ) đồng tổ chức Hội nghị đối thoại phát triển địa phương năm 2021. Hội nghị được kết nối với 59 điểm cầu trong cả nước. Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tham dự tại điểm cầu Bà Rịa-Vũng Tàu. 

Với chủ đề “Thực thi mục tiêu phát triển trong trạng thái bình thường mới”, hội nghị tập trung thảo luận đưa ra các giải pháp về chuyển đổi số và tăng trưởng xanh để phát triển các địa phương. 

Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tham dự tại điểm cầu BR-VT.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tham dự tại điểm cầu BR-VT.

PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRONG TRẠNG THÁI BÌNH THƯỜNG MỚI

Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết: Đối thoại phát triển địa phương 2021 diễn ra vào thời điểm năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cũng là khi các địa phương tích cực triển khai nghị quyết của Đại hội đảng bộ các cấp trong bối cảnh đất nước và thế giới đang biến chuyển rất nhanh chóng với nhiều thuận lợi, thời cơ lẫn khó khăn, thách thức đan xen.

Đặc biệt, đợt bùng phát lần thứ tư của đại dịch COVID-19 đặt ra những thách thức rất lớn cho cả nước và các địa phương trong việc thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt trong phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhằm đạt được sự cân bằng hợp lý giữa phát triển kinh tế và bảo đảm sức khỏe, an toàn cho mọi người dân. Phát huy tinh thần trách nhiệm cao và nỗ lực sáng tạo, các địa phương đã chủ động thích nghi, chuyển sang trạng thái “bình thường mới.”

“Trạng thái bình thường mới đòi hỏi chúng ta cần nắm bắt các cơ hội trong thách thức. Với nhận thức “trong nguy có cơ”, ngay lúc này, chúng ta cần nghĩ đến những vấn đề phát triển kinh tế-xã hội không chỉ trong hoàn cảnh có đại dịch mà cả sau khi đại dịch kết thúc để đạt được các kết quả khả quan ngay từ những năm đầu nhiệm kỳ, tạo tiền đề và xung lực để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của giai đoạn 2021-2025, thiết lập nền tảng thuận lợi cho phát triển trong những năm tiếp theo”, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Với 2 chuyên đề: Chuyển đổi số, quản trị thực thi và Tăng trưởng xanh trong trạng thái bình thường mới, đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức đối thoại phát triển địa phương theo hình thức trực tuyến trên quy mô toàn quốc để lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, lãnh đạo các địa phương, các nhà khoa học, cộng đồng DN và các đối tác phát triển quốc tế cùng nhau trao đổi với tinh thần thẳng thắn nhìn nhận từ thực tiễn, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất những sáng kiến, mô hình, giải pháp để phát triển địa phương.

BR-VT LẤY CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ ĐÒN BẨY

Tại diễn đàn, các đại biểu đều khẳng định: Trạng thái bình thường mới đòi hỏi các địa phương thích nghi với những rủi ro ngày càng gia tăng trong quá trình phát triển; nhất là nắm bắt cơ hội trong thách thức. Đây là lúc cần tính đến những vấn đề phát triển kinh tế-xã hội không chỉ trong dịch mà cả ngay sau khi đại dịch được khống chế, để đạt được những kết quả khả quan ngay từ những năm đầu của nhiệm kỳ, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển giai đoạn 2021-2025.

Để làm được những điều này, các chuyên gia cho rằng trước hết phải nâng cao năng lực quản trị thực thi, biến quyết tâm thành chiến lược chính sách và đưa được chính sách đời sống thực tiễn.

Ở cấp địa phương, cần xây dựng hệ thống đánh giá, giám sát khoa học, bài bản, minh bạch việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ. Tiếp đó là quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ, hệ thống thể chế, chính sách, phát triển nhân tố con người nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Đồng thời nhất thiết phải đẩy nhanh quá trình tăng trưởng xanh để tạo ra nhiều dư địa phát triển mới, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế cũng như nhằm đạt được sự cân bằng hợp lý…

Phát biểu tại hội nghị tại đầu cầu tỉnh BR-VT, ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Sở TT-TT chia sẻ, lãnh đạo tỉnh BR-VT đã nhận thức rõ chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là đòn bẩy tạo sự đột phá cho kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh BR-VT lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra một trong 10 nhiệm vụ trọng tâm là “Tăng cường ứng dụng KH-CN, tạo hệ sinh thái khởi nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh” và “Thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính” là một trong 3 đột phá của tỉnh.

Từ đó, BR-VT đã xác định muốn chuyển đổi số thành công thì phải chuyển đổi nhận thức, bắt đầu từ người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Tiếp đến là phát triển hạ tầng số bao gồm hạ tầng kỹ thuật của cơ quan nhà nước và cả hạ tầng kỹ thuật xã hội; bảo đảm nhu cầu phát triển, ứng dụng của cơ quan nhà nước và của xã hội, người dân, DN. Sau đó là các phần việc: phát triển nền tảng số, phát triển nguồn nhân lực và bảo đảm an toàn, an ninh mạng và các nền móng tạo tiền đề vững chắc để hướng đến các mục tiêu về chính quyền, về kinh tế, về xã hội. Trong đó, mục tiêu về kinh tế là thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử; thúc đẩy chuyển đổi số tại các DN và thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng cho biết: với 12 định hướng chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá, Văn kiện Đại hội XIII bao quát toàn diện nội dung, lĩnh vực phát triển của đất nước; khơi dậy ý chí, khát vọng, lan tỏa đến mọi địa phương tinh thần hành động quyết liệt, quyết tâm thoát khỏi lối mòn để bứt phá, vươn lên một cách mạnh mẽ. Vì vậy, đây là lúc rất cần có tư duy quốc gia và hành động địa phương để các địa phương định vị được mình trong sự phát triển chung của đất nước, có chiến lược phát triển phù hợp với chiến lược tổng thể quốc gia.

Nhấn mạnh việc chuyển đổi số là xu hướng của thời đại, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng phải nắm bắt cơ hội để tạo sự đột phá. Trước tiên là chuyển đổi nhận thức từ lãnh đạo Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp cũng như mọi người dân cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi. Quan tâm vào các yếu tố cơ bản: Hạ tầng công nghệ; hệ thống thể chế chính sách và phát triển nhân tố con người. Ông Nguyễn Xuân Thắng lưu ý, trạng thái bình thường mới đòi hỏi sự thích nghi với những rủi ro ngày càng gia tăng trong quá trình phát triển. Vì vậy phải đẩy nhanh quá trình tăng trưởng xanh để tạo ra dư địa phát triển mới, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
;
.