Tận dụng "thời gian vàng" để dập dịch
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phòng chống dịch COVID-19 các sở, ngành, địa phương vào chiều muộn 10/7. Các đại biểu đã bàn sâu giải pháp nhằm kiểm soát, phát hiện kịp thời những ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, tiến tới dập dịch trong thời gian ngắn nhất.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu tranh thủ tối đa khoảng “thời gian vàng” để kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. |
KIỂM SOÁT CHẶT CHẼ NGƯỜI VÀO TỈNH
Tại cuộc họp, các đại biểu đã bày tỏ lo ngại trước “làn sóng” người từ các tỉnh, thành lân cận, nhất là các địa phương có dịch đổ về BR-VT, gây áp lực cho các chốt kiểm soát cửa ngõ vào tỉnh. Vì vậy, việc triển khai các giải pháp tăng cường nguồn lực để bảo đảm công tác kiểm soát y tế ở các chốt trở nên cấp thiết.
Đại tá Bùi Văn Thảo, Giám đốc Công an tỉnh cho hay, lực lượng công an đã thành lập thêm 2 chốt kiểm soát (tăng lên 5 chốt) trên QL51. Cùng với lực lượng đã có, hơn 70 chiến sĩ công an, trong đó có 2 cán bộ y tế thuộc Công an tỉnh được điều động phục vụ cho việc test nhanh tất cả người qua chốt. Trong 3 ngày qua, nhờ test nhanh, các chốt kiểm soát đã phát hiện 5 trường hợp mắc COVID-19 và đưa đi cách ly kịp thời. Hơn 25.000 trường hợp không có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 đã được yêu cầu quay đầu xe. Tất cả các xe chở hàng hóa, không phải là mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm, lực lượng chức năng trên các chốt kiên quyết không cho vào tỉnh.
Các địa phương cũng đã tăng cường lập các chốt kiểm soát lưu động nhằm giám sát người vào địa phương tại các tuyến đường liên huyện, liên xã, đường mòn, lối mở tiếp giáp các tỉnh lân cận TX. Phú Mỹ, huyện Châu Đức, huyện Xuyên Mộc. Ông Hoàng Nguyên Dinh, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết: “Tại những khu vực này, lực lượng công an, dân quân tự vệ ngày đêm thay ca túc trực để không “bỏ lọt” mầm bệnh vào huyện. Với hơn 200 người từ TP. Hồ Chí Minh về địa phương, chúng tôi đã lấy mẫu xét nghiệm và giám sát theo quy định. Đồng thời, tuyên truyền hướng dẫn người dân về từ vùng dịch chủ động lấy mẫu và theo dõi sức khỏe tại nhà”.
Lãnh đạo TP. Bà Rịa thì lo lắng trước việc khó kiểm soát đối tượng khách vào địa phương chỉ để liên hệ công tác chứ không lưu trú. Ông Đặng Minh Thông, Bí thư Thành ủy Bà Rịa dẫn chứng, trong số 589 người khai báo trên chốt QL51 về TP. Bà Rịa chỉ có 190 người về địa phương đang được giám sát cách ly tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định. Những người còn lại đều đến TP. Bà Rịa liên hệ công tác với các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn. “TP. Bà Rịa đã chủ động liên hệ với những người này nhưng có người đã đi ra khỏi tỉnh, người thì tắt máy điện thoại. Việc không kiểm soát được người đến các địa phương sẽ là nguy cơ lớn khiến dịch xâm nhập vào tỉnh. Do đó, thành phố đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn hạn chế làm việc trực tiếp với người từ các địa phương có dịch, trong trường hợp cấp thiết phải có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi làm việc”, ông Đặng Minh Thông đề xuất.
SÀNG LỌC F0 TRONG CỘNG ĐỒNG
Tính đến sáng 11/7, BR-VT ghi nhận 38 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng với 14 chuỗi lây nhiễm. 14 xã, phường của 6 huyện, thị, thành phố đã xuất hiện dịch. Tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng cần tận dụng khoảng thời gian các tỉnh, thành trong khu vực thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 để tăng cường lực lượng, đẩy nhanh quá trình xét nghiệm nhằm sàng lọc, phát hiện để ca bệnh trong cộng đồng. Việc tổ chức điều hành lấy mẫu xét nghiệm, truy vết sẽ được triển khai nhanh trên tinh thần có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp giữa test nhanh và xét nghiệm khẳng định RT-PCR.
Ông Trần Đình Khoa, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu cho biết, BN27401 (người bán vé số, trú tại đường 30/4, phường 11, TP. Vũng Tàu) được phát hiện mắc COVID-19 vào ngày 10/7, nhưng vẫn chưa xác định được nguồn lây. Trước nguy cơ số ca nhiễm trong cộng đồng có thể tăng từ bệnh nhân này, TP. Vũng Tàu kiến nghị tỉnh cho xét nghiệm sàng lọc diện rộng với toàn bộ người bán vé số, người giao hàng, tài xế taxi... để “quét sạch” F0 trong cộng đồng. Trước đó, TP. Vũng Tàu đã hoàn tất quá trình xét nghiệm, sàng lọc các trường hợp liên quan đến ca mắc COVID-19 ở các chợ và các khu vực có nguy cơ cao. Kết quả đáng mừng là tất cả đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Bà Lê Thị Trang Đài, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cũng cho hay, huyện dự kiến sẽ lấy mẫu xét nghiệm cho 21 ngàn người dân thuộc diện có nguy cơ cao. Để tăng cường nhân lực phục vụ cho công tác lấy mẫu, lực lượng y tế huyện Xuyên Mộc đã tổ chức tập huấn lấy mẫu xét nghiệm cho lực lượng y tế các xã trên địa bàn với nỗ lực đẩy nhanh quá trình lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm F0 trong cộng đồng. “Các DN lớn có đông lao động trên địa bàn đã xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ lao động. Hiện các DN này cũng đã sắp xếp, bố trí làm việc, sinh hoạt tại chỗ cho toàn bộ lao động”, bà Lê Thị Trang Đài nói.
Là địa bàn tập trung đông người lao động, nhất là lao động ở các khu vực nhà trọ, lãnh đạo TX. Phú Mỹ cũng đề xuất tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ công nhân tại các khu nhà trọ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lên, phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho biết, việc xét nghiệm để truy vết, sàng lọc COVID-19 trong cộng đồng là cần thiết. Tuy nhiên, cần dựa trên yếu tố dịch tễ để chọn lọc xét nghiệm, không dàn trải sẽ gây tốn kém nhân lực, trang thiết bị vật tư y tế. Quan trọng là sự phối hợp đồng bộ thông qua hệ thống y tế, phát huy vai trò tổ COVID-19 cộng đồng để giám sát chặt chẽ không bỏ sót đối tượng từ nguy cơ lây nhiễm cao, nhất là người đến từ các địa phương có dịch.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đề nghị các lực lượng cần phân công nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn. Các địa phương cần tính toán. xây dựng phương án cụ thể đối với việc xét nghiệm sàng lọc nhanh với đối tượng có nguy cơ cao. Đặc biệt là việc kiểm soát người ra vào tỉnh, quản lý xe tải vận chuyển hàng hóa phải có quy trình, quy định rõ ràng, tránh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu. Tỉnh khuyến khích DN tự xét nghiệm COVID-19 cho người lao động để kiểm soát nguồn lây. Cùng với tăng cường các biện pháp ứng phó với tình hình mới, việc giải quyết hỗ trợ cho 11 nhóm đối tượng khó khăn là người bán vé số, người lao động nghèo mất việc làm... phải được triển khai nhanh trong tuần tới.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Phạm Viết Thanh đánh giá cao nỗ lực của BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh và các địa phương trong việc chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch. Bí thư Tỉnh ủy nhận định, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, để khống chế, tiến tới dập dịch, các sở, ngành, địa phương cần có sự thống nhất, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống dịch. Việc thực hiện quy định về phòng, chống dịch cần chủ động, linh hoạt dựa trên điều kiện thực tế từng địa phương. Cùng với việc rà soát, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện về từ các vùng dịch, các địa phương phải tính toán quy trình lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng có chọn lọc và có sự phối hợp chặt chẽ với CDC tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền, khuyến khích người dân mua hàng online nhằm tránh tập trung đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh. BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cùng các địa phương nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ 26 ngàn tỷ đồng của Chính phủ để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh nhận định, thời gian TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ 0h ngày 9/7 là khoảng “thời gian vàng” để BR-VT kiểm soát chặt tình hình dịch COVID-19. “Để ngăn dịch xâm nhập vào tỉnh, chúng ta phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn nữa từng người vào BR-VT. Đồng thời, tranh thủ tối đa khoảng thời gian này để sàng lọc kỹ từ bên trong, làm sạch các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng”.
Bài, ảnh: TUYẾT MAI