32 năm qua (1989-2021), các nhà giàn DK1 (viết tắt của cụm từ Dịch vụ - Khoa học kỹ thuật, phục vụ mục đích dân sự trên thềm lục địa phía Nam), thuộc Tiểu đoàn DK1 - Vùng 2 Hải quân vẫn hiên ngang giữa sóng gió trùng khơi cùng với những người lính kiên cường trước bão tố, phong ba để bảo vệ thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: CTV |
Nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới, những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, Chính phủ giao Bộ Quốc phòng khảo sát, thiết kế xây dựng hệ thống nhà giàn trên các bãi đá ngầm. Tháng 11/1988, biên đội tàu HQ-713 và HQ-668 (Lữ đoàn 171) cùng đoàn khảo sát đã vượt sóng ra thềm lục địa. Sau gần 7 tháng khảo sát, tháng 5/1989, các biên đội tàu của Lữ đoàn 171 và Hải đoàn 129 phối hợp với tàu kéo chuyên dụng của Bộ GT-VT chở khung nhà giàn cùng vật liệu sắt thép vượt sóng ra bãi cạn Phúc Tần.
Ngày 10/6/1989, nhà giàn đầu tiên mang phiên hiệu Phúc Tần, rộng khoảng 25m2, nặng 250 tấn, cao 45m ra đời, là “cột mốc chủ quyền quốc gia đặc biệt trên biển”, tiên phong chốt giữ thềm lục địa, nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Tiếp đó, các nhà giàn từ DK1/1, DK1/3, DK1/4... đến DK1/21 lần lượt được dựng lên ở các bãi Huyền Trân, Quế Đường, Cà Mau, sừng sững giữa biển khơi với những chiếc chân cắm sâu vào lòng biển, trở thành cột mốc sống khẳng định chủ quyền Tổ quốc trên Biển Đông.
Thiếu tá Vũ Văn Tưởng, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn DK1 cho biết, khu vực biển DK1 nằm cạnh đường hàng hải quốc tế, nước ngoài thường xuyên sử dụng tàu nghiên cứu, tàu giả dạng, tàu chiến vào thăm dò địa chất, trinh sát và đánh bắt hải sản trái phép. Do đó, nhằm bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, bảo vệ bình yên cho việc khai thác tài nguyên nơi thềm lục địa, lính nhà giàn phải bám trụ trên biển từ 8 đến 12 tháng, thậm chí hơn 20 tháng khi có yêu cầu nhiệm vụ mới được đổi ca. Tuy nhiên, với quyết tâm “Còn người, chủ quyền của Tổ quốc còn” cán bộ, chiến sĩ không ngại khó khăn, gian khổ, ngày đêm theo dõi mục tiêu trong khu vực, kịp thời tham mưu, đề xuất với sở chỉ huy để xử lý tốt mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ.
Việc huấn luyện trên các nhà giàn khó khăn hơn ở đất liền do sóng to gió lớn, lại không có vật che chắn, nhưng công tác huấn luyện vẫn bảo đảm nghiêm túc, bài bản. Ban ngày, cán bộ chiến sĩ tập điều lệnh đội ngũ, rèn luyện thể lực, ngắm bắn mục tiêu trên không, mặt biển, đêm đến lại huấn luyện phát hiện mục tiêu từ xa, quan sát mặt biển khi có biệt kích người nhái, những động tác “lăn, lê, bò, trườn” bảo vệ nhà giàn, thao tác vũ khí trang bị, “diễn tập”.
Cùng với đó, việc canh gác bảo vệ bầu trời cũng là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Hàng ngày, hàng giờ, lính nhà giàn phải căng mắt theo dõi tình hình trên biển, trực canh quan sát mặt biển để mời những con tàu “bỗng dưng xuất hiện” ra khỏi vùng biển, đồng thời báo cáo ngay về đất liền và các lực lượng chức năng để có phương án xử lý, không để bị động, bất ngờ.
Nhờ phát huy hết công suất trong huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, nhiều năm qua, các nhà giàn DK1 luôn bình yên, không một mục tiêu lạ nào trên bầu trời không được phát hiện và xử lý kịp thời; 100% cán bộ, chiến sĩ đều làm chủ các loại phương tiện, trang bị kỹ thuật; kết quả kiểm tra huấn luyện hàng năm đều được Vùng 2 Hải quân và Quân chủng Hải quân đánh giá tốt.
“32 năm liên tục bám biển, gắn bó với vùng biển, thềm lục địa phía Nam Tổ quốc, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ DK1 đã xây đắp nên truyền thống kiên cường, dũng cảm, vượt mọi khó khăn, đoàn kết, kỷ luật, giữ vững chủ quyền. Đó vừa là niềm vinh dự, vừa là niềm tự hào và trọng trách to lớn mà thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 hôm nay đang gìn giữ, phát huy trong thực hiện nhiệm vụ”, Trung tá Nghiêm Xuân Thái, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 nói.
MINH NHÂN