Chốt giữ trên nhà giàn, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 không chỉ chống chọi với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt mà còn phải vượt qua nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền. Nhưng gác lại tất cả, họ vẫn kiên cường trấn giữ giữa biển khơi như các thế hệ cha anh đi trước để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
Chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 chia tay người thân trước khi lên đường làm nhiệm vụ. Ảnh: CTV |
CAN TRƯỜNG TRONG MƯA BÃO
Đã 30 năm trôi qua kể từ cơn bão tháng 12/1990 làm sập nhà giàn DK1/3, nhưng Trung tá Bùi Xuân Bổng, người may mắn sống sót trong trận bão ấy vẫn còn nhớ như in cơn cuồng phong khủng khiếp năm ấy. Trung tá Bùi Xuân Bổng kể lại, đêm mồng 4, rạng sáng 5/12/1990, bão số 10 tràn qua. Gió, sóng quay cuồng, nhà giàn đổ sập. Trên nhà giàn, lúc đó có 8 người lính nhưng chỉ có 5 cái áo phao nên Trung tá Bổng cùng 2 đồng chí khác tự nguyện nhường áo phao lại cho đồng đội. “Sóng gió mỗi lúc một lớn. Chúng tôi được lệnh rời nhà giàn, nhảy xuống biển giữa cái lạnh thấu xương ngấm vào xương tủy. Đến tận chiều hôm sau, tàu cứu hộ mới tìm thấy chúng tôi đang trôi dạt trên biển. Cơn bão đã cướp đi sinh mạng của 3 đồng đội", Trung tá Bùi Xuân Bổng nhớ lại.
8 năm sau, cơn bão số 8 năm 1998 quét qua nhà giàn DK1/16. Đại uý Vũ Quang Chương, Trạm trưởng và 8 cán bộ, chiến sĩ kiên trì bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc với Sở chỉ huy, bình tĩnh, kiên cường chống chọi với những trận cuồng phong giữa đêm đen mịt mùng. Nhưng sức người quá nhỏ bé trước thiên nhiên hung dữ, một đợt sóng lớn ập đến đã xô đổ và cuốn đi cả 9 người. Dù lực lượng cứu hộ đã làm hết sức mình nhưng Đại úy Vũ Quang Chương và chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An và chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng đã không trở về.
Vùng biển DK1 có điều kiện thời tiết khí hậu thủy văn vô cùng khắc nghiệt, là trung tâm hình thành những cơn áp thấp nhiệt đới và bão. Theo Trung tá Nguyễn Xuân Hà, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1 cho biết, có những cơn sóng cao từ 13 đến 15 mét, sức tàn phá khủng khiếp. Việc đếm bão trở thành thói quen của lính nhà giàn. “Mỗi lần bão đến và đi, họ lại thêm một lần vững chãi. Họ hiểu bão, sẵn sàng đối mặt và vượt qua nó”, Trung tá Nguyễn Xuân Hà nói.
Những trận cuồng phong năm 1990, 1996, 1998 và 2000 đã làm đổ một số nhà giàn, cướp đi sinh mạng của nhiều cán bộ, chiến sĩ. Người ra đi gần đây nhất cũng đã hơn 7 năm chính là Đại úy Dương Văn Bắc, công tác tại nhà giàn DK1/11 Tư Chính. Vợ đồng chí Bắc là bà Vương Thị Trâm nay đã được Quân chủng Hải quân quan tâm tuyển vào làm công nhân viên quốc phòng tại Chi đội Kiểm ngư số 2 (phường 11, TP. Vũng Tàu). “Anh Bắc hy sinh gần chục năm rồi nhưng nỗi đau không nguôi ngoai được. Mỗi lần gió bão, tôi lại nghĩ về anh, nghĩ về sự mênh mông bất tận của biển cả, nơi có một phần máu thịt của anh", bà Trâm nói.
Và còn rất nhiều, rất nhiều những tấm gương hy sinh thầm lặng giữa biển khơi. Sự hy sinh của các anh đã viết lên những bản anh hùng ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời kỳ mới, là những tượng đài thép khẳng định dấu mốc chủ quyền trên biển, trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 đọc báo trên nhà giàn. Ảnh: CTV |
VƯỢT LÊN NỖI NHỚ QUÊ NHÀ
Trước giờ lên đường thực hiện nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, Thiếu tá Nguyễn Tiến Long, Chính trị viên ở Nhà giàn DK1/8 quyến luyến chia tay vợ và 2 con tại Cảng vụ Lữ đoàn 171, TP.Vũng Tàu. Trong lúc anh Long xoa đầu đứa con trai vừa tròn 6 tuổi và ân cần dặn dò con, chị Nguyễn Thị Nhung, vợ anh Long lại tay bế đứa con gái thứ hai mới 11 tháng tuổi nhìn đăm đăm về phía chồng. Chị phải gắng gượng nở nụ cười để chồng an tâm lên đường, nhưng trong khóe mắt chị Nhung không giấu được nỗi buồn vì thương chồng phải xa gia đình trong khoảng thời gian khá dài.
“Hơn 10 năm lấy nhau thì đã 2/3 thời gian tôi phải xa gia đình, ra nhà giàn làm nhiệm vụ. Dù xa đất liền, xa vợ con, song lần nào ra đi, bản thân cũng cảm thấy vinh dự, tự hào vì được góp một phần công sức để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, Thiếu tá Long chia sẻ.
Lính nhà phải gồng mình với điều kiện khắc nghiệt, chịu đựng nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ đất liền vì có khi do yêu cầu nhiệm vụ phải ở đến 10-12 tháng, thậm chí 27 tháng mới vào đất liền. Tuy nhiên ngày nay, được Đảng và Nhà nước quan tâm, các mặt đời sống xã hội của chiến sĩ nhà giàn từng bước được nâng lên. Nhà giàn cũng được Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel tặng máy điện thoại cố định không dây để liên lạc về đất liền, có truyền hình K+, sau những giờ huấn luyện, cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng tiếp cận thông tin giải trí, liên lạc, nắm tình hình ở đất liền, gặp gỡ người thân nên không còn phải chờ tới tận hai tháng để nhận thông tin từ gia đình, không còn ấp ủ những lá thư viết từ lâu chờ ngày về đất liền như thế hệ trước.
MINH NHÂN
(Còn nữa)