Ngày 22/7, Quốc hội đã nghe các cơ quan chức năng trình nhiều báo cáo quan trọng để thảo luận, quyết định trong Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu tại phiên thảo luận Tổ đại biểu số 16. Ảnh CHÂU VŨ |
Trình bày trước Quốc hội Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết: Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, là mức khá cao so với các nước trên thế giới. Nhiều địa phương có dịch nhưng vẫn tăng trưởng khá. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất ổn định. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, bảo đảm nhu cầu chi cho phòng chống dịch, an ninh, quốc phòng và các nhiệm vụ cấp bách khác; cân đối ngân sách trung ương được bảo đảm. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng tăng 32,2% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 7,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt trên 9,2 tỷ USD, tăng 6,8%. Công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường; thương mại điện tử phát triển mạnh, trở thành kênh phân phối quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh, hỗ trợ tích cực cho tiêu thụ nông sản.
Trong những tháng còn lại của năm 2021, Chính phủ quyết tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Cùng với đó, Chính phủ quyết tâm kiểm soát lạm phát, tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm vốn cho nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiết kiệm chi thường xuyên 10% (không kể tiền lương), kiên quyết cắt giảm các khoản chi không cần thiết, các nhiệm vụ chi chậm triển khai, nhất là việc rà soát, cắt giảm phù hợp các khoản chi sự nghiệp có tính chất đầu tư.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, nhưng ưu tiên lúc này là tập trung phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu đề ra.
Tờ trình về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2016-2021 Nguyễn Chí Dũng, trình bày trước Quốc hội nêu mục tiêu tổng quát trong giai đoạn này là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô bền vững, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Cùng với đó, cần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch COVID-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế. Đồng thời, cần phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân; từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, tinh thần xuyên suốt là “không để ai bị bỏ lại phía sau”…
Trong phiên làm việc chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình, thống nhất với Chính phủ về việc tập trung cao độ cho phòng, chống dịch COVID-19 trong thời điểm hiện nay, đồng thời quan tâm đến việc thực hiện "mục tiêu kép" về phát triển kinh tế - xã hội.
QUỲNH HOA
----
Cần có kịch bản cụ thể để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng
Tham gia thảo luận tại 2 tổ 16 và 19, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá, trong 5 năm 2016-2020, Chính phủ đã điều hành tốt nền kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế bảo đảm, thu ngân sách vượt kế hoạch, nợ công giảm mạnh, việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng đạt kết quả tích cực; có 16/21 chỉ tiêu đạt và vượt, 5 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đã đề ra.
Trong 6 tháng đầu năm, nền kinh tế tăng trưởng đáng mừng, đạt 5,64%, cao hơn mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2020 (1,82%), được thế giới đánh giá cao; thu ngân sách đạt 58,2% dự toán; kim ngạch xuất khẩu tốc độ tăng cao, được 3 tổ chức xếp hạng thế giới đồng loạt nâng điểm triển vọng lên mức tích cực. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20/7/2021 để tập trung cho công tác phòng dịch, giải quyết nhiều vấn đề khó khăn như mua sắm trang thiết bị y tế theo Luật đầu tư; triển khai các gói hỗ trợ, tập trung cho hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ… Tuy nhiên, gói hỗ trợ của Chính phủ ở một số nơi thực hiện còn chậm, chưa đến được với người dân, DN. Bên cạnh đó, đầu tư công trung hạn còn chậm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư mới đạt khoảng 29%, trong khi cùng kỳ năm trước là 34%; trong điều hành ngân hàng, dù chính sách tài khóa, tiền tệ linh động nhưng tỷ lệ nợ xấu còn cao (trên 4%)…
Bà Nguyễn Thị Yến kiến nghị, thời gian tới, cần có kịch bản cụ thể để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng đạt chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội đã đề ra. Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế đã tăng trưởng 5,64%, trong khi Nghị quyết Quốc hội đưa ra là 6%. Như vậy, muốn đạt chỉ tiêu đề ra thì từ nay đến cuối năm tăng trưởng kinh tế phải đạt 6,3%. Một trong những giải pháp góp phần tăng trưởng kinh tế là việc giải ngân vốn đầu tư công phải nhanh hơn nữa, từ nay đến cuối năm phải đạt khoảng 51%. Bên cạnh đó, bà Yến cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đến các gói hỗ trợ cho DN để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; quan tâm, thúc đẩy việc hỗ trợ cho người dân đang gặp khó khăn trong đại dịch để giải quyết vấn đề an sinh xã hội.
KHÁNH CHI