.

KỲ HỌP THỨ NHẤT, QUỐC HỘI KHÓA XV: Huy động nguồn lực xã hội trong xây dựng nông thôn mới

Cập nhật: 14:23, 27/07/2021 (GMT+7)

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, sáng 27/7, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chụp hình lưu niệm với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: CHÂU VŨ
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chụp hình lưu niệm với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: CHÂU VŨ

Phát biểu thảo luận, bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV. Ảnh: CHÂU VŨ.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV. Ảnh: CHÂU VŨ.

Theo bà Huỳnh Thị Phúc, với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 đã đạt được những kết quả tích cực. Diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt, giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, an ninh chính trị được giữ vững, đời sống, thu nhập bình quân đầu người/năm tại khu vực nông thôn được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo từ 17,35% ở giai đoạn đầu đến nay giảm xuống còn khoảng 5,9%. Tại Kỳ họp lần này, Chính phủ trình Quốc hội chủ trương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 là cần thiết và chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.

Đại biểu Hùynh Thị Phúc phát biểu tại Hội trường. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc phát biểu tại Hội trường. Ảnh: CHÂU VŨ

Bà Huỳnh Thị Phúc đề xuất nhiều giải pháp để duy trì thành quả và khắc phục, giải quyết hạn chế, tồn tại trong giai đoạn vừa qua, đồng thời triển khai có hiệu quả Chương trình giai đoạn tới. Bà Phúc chỉ ra rằng: Theo Tờ trình của Chính phủ, nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 bố trí khoảng 39.632 tỷ đồng. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp, khó lường, đại dịch COVID-19 sẽ còn tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, thu NSNN cũng không thể tránh khỏi khó khăn và sẽ không tăng đột biến. Vì vậy, bên cạnh nguồn vốn NSNN, cần có giải pháp huy động nguồn vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp và sự tham gia của người dân.

“Thực tế cho thấy việc gì được người dân ủng hộ và tham gia sẽ đạt kết quả tốt, đặc biệt là trong điều kiện vừa phát triển kinh tế xã hội vừa phòng chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ ngành cần tiếp tục quan tâm rà soát, xử lý dứt điểm nợ đọng trong xây dựng cơ bản”, bà Phúc đề nghị.

Với chương trình, đề án đặc thù như chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) và các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 về xây dựng công nhận đạt chuẩn NTM, để đạt được mục tiêu đề ra, bà Phúc cho rằng, cần xây dựng lộ trình cụ thể, xem xét lại các tiêu chí bảo đảm chất lượng và có chiều sâu. Bên cạnh đó, cần cân nhắc thực tế khác biệt giữa các vùng miền để xem xét, điều chỉnh nội dung, tiêu chí phù hợp. Cùng với đó, cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát lại các chương trình mục tiêu quốc gia để tránh trùng lặp hoặc bỏ sót đối tượng, bảo đảm việc lồng ghép phát huy hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực.

Bà Huỳnh Thị Phúc nhận định, kết quả thực hiện chương trình giai đoạn vừa qua cho thấy vẫn còn khoảng cách chênh lệch giữa các địa phương, vùng, miền. Mức thu nhập bình quân đầu người của người dân ở vùng xây dựng NTM tuy có tăng qua các năm, nhưng vẫn chưa cải thiện được nhiều. “Nên có giải pháp chỉ đạo phối hợp thực hiện có hiệu quả chương trình; quan tâm tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; có cơ chế thu hút và hỗ trợ xây dựng và phát triển chuỗi sản xuất. Đồng thời, cũng cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng đời sống của người dân nông thôn với các vấn đề như môi trường, an toàn thực phẩm, nước sạch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo; phát triển du lịch nông thôn; đề ra chính sách hỗ trợ hợp lý thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao”, bà Phúc đề xuất.

Ngoài ra, Đại biểu Huỳnh Thị Phúc kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành có giải pháp cụ thể hơn để tạo điều kiện sinh kế bền vững bằng các chính sách đào tạo, giải quyết việc làm cho các đối tượng thụ hưởng chương trình theo nguyên tắc “xây dựng nông thôn mới là nền tảng, cơ cấu lại nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể”, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030.

          KHÁNH CHI

.
.
.