.

KỲ HỌP THỨ NHẤT, QUỐC HỘI KHÓA XV: Cho ý kiến về Kế hoạch tài chính quốc gia giai đoạn 2021-2025

Cập nhật: 22:31, 23/07/2021 (GMT+7)

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ nhất, sáng 23/7, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt tán thành. Cụ thể có tổng số 470/470 số phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 94,19% (tính trên tổng số đại biểu Quốc hội). Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ khi được Quốc hội biểu quyết thông qua.

 Đại biểu Đỗ Văn Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT), Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Chuẩn Đô đốc Hải quân, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội phát biểu thảo luận ở Tổ về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Đỗ Văn Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT), Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Chuẩn Đô đốc Hải quân, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội phát biểu thảo luận ở Tổ về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Ảnh: CHÂU VŨ

Trước đó, theo tờ trình của Chính phủ, căn cứ Kết luận của Bộ Chính trị tại Văn bản số 1108-CV/VPTW ngày 23/6/2021 của Văn phòng Trung ương Đảng về cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV, đã chỉ đạo "trước mắt giữ ổn định về tên gọi, cơ cấu tổ chức, số lượng các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 như khóa XIV", Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV giữ ổn định như khóa XIV có 22 cơ quan, gồm: 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ.

Cụ thể, 18 bộ gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao; Bộ Nội vụ; Bộ Tư pháp; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Xây dựng; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế. 4 cơ quan ngang bộ gồm: Ủy ban Dân tộc; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Chính phủ; Văn phòng Chính phủ.

Tại phiên họp, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021 Hồ Đức Phớc, trình bày Báo cáo về kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung này.

Cuối phiên họp sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về: Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Trong phiên họp chiều, Quốc hội nghe và thảo luận Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Sau đó các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về các nội dung này.

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đồng tình đánh giá việc thực hiện các chương trình này cần thiết và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm tới cũng như phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Để giảm nghèo đa chiều thực sự bền vững, một số đại biểu đề nghị phải giảm tỷ lệ tái nghèo, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh. Chương trình cần có các giải pháp thoát nghèo bền vững, đủ sức chống chịu, vượt qua các thách thức của thiên tai, dịch bệnh như thông qua tạo việc làm cho người nghèo, đảm bảo mỗi hộ nghèo có ít nhất một việc làm bền vững, tạo điều kiện cho hộ nghèo được tiếp cận với các chiều dịch vụ xã hội cơ bản thực sự bền vững. Về Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, một số đại biểu đề nghị, quá trình lập quy hoạch cấp xã, huyện, tỉnh cần chú ý gắn thực hiện xây dựng nông thôn mới với quá trình đô thị hóa, tạo tiền đề phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nhanh và bền vững; cần rà soát để tránh trùng lặp, tránh bỏ sót về phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động giữa các Chương trình, đồng thời bảo đảm việc lồng ghép phát huy hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

Hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách phục vụ quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XV, sáng 23/7, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tham gia thảo luận tại 2 tổ 16 và 19.

Phát biểu thảo luận về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội Khoá XV cơ bản thống nhất với Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia, Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm 2016-2020 và Kế hoạch tài chính quốc gia, Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm 2021-2025 cùng báo cáo thẩm tra của Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội.

Đối với Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, theo bà Nguyễn Thị Yến, trong giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ quản lý điều hành nền tài chính quốc gia đạt nhiều kết quả tích cực so với giai đoạn trước. Các mục tiêu thu, chi, cơ cấu lại NSNN, nợ công đạt kết quả toàn diện, cơ bản đạt và vượt các mục tiêu tại Nghị quyết số 25 của Quốc hội và Nghị quyết số 7 của Bộ Chính trị, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dư địa thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, kịp thời ứng phó trước đại dịch COVID-19.

Đối với Kế hoạch vay và trả nợ công, bà Nguyễn Thị Yến đánh giá: “Thể chế quản lý nợ công đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm hoàn thiện. Các chỉ tiêu an toàn nợ công được kiểm soát tốt, nằm trong giới hạn trần nợ được Quốc hội phê chuẩn và có xu hướng giảm dần trong giai đoạn 2016-2021, góp phần bảo đảm an ninh tài chính quốc gia và bồi đắp dư địa chính sách tài khóa”.

Thảo luận về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, bà Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh: “Vấn đề đặt ra hiện nay là đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra thực trạng mất việc làm, thất nghiệp, dẫn đến tình trạng tái nghèo, tỷ lệ hộ nghèo tăng. Đề nghị Chính phủ thống kê, rà soát lại các hộ thất nghiệp, mất việc làm trong thời gian qua để bổ sung vào đối tượng thụ hưởng; đồng thời rà soát lại các chương trình đầu tư để bổ sung ngân sách”.

Về mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bà Nguyễn Thị Yến đặt  vấn đề: có hay không việc chạy theo thành tích, khi tỷ lệ các xã nông thôn mới đạt tính đến tháng 7/2021 là 64,6%, 12 tỉnh, thành phố có 100% xã nông thôn mới, 4 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới..., trong khi thực chất, các xã nông thôn mới còn nhiều khó khăn. Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Yến đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa tới chất lượng cuộc sống người dân, đặc biệt là thu nhập bình quân đầu người.

QUỲNH HOA - KHÁNH CHI

 

.
.
.