KỲ HỌP THỨ NHẤT, QUỐC HỘI KHÓA XV: Cần nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công

Thứ Bảy, 24/07/2021, 13:34 [GMT+7]
In bài này
.

    Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, sáng 24/7, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia thảo luận tại tổ 16 và tổ 19 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành: Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, An Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Bình Dương, Bình Phước và Đồng Nai về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

 Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT) và các đại biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 24/7. Ảnh: CHÂU VŨ
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT) và các đại biểu dự buổi thảo luận tổ sáng 24/7. Ảnh: CHÂU VŨ.

ĐẠT VÀ VƯỢT 4/6 CHỈ TIÊU ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN

Phát biểu tại buổi thảo luận, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội khóa XV cơ bản thống nhất với Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ và các Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội. 

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐQBQH tỉnh, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội phát biểu tại buổi thảo luận tổ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Ảnh: CHÂU VŨ
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐQBQH tỉnh, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội phát biểu tại buổi thảo luận tổ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Ảnh: CHÂU VŨ.

Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, bà Nguyễn Thị Yến cho biết, thời gian qua, trên cơ sở tổng mức vốn đầu tư 2 triệu tỷ đồng và các nguyên tắc, tiêu chí được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư trung hạn cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đạt tỷ lệ 90,8% tổng mức vốn được Quốc hội thông qua (tương đương hơn 1,81 triệu tỷ đồng). Trong đó, 11.100 dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương (NSTU), giảm gần một nửa so với giai đoạn 2011-2015. Tỷ lệ giải ngân bình quân hằng năm đạt khoảng 83,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Riêng năm 2020, tỷ lệ giải ngân đạt cao nhất (trên 97,46%). Kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã đạt và vượt 4/6 chỉ tiêu được Quốc hội thông qua. Đặc biệt, giai đoạn này đã khởi công được 2 công trình trọng điểm quốc gia mang tầm thế kỷ, góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH trong thời gian tới, đó là dự án đường cao tốc Bắc-Nam và dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Những hạn chế, tồn tại của giai đoạn trước đã từng bước được khắc phục trong giai đoạn 2016-2020, cân đối đủ vốn để thanh toán toàn bộ nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn NSTU, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới, hoàn trả một phần số ứng trước kế hoạch vốn NSTU, kiểm soát chặt chẽ ứng trước kế hoạch vốn. Hiệu quả đầu tư từng bước cải thiện, cơ bản khắc phục được tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, manh mún. Tỷ lệ dự án hoàn thành đạt khá và hệ số suất đầu tư (ICOR) giảm, góp phần huy động số lượng lớn vốn đầu tư toàn xã hội; số dự án khởi công mới từng năm trong giai đoạn 2016-2020 giảm dần.

Bà Nguyễn Thị Yến cũng nhận định: “Giai đoạn vừa qua, đầu tư tư nhân đã phát huy tác dụng, không chỉ đối với đầu tư kết cấu hạ tầng, mà còn có nhiều công trình, dự án sản xuất, kinh doanh được đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”. Tỷ trọng vốn đầu tư nhà nước trong tổng đầu tư xã hội giảm dần, từ mức bình quân 39,11% trong giai đoạn 2011-2015 xuống mức bình quân 34%.

Năm 2020, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Quốc hội đã ban hành giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công chưa từng có tiền lệ, đó là phân cấp cho Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSTU giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong tổng mức vốn NSTU năm 2020 đã được Quốc hội quyết định. Nhờ vậy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 cao hơn nhiều so với các năm trước, đạt 97,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần nâng tỷ lệ giải ngân bình quân giai đoạn 2016-2020 lên 83,4%.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG THỂ CHẾ QUẢN LÝ ĐẦU TƯ CÔNG

Bên cạnh việc đánh giá những kết quả đạt được, các đại biểu cũng nêu một số vấn đề tồn tại, hạn chế về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Đại tá Nguyễn Tâm Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội phát biểu thảo luận tổ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Ảnh: CHÂU VŨ.
Đại tá Nguyễn Tâm Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội phát biểu thảo luận tổ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Ảnh: CHÂU VŨ.

“Thể thể chế, quy định quản lý đầu tư công hiện nay của nước ta (gồm: quản lý đầu tư, quy hoạch, lựa chọn dự án, thực hiện dự án, quản lý xây dựng, đánh giá, giám sát dự án) chưa phù hợp với thông lệ quốc tế”, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Yến phân tích.

Bà Yến dẫn chứng, đánh giá theo 15 chỉ tiêu về chất lượng thể chế quản lý đầu tư công (PIMA) do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra, điểm số chất lượng hệ thống quản lý đầu tư công của Việt Nam còn thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của các quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế chuyển đổi - các quốc gia có những nét tương đồng trong quản lý đầu tư công. Đặc biệt, Việt Nam kém hơn ở khâu thẩm định và sắp xếp ưu tiên dự án đầu tư công (chỉ tiêu 6 đến 10), khâu thực hiện dự án đầu tư công (chỉ tiêu 11-15) và chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn. Một số văn bản quy định về vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài vừa được ban hành nhưng đã phát sinh nhiều vướng mắc, không phù hợp với thực tiễn, đòi hỏi phải sửa đổi sớm. Một số quy định của đầu tư công và quy định về NSNN, xây dựng, môi trường còn chưa thống nhất hoặc chưa phù hợp, gây khó khăn trong việc thực hiện, làm ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân của dự án.

Theo bà Yến, để thực hiện mục tiêu huy động vốn đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025 với tổng vốn dự kiến 2,87 triệu tỷ đồng, trong đó vốn NSTU là 1,5 triệu tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 1,37 triệu tỷ đồng và phương án phân bổ đầu tư công trung hạn, nhất thiết phải khắc phục tồn tại trên. Bởi đầu tư công đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt khi nguồn NSNN có hạn thì đòi hỏi kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cần được tiếp tục đổi mới, xây dựng một cách hợp lý.

Từ đó, bà Nguyễn Thị Yến đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công; nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công; khẩn trương rà soát, sửa đổi, những quy định của pháp luật về đầu tư công còn vướng mắc trong quá trình thực hiện tại Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn thi hành. Đồng thời, cần tăng cường quản lý đầu tư công, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác chuẩn bị đầu tư; tăng cường công tác rà soát để bảo đảm các chương trình, dự án bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm phải có đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công; quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. “Khoản vốn dự phòng chỉ được sử dụng cho các mục tiêu thật sự cần thiết, cấp bách theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công. Đặc biệt, cần thể chế hóa sâu hơn nữa việc trao quyền cho các bên liên quan. Thực hiện cơ chế ngân sách trọn gói hoặc trợ cấp đối ứng trên nguyên tắc khuyến khích tinh thần tự chủ, tự ra quyết định, tự chịu trách nhiệm”, bà Yến đề nghị.

Bà Nguyễn Thị Yến cũng đề xuất Chính phủ tiếp tục thực hiện tốt, có hiệu quả quá trình tái cơ cấu đầu tư công; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của nền kinh tế theo cơ chế thị trường. Trong đó, vốn đầu tư công chỉ tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu và dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn, lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và liên vùng, liên địa phương, các vùng kinh tế trọng điểm. Cùng với đó là việc tăng cường hơn nữa công tác giám sát của Quốc hội, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan của Chính phủ, kiểm toán. Trong đó, chú trọng kiểm tra, thanh tra các nhà tư vấn giám sát bởi trước nay vấn đề này chưa được quan tâm và cũng chưa có thông tin xử lý vi phạm với đối tượng này.Cùng với đó, cần tăng cường công tác theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cụ thể; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công, đánh giá kết quả thực hiện, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, cần theo dõi, đôn đốc chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân dự án; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai kế hoạch đầu tư công, thực hiện dự án; có thể thành lập tổ giải quyết khó khăn, vướng mắc để xử lý kịp thời; chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn hằng năm để thúc đẩy giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư. Đặc biệt, cần nâng cao trách nhiệm minh bạch và giải trình công khai. Các thông tin về dự án đầu tư công phải được công bố công khai, đầy đủ, kịp thời, và chính xác, gồm trách nhiệm của các bên thực hiện dự án, các tài liệu về quản trị dự án...; cần có sự quan tâm về cơ chế hiệu lực để người dân truyền đạt ý kiến của mình, theo phương châm: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

“Ngoài ra, Quốc hội nên ban hành Nghị quyết chuyên đề riêng về việc xây dựng dự án cao tốc mang tính kết nối vùng, liên kết các vùng kinh tế trọng điểm, các vành đai để thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội; có cơ chế đặc thù riêng khi xây dựng các dự án này”, bà Yến kiến nghị.

KHÁNH CHI

 

;
.