Khắc phục tình trạng chậm tiến độ mở lớp đào tạo, bồi dưỡng

Thứ Ba, 27/07/2021, 22:14 [GMT+7]
In bài này
.

Hội đồng Điều hành công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2021-2025 (Hội đồng Điều hành 135) đã họp đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng 6 tháng đầu năm và bàn giải pháp khắc phục tình trạng chậm tiến độ mở lớp bồi dưỡng, tập huấn.

Đối với ngành GD-ĐT, nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn chưa được thực hiện do phụ thuộc vào kế hoạch của Bộ GD-ĐT. Trong ảnh: Đại biểu, GV các trường THCS tập huấn chương trình SGK lớp 6 mới.
Đối với ngành GD-ĐT, nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn chưa được thực hiện do phụ thuộc vào kế hoạch của Bộ GD-ĐT. Trong ảnh: Đại biểu, GV các trường THCS tập huấn chương trình SGK lớp 6 mới.

Hơn 500 lớp đào tạo, bồi dưỡng chậm tiến độ

Ông Huỳnh Bách Chiến, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Tổ trưởng Tổ giúp việc Hội đồng Điều hành 135 cho biết, tiến độ thực hiện các lớp bồi dưỡng, tập huấn của các cơ quan khối Đảng, mặt trận, đoàn thể và các cơ quan khối nhà nước rất chậm. Hơn 500 lớp trong kế hoạch năm 2021 chưa được tổ chức. Cụ thể, các cơ quan khối nhà nước mới tổ chức được 3 lớp trên tổng số 453 lớp; các cơ quan khối đảng, mặt trận, đoàn thể có 44 lớp theo kế hoạch nhưng chưa tổ chức được lớp nào; Trường Chính trị tỉnh và các huyện, thị, thành ủy chưa phối hợp tổ chức 12 lớp bồi dưỡng cấp ủy cơ sở theo kế hoạch.

Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp trở lại từ cuối tháng 4 đến nay. Các lớp đã xây dựng kế hoạch tổ chức phải tạm hoãn để xây dựng phương án tổ chức chức phù hợp trong điều kiện dịch bệnh. Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung cho công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nên chưa thực hiện mở lớp theo đúng tiến độ. Cùng với đó, việc xây dựng phương án học trực tuyến của một số cơ quan, đơn vị, địa phương gặp khó khăn do một số nội dung mang tính chất thực hành, thực tế nên không thể tổ chức học trực tuyến hoặc học trực tuyến không hiệu quả. Nhiều lớp bồi dưỡng thuộc danh mục phải đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu nên khi đổi sang hình thức học trực tuyến phải dự toán lại kinh phí, thực hiện lại quy trình đấu thầu, mất nhiều thời gian… 

Là một trong những đơn vị gặp khó khăn trong việc mở lớp đào tạo, bồi dưỡng, bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, năm 2021, Sở được mở 118 lớp đào tạo 11 nội dung nhưng nhiều lớp chưa triển khai được do “vướng” kế hoạch đấu thầu. Bên cạnh đó, 93 lớp liên quan chương trình giáo dục phổ thông mới, phụ thuộc vào kế hoạch của Bộ GD-ĐT nên Sở không thể chủ động trong việc triển khai. 

Linh hoạt hình thức tổ chức lớp

Theo ông Huỳnh Bách Chiến, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, có thể xây dựng phương án mở các lớp học trực tuyến. Hiện nay, các lớp bồi dưỡng theo chức danh của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Học viên Chính trị khu vực II đang xây dựng phương án tổ chức theo hình thức trực tuyến qua hệ thống Microsoft Teams để kết nối từng học viên. Các lớp do Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, lớp cao cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng cập nhật kiến thức lãnh đạo, quản lý đối tượng 3 cũng tổ chức giảng dạy trực tuyến… Còn các lớp khó áp dụng hình thức trực tuyến thì có thể chia nhóm nhỏ để thực hiện bồi dưỡng. Đồng thời, ông Huỳnh Bạch Chiến đề xuất các đơn vị rà soát lại một số lớp, nếu thấy chưa cần thiết thì làm văn bản trình cơ quan thường trực hội đồng tổng hợp, báo cáo hội đồng điều hành, Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho chủ trương không tổ chức hoặc chuyển sang kế hoạch năm 2022.

Ông Lưu Tài Đoàn, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng, giải pháp cho vấn đề này chính là sự quyết tâm thực hiện và trách nhiệm của người đứng đầu. “Yếu tố chủ quan là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới việc chậm trễ mở lớp đào tạo, bồi dưỡng. Nhiều đơn vị đề xuất nhiều lớp nhưng khi được phê duyệt lại không triển khai. Cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị khi xây dựng và triển khai kế hoạch. Các đơn vị rà soát lại những lớp không khả thi thì đề xuất hội đồng để giảm bớt số lượng. Tuy nhiên, những lớp khả thi thì phải xây dựng kế hoạch và quyết tâm thực hiện. Việc điều chỉnh kế hoạch mở lớp đào tạo, bồi dưỡng do hội đồng thông qua, trình Ban Thường vụ quyết định”. Bên cạnh đó, ông Đoàn cũng yêu cầu tăng cường quản lý, giám sát các lớp đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến bằng nhiều hình thức để nâng cao chất lượng.

Ông Ngô Phước Thành, Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, một trong những giải pháp để giải quyết tình trạng chậm tiến độ mở lớp đào tạo, bồi dưỡng là các đơn vị cần xây dựng kế hoạch, dự toán đầy đủ chi tiết, theo đúng quy định của Luật Ngân sách để ngay từ đầu năm có thể bắt tay vào triển khai thực hiện. Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh, năm 2022, các cơ quan, đơn vị phải hoàn thành kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trước ngày 30/7 để Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổng hợp, tránh xây dựng kế hoạch không sát dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung. Cơ quan, đơn vị nào chậm làm kế hoạch thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao đề xuất của các thành viên hội đồng. Ông Phạm Viết Thanh lưu ý, kế hoạch tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng năm 2021 có thể  bổ sung, điều chỉnh, bỏ bớt một số lớp dành nguồn lực cho lớp thực sự quan trọng, cần thiết. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nhất là các lớp bồi dưỡng, không nên phó thác hoàn toàn cho các học viện mà có thể mời lãnh đạo địa phương, sở ngành, thậm chí Thường trực Tỉnh ủy đứng lớp, chia sẻ kinh nghiệm thực tế, cùng học viên trao đổi, thảo luận tình hình của tỉnh, hướng tới bồi dưỡng một cách thực chất… 

HOÀNG DƯƠNG

;
.