Chiều 4/7, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã chủ trì cuộc họp Thường trực UBND tỉnh bàn các giải pháp kiểm soát người ra vào chợ; người qua lại các chốt kiểm tra liên ngành; tình hình phòng chống dịch bệnh trong các KCN và công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh phát biểu tại cuộc họp. |
KIỂM SOÁT, BẢO ĐẢM GIÃN CÁCH
Những ngày qua đã xuất hiện một số ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng có liên quan đến các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh và có nguy cơ lây lan giữa các chợ do tiểu thương đến lấy hàng và di chuyển về nơi mình buôn bán. Do vậy, việc kiểm soát hoạt động mua bán, nguồn hàng, bảo đảm giãn cách tại các chợ được đặc biệt chú trọng.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chủ tịch UBND huyện Long Điền cho biết, huyện đã tạm dừng hoạt động của chợ Long Hải để phục vụ công tác truy vết, phòng chống dịch COVID-19. Mặt khác, huyện đã chỉ đạo các BQL chợ trên địa bàn thực hiện hình thức phát thẻ đi chợ, phân luồng tại các chợ từ ngày 4/7. Theo đó, mỗi gia đình được phát 2 thẻ đi chợ trong 1 tuần, bảo đảm giãn cách, không tập trung đông người ở chợ.
Tương tự, ông Hoàng Nguyên Dinh, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cũng cho biết, từ sáng 3/7, huyện đã yêu cầu bắt buộc khai báo y tế và thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế đối với tất cả người dân và tiểu thương vào chợ Kim Long (xã Kim Long) và chợ Bình Trung (xã Bình Trung). Đồng thời, huyện đã yêu cầu từng tiểu thương viết cam kết về đơn vị cung cấp hàng, nguồn hàng và xây dựng kế hoạch xét nghiệm đối với 2.000 tiểu thương của 14 chợ trên địa bàn.
Còn ông Trần Vinh Quang, Chủ tịch UBND TP. Bà Rịa thông tin, thành phố đã tăng cường công tác khai báo y tế, nhất là tại các chợ; có phương án phát phiếu khai báo y tế trước khi vào chợ; yêu cầu các tài xế chở hàng hóa di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh về phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, đồng thời đề xuất có dịch vụ xét nghiệm trả phí đối với các nhà xe trên địa bàn.
QUẢN LÝ CHẶT LAO ĐỘNG NGOẠI TỈNH
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng BQL các KCN tỉnh cho hay, đến ngày 3/7, trong các KCN đã phát hiện 5 ca F1, được đưa đi cách ly tập trung và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Trên địa bàn tỉnh có 13/15 KCN đang hoạt động với 64.418 người lao động, trong đó có 1.590 lao động là người nước ngoài làm việc tại 370 DN; 33.565 lao động ngoại tỉnh (1.560 lao động từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai). Trong đó, khoảng 80% lao động thường xuyên đi về hàng ngày từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đã được các DN bố trí cho làm việc online tại nhà hoặc thuê khách sạn, phòng trọ lưu trú gần khu vực nhà máy, công ty.
Các DN đã tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt thông tin người lao động, yêu cầu khai báo y tế; đồng thời hạn chế cử cán bộ, nhân viên, người lao động đi công tác ra ngoài tỉnh. Các DN có tổ chức nhà ăn tập thể cho người lao động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như: làm vách ngăn tại bàn ăn giữa 2 người, giảm số lượng người ngồi cùng bàn, chia thành các nhóm nhỏ khi ngồi tập trung. Một số DN tạm ngưng tổ chức ăn tập trung. Các DN phối hợp với tổ chức công đoàn thành lập 273 Tổ an toàn COVID-19 tại từng phân xưởng, đạt gần 70% số lượng DN đang hoạt động. Các Tổ an toàn COVID-19 đã phát huy vai trò, hiệu quả trong việc hỗ trợ BCĐ phòng, chống COVID-19 tại DN.
Về công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn, bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, trong ngày 4/7, ngành GD-ĐT phối hợp ngành y tế đã hoàn thành xét nghiệm SARS-CoV-2 cho hơn 15 ngàn thí sinh, cán bộ, GV làm công tác thi tại 22 điểm thi của tỉnh. Sở cũng có phương án bố trí cho các thí sinh thuộc diện từ F0 đến F2 thi tốt nghiệp đợt 2; thí sinh là đối tượng F3 sẽ bố trí phòng thi dự phòng. Các điểm thi không tổ chức khai mạc, không tập trung toàn bộ thí sinh, thay vào đó thực hiện đo thân nhiệt và phân luồng ngay từ cổng trường.
Tại cuộc họp, đại diện Công an tỉnh và Sở Y tế cũng báo cáo về công tác kiểm tra, giám sát người ra vào tỉnh qua các chốt liên ngành. Cụ thể, tỉnh đã thành lập 6 chốt tại các tuyến quốc lộ để kiểm tra người, ra vào tỉnh. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân như lưu lượng xe nhiều, thiếu nhân lực nên đã xảy ra tình trạng ùn tắc tại 3 chốt trên QL51. Do vậy, các đại biểu đề xuất tăng cường lực lượng ĐVTN hỗ trợ khâu khai báo ở các trạm; gắn logo đã kiểm soát đối với các phương tiện đã kiểm tra y tế có giá trị trong vòng 7 ngày để giảm lượng ùn tắc tại các chốt này.
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thọ đề nghị ngành GD-ĐT xây dựng kịch bản chi tiết, bảo đảm tuyệt đối an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT. BQL các KCN tỉnh kiểm soát chặt hoạt động đưa đón, nơi ăn ở của người lao động, đặc biệt là lao động từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai thường xuyên đi về mỗi ngày phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Các chợ trên địa bàn phải thực hiện nghiêm quy định 5K phòng dịch COVID-19, phân luồng cụ thể; tăng cường kiểm soát khu vực bãi đậu xe. Việc tập kết hàng hóa phải xây dựng kịch bản và quy trình quản lý chặt chẽ; nghiên cứu phương án bán hàng lưu động bảo đảm phòng, chống dịch.
Đối với các chốt kiểm dịch, các sở, ngành, địa phương cần bảo đảm điều kiện tốt nhất cho các lực lượng làm nhiệm vụ; rà soát, bổ sung thêm lực lượng thanh niên, dân phòng cho các chốt cũng như tăng cường công tác phối hợp làm nhiệm vụ giữa các chốt, các địa phương.
“Nhân dân không nên hoang mang, cần đồng lòng cùng các cấp chính quyền thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch. Các ngành, các địa phương thường xuyên cập nhật, phân tích thông tin và có dự báo để ứng xử phù hợp và giải pháp xử lý kịp thời các tình huống. Việc chống dịch ở một số địa điểm trọng yếu như chợ, KCN, chốt kiểm tra người ra vào tỉnh là đặc biệt quan trọng vì đây là những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, hậu quả cũng sẽ nặng nề khi nếu có ca nhiễm”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Bài, ảnh: AN NHIÊN