Nhắc đến những ngày đầu bám trụ tại nhà giàn DK1, ấn tượng trong tâm trí của những người như Thượng tá Nguyễn Văn Nam, Trung tá Bùi Xuân Bổng, Trung tá Trần Văn Dũng dường như vẫn vẹn nguyên cho đến ngày hôm nay.
Nhà giàn DK1/21 sừng sững giữa biển khơi. |
VƯỢT KHÓ NHẬN NHIỆM VỤ
Trong căn nhà tại địa chỉ 1096 đường 30/4 phường 11, TP. Vũng Tàu, Thượng tá Nguyễn Văn Nam kể với chúng tôi bằng chất giọng trầm ngâm, chậm rãi: “Mùa hè năm 1989, khi đang giữ quân hàm Đại úy, tôi nhận nhiệm vụ chỉ huy đội quân 13 chiến sĩ ra chốt giữ nhà giàn DK1. Chưa ai hình dung được cuộc sống trên những ngôi nhà giàn mong manh giữa bao la biển trời sẽ như thế nào, nhưng Biển Đông những năm tháng ấy đang “nóng bỏng”. Cũng như bao người lính khác, chúng tôi vẫn vững chí lên đường”.
Con tàu gỗ nhỏ bé mang tên HQ 727 qua 3 ngày 3 đêm hành trình liên tục đã đưa 14 cán bộ, chiến sĩ đến nhà giàn đầu tiên vừa hoàn thành: Phúc Tần. Giữa cái nắng cháy da cháy thịt, giữa tiếng sóng gió gào thét suốt đêm ngày, 14 cán bộ, chiến sĩ trằn mình trong nắng lửa huấn luyện, luyện tập các phương án tác chiến, chuẩn bị sẵn sàng đối phó với mọi tình huống. Những thứ ở đất liền vốn là bình thường như rau xanh và nước ngọt, thì ở nhà giàn cực kỳ hiếm hoi và quý giá. Nước ngọt là món hàng xa xỉ, còn hiếm hơn cả ở Trường Sa. Bởi ở Trường Sa, nước ngọt được các chiến sĩ khơi từ lòng đảo, còn ở nhà giàn DK1 nước ngọt chỉ có thể mang ra từ đất liền hoặc hứng khi mưa.
Nhà giàn Phúc Tần thiết kế kiểu pông tông đặt nổi trên nền đá san hô. Nhà gồm 3 tầng. Dưới tầng công tác là 3 ngăn đựng nước ngọt và dầu hỏa. Bồn chứa nước chỉ hơn 10 khối. Ngần ấy nước cho 14 con người trong 6 tháng trời ròng rã, chỉ rửa tay thôi cũng không đủ, huống hồ nấu ăn, tắm, rửa. Còn rau xanh thì chưa biết trồng thế nào. Thức ăn chính hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ vẫn là thịt hộp và rau muống phơi khô đóng thành bao tải do quân nhu cấp gửi từ đất liền ra.
Do nhà có kết cấu dạng pông tông đặt trên nền san hô, cách mặt nước 7m, nên chỉ cần sóng cấp 4 hoặc dòng nước chảy mạnh là khối pông tông đã bị xê dịch, bập bềnh trôi trong nước. Sau 3 ngày xây dựng xong, sóng lớn đã đánh vỡ toàn bộ phần pông tông, bồn nước ngọt và bồn dầu hỏa. Để bảo đảm an toàn, cấp trên lệnh rút toàn bộ cán bộ, chiến sĩ về đất liền.
Một tháng sau, ông Nam cùng 13 cán bộ, chiến sĩ đem theo 20 phi nước ngọt và 5 phi dầu hỏa theo tàu quay lại nhà giàn Phúc Tần chốt giữ. Nước ngọt được chia mỗi người 6 lít/ngày cho cả tắm rửa. Nước tắm, giặt xong dùng để tưới rau, miễn là không nhiễm xà bông và nước mặn. Các anh cũng bắt đầu trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn. Các anh dùng gỗ tạp đóng thành những chiếc máng rồi trồng rau trên đó. Dù chăm sóc, che chắn rất kỹ nhưng do nhiễm hơi mặn từ nước biển nên rau mới nảy mầm đã thối gốc hoặc lên được 2 lá thì chết lụi…
Với 34 năm tuổi quân, 20 năm công tác ở DK1, đầu năm 2009, ông Nam được nghỉ hưu với cấp hàm Thượng tá. Trở về với cuộc sống đời thường, ông vẫn giữ vững phẩm chất của người lính Cụ Hồ cương nghị trong công việc, sâu nặng nghĩa tình với đồng đội và bà con lối xóm.
Trung tá Bùi Xuân Bổng (phải) kể về những kỷ niệm với Nhà giàn DK1 trong quãng thời gian công tác. |
TRỌN ĐỜI GẮN BÓ VỚI NHÀ GIÀN
Trung tá Bùi Xuân Bổng vốn là sĩ quan pháo phòng không. Tháng 2/1989, ông được Bộ Quốc phòng điều động tăng cường cho Hải quân. Ông Bổng cũng là một trong những người đầu tiên nhận nhiệm vụ tại nhà giàn và gắn bó với nơi này suốt 20 năm. Ông Bổng kể: “Mỗi lần hoàn thành tốt nhiệm vụ, khi trở về thấy rất tự hào. Đến giờ, tôi vẫn mong muốn tiếp tục được công tác ở nhà giàn vì tôi hiểu đóng góp của mình dù nhỏ bé nhưng có ý nghĩa với Tổ quốc, với nhân dân”.
Theo ông Bổng, nếu so sánh thế hệ nhà giàn hôm nay với thế hệ nhà giàn đầu tiên thì quả là ngoài tầm mơ ước. Thức ăn lúc đó chủ yếu là rau muống luộc phơi khô và đồ hộp mang ra từ đất liền để dùng dần. “Sóng lớn, toàn bộ khoang nước ngọt dưới hầm bị nhiễm mặn hòa lẫn với gỉ sét. Nhiều lúc anh em phải dùng áo căng lên mặt xô, lọc lấy nước trong để nấu cơm. Khi tắm chỉ tắm bằng nước biển rồi tráng người bằng nước ngọt”, ông Bổng kể.
Ngày ấy, việc quan sát mặt biển chủ yếu là bằng mắt thường và kinh nghiệm thực tiễn chứ không có phương tiện hiện đại như bây giờ. Do vậy, cán bộ, chiến sĩ phải ngày đêm căng mắt quan sát để phát hiện mục tiêu từ xa, sẵn sàng chiến đấu khi có lệnh. Những năm đó, phương tiện duy nhất để nắm tin tức đất liền là chiếc radio nhưng chỉ dùng được một thời gian là lại hư, trong khi sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam cũng chập chờn lúc có lúc không.
Trung tá Trần Văn Dũng, nguyên chính trị viên Tiểu đoàn DK1 (giai đoạn 1989-1998) cho biết, cách đây 30 năm, ông và các đồng đội đã được cấp trên giao nhiệm vụ “phải giữ bằng được chủ quyền ở vùng biển thềm lục địa phía Nam. Nếu không giữ được thì có tội với cha ông, với nhân dân”. Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ đó, suốt 30 năm qua, các thế hệ người lính nhà giàn luôn sống, chiến đấu theo mệnh lệnh “còn người, còn nhà giàn”. Dẫn chứng về những ngày đầu gian khó, ông kể: “Xa đất liền, thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh, thiếu phương tiện liên lạc, sóng gió luôn rình rập... Nhưng người lính nhà giàn luôn đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ nhau như anh em ruột thịt để cùng hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó”, ông Dũng tâm sự.
Có lẽ không giấy mực nào tả hết những gian lao, khó nhọc, hy sinh thầm lặng của người lính nhà giàn DK1. Đối với họ, những gian lao khó nhọc đó là rất nhỏ bé để mang lại sự bình yên cho nhân dân, vì sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.
Bài, ảnh: MINH NHÂN
(Còn nữa)