DK1 - Những cột mốc chủ quyền trên biển

Kỳ 1: Những "pháo đài" vững chắc trên biển

Chủ Nhật, 11/07/2021, 20:30 [GMT+7]
In bài này
.

32 năm trước, lực lượng Hải quân và Công binh được giao một nhiệm vụ đặc biệt: khảo sát vị trí để xây dựng nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Nhận nhiệm vụ, các cán bộ, chiến sĩ trên những con tàu đơn sơ đã khắc phục khó khăn, gian khổ tìm “đất” xây dựng nhà giàn trên biển. Từ đó đến nay, những nhà giàn cắm chân giữa trùng khơi đã trở thành biểu tượng khẳng định cột mốc chủ quyền trên biển.

Cấu kiện của nhà giàn được chuyển từ đất liền, thi công bằng cẩu giữa biển động, sóng lớn.
Cấu kiện của nhà giàn được chuyển từ đất liền, thi công bằng cẩu giữa biển động, sóng lớn.

VỊ TRÍ QUAN TRỌNG

Vùng biển do DK1 quản lý nằm ở phía Đông bờ biển Nam Bộ, trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Phía Đông giáp quần đảo Trường Sa, phía Nam giáp vùng biển Malaysia, Indonesia, phía Tây là vùng biển quần đảo Côn Sơn và vùng biển Tây Nam. Đây là khu vực có nguồn hải sản phong phú, với trữ lượng lớn mà Việt Nam đã và đang khai thác. Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của khu vực biển DK1 và tình hình phức tạp trên Biển Đông, tháng 9/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ra Chỉ thị số 180/CT về việc xây dựng cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ tại khu đá ngầm, thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và gọi tắt là DK1.

 Nhà giàn DK1/20.
Nhà giàn DK1/20.

Ngay sau khi có quyết định của Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Tư lệnh Công binh thăm dò, khảo sát và tiến hành xây dựng nhà giàn trên các bãi san hô ngầm. Tháng 11/1988, biên đội tàu HQ-713 và HQ-668 cùng đoàn khảo sát đã vượt sóng ra thềm lục địa. Thượng tá Nguyễn Tiến Cường, nguyên thuyền trưởng Tàu HQ-668 của Lữ đoàn 171 năm xưa cho biết: “Phương tiện duy nhất để tìm vị trí đặt nhà giàn chỉ là chiếc la bàn từ, 2 cuộn dây, 6 cây sào tre để đo độ sâu”.

Sau gần 7 tháng khảo sát, tháng 5/1989, các biên đội tàu của Lữ đoàn 171 và Hải đoàn 129 phối hợp với tàu kéo chuyên dụng của Bộ GT-VT bắt đầu chở khung nhà giàn cùng vật liệu, sắt thép vượt sóng ra bãi cạn Phúc Tần. Sóng gió, nắng cháy bỏng da như thử thách sức chịu đựng của con người, nhưng những người thợ đóng giàn ngành dầu khí cùng các chiến sĩ công binh vẫn chia ca làm việc 24/24 giờ để chạy đua với thời gian nhằm hoàn thành công trình cho kịp trong mùa biển lặng.

THI CÔNG  TRONG ĐIỀU KIỆN ĐẶC BIỆT

Đại tá Nguyễn Quý, nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật (Bộ Tư lệnh Công binh), nguyên Trưởng Ban Xây dựng DK1 đầu tiên giai đoạn 1990-1996 kể, để dọn bãi đặt chân đế pông-tông, những người thợ lặn đeo bình ôxy, mặc áo nhái lặn sâu xuống đáy biển, dùng vật chuyên dùng san phẳng bãi san hô rồi khoét sâu một ô rộng chừng 60m2 để đặt khối pông-tông vào đó. Khối pông-tông kết cấu bằng thép, bán kính chừng 16m, bơm đầy xi măng vào trong, đánh chìm xuống đáy. Những người thợ lặn vừa phải chống chọi với dòng chảy, vừa “lái” khối pông-tông vào đúng cái ô đã được đào sẵn. Kết nối giữa khối pông-tông và 4 cọc cắm sâu vào san hô là 4 sợi dây xích siêu bền, chịu được sóng to, dòng chảy mạnh. Công đoạn thứ 2 là kết nối pông-tông và khối thượng tầng. Những người lính công binh lại ngụp lặn trong lòng biển để làm những công việc “độc nhất vô nhị” này.

Sau hơn 1 tháng chạy đua với sóng gió, ngày 10/6/1989, nhà giàn đầu tiên với tên gọi Phúc Tần rộng khoảng 25m2, nặng 250 tấn, cao 45m đã “mọc” lên giữa Thềm lục địa phía Nam, là “cột mốc chủ quyền quốc gia đặc biệt trên biển”, tiên phong chốt giữ thềm lục địa, nơi tiền tiêu của Tổ quốc.

Tiếp nối thành công của nhà giàn Phúc Tần, giai đoạn 1989-1998 các nhà giàn từ DK1/1, DK1/3, DK1/4... đến DK1/21 lần lượt được dựng lên ở các bãi Huyền Trân, Quế Đường và Cà Mau. Những nhà giàn sừng sững giữa biển khơi với những chiếc chân cắm sâu vào lòng biển đã trở thành cột mốc sống khẳng định chủ quyền Tổ quốc trên Biển Đông. 

Các nhà giàn đến nay đã trải qua nhiều thế hệ. Đầu tiên là “chiếc phao lớn” làm bằng kim loại neo đậu trên nền đá san hô, tiếp đến là khung nhà liên kết với chân đế vững chắc hơn nhưng sóng to bão lớn vẫn thường xuyên bị chìm xuống đáy biển. Thế hệ thứ hai là nhà giàn có 4 cọc kim loại cắm xuống nền đá san hô và bê tông cứng, bên trên là 2 tầng nhà. Và hôm nay, nhà giàn thế hệ thứ ba có 6 cọc kim loại vững chãi, phía trên là 3 tầng nhà, dựng song song, nối với nhà giàn thế hệ thứ hai bằng một cây cầu thép dài khoảng 50m. Một số nhà giàn còn thiết kế bãi đậu trực thăng trên nóc...

Hiện nay, trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc có 15 Nhà giàn DK1 ở các bãi cạn Ba Kè, Huyền Trân, Quế Đường, Phúc Nguyên, Tư Chính, Cà Mau. Nhà giàn xa đất liền nhất là nhà giàn Ba Kè C, cách đất liền khoảng 630km; nhà giàn DK1/10 (bãi cạn Cà Mau, tỉnh Cà Mau) cách mũi Cà Mau gần 200km, cách tỉnh An Giang 385km.

Bài, ảnh: MINH NHÂN

(Còn nữa)

 

;
.