Thể hiện tình yêu và trách nhiệm với quê hương
Cuộc thi tìm hiểu “Bà Rịa-Vũng Tàu 30 năm xây dựng và phát triển 1991-2021” được phát động từ 30/11/2020 đến 30/3/2021. Cuộc thi thu hút đông đảo thí sinh từ nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trong và ngoài tỉnh, trở thành đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa có ý nghĩa thiết thực, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong nhân dân. Từ 9.141 bài gửi về dự thi, Ban tổ chức đã trao 49 giải thưởng cho các cá nhân, tập thể có bài dự thi xuất sắc.
Ông Nguyễn Quang Phi, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử tỉnh, thành viên Ban Giám khảo chấm giải bài dự thi tìm hiểu “Bà Rịa - Vũng Tàu 30 năm xây dựng và phát triển 1991-2021”. |
9.141 BÀI DỰ THI
Sau 4 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được 9.141 bài từ 21 cơ quan đơn vị, địa phương. Người dự thi đủ mọi thành phần, độ tuổi trong xã hội, từ cán bộ, đảng viên, CCVC, HSSV, lực lượng vũ trang đến những người lao động. Người lớn tuổi nhất là 91 tuổi và người nhỏ tuổi nhất là 12 tuổi.
Ông Nguyễn Quang Phi, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử tỉnh, thành viên Ban Giám khảo cuộc thi chia sẻ: “Chúng tôi rất bất ngờ khi nhận được số lượng bài dự thi nhiều đến vậy. Đáng mừng hơn, phần lớn bài dự thi đều được đầu tư công phu về trí tuệ, tìm hiểu, nghiên cứu sâu, cách hành văn trong sáng, súc tích, khái quát cô đọng nội dung, biết dùng hình ảnh, tư liệu, đồ họa làm cho nội dung thêm sinh động, sâu sắc”.
Trong đó, nhiều bài dự thi còn làm phép so sánh từ khi thành lập tỉnh (1991) và hiện nay để nêu bật những thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh trong 30 năm qua. Kết quả cuộc thi rất đáng biểu dương, cụ thể trên 80% bài dự thi trả lời đúng 7/7 câu hỏi trắc nghiệm về các kiến thức lịch sử Đảng bộ tỉnh; 100% bài dự thi trả lời đạt từ 40% đến 95% nội dung yêu cầu của 3 câu hỏi tự luận.
Ban Giám khảo đã chọn trao tổng cộng 49 giải thưởng cho các tập thể, cá nhân dự thi. Trong đó: 1 giải Nhất; 2 giải Nhì; 3 giải Ba; 29 giải Khuyến khích; 1 giải người nhỏ tuổi nhất và 1 giải người cao tuổi nhất; 6 giải bài dự thi đầu tư công phu về hình thức. Điều lệ quy định cuộc thi chỉ dành cho đối tượng sinh sống, làm việc tại tỉnh BR-VT nhưng để khuyến khích cho những bài thi của người dự thi ngoài tỉnh, Ban tổ chức đã quyết định trao tặng 3 giải thưởng: 2 giải cho người ngoài tỉnh có bài dự thi tốt nhất và 1 giải thưởng cho người ngoài tỉnh có tuổi đời nhỏ nhất. Đồng thời, Ban tổ chức cũng trao giải Nhất tập thể cho huyện Châu Đức với 1.489 bài dự thi, đoạt 14 giải thưởng cá nhân; giải Nhì tập thể cho Sở GD-ĐT (3.014 bài dự thi, đoạt 5 giải thưởng cá nhân); giải Ba tập thể cho TP. Vũng Tàu (4.186 bài dự thi, đoạt 2 giải thưởng cá nhân). |
TẠO SỨC LAN TỎA SÂU RỘNG
Theo ông Nguyễn Quang Phi, trong suốt quá trình nhận bài thi và chấm thi, Ban Giám khảo đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Nhiều bài thi rất công phu, đồ sộ, hình thức đẹp, dàn trang hài hòa, in màu, sử dụng hình ảnh, tư liệu, biểu đồ phù hợp với từng nội dung của câu hỏi, chứng tỏ sự quan tâm, đầu tư nghiêm túc của người tham dự, tạo sự hứng khởi và bất ngờ thú vị cho Ban Giám khảo.
Thông qua cuộc thi, nhận thức của các tầng lớp nhân dân được nâng lên. Người dự thi không chỉ hiểu đầy đủ hơn về lịch sử hình thành từ xứ Mô Xoài xưa đến BR-VT ngày nay mà còn thấy được rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quản lý, tổ chức thực hiện của chính quyền, công tác vận động quần chúng của UBMTTQVN tỉnh và đoàn thể các cấp, cùng sự nỗ lực, sáng tạo của nhân dân đã đưa tỉnh nhà vươn lên về kinh tế, văn hóa, xã hội, trở thành một cực phát triển của đất nước, luôn đứng trong tốp đầu của cả nước, tạo niềm tự hào cho nhân dân.
Bà Đỗ Thị Nguyệt Hương, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi đúc rút: Trong câu hỏi trắc nghiệm, đa số người dự thi đánh giá cao và đồng tình với 10 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra nhằm phát triển BR-VT thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao đồng thời tiếp tục là tỉnh đứng trong tốp đầu cả nước về GRDP bình quân đầu người.
Đặc biệt, người dự thi đã nhận thức đầy đủ những lợi thế so sánh của tỉnh nhà, bộc lộ được tình yêu, sự gắn bó với quê hương, đất nước và trách nhiệm của công dân đang sinh sống, làm việc tại BR-VT thông qua đề xuất những giải pháp thiết thực, tâm huyết trong các câu hỏi tự luận. Những đề xuất này có ý nghĩa thực tiễn lớn với mục đích xây dựng quê hương thêm giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tiếp tục đưa BR-VT thành nơi đáng sống.
Bài, ảnh: HUYỀN TRANG