Năm 2030, phấn đấu đưa vào khai thác 5.000km đường cao tốc

Thứ Ba, 08/06/2021, 20:17 [GMT+7]
In bài này
.

Chiều 8/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến với 48 tỉnh, thành phố có đường cao tốc đi qua về Đề án thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. 

Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Nguyễn Thị Yến,  Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư  Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự tại điểm cầu BR-VT.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự tại điểm cầu BR-VT.

Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự tại điểm cầu BR-VT.

Theo Bộ GT-VT, giai đoạn 2001-2010, cả nước chỉ đưa vào khai thác được 89 km đường bộ cao tốc. Trong giai đoạn 2011-2020, đã thực hiện đưa vào khai thác thêm 1.074km (gấp hơn 10 lần giai đoạn 2001-2010) nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc của nước ta đến hết năm 2020 lên 1.163km; qua đó, đã mang lại hiệu quả rõ rệt về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường; đường bộ cao tốc mở ra đến đâu tạo không gian phát triển kinh tế - xã hội đến đó. Các địa phương khai thác được quỹ đất, phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ, du lịch; rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải; tạo động lực mới để chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các vùng miền, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm với các địa phương còn khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, góp phần quan trọng thay đổi diện mạo của đất nước trong giai đoạn vừa qua.

Mục tiêu chung phấn đấu đến năm 2030 đưa vào khai thác trên 5.000km đường bộ cao tốc. Trong đó, ưu tiên tập trung hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc vành đai đô thị tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và miền núi phía Bắc. Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025: phấn đấu hoàn thành khoảng 1.800km, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên khoảng 3.000km. Đến giai đoạn 2026 - 2030: phấn đấu hoàn thành khoảng 2.000km, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên khoảng 5.000km. Nhu cầu vốn triển khai đầu tư các dự án đường bộ cao tốc đến năm 2030 khoảng 813 nghìn tỷ đồng.

Dự kiến sẽ có 34 tuyến với hơn 1.800km hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025; trong đó có dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu qua tỉnh Đồng Nai và BR-VT có tổng chiều dài 54km, chạy song song với tuyến QL. 51. Điểm đầu tuyến nối với tuyến tránh QL.1 đoạn qua TP.Biên Hòa (Đồng Nai), điểm cuối giao với tuyến tránh TP. Bà Rịa (Quốc lộ 56). Quy mô dự kiến đầu tư cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu như sau: đoạn từ TP. Biên Hòa - Long Thành (nút giao với đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây) và đoạn từ Tân Hiệp đến Quốc lộ 56 có 4 làn xe cao tốc, riêng đoạn Long Thành - Tân Hiệp (giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành) là 6 làn xe cao tốc. Dự án được đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư 18.805 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước hỗ trợ dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 6.722 tỷ đồng và vốn nhà đầu tư huy động là hơn 12.083 tỷ đồng. 

Tin, ảnh: AN NHIÊN

;
.