Sáng 15/6, tại Nhà Quốc hội, với sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 57.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn |
HOÀN THÀNH TOÀN BỘ CHƯƠNG TRÌNH PHIÊN HỌP
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sau 1,5 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc và hết sức trách nhiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên họp; trong đó xem xét, cho ý kiến 6 nội dung và thông qua 1 nghị quyết về công tác nhân sự.
Ngay sau phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan và các cá nhân có liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến tại các phiên họp, các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với từng nội dung để hoàn chỉnh văn bản trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, do có nhiều đại biểu mới tham gia Quốc hội lần đầu nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất dành một buổi riêng để làm các thủ tục Phiên họp trù bị và dự kiến sẽ khai mạc Kỳ họp vào ngày 20/7 tới. Chương trình Kỳ họp thứ nhất cũng được tiến hành theo phương thức tập trung hoàn thành toàn bộ công tác nhân sự rồi mới tiến hành các nội dung về kinh tế, xã hội và các nội dung khác.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nhiệm vụ quan trọng nhất sắp tới là tổ chức thành công Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Đây là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ với nhiều nhiệm vụ trọng tâm cần xem xét, quyết định. Thời gian từ nay đến khai mạc kỳ họp không còn nhiều, trong khi còn rất nhiều việc phải tiến hành. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan chủ động phối hợp rà soát, tích cực chuẩn bị các nội dung thuộc trách nhiệm của mình, bảo đảm chất lượng, sớm gửi tài liệu đến các đại biểu Quốc hội, nhất là kỳ họp tới có nhiều đại biểu Quốc hội mới lần đầu tham gia nên sẽ cần nhiều thời gian hơn để nghiên cứu tài liệu.
Sau Phiên họp thứ 57, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ họp một phiên nữa để xem xét các nội dung còn lại sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ nhất, trong đó có những nội dung quan trọng liên quan đến các kế hoạch 5 năm như kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm, kế hoạch tài chính, ngân sách 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm… Chính phủ cũng đề xuất thêm 2 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, về giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, chuẩn bị các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 7 tới.
ĐẨY MẠNH GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG
Sáng cùng ngày, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021.
Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2021 của Chính phủ cho thấy, mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, tình hình kinh tế, xã hội 5 tháng đầu năm tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nổi bật là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,16% so với tháng trước, bình quân 5 tháng tăng 1,29%, thấp nhất kể từ năm 2016, tạo dư địa trong điều hành giá trong mục tiêu dưới 4% đã đề ra…
Bên cạnh đó, các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, sự kiện chính trị, văn hóa, đối ngoại quan trọng của đất nước được thực hiện tốt. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển, nâng cao vị thế của đất nước.
Một trong những hạn chế, tồn tại được Chính phủ thẳng thắn chỉ rõ, đó là đến hết tháng 5/2021 còn 15,6% vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương chưa được các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phân bổ chi tiết do phải chờ thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Trung ương 5 tháng đầu năm 2021 còn chậm, đạt 22,12% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (25,98%), trong đó vốn nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt 2,97%. Nguyên nhân một phần là do xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm, một phần còn do tâm lý ngại giải ngân, thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu; tính chất đặc thù của chi đầu tư đòi hỏi phải có quá trình thực hiện, tích lũy giá trị khối lượng hoàn thành mới thực hiện các thủ tục giải ngân vốn tại kho bạc.
Giải pháp để khắc phục tình trạng trên trong 6 tháng cuối năm được Chính phủ báo cáo tại phiên họp là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ những vướng mắc thể chế đầu tư công, xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng… Người đứng đầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, rà soát tiến độ, kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA; kiên quyết xử lý cán bộ có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm; lấy kết quả giải ngân vốn của các đơn vị năm 2021 là tiêu chí để đánh giá xét thi đua và đánh giá hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của người đứng đầu; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.
THÚC ĐẨY KINH TẾ TĂNG TRƯỞNG
Nêu quan điểm về đầu tư công, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chỉ rõ, trong lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, yêu cầu chi tiêu của doanh nghiệp, người dân đều giảm thì Nhà nước đóng vai trò đẩy mạnh chi tiêu, đặc biệt là đầu tư công.
Nói cách khác, đầu tư công là "bệ đỡ" cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Trong nhiệm kỳ khóa XIV, giải ngân đầu tư công là vấn đề được Quốc hội hết sức quan tâm và có nhiều giải pháp đồng hành với Chính phủ. Quốc hội đã phê duyệt rất nhiều dự án lớn, sửa nhiều quy định pháp luật liên quan, ban hành các nghị quyết tháo gỡ cho dự án, công trình quốc gia. Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án lớn như đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sân bay Long Thành... đến nay vẫn rất chậm.
Nhất trí với yêu cầu của Thường trực Ủy ban Kinh tế, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, bộ, ngành trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các dự án đầu tư công lớn, có sức lan tỏa.
Báo cáo thẩm tra cần thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm lớn để một mặt bảo đảm tránh xảy ra những hệ lụy tiêu cực, rủi ro, một mặt bảo đảm việc thực hiện đúng tiến độ như đã được phê duyệt, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.
HOÀNG HOA