Xây dựng chính quyền điện tử được tỉnh BR-VT xác định là nhiệm vụ trọng tâm và đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo.
Chính quyền điện tử là chính quyền ứng dụng CNTT và truyền thông nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước và phục vụ tốt hơn cho người dân và DN. Trong ảnh: Kỹ sư VNPT kiểm tra hệ thống CNTT của trạm BTS. |
NGƯỜI DÂN LÀ TRUNG TÂM
Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, người dân có thể chụp hình hoặc quay phim những vấn đề bất cập gặp phải trong cuộc sống như: thái độ phục vụ của CBCC; hồ sơ chậm trễ… Sau đó gửi những nội dung này vào hệ thống “Phản ánh hiện trường” để chính quyền tiếp nhận và xử lý một cách tiện lợi. Phản ánh sẽ được Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP. Vũng Tàu (IOC) xác minh và chuyển đến cơ quan chuyên môn có thẩm quyền xử lý tức thời. Kết quả xử lý sẽ được công bố trên trang thông tin điện tử Phản ánh hiện trường và ứng dụng VungtauIOC.
Theo ông Hoàng Vũ Thảnh, Quyền Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu, là thành phố đầu tiên đưa vào thử nghiệm trung tâm điều hành đô thị thông minh, với mô hình này, thành phố đã xác định vị trí “người dân là trung tâm”. Do đó, người dân được thụ hưởng các ứng dụng tiến bộ của CNTT trong việc giải quyết TTHC, xử lý các phản ánh nhanh chóng.
Cũng như TP. Vũng Tàu, nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng xác định CCHC gắn với xây dựng chính quyền điện tử, hiện đại hóa nền hành chính phục vụ nhân dân là khâu đột phá, nhiệm vụ xuyên suốt nhằm xây dựng các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh vững mạnh và hiệu quả. UBND huyện Long Điền là đơn vị dẫn đầu trong thực hiện công tác CCHC khối huyện, thị xã, thành phố về chỉ số tiếp cận CNTT (ICT Index) năm 2020. Hiện nay, UBND huyện đã xây dựng và ban hành các sáng kiến, giải pháp cải cách TTHC với các mô hình: “3 hơn: năng động hơn, trách nhiệm hơn và hiệu quả hơn”; “Tổ chức hội nghị đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn với UBMTTQVN, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ dân cư và đại diện các tầng lớp nhân dân về nâng cao hiệu quả công tác CCHC”, “Ngày không hẹn”, “Xây dựng clip tuyên truyền bộ TTHC hướng dẫn thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 trên mạng Internet (Website, Youtube)… Ngoài ra, đơn vị đã đưa vào vận hành phần mềm nhắn tin thông báo điều hành và thông báo kết quả giải quyết TTHC cho người dân, DN.
Trong khi đó, tại Sở TN-MT, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, ngành TN-MT được chọn là 1 trong 7 lĩnh vực đầu tiên phải có trong mắt xích của “đô thị thông minh, chính quyền điện tử”. Vì vậy, năm 2021 sở sẽ đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích và môi trường mạng mức độ 3, 4; triển khai thanh toán phí, lệ phí và các chi phí khác để người dân, DN thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong ngành TN-MT, hoàn thành xây dựng và trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án “Xây dựng, triển khai các dịch vụ, tiện ích quản lý tài nguyên, môi trường thông minh”. Đầu tháng 5 vừa qua, Sở TN-MT tỉnh là đơn vị đầu tiên trong cả nước đưa vào ứng dụng “cấp giấy chứng nhận không biên giới” cho người dân và DN khi muốn thực hiện các thủ tục về quyền sử dụng đất.
NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ ĐỘT PHÁ
Những năm gần đây, BR-VT luôn xếp thứ hạng cao của cả nước về các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT (ICT Index), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)… Đặc biệt, trong năm 2020, BR-VT xếp vị trí thứ 7 chỉ số ICT Index, xếp vị trí thứ 11 chỉ số PAPI và xếp vị trí thứ 15 chỉ số PCI. Có được kết quả này là nhờ thời gian qua tỉnh BR-VT đã quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình thúc đẩy ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh đã đưa vào vận hành trung tâm tích hợp, nền tảng chia sẻ, kết nối dữ liệu của tỉnh; 21 cơ quan hành chính thuộc tỉnh, 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 82 đơn vị hành chính cấp xã đã thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông (đạt 100%). Bên cạnh đó, dịch vụ công mức độ 3, 4 trên môi trường mạng đã được thực hiện tại 18/18 sở, ban, ngành, 8/8 huyện, thị xã, thành phố và 82/82 đơn vị cấp xã.
Bộ phận tiếp nhận thông tin của người dân tại Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP.Vũng Tàu. |
Theo Sở TT-TT, lợi ích căn bản mà chính quyền điện tử đã mang lại là làm tăng hiệu quả làm việc của các cơ quan và chính quyền các cấp; tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước được nâng lên. Đặc biệt, người dân và DN được các cơ quan quản lý nhà nước cung cấp thông tin, cung cấp dịch vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn thông qua các dịch vụ công trực tuyến, hạn chế tối đa DN và người dân phải đến trực tiếp các cơ quan chính quyền khi thực hiện các thủ tục hành chính. Thông qua hệ thống các ý kiến góp ý, phản hồi của người dân, DN các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục hoàn thiện công tác tổ chức, các quy trình nghiệp vụ... để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước.
Tại hội nghị triển khai chương trình hành động thúc đẩy chuyển đổi số giữa Bộ TT-TT và tỉnh BR-VT (diễn ra cuối tháng 3/25021), Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ đã khẳng định, chuyển đổi số - xây dựng chính quyền điện tử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, có tính đột phá của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025. Tỉnh đã xây dựng “Ðề án phát triển đô thị thông minh tỉnh giai đoạn 2020-2022, định hướng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, BR-VT đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ tích hợp các dịch vụ theo hướng tập trung phục vụ người dân và DN; toàn bộ TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và tích hợp lên cổng dịch vụ công của tỉnh. Đồng thời tỉnh cũng từng bước triển khai kinh tế số, xã hội số trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, như: Du lịch, dịch vụ, cảng biển, tài nguyên và môi trường, y tế, giáo dục, giao thông, đô thị… Ðến năm 2030, tỉnh cơ bản hoàn thiện chuyển đổi số, xây dựng thành công chính quyền điện tử và hình thành mô hình đô thị thông minh.
Bài, ảnh: QUANG VŨ