"Điểm tựa" vững chắc trên biên giới biển
Với khẩu hiệu “Tất cả vì chủ quyền, an ninh biên giới, vì hạnh phúc của nhân dân”, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh thường xuyên đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển, đảo. Đồng thời, BĐBP tỉnh cũng triển khai nhiều mô hình hay, ý nghĩa nhằm khơi dậy tinh thần của quần chúng nhân dân trong xây dựng thế trận biên phòng gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc.
Lực lượng BĐBP tỉnh tuần tra, kiểm soát các phương tiện ra vào cảng Phú Mỹ để ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép từ đường biển. |
CĂNG MÌNH PHÒNG, CHỐNG DỊCH NƠI BIÊN GIỚI BIỂN
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của BĐBP tỉnh trong gần 2 năm nay là tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng từ đường biển. Từ đầu năm 2020 đến nay, các đơn vị BĐBP tỉnh đã làm thủ tục cho gần 10 ngàn lượt tàu với 20 ngàn lượt thuyền viên, hành khách, trong đó có hơn 1.200 tàu về từ vùng dịch, chưa để xảy ra trường hợp lây nhiễm nào; phát hiện đưa đi cách ly gần 2.000 người, góp phần ngăn chặn hiệu quả dịch COVID-19 từ tuyến biển.
Những ngày qua, tại cảng Cát Lở (phường 11, TP. Vũng Tàu), các cán bộ, chiến sĩ Trạm Biên phòng Cửa khẩu cảng Vũng Tàu tất bật kiểm tra, kiểm soát từng phương tiện ra, vào nhằm ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép. Khi tàu, thuyền cập bến, cán bộ, chiến sĩ lên tàu điểm danh, đối chiếu tên của từng thuyền viên với tên ghi trong danh sách xuất nhập bến đã đăng ký trước đó. Sau đó, các thuyền viên lại được kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu khai báo lịch trình di chuyển và cam kết thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Thiếu tá Vũ Huy Huấn, Đội trưởng Đội Kiểm tra-Giám sát Trạm Biên phòng Cửa khẩu cảng Vũng Tàu cho biết, hàng ngày có hàng trăm phương tiện và người dân ra vào cảng. Nếu lọt qua các cửa sông, cảng biển, những người này dễ dàng tiếp cận nhanh vào đất liền, nguy cơ gây lây lan dịch bệnh trong cộng đồng rất lớn. Do đó, đơn vị đã bố trí 100% quân số, chia thành 3 ca, canh trực 24/24 giờ tại các cảng, cửa sông, đồng thời thường xuyên dùng ca nô tuần tra, kiểm soát, kể cả những ngày nghỉ, lễ, tết, không bỏ sót phương tiện nào.
Tương tự, dọc hơn 176km đường biên giới biển từ Bình Châu đến cửa sông Cái Mép và huyện Côn Đảo, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh ngày đêm canh trực 24/24 tại 40 trạm, chốt nhằm kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào. Đối với hàng hóa nhập khẩu và người nước ngoài ra vào bằng đường biển, BĐBP yêu cầu các đại lý tàu cung cấp bản khai y tế chi tiết từng thuyền viên và các cảng gần nhất tàu ghé qua. Thuyền viên lên bờ phải có giấy phép của lực lượng biên phòng cảng; thực hiện kiểm dịch y tế với tất cả tàu đến từ những vùng có dịch trước khi làm thủ tục nhập cảnh cho tàu; thực hiện cách ly tại tàu đối với thuyền viên nhập cảnh từ vùng có dịch.
ẤM TÌNH QUÂN - DÂN NƠI BIÊN CƯƠNG
Với đặc thù vừa bảo vệ biên giới, vừa xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, BĐBP tỉnh đã triển khai nhiều mô hình hay, tạo được sức lan tỏa và góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn. Điển hình như 12 cơ sở Đoàn trực thuộc BĐBP tỉnh thực hiện mô hình “Hũ gạo tình thương”. Theo đó, mỗi bữa ăn, các đơn vị bớt lại một nắm gạo bỏ vào hũ. Mỗi tháng, các đơn vị tiết kiệm hơn 100kg gạo để tặng người già neo đơn, khuyết tật trên địa bàn đóng quân.
Được Đồn BP Chí Linh hỗ trợ 20kg gạo/tháng, ông Dương Văn Vui (72 tuổi, người già neo đơn ở khu Trại Nhái, phường 12, TP. Vũng Tàu) bày tỏ: “Cảnh già cô đơn, không ai chăm sóc, được mấy chú bộ đội đến thăm, cho gạo thường xuyên khiến tôi rất cảm động và biết ơn”.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình dân vận, ý tưởng và cách làm thiết thực để giúp đỡ người dân, HS khu vực biên giới đã được BĐBP tỉnh thực hiện có hiệu quả như “Tay kéo biên phòng” hàng tháng tổ chức cắt tóc miễn phí cho HS các trường TH trên địa bàn đóng quân; mô hình “Nâng bước em tới trường” vận động cán bộ, chiến sĩ đóng góp mỗi tháng nửa ngày lương để đỡ đầu 48 HS nghèo; chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã bàn giao 4 căn nhà (50 triệu đồng/căn), 1 bộ máy tính trị giá 20 triệu đồng, 62 suất quà và 30 suất học bổng (500 ngàn đồng/suất) cho phụ nữ và con em phụ nữ nghèo.
Từ đầu năm 2020 đến nay, BĐBP tỉnh đã tổ chức 130 buổi tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho 17.307 lượt người dân; quần chúng nhân dân đã cung cấp cho BĐBP 672 nguồn tin, trong đó có 365 nguồn tin có giá trị sử dụng, giúp BĐBP phát hiện, bắt giữ, xử lý 56 vụ với 79 đối tượng buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy; 24 vụ với 33 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại; 6 vụ với 213 đối tượng liên quan đến hoạt động tôn giáo trái phép. |
BĐBP cũng phối hợp với lực lượng công an, chính quyền địa phương thành lập 346 “Tổ tàu thuyền đánh bắt hải sản trên biển” với sự tham gia của 2.350 phương tiện và 22.580 ngư dân. Mỗi chuyến ra khơi, ngư dân trong Tổ tập hợp thành từng nhóm từ 5-10 tàu cùng đi. Sau khi đánh bắt từ 15-20 ngày, các tàu sẽ luân phiên chở hải sản vào bờ để tiêu thụ. Ngoài ra, tàu nào phát hiện ra vùng biển nhiều cá sẽ nhanh chóng thông báo cho nhau tập trung khai thác và đánh bắt. Khi gặp sự cố rủi ro, các tàu sẵn sàng ứng cứu và tương trợ trong khi chờ lực lượng cứu hộ, cứu nạn đến hỗ trợ. “Cách tổ chức đánh bắt theo mô hình trên đã góp phần giảm thời gian di chuyển và tăng thời gian bám biển cho đội tàu, giảm lượng dầu tiêu hao từ 500-900 lít/tàu/chuyến, đồng thời tăng chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau khai thác và tăng lợi nhuận từ 7%-10%”, ông Nguyễn Minh Đức, chủ tàu cá BV1454TS (phường 5, TP. Vũng Tàu) chia sẻ.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Thống, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, dù ở nơi đầu sóng, ngọn gió vẫn còn muôn vàn gian khó, nhưng với niềm tự hào người chiến sĩ “quân hàm xanh”, BĐBP tỉnh vẫn ngày đêm sát cánh cùng ngư dân, trở thành điểm tựa vững chắc để ngư dân vững tin bám biển, vươn khơi và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Bài, ảnh: MINH NHÂN