Khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc phòng, thời gian qua, Bộ CHQS tỉnh cùng các địa phương tích cực điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn trên phạm vi toàn tỉnh, từ đó triển khai rà phá, xử lý để từng bước khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Các chiến sĩ Đại đội Công binh 46 đưa quả bom nặng gần 300kg nằm ở khu vực thôn Trung Thành (xã Quảng Thành, huyện Châu Đức) về kho tại Trung đoàn Minh Đạm chờ xử lý. |
AN TOÀN CHO NGƯỜI DÂN
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, BR-VT là một trong những địa bàn chiến lược quan trọng của khu vực Đông Nam bộ, quân đội Mỹ thường sử dụng để triển khai lực lượng vào chiến trường Nam bộ. Do đó, nơi đây tập trung một lượng lớn về bom, mìn, chất độc hóa học mà Mỹ chưa sử dụng. Do đó, từ sau ngày miền Nam giải phóng, Bộ CHQS tỉnh đã cùng các địa phương tích cực khảo sát, triển khai rà phá, xử lý.
Theo Trung tá Đỗ Văn Đảm, Trợ lý Công binh Bộ CHQS tỉnh, những quả bom, đạn, pháo từ thời chiến tranh thường bị vùi sâu trong lòng đất trên 50 năm rất khó nhận dạng, xác định vị trí nguy hiểm như ngòi nổ, kíp nổ và luôn ở tình trạng chờ nổ, khả năng sát thương lên tới hàng chục mét. Vì vậy quá trình xử lý, tháo gỡ đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải tập trung cao độ trong từng công đoạn.
LLVT tỉnh còn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho người dân về nguy cơ bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, nhờ đó nhiều người khi phát hiện đã tích cực trình báo cho cơ quan chức năng. Ví dụ như trường hợp ông Phạm Văn Long (tổ 13, KP.Tân Hạnh, phường Phú Mỹ, TX.Phú Mỹ). Khi san lấp mặt bằng trồng cây trong vườn, ông phát hiện vật thể lạ nằm ở độ sâu gần 2m tại khu vực núi Thị Vải và trình báo ngay cơ quan chức năng. Nhận tin báo, Ban CHQS phường Phú Mỹ đã khoanh vùng cảnh báo và báo lên Ban CHQS TX.Phú Mỹ để tiến hành kiểm định. Sau khi xác định chính xác đây là quả bom phá của Mỹ từ thời chiến tranh còn sót lại, Đại đội Công binh 46 đã điều động lực lượng xử lý quả bom an toàn và vận chuyển về kho tạm chứa bom, mìn, đạn dược của Bộ CHQS tỉnh tại Trung đoàn Minh Đạm để chờ tiêu hủy.
Hiện nay, diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn tại Việt Nam khoảng 6,1 triệu ha, chiếm 18,71% tổng diện tích đất tự nhiên cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ vẫn còn nằm rải rác tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Riêng trên địa bàn tỉnh BR-VT có đến 21,67% diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn, chủ yếu tập trung nhiều ở những nơi trước đây có căn cứ của địch và các khu vực diễn ra các trận đánh ác liệt như: xã Tân Lâm, Bàu Lâm, Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), xã Láng Dài, Long Tân, Lộc An (huyện Đất Đỏ), phường Phước Hòa, xã Sông Xoài (TX.Phú Mỹ).
|
KHÔNG CHỦ QUAN VỚI BOM, MÌN
Trung tá Đỗ Mạnh Tứ, Trưởng Ban Công binh Bộ CHQS tỉnh cho biết, công tác rà phá, thu gom, xử lý bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh là công việc rất nguy hiểm, không cho phép rút kinh nghiệm nếu để xảy ra sai sót, mất an toàn nên cán bộ, chiến sĩ làm công tác này phải được huấn luyện thuần thục, sát thực tiễn. Theo đó, hàng năm, đơn vị đều tổ chức lựa chọn tiểu đội trưởng và chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, gan dạ, dũng cảm để thành lập đội dò tìm và xử lý các loại bom, mìn, khắc phục vật liệu nổ; tổ chức huấn luyện chuyên sâu về quy trình thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, trước khi rà phá, xử lý bom mìn, đơn vị phối hợp chặt chẽ với những cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành khảo sát kỹ địa hình, thời tiết, đặc điểm dân cư… để bảo đảm an toàn về mọi mặt.
Theo Bộ CHQS tỉnh, mỗi khi tháo gỡ thành công, số bom, mìn, đạn, pháo và vật liệu nổ đều được bảo quản cẩn thận ở kho tạm chứa tại Trung đoàn Minh Đạm, sau đó tiến hành đem đi tiêu hủy tại Trường bắn Quốc gia khu vực 3 (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) vào tháng 12 hằng năm.
Từ năm 2016 đến nay, Ban Công binh và Phòng Kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh đã gỡ bỏ và tiêu hủy thành công 27,5 tấn bom, mìn, đạn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, bảo đảm môi trường cho nhân dân yên tâm làm ăn, sinh sống; phối hợp với Sở TN-MT cất bốc, tiêu hủy, làm sạch 100% khu vực bị nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, Long Điền và Đất Đỏ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh cơ bản không còn chất độc hóa học do chiến tranh để lại. |
“Mặc dù thời gian qua, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra sự cố đáng tiếc nào liên quan đến vật liệu nổ tồn đọng sau chiến tranh. Tuy nhiên không phải vì thế mà các cơ quan, tổ chức, DN và mỗi người dân chủ quan, xem nhẹ. Do đó khi phát hiện vật nổ, một trong những yêu cầu đặt ra là người dân phải giữ nguyên hiện trường, đồng thời thông báo ngay với chính quyền địa phương nơi gần nhất để phối hợp tháo gỡ, tiêu hủy an toàn. Ngoài ra, trước khi xây dựng công trình, dự án trên các khu đất trống, DN, cơ sở liên hệ với Bộ CHQS tỉnh để được hướng dẫn quy trình tiến hành rà soát xem có bom mìn, vật nổ ở phía dưới hay không để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện”, Đại tá Nguyễn Tâm Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cảnh báo.
Bài, ảnh: MINH NHÂN